Bàn luận về "Người vợ cuối cùng" - Victor Vũ
Cảm nhận của mình về bộ phim "Người vợ cuối cùng". Rất mong bạn đọc có thể nêu ý kiến của mình ở phần bình luận.
Ra mắt vào 3/11/2023, “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ được kì vọng là một làn gió mới trong thị trường phim ảnh Việt Nam, thoát ly khỏi những phim hài nhảm hay loại phim điện ảnh ăn sổi khác.
Mình khá bất ngờ khi thấy đạo diễn Victor Vũ chọn thể loại phim cổ trang như thế này bởi sở trường của Victor Vũ là những bộ phim mang hơi hước kinh dị, giật gân. “Người vợ cuối cùng” có thể là phép thử để Victor Vũ có thể bước ra vùng an toàn của mình, thoát khỏi lối làm phim cũ. Để lí giải cho điều này, Victor Vũ cũng đã chia sẻ trong Podcast mới nhất với Thùy Minh rằng:
“...Còn dẫn đến Người vợ cuối cùng. Cái lạ ở đây là đầu tiên Victor thích tác phẩm này là tại vì nó thuộc tâm linh. trinh thám. Thể loại Victor rất thích nhưng khi chuyển thể, trong thời gian đang phát triển thì Victor nhận ra cái cách kể câu chuyện này tốt nhất, thú vị nhất không phải là theo li kì, trinh thám mà là drama, chính kịch với yếu tố li kì. Tại vì yếu tố mạnh nhất trong câu chuyện này là tình cảm, tâm lí của hai nhân vật Linh và Nhân, một tình yêu dang dở và những mâu thuẫn, những xung đột họ phải chịu khi họ quyết định đến với nhau. Victor lại nghĩ là yếu tố trinh thám hay tâm linh mặc dù rất giật gân nhưng lại không đi thẳng vào vấn đề của mình, nó lại không có giúp mình đến gần hơn với thông điệp chính, cái mà Victor nghĩ mang lại nhiều ý nghĩa cho khán giả hơn”
Mô típ trong “Người vợ cuối cùng” khá đơn giản, đó là câu chuyện tình yêu giữa Linh và Nhân. Linh là một cô gái xinh đẹp, bị ép gả vào làm vợ lẽ quan tri huyện Đức Trọng. Trong một lần gặp lại Nhân, hi vọng về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc trong cô lại trỗi dậy…Về sau là câu chuyện đấu tranh để đến với nhau của cặp tình nhân trẻ.
Do trọng tâm của bài viết không phải là tóm tắt nội dung phim nên mình sẽ viết gọn nhất có thể. Mong bạn đọc thông cảm!
Điểm cộng
Điểm cộng lớn nhất của bộ phim phim là hình ảnh. Bối cảnh làng quê với núi non hùng vĩ được tô điểm hết sức công phu, bắt mắt. Màu phim đẹp, biến chuyển với tâm trạng của nhân vật, các tông màu lạnh và nóng được xoay chuyển luân phiên để thể hiện nỗi buồn hay niềm vui của nhân vật. Các góc quay nịnh mắt, tái hiện tốt khung cảnh làng quê Bắc Bộ bên cạnh hồ Ba Bể tuyệt đẹp, ekip làm phim còn kỳ công trong công tác thiết lập bối cảnh, kiến trúc nhà cửa hay trang phục được đầu tư rất chỉn chu, tạo thiện cảm lớn cho khán giả.
Các hoạt động xuyên suốt bộ phim cũng rất đa dạng như cảnh múa rối hay không khí chợ búa, các hoạt động trong nhà quan được khắc họa rất tốt phá bỏ lối tả giả trân trong những phim Việt cổ trang trước đó.
Xuyên suốt bộ phim ta chỉ được thấy nhân vật hoạt động trong ba khu vực đó là tư dinh của quan tri huyện; Làng Cua Ngộp; Khu chợ. Việc cô lập hoàn toàn các khu vực này đã tạo nên chất riêng, màu sắc riêng cho từng khung đoạn. Mỗi khu vực lại thực hiện một chức năng khác nhau như khu chợ là nơi gắn kết đôi tình nhân trẻ. Còn ở tư dinh của quan tri huyện là nơi Linh bị áp bức bởi cả quan tri huyện và Bà Cả và ở Làng Cua Ngộp là nơi Linh được sống yên bình với cha mẹ và với cả Nhân - Người cô yêu.
Việc không cố gắng thể hiện bối cảnh miền bắc phong kiến một cách tổng quát bằng những cảnh quay rộng quy mô mà chỉ tập trung vào ba khu vực đã phát huy tác dụng rất lớn, vừa có thể quy định hành vi của nhân vật trong từng khu vực lại có thể loại được rất nhiều hành động thừa thãi như việc di chuyển giữa từng khu vực.
Dàn nhân vật trong bộ phim đồng đều, biết bổ trợ cho nhau tạo nên tổng hòa một bộ phim dễ hiểu, dễ đi vào tâm trí khán giả. Quang Thắng, Kim Oanh là hai nghệ sĩ ưu tú của sân khấu kịch hay truyền hình miền Bắc và các diễn viên trẻ như Thuận Nguyễn, Kaity Nguyễn cũng làm rất tốt phần việc của mình. Các nhân vật của NSUT Quang Thắng và Kim Oanh thủ vai thể hiện rõ nét tinh thần cũng như tính cách của dân miền Bắc lúc bấy giờ. Còn về phía các diễn viên trẻ Kaity Nguyễn đã làm rất tốt phần việc của mình, đáng tiền nhất phải kể đến những cảnh nội tâm của nhân vật Linh. Mỗi nhân vật đều có màu sắc của riêng mình đủ để gây ấn tượng với khán giả tới tận cuối phim, với mình thì đó là bà Cả, Linh và ông thầy đề.
Điểm trừ
Đầu tiên, phải nói đến cốt truyện. Theo cảm quan cá nhân mình thấy mạch truyện xuyên suốt bộ phim rất ổn định, không hề có một chi tiết nào khó hiểu cho người xem. Tuy nhiên cốt truyện lại phân bố không hợp lý. Nửa đầu bộ phim tiến triển của các nhân vật khá chậm, lê thê tuy nhiên đến đoạn sau lại kết thúc quá sớm. Điều này dẫn đến việc mất cân đối cho thời lượng các phân đoạn, một số phân đoạn đáng ra có thể hay hơn thì lại làm quá tệ. Đơn cử như việc xuất hiện của Thám từ Kiên,được kỳ vọng là mắt xích thúc đẩy cao trào cho mạch phim khi anh khám phá cái chết của thầy đồ, gây trở ngại lớn cho Linh và Nhân. Nhưng mọi chuyện lại diễn ra quá chóng vánh, như thể mọi sự đã ở sẵn trong đầu Kiên từ trước đó. Thế là điểm sáng hiếm hoi làm tăng phần kịch tính cho câu chuyện đã biến mất, đất diễn của Kiên từ đó cũng ít đi, mặc dù mình đã kỳ vọng vào nhân vật này rất nhiều. Liệu đây là một nhân vật siêu thông minh hay là lỗi biên kịch ?
Còn phải nói đến vấn đề lời thoại, vì đây là điểm yếu cố hữu của phim ảnh Việt Nam nên mình sẽ không bàn tới trong chủ đề lần này. Chỉ rằng một số lời thoại hơn ngớ ngẩn, mình cũng đã thấy sự cố gắng của đạo diễn Victor Vũ khi để nhân vật thoải mái trong ngôn từ cho đúng chuẩn với văn phong miền Bắc nhưng mình thấy chỉ duy có NSUT Kim Oanh và NSUT Quang Thắng là tròn vai. Nhớ lại lúc Linh bảo Thuận ra đếm từ 0-100 cho bình tĩnh lại hay khi cặp đôi này sử dụng cụm từ “vô sinh” để nói về quan tri huyện. Mình chưa đọc qua tác phẩm gốc “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái nên cũng không rõ văn phong gốc triển khai như thế nào những xét lại việc ở một vùng quê nghèo vào thời Nguyễn. Mọi thứ thô sơ và còn sử dụng chữ Nôm vào ghi chép chưa kể đến việc cả Linh và Nhân đều rất nghèo để có thể học cao trong khi những cụm từ nêu trên được du nhập từ phương tây. Trong khi đó, bà Cả bà Hai đều dùng từ “giống lép” thay cho từ “vô sinh” để nói với quan tri huyện, một cách nói dân dã, hợp bối cảnh hơn.
