Mới hôm qua kia thôi, tôi vừa được nghe phong phanh có thằng bạn bảo thế này: “Hội anh em làm sushi ở Nancy đều không có não”. Đương nhiên, tôi tức lắm, vì tôi cũng từng thuộc hội đó cơ mà. Vậy cