Xem bài viết gốc của mình tại đây.
Trải qua thời gian, con người ta không ngừng lớn lên và trưởng thành. Có lúc mệt mỏi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng cũng có những lúc bạn kiên cường, mạnh mẽ đối diện với khó khăn để rồi chạm đến breaking point – điểm tới hạn của chính mình. Đó là khi bạn tự nâng cấp bản thân lên một tầm cao mới, có khả năng ứng biến cao hơn, giỏi hơn và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Bạn đã chạm đến breaking point của mình chưa?

1. Breaking point – Điểm tới hạn là gì?

Bạn đã chạm đến breaking point của mình chưa?

Breaking point là gì?
Mình tình cờ biết đến khái niệm breaking point khi đọc bài viết “Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình” trong chuyên mục Đọc Chậm của Kênh 14. Trong đó ghi rất rõ về breaking point thế này:
Mỗi con người đều có một giới hạn chịu đựng nhất định, được gọi là “breaking point” – điểm tới hạn. Trong tâm lý học, điểm tới hạn là thời điểm căng thẳng, khi một người bị suy sụp hoặc rơi vào một tình huống nghiêm trọng. Trong phim hành động, đó có thể là khoảnh khắc nhân vật chính bị kề dao vào cổ. Trong cuộc sống, đó có thể là khoảnh khắc một người phải lựa chọn giữa sinh – tử, được – mất. Trong công việc, đó có thể là khoảnh khắc trước khi bạn quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Trong một mối quan hệ, nó có thể nhìn thấy hữu hình trên tờ giấy ly hôn.
Đó là những giờ phút đầu bạn căng như dây đàn, mọi thứ dường như chỉ chực chờ một cú chạm tay mỏng manh là sẽ trở nên vụn vỡ. Breaking point chính là thời khắc đó. 
Ở ngưỡng cửa của sự lựa chọn, chỉ với sự dũng cảm và kiên cường, bạn mới có thể biến khó khăn thành sức mạnh, biến mình thành một “chiến binh” cừ khôi hơn, để không còn sợ hãi những khó khăn trước đó nữa.

2. Làm sao biết bạn đang chạm đến điểm tới hạn của chính mình?

Chỉ cần để ý một chút bạn sẽ thấy. Để dễ hình dung, mình sẽ kể câu chuyện của mình nhé!
Có một dạo, sau cơn nổi giận của sếp, mình đột nhiên cảm thấy khó chịu kinh khủng, cảm giác không muốn ăn uống gì cả và vật vã cả ngày trời với cái suy nghĩ có nên nghỉ việc hay không. Mình vừa dằn vặt và trách móc bản thân vì làm việc chưa hết mức, vừa cảm thấy uất ức với những gì sếp nhận xét về mình. Dù biết sếp đúng nhưng trong lòng mình không cam tâm, cảm thấy mình dù sao mình cũng đã bỏ công bỏ sức ra để làm hết sức mình kia mà?
Tôi suy nghĩ rất nhiều
Suy nghĩ rất nhiều nhưng lại không biết phải giải quyết như thế nào?
Cái cảm giác khó chịu cực độ đó kéo dài đến cả tuần lễ. Mình thậm chí còn mệt mỏi đến nỗi không thể ăn uống gì được, có buổi chỉ ăn được đúng 2 muỗng cơm rồi không nuốt được thêm gì. Đầu óc cứ căng thẳng suốt ngày và mình không thể nào tập trung được trong suốt khoảng thời gian đó. Năng suất làm việc chính vì thế mà giảm sút. Mình loay hoay với hàng tá câu hỏi, tự hoài nghi về năng lực của của bản thân. 
Thế rồi mình quyết định cho phép bản thân được buông xõa công việc một thời gian (vài ngày). Những ngày đó, mình không tập trung cho công việc nhiều nữa mà tự tách mình ra khỏi những suy nghĩ chủ quan, học cách nhìn nhận sự việc khách quan hơn. Đột nhiên một ngày nọ sau đó tầm một tuần, đầu mình không còn đau nữa, mình ăn được cơm trở lại. Điều lạ lùng là bỗng nhiên mình hiểu hết ra những vấn đề của bản thân và tìm thấy đường hướng khắc phục rõ ràng. Những khó khăn trước đó trở nên dễ giải quyết dù trước đó luôn làm mình mệt mỏi. À, thì ra mình vừa vượt qua một cái breaking point của chính mình đấy! 
Giải quyết vấn đề
Có lẽ trong quá trình dành thời gian để sắp xếp suy nghĩ, mình đã dần gỡ ra những nút thắt.
Bác sĩ – tác giả nổi tiếng Deepak Chopra chuyên về  lĩnh vực điều trị bệnh tâm-thể đã từng nói rằng, trước khi đi đến điểm tới hạn, bạn sẽ trải qua giai đoạn biến đổi với các mức độ khác nhau. Cụ thể là:
Giai đoạn 1: Bạn nhận thức được mình đang bị áp lực, nhưng vẫn cảm thấy tập trung.
Giai đoạn 2: Sự căng thẳng làm giảm khả năng phán đoán của bạn và bạn bắt đầu mất kiểm soát. Tuy nhiên, bạn cố gắng sử dụng lý trí để đè nén bản thân, né tránh việc thể hiện sự tức giận, lo lắng hoặc thiếu kiên nhẫn.
Giai đoạn 3: Mọi thứ đã quá sức chịu đựng, bạn không thể đối phó được nữa và rồi bạn bùng nổ. Bạn giải tỏa căng thẳng trong giây lát nhưng sau đó lại cảm thấy xấu hổ và hối hận.
Mình biết có rất nhiều người có những phản ứng khác nhau khi đi đến điểm tới hạn. Đó là thời khắc khó khăn và mỗi người khác nhau sẽ có mức độ chịu đựng căng thẳng khác nhau dẫn đến việc họ sẽ có những phản ứng rất khác. Có người gào khóc, đánh mắng. Có người chịu đựng, ngủ vùi. Có người lại chọn uống rượu để giải khuây hay đi đâu đó cho quên hết sự đời. 
Breaking point
Cách chúng ta vượt qua căng thẳng tại điểm tới hạn không phải bằng sức mạnh, mà là bằng lý trí. Nguồn ảnh: Kênh 14

Hiểu rằng, đối diện với điểm tới hạn là khoảnh khắc mà hầu hết chúng ta đều cảm thấy sợ hãi, ai cũng chỉ muốn trốn tránh hoặc bỏ đi thật xa để không phải cảm thấy áp lực, mệt mỏi cực độ. Nhưng tin mình đi, điều bạn chọn làm trước khoảnh khắc ấy mới là thứ quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào. Trưởng thành hay quỵ ngã – đó hoàn toàn là lựa chọn ở bạn.
Mình đã chọn điều gì nhỉ? À, mình đã cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi, nhìn nhận lại sự việc một cách khách quan rồi gỡ rối từng chút, từng chút một. Đây có lẽ cũng là một cách khá tốt.

3. Có công thức chung nào để đối diện với breaking point không?

Mình không dám chắc có một công thức chung vào để đối diện và vượt qua breaking point hay không, nhưng cũng có một vài cách đã được các nhà tâm lý học chia sẻ – sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này nhanh chóng, đồng thời là bước đệm để bạn dễ dàng vượt qua các điểm mốc tiếp theo trong tương lai.
Đó là:

Học cách thích nghi, hồi đáp thay vì phản ứng

Để có thể dần thích nghi với việc đi gần tới breaking point, tự nhận thức là điều vô cùng quan trọng.
Thời gian quan trọng nhất là thời gian dành cho bản thân
Hãy dành nhiều thời gian hơn cho bản thân để quan sát và kết nối với cảm xúc của chính mình
Trước tiên, bạn cần học cách thừa nhận và quan sát suy nghĩ của bản thân, học cách kết nối với cảm xúc chứ không nên bỏ qua chúng. Khi đã hiểu mình, bạn sẽ có thời gian để kết nối với chính mình, để hiểu mình đang thiếu sót điều gì, cần làm điều gì để cải thiện.
Học cách thích nghi và hồi đáp với những gì còn thiếu sót sẽ là phương pháp tốt hơn nhiều so với việc phản ứng quá mạnh mẽ trước áp lực.

Học cách phục hồi và rèn luyện

Đây là khả năng mà bạn sẽ học và rèn luyện phát triển qua thời gian, một cách kiên nhẫn và sẵn sàng nỗ lực. Khi bạn đã quen với những điểm tới hạn, bạn sẽ dễ dàng xử lý mà không bị chi phối bởi cảm xúc.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy, một khi bộ não đã được rèn luyện và nhận thấy những dấu hiệu, bạn sẽ biết cách để vượt qua những cột mốc ấy một cách ngoạn mục như thế nào.

Thực hành những thói quen có ích

Hãy học thiền, thực hành chánh niệm. Buông bỏ giúp chúng ta đỡ áp lực và cảm thấy tự do hơn. 
Hãy thử viết xuống những cảm nhận của bản thân. Viết liên tục, không sợ hãi, không chỉnh sửa, chỉ đơn giản là cho những suy nghĩ của bản thân được hiện ra thông qua việc viết. 
Nghĩ gì viết nấy. Đôi khi điều đó sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì những suy nghĩ bị đè nén bấy lâu sẽ được viết ra.
Dành thời gian cho bản thân để tận hưởng thời gian nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng tích cực cho mình.

Tận dụng sự hỗ trợ từ các mối quan hệ

Có được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người mình tin tưởng là một lợi thế lớn. Nếu bạn không biết mình đang gặp phải vấn đề gì, hãy hỏi những người có kinh nghiệm hơn về cách họ giải quyết, tìm đến sự tư vấn của những người bạn tin là có thể hỗ trợ bạn. Sự giúp đỡ của những người xung quanh có thể giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng đấy!
Nói chuyện với bạn bè để vượt qua breaking point
Nói chuyện, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn tin tưởng là một cách tốt để vượt qua giai đoạn khó khăn
Sự thật là, chúng ta rồi sẽ đến một lúc nào đó chạm đến những ngưỡng giới hạn ấy một lần nữa, một lần nữa. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rằng bản thân lại đang đi đến một dấu mốc mới. Bạn cần phải vượt qua “bài kiểm tra năng lực” ấy thì mới có thể giỏi hơn. Hãy cứ kiên trì,hãy cứ nhẫn nại, cố gắng phấn đấu, điều chỉnh từ từ. Sau tất cả, khi đã giải quyết mọi thứ, mình biết rằng sau này mình đã có thể làm tốt hơn khi gặp lại tình huống này và tự tin bước tiếp.
Chúc bạn sớm chạm tới breaking point và bứt phá để thành công nhé!
Thu Hiền
-----------
Xem thêm nhiều bài viết của Hiền tại www.goccuahien.com nhé!