sách đẹp vãi, nhìn đã mê rồi

- Mọi người có thể đọc phần 1 ở đây: https://spiderum.com/bai-dang/Ban-ve-doc-sach-phan-1-ovb


1. Sách điện tử sẽ không bao giờ thay thế được sách giấy
Quy luật bất biến của vũ trụ đó là cái gì càng phát triển thì lại càng trở về giống như lúc ban đầu. Đây không phải chỉ là cảm nhận của riêng cá nhân tôi mà đã được chứng minh bởi các nhà khoa học vì khi đọc trên các thiết bị điện tử sẽ không thể nào tập trung tốt khi bạn đọc sách giấy được. Vả lại, cảm giác được sở hữu một cuốn sách là một điều tuyệt vời, cầm cuốn sách trên tay và hít cái mùi hương của trang giấy, lật qua lật lại từng trang, sách điện tử sẽ chẳng bao giờ làm được điều này. Đừng so sánh hoa giả với hoa thật, chúng chỉ bền hơn thôi chứ chẳng bao giờ đẹp hơn. Các số liệu gần đây đã cho thấy rằng sách điện tử đang thoái trào còn sách giấy thì vẫn cứ tăng trưởng suốt.
Bạn biết rằng bạn đã đọc một cuốn sách hay khi bạn giở đến trang cuối cùng và cảm thấy như mình vừa chia tay một người bạn. - Khuyết danh
 
2. Đừng bắt ép người khác đọc sách
Tôi từng mang hai cuốn Đắc Nhân Tâm và Quảng gánh lo đi mà vui sống của Dale Carnegie rồi bảo bố mẹ đọc, mấy tháng liền để đó mà bố mẹ chẳng đọc. Khi chị gái tôi sinh con, tôi mua mấy cuốn về giáo dục để hai anh chị đọc, vậy mà chỉ lướt qua vài trang rồi vứt đấy. Tôi thì chẳng có con nhưng đọc liền 3 cuốn trong 1 ngày. Hay tuyệt. Sau này khi nào có con nhất định phải đi mua thêm vài cuốn để đọc. Bạn chưa có con cũng nên đọc vì những nguyên tắc ứng xử, dạy dỗ trẻ con cũng sẽ giúp ích rất nhiều vào cuộc sống. Hồi còn là sinh viên, có mấy đứa bạn mượn sách về nhưng chúng nó không đọc, đòi lại thì nó cũng không trả, từ đó tôi nhận ra một điều, việc ép người khác đọc sách là điều không thể.
 
3. Sách là trang sức đẹp nhất của trí tuệ 
Một chiếc điện thoại mới sắp ra mắt và bạn rất muốn mua nó? Bạn phải mua bằng được. Bạn mua được chiếc điện thoại ấy. Rồi sao nữa? Năm sau sẽ lại có một mẫu mới và bạn lại muốn mua chúng? Bạn phải mua bằng được? Bạn mua. Rồi sao nữa? Bạn nghèo kiết xác. Những sản phẩm công nghệ bị thay thế liên tục vậy còn những cuốn sách thì sao? Sherlock Holmes được xuất bản lần đầu năm 1891. Những tác phẩm như Thuỷ hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, được viết cách đây hàng trăm năm. Cuốn theo chiều gió xuất bản năm 1936, Những người khốn khổ xuất bản năm 1862 và còn hàng trăm cuốn sách khác nữa…. 

đọc sách cũng cần phải gợi cảm như này
Tại sao những chiếc điện thoại bị thay thế liên tục thì được tung hô còn những cuốn sách trường tồn cùng thời gian lại không? Tại sao bạn lại chạy theo một vài món đồ công nghệ, chạy theo một vài mẫu thời trang mà quên đi những thứ giá trị như sách. Bởi vì bạn là một người bình thường. Những người phi thường họ chạy theo sách, chứ không chạy theo những thứ phù phiếm nay nổi mai tàn. Bạn cứ chạy theo những món đồ công nghệ, những mẫu quần áo mới đi, tôi sẽ chạy theo sách. Để rồi xem ai sẽ hơn ai. Muốn nhảy xa thì phải lấy đà. Tôi lấy đà, tôi sẽ nhảy sau bạn, nhưng nhất định sẽ nhảy xa hơn bạn.

4. Có nên đọc lại một cuốn sách hay không
Cuốn sách nào không đáng đọc hai lần thì cũng chẳng đáng đọc một lần – C.VÊ-BE.
Có nên đọc lại hay không phụ thuộc vào đó là cuốn sách như thế nào và mục đích đọc lại cuốn sách đó của bạn là gì. Tôi rất ít khi đọc lại những tác phẩm văn học vì chúng là một câu chuyện có thể tóm tắt được. Tuy nhiên đối với rất nhiều cuốn sách khác thì rất cần phải đọc lại, thậm chí là phải đọc lại nhiều lần. 
Sách không cần nhiều mà cần chất lượng, đọc lại để hiểu thêm chứ không phải đọc lại để giết thời gian, khi đọc lại cần kết hợp với phản biện nữa chứ không chỉ đơn giản là đọc cho hết chữ, dẫu sao đọc lại một cuốn sách thật sự hay sẽ luôn có những điều thú vị. Thời gian gần đây tôi đã ngừng mua sách mà tập trung vào đọc lại những cuốn sách mình đang có. Rất nhiều cuốn mua đã lâu rồi mà vẫn chưa đọc, có nhiều cuốn đọc rồi nhưng thấy vẫn chưa hiểu rõ lắm, và ngồi đọc lại thấy còn hay hơn cả lần đầu.

5. Đọc sách ở đâu là thích hợp nhất
Không cần phải có thời điểm và địa điểm đúng để đọc sách. Khi tâm trạng muốn đọc tới, ta có thể đọc ở bất cứ đâu. - Lâm Ngữ Đường
Khi đọc sách cần một sự tập trung rất cao. Bạn sẽ không thể có được điều đó nếu như đọc sách ở một nơi quá ồn ào, quá nóng hay quá lạnh… Hãy chọn một địa điểm thích hợp, một nơi yên tĩnh để thưởng thức một cuốn sách. Một tư thế ngồi thoải mái cũng rất quan trọng, bạn có thể ngồi trên bàn, hay một góc nhỏ nào đó nhưng phải có chỗ tựa lưng rồi đọc rất say sưa. Một tư thế thoải mái nhất, trong điều kiện thích hợp nhất sẽ giúp bạn đọc sách hiệu quả nhất, khi cảm thấy tâm trí trống rỗng thì chớ nên đọc sách làm gì, vì khi đó đọc cũng như không, quan trọng nhất là tâm trí phải tĩnh lặng, thì mới có thể hiểu được nội dung của cuốn sách.

tiêu đề chất :))

6. Dù trong hoàn cảnh nào sách luôn trung thành
Sách là người bạn chân chính và sáng suốt. Nó chỉ cho bạn con đường đúng đắn,nó giữ cho bạn khỏi bị lầm lạc. Nếu một ngày nào đó bạn thành công, hãy nên cảm ơn những cuốn sách mà bạn từng đọc. Nếu thất bại, thì những cuốn sách vẫn luôn còn ở đó, chúng không thay đổi nội dung, cũng không rời bỏ bạn trừ khi bạn vứt bỏ chúng. Lòng trung thành là một thứ xa xỉ mà đôi khi dùng rất nhiều tiền cũng không thể mua được. Sách mang đến cho bạn tri thức và sách luôn trung thành với bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa.
 
7. Đọc sách với hai luồng suy nghĩ song song
Nghe thì có vẻ nguy hiểm nhưng ý mình chỉ đơn giản muốn nói là hãy đọc sách bằng cả mắt lẫn não, cũng như nghe bằng cả hai tai, đừng vội tin vào những điều tác giả viết và cũng đừng phủ nhận hoàn toàn. Sau nhiều năm đọc sách thì mình nhận thấy chẳng có chuyện gì là hoàn toàn đúng hay sai cả, thứ duy nhất tồn tại là quan điểm cá nhân, vậy nên chúng ta hãy lựa chọn những thứ phù hợp với mình, đừng có cố ép người khác nghĩ theo cách của mình, đó là điều rất khó, đôi khi là không thể làm được.
 
8. Đọc lộn xộn
Sáng đọc sách về kinh tế, chiều đọc sách về triết học, tối lại đọc về tôn giáo. Đọc lộn xộn nhưng tư duy không lộn xộn. Đọc nhiều lĩnh vực nhưng phải biết so sánh, phân tích, tổng hợp sự giống và khác, cái hay cái dở, tinh hoa của mỗi lĩnh vực, đó là điểm mấu chốt của phương pháp đọc lộn xộn. Chân lý là đỉnh của kim tự tháp, ngưởi hướng Tây chẳng biết đến bình minh, người ở phương Đông không biết tới hoàng hôn, người phương Nam chẳng biết đến người phương Bắc, mỗi người sẽ xuất phát ở những điểm khác nhau nhưng càng lên cao chúng ta lại càng gần, gần hơn và khi đạt đến chân lý, thì mọi điểm hoà chung làm một, khi đó ánh sáng sẽ soi rọi đến tất cả mọi nơi và sẽ không còn sự phân biệt, hay so sánh nữa.

9. Vừa đọc vừa dạy
Chúng ta đều biết truyền dạy kiến thức cho ai đó là cách tốt nhất là ghi nhớ kiến thức vậy nên khi đọc sách, bất cứ khi hiểu ra một vấn đề nào đó thật sự hay tôi sẽ tưởng tượng ta mình là một người thầy đứng trên bục và bên dưới có hàng ngàn học trò đang chăm chú lắng nghe, hoặc có thể đó là một bạn gái rất xinh đẹp cũng chẳng sao, bạn có thể tưởng tượng ra bất cứ ai tạo cho bạn hứng khởi là được. Tôi sẽ gấp cuốn sách đang đọc lại, hoặc vẫn cứ đọc tiếp và say sưa giảng giải về vấn đề mình vừa hiểu được cho đến khi cạn kiến thức thì thôi. Thường thì cứ giảng vấn đề này tôi lại phải lục lọi kiến thức của những lĩnh vực khác, thành ra có sự xâu chuỗi và liên kết nhiều lĩnh vực lại với nhau, thật sự là rất tuyệt. Tôi đã áp dụng điều này vào việc đọc sách từ lâu, và thấy nó khá hiệu quả nhưng chẳng hiểu tại sao, ban đầu tôi nghĩ chắc nó chỉ hợp với mình nhưng gần đây mới biết là việc truyền dạy kiến thức cho người khác sẽ giúp ta nhớ kiến lâu hơn, hóa ra nó lại khoa học đến không ngờ.
 
10. Đọc sách nền tảng
Khi nhắc đến một loài cây nào đó, chúng ta thường nghĩ đến hoa, đến quả chứ ít ai nghĩ đến rễ. Khi nhìn một ngôi nhà chúng ta thường để ý kiến trúc, màu sơn, nội thất, ít ai để ý đến nền móng của ngôi nhà. Nhưng không có móng thì không xây nên được ngôi nhà ấy. Không có rễ thì cây sao có thể ra hoa, kết trái được. Kiến thức nền tảng cũng vậy. Móng không vững thì nhà xây cao là sập. Rễ không sâu, cây cũng không thể phát triển. Kiến thức nền tảng mà không chắc thì càng học lại càng ngu, càng mơ hồ và thất bại đã nằm sẵn ở phía trước. 
Học kiến thức nền tảng thường rất khô khan và nhàm chán, đọc sách nền tảng cũng vậy như cái rễ cây thường xấu, lấm lem bùn đất, móng nhà không thể sơn, lại luôn ẩn sâu dưới lòng đất. Nhưng nếu thực sự muốn tiến xa trên con đường tri thức thì nhất định phải học ch kỹ kiến thức nền tảng, nó sẽ ẩn sâu bên dưới nhưng lại là thứ quan trọng nhất. Abraham Licoln từng nói: – Nếu cho tôi 6 tiếng để chặt một cái cây, tôi sẽ dùng 4 tiếng để mài rìu. Vậy nên nếu bạn muốn nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó, hãy dành ¾ thời gian để chuẩn bị, để học về kiến thức nền tảng của lĩnh vực ấy, chỉ có như vậy thì mới có thể tiến xa được mà thôi.
 

có những ngày, chỉ cần thế là đủ


11. Đánh chắc, thắng chắc
Trận Điên Biên Phủ năm 1954 là ví dụ tiêu biểu cho câu nói này. Đã đánh là phải thắng, không thắng quyết không đánh. Kéo pháo vào đến nơi, chuẩn bị tấn công rồi lại kéo ra vì đánh vậy không chắc thắng. Cuộc đời vốn ngắn ngủi vậy nên đừng lãng phí thời gian của mình cho những cuốn sách rác rưởi, nếu đọc chúng bạn cũng sẽ chỉ là những thứ rác rưởi sống một cuộc đời tầm thường mà thôi. Trong việc đọc sách: Đã đọc là phải hiểu, không hiểu quyết không đọc. Đã đọc là phải tăng và không làm sai lệch tư duy. Không tăng, hoặc làm sai lệch tư duy thì quyết không đọc. Có hai cách đọc: Đọc nhanh và Đọc hiểu. Lấy đọc hiểu làm gốc. Trước phải đọc hiểu rồi mới đến đọc nhanh. Mục tiêu đặt ra là đọc nhanh nhưng vẫn có thể hiểu rõ, hiểu sâu. Cần biết phân biệt nội dung nào cần đọc nhanh, nội dung nào cần đọc hiểu. Làm được như vậy là thành công trong việc đọc sách. Cuộc đời con người rất ngắn, chúng ta không thể đọc quá nhiều, cũng không thể đọc hết sách hay trên thế gian này được vì vậy hãy đọc những cuốn sách thật sự đáng giá và phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh của mình, đừng có thấy người ta khuyên gì cũng đọc theo, làm thế là sai lầm lớn đấy.

Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn. - Barack Obama
 
12. Những điều nên tránh khi đọc sách
- Khi biết rằng những vĩ nhân đọc đến hàng nghìn cuốn sách tôi đã rất ngưỡng mộ và cũng đặt mục tiêu mình phải đọc được số lượng sách như thế. Tôi lập ra một danh sách những cuốn sách đã đọc và thấy rất tự hào vì điều đó. Tôi đọc mọi lúc, mọi nơi đọc lướt qua rất nhiều cuốn sách chỉ để tăng số lượng của danh sách ấy. Sau một thời gian tôi thấy rằng đó quả là một sai lầm khủng khiếp. Chạy theo số lượng mà tôi quên mất rằng hiểu thấu một cuốn sách giá trị hơn nhiều đọc lướt qua cả trăm cuốn mà chẳng hiểu gì, hy vọng bạn sẽ không đi theo vết xe đổ ấy một lần nữa.

- Đừng có chỉ mua sách khi thấy nó đắt hay rẻ. Giá trị thật sự của một cuốn sách nằm ở những kiến thức bên trong nó chứ không nằm ở giá tiền phía sau, nếu sách mà bán theo lượng kiến thức truyền tải thì rất nhiều cuốn sẽ có giá tiền âm

- Đừng cố gắng ghi nhớ từng câu chữ của cuốn sách, đó là điều không thể và cũng không nên làm. Hiểu nội dung tổng thể, tư tưởng mà tác giả muốn truyền đạt của cuốn sách mới là điều quan trọng. Và cách đọc sách tốt nhất đó là quên những gì đã đọc đi và hãy nhớ lại theo cách của riêng mình..

– Tôi từng thử xem mình đọc nhanh đến đâu bằng cách vừa đọc sách vừa bấm thời gian. Thế nhưng việc này khiến tôi không thể nào tập trung được, tôi xem điện thoại liên tục và cảm thấy hơi bị áp lực khi đọc. Có lẽ không chỉ bản thân tôi mà nhiều người đọc sách cũng bị điều này, chúng ta thường để ý vào số trang mà quên mất nội dung của cuốn sách, cảm thấy hơi khó chịu với tốc độ đọc của chính mình “Sao đọc mãi mà vẫn còn nhiều trang thế”. Cách giải quyết tốt nhất là hãy tập trung vào nội dung của cuốn sách và đừng để ý đến số trang, hoặc bạn có thể đặt riêng những cuốn sách không có trang, kiểu như đi photo rồi về đọc ý =))).

– Một con ếch sống trong đáy giếng dù đọc bao nhiêu cuốn sách thì bầu trời cũng chẳng rộng lớn hơn. Ngồi đọc sách mà không chịu làm gì sẽ chẳng giúp được bạn nhiều đâu., bạn sẽ mãi chỉ là một kẻ mọt sách, nói những lời sáo rỗng mà thôi. Sách chỉ cung cấp cho chúng ta phương pháp, kinh nghiệm, những lý lẽ dẫn chứng còn việc thực hiện những phương pháp ấy ra sao thì phụ thuộc vào chính bạn.

– Khi đọc đến những trang gần cuối chúng ta thường vội vàng, đọc nhanh để kết thúc cuốn sách vô tình bỏ qua mất những tư tưởng quan trọng mà tác giả muốn truyền đạt. Khi đọc đến những dòng chữ cuối cùng thì lại thấy tiếc nuối, vội vàng đọc lại, nhưng  lại thấy rất lộn xộn và khó hiểu. Hãy đọc kỹ từng chữ, đừng vội vàng, đó là lý do đọc sách giúp chúng ta rèn luyện chúng ta tính kiên nhẫn.

13. Những điều nên làm khi đọc sách: 
- Tóm tắt lại kiến thức mà mình nhận được sau khi đọc xong một cuốn sách là điều rất quan trọng. Trong qua trình đọc bạn cần kỹ năng phân tích, sau khi đọc xong thì cần đến kĩ năng tổng hợp lại những kiến thức. Hãy so sánh nội dung trong cuốn sách ấy với thực tế, với ý kiến của chính bạn hay của cuốn sác đó với những cuốn sách khác. Khi hiểu được nội dung và thông điệp mà tác giả muốn truyền tải bạn nên mở rộng những ví dụ khác nhau để biến kiến thức trong cuốn sách ấy thành của riêng mình, như vậy sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn rất nhiều. Khi đọc xong một cuốn sách, tôi thường xem lại phần mục lục, nhìn vào cách ý chính và tự phân tích những ý chính theo cách của hiểu của mình, nếu có chương nào chưa hiểu thì lại giở ra đọc lại và phân tích tiếp, làm như cho đến khi hiểu hết được tất cả các ý chính thì kết thúc việc đọc sách.

- Bill Gate có một nguyên tắc khi đọc sách đó là đã đọc thì sẽ đọc đến hết, nếu không thể đọc đến hết thì không nên đọc.

- Đọc sách với nến, cái này thì do thói quen hồi nhỏ chỗ nhà tôi hay mất điện, khi có thì điện cũng rất rất yếu, chập chờn đau cả mắt thế nên có thói quen thắp nến để học. Sau này thỉnh thoảng vẫn thắp nếp để đọc sách và thấy tập trung khá tốt, cũng không lý giải được tại sao, nếu thấy hứng thú bạn có thể thử. Đợt vừa rồi có đọc hết bộ Bão Táp Triều Trần của bác Hoàng Quốc Hải hoàn toàn bằng nến, thú vị phết :D

– Chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách là một điều rất quan trọng. Tại sao cùng là một cuốn sách với nội dung như vậy, nhưng mỗi người lại có cách hiểu, cách nhìn nhận vấn đề theo những cách khác nhau? Sự chia sẻ giúp bạn tìm ra được những điểm mới trong cuốn sách mà vô tình bạn chưa thể cảm nhận hết được. Đó là quan điểm của người khác, bạn có thể thấy đúng hoặc sai tuỳ vào suy nghĩ của chính bạn nhưng việc học hỏi như vậy rất quan trọng. Chia sẻ hoặc dạy cho người khác những điều chúng ta đã biết cũng chính là một cách để chúng ta học lại những kiến thức ấy thêm một lần nữa. 

Không có chuyện hai người cùng đọc một cuốn sách giống nhau – Edmund Wilson.
– Đọc một mạch hết luôn một cuốn sách hay đọc mỗi ngày một ít để hiểu và cảm nhận dần dần? Đây là một câu hỏi khó và bạn hãy quyết định khi đọc được nội dung của cuốn sách. Nếu cảm thấy quá khó hiểu bạn nên dừng lại ngẫm nghĩ rồi để đó, qua một vài ngày lại lấy ra đọc tiếp. Nếu sách chỉ là kể lại một câu chuyện thì hãy cứ đọc hết luôn cũng được rồi tóm tắt lại theo những ý chính, theo ý kiến cá nhân của chính bạn là được.

– Đọc sách thực chất là trò chuyện cùng tác giả, hãy biến cuộc trò chuyện ấy thành một cuộc tranh luận vui vẻ nhất nếu có thể, vì nếu như gặp mặt tác giả ngoài đời thật, họ sẽ chẳng nói chuyện thú vị đến thế đâu.

Hai mươi năm đèn sách.
Không danh cũng chẳng phận.
Nhành hoa bay trong gió.
Biết sẽ về nơi đâu?

– Đọc ngàn trang sách, suy ngẫm nhiều năm, viết trăm dòng chữ tự vấn đúng sai?

– Việc đọc sách có thể tóm gọn lại trong mấy câu sau: Đọc thật nhiều, hiểu thật kỹ, quên thật sạch và áp dụng thật tốt.


bạn đã từng đắm chìm vào thế giới ấy?

14. Đôi lời về đọc sách

– NẾU MUỐN LÀM BẠN VỚI TÔI, HÃY TẶNG TÔI MỘT CUỐN SÁCH.

- Nếu tôi chết, đừng đốt cho tôi nhà lầu xe hơi, hãy đốt cho tôi những cuốn sách thật đẹp, thật đáng giá.

- Có một cách đọc sách rất tốt đó là hãy bắt đầu viết một cuốn sách.

- Sách là chiếc chìa khoá mở cánh cửa bước vào bên trong chính con người bạn.

– Tôi chẳng có chiếc gối nào thật sự vì thế tôi lấy sách để làm gối đầu, và quả thật chúng là những chiếc gối êm ái nhất mà tôi từng biết. Chẳng có mùi thơm nào dễ chịu hơn mùi của những trang giấy mới, tôi yêu chúng đến phát điên lên được.

– Rất nhiều kẻ học thêm kiến thức mới với mục đích để đi cãi nhau, để chứng minh là mình giỏi hơn người khác chứ không phải là để nâng cao trình độ của bản thân hay là vì mục đích nào khác. Sẽ chẳng có ai thắng và ai thua cả vì suy cho cùng thì kiến thức là chung của nhân loại chứ chẳng phải của riêng cá nhân, hay bố con thằng nào hết, sự thật là như vậy.

– Sách có cuốn dày cuốn mỏng, có cuốn đắt cuốn rẻ, tác giả khác nhau, vậy giá trị thật sự của chúng nằm ở đâu trong những thứ ấy. Đừng bao giờ đi tìm câu trả lời vì vốn dĩ câu trả lời cho chuyện này là không có và không thể, nhưng cũng chính điều này tạo nên sức hấp dẫn của sách suốt hàng ngàn năm qua và cho tới muôn đời sau.

– Đọc sách không phải là trúng xổ số mà là xây một tòa tháp cao từ những viên gạch nhỏ.

– Đọc sách đến đâu thì cảnh vật hiện ra đến đó, rõ ràng và chân thực. Mỗi một chữ tựa như một bước chân khám phá cái thế giới kỳ ảo ấy, đẹp đẽ và rất bình yên.

– Rất nhiều kẻ viết sách chỉ để chứng minh một điều rằng: Tôi là một thằng ngu. Nhưng đó chưa phải là điều cuối cùng, vẫn có những kẻ mua chúng, đọc rồi ngợi khen cho ta thấy một điều rằng: Có nhiều kẻ còn ngu hơn người viết rất rất nhiều.

– Nếu bắt tôi ngừng đọc sách, ngừng học tập thì thà giết tôi đi còn hơn, vì khi đó cuộc sống với tôi chẳng còn một chút ý nghĩa nào nữa.

– Chữ và nghĩa vừa riêng mà cũng vừa chung. Những kẻ ngu dốt chỉ đọc chữ, người khôn ngoan thì đọc nghĩa. Đọc hết chữ thì dễ, đọc hết nghĩa thì vô tận.

– Nếu sách mà tính giá bán theo lượng kiến thức truyền tải thì rất nhiều cuốn sẽ có giá âm.

– Dịch sách là công việc như thế nào? Đó là việc viết lại cuốn sách ấy, thêm một lần nữa

– Bệnh việc lúc nào cũng đông đúc, còn hiệu sách lúc nào cũng vắng vẻ.

– Đọc được một dòng chữ có thể mất vài giây nhưng để viết được một dòng như vậy, có khi phải mất cả đời.

– Kiếm tiền sẽ giúp bạn mua được những thứ bán bằng tiền, đọc sách sẽ giúp bạn mua được cả thế giới.

– Nếu học thuộc lòng từng câu từng chữ mà có thể hiểu hết nội dung của một cuốn sách thì “con vẹt” sẽ là nhà thông thái vĩ đại của nhân loại.

– Càng học nhiều lại càng cảm thấy mình ngu đi, biết ít hơn, và từ đó khiêm tốn hơn trước. Nếu học nhiều mà cho rằng mình thông minh hơn, biết nhiều hơn thì bạn đang lạc lối rồi đấy.

– Cách đọc sách tốt nhất là lãng quên tất cả những gì đã đọc.

– Bạn giàu nên đi du lịch bằng máy bay, tôi nghèo nên đi bằng sách vở.

– Bạn đọc sách bằng mắt thường, tôi đọc bằng trí tuệ.

– Bạn mua sách bằng tiền, tôi mua sách bằng cả trái tim mình.

– Bạn bảo quản sách bằng tủ kính, tôi bảo quản bằng bộ não.

– Bạn cho người khác mượn sách, tôi thì nhất quyết nói không.

– Bạn tặng sách cho người khác một cách dễ dàng, tôi thà đốt những cuốn sách ấy rồi ngắm nhìn ngọn lửa và cười thật lớn còn hơn là phải trao chúng cho những kẻ ngu dốt, những kẻ không xứng đáng.

– Bạn thấy trong sách có chữ, tôi không thấy chữ, tôi thấy máu, nước mắt và cả những giọt mồ hôi của tác giả, của tất cả mọi người.

– Bạn đọc sách để tìm niềm vui, tôi đọc sách để đi tìm tri kỷ, để mở cánh cửa bước vào bên trong chính mình.

– Bạn thấy sách thật nhiều, tôi thấy sách thật là ít.

– Bạn thấy sách thật đắt, tôi thấy chúng vô giá.

– Bạn mua sách về khoe, tôi mua sách làm quà để tặng cho chính mình.

– Bạn đọc sách cốt là nhớ lấy nhiều, tôi đọc để lãng quên, quên hết, quên hết tất cả những gì đã đọc chứ chẳng nhớ để làm gì.

– Bạn sưu tầm sách để lấy số lượng, tôi thì không có được cái thú vui ấy, tôi được chọn.

– Bạn đọc nhanh đọc chậm, đọc bằng phương pháp này kia, tôi đọc hiểu và chỉ cần như vậy là đủ.

– Bạn đọc những cuốn người khác hay đọc, tôi đọc những cuốn không ai đọc, đó mới thực sự là những cuốn sách có giá trị và tôi không quan lắm đến việc người khác đọc gì, tôi quan tâm xem mình nên đọc cuốn gì thì hơn.

– Bạn tìm thấy gì trong sách, tôi thấy chính mình.

– Bạn đọc sách để làm gì? Tôi đọc để chữa bệnh đau đầu, đó là căn bệnh mà có lẽ chỉ ít người mắc phải.

– Bạn viết sách để bán được nhiều, tôi viết để bán cho những người thực sự hiểu những điều mình viết tôi thà không xuất bản chúng còn hơn là xuất bản rồi lại chẳng có ai hiểu được những điều mà mình viết.

Do có quá nhiều khác biệt như vậy nên cô đơn là điều không thể nào tránh khỏi, nỗi cô đơn đã đeo đẳng kẻ đáng thương này suốt bao năm qua. Ôi thông minh tuyệt đỉnh, tài trí hơn người thì có hạnh phúc gì đâu, có hạnh phúc gì đâu.


NẾU MUỐN LÀM BẠN VỚI TÔI HÃY TẶNG TÔI MỘT CUỐN SÁCH
Phổ Yên – Thái Nguyên
22/7/2017