Nếu nói rằng thời nhà Nguyễn, Pháp bắt đầu đô hộ nên xuất hiện những từ này thì cũng không thuyết phục. Bởi việc Pháp có đô hộ hay không hoàn toàn không được nhắc tới chưa kể đến việc trong phim lại không hề có yếu tố lịch sử nào nhắc đến thời Pháp thuộc nên mình xin phép bác bỏ ý kiến này. Để củng cố hơn lập luận, mình xin phép trích dẫn một số thông tin như sau:
“ Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, cụm từ “vô sinh” được ghi nhận lần đầu tiên trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Lê Văn Đức, xuất bản lần thứ nhất năm 1970”
“Việt Nam bắt đầu sử dụng số đếm quốc tế từ năm 1975, sau khi thống nhất đất nước. Trước đó, Việt Nam sử dụng hệ đo lường cổ truyền, bao gồm các đơn vị đo độ dài, khối lượng, thể tích, thời gian, v.v. Sự chuyển đổi sang hệ đo lường quốc tế được thực hiện theo Quyết định số 122/CP-KT ngày 18 tháng 11 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ. Quyết định này quy định rằng hệ đo lường quốc tế sẽ được áp dụng chính thức trên toàn quốc kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1976.”
Vừa là điểm cộng và điểm trừ trong phim đó là dàn diễn viên. Như mình đã nói ở trên, dàn diễn viên đã làm rất tốt vai trò của mình tuy nhiên việc sử dụng giọng lai tạp giữa Nam và Bắc giữa các nhân vật lại khiến mình nghi ngờ về sự chỉnh chu của bộ phim. Điều này rất khó hiểu khi phim lấy bối cảnh tại một làng quê Bắc Bộ, gây khó chịu trong quá trình trải nghiệm tác phẩm.
Về điều này, trước đó, Victor Vũ giải thích anh "chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói". Điều đạo diễn quan tâm hơn cả là cách diễn viên thổi hồn vào câu chuyện và khiến khán giả tin vào những gì diễn ra trên màn ảnh rộng.
Thay cho lời kết
Bằng những lập luận nêu trên, mình khá thất vọng khi một đạo diễn kĩ tính như Victor Vũ lại có thể để những hạn sạn lớn như thế xuất hiện trong bộ phim. Không rõ ý đồ của tác giả khi làm vậy là gì nhưng với tư cách là một người trải nghiệm điện ảnh thông thường, mình thấy như bản thân không được tôn trọng khi một bộ phim được đầu tư chỉnh chu về hình ảnh, trang phục, đến cả dàn diễn viên vậy mà lại để xuất hiện những sự cố như vậy.
Mọi người cũng có thể phản bác rằng, việc làm phim gặp những hạt sạn như thế là không thể tránh khỏi, hãy nhìn vào mặt tốt của phim cũng như ủng hộ đạo diễn, ủng hộ nền điện ảnh Việt Nam. Mình đồng tình rằng đây là một bộ phim không đến nỗi tệ, mình rất ghi nhận công sức của đạo diễn Victor Vũ nhưng những lỗi nêu trên quá hiển nhiên để đạo diễn và ekip làm phim có thể nhận ra, vậy vấn đề là do ai ? Do người xem khó tính hay do biên tập chắp vá ?
Phía trên là toàn bộ ý kiến của mình về bộ phim này, do đây là bài viết mang tính cá nhân ngay sau khi trải nghiệm phim nên đôi chỗ có lẽ sẽ không hợp ý bạn đọc. Mong mọi người có thể tự do tranh luận ở phía dưới bài viết để mình hiểu hơn về quan điểm của mọi người về bộ phim này. Xin chân thành cảm ơn mọi người.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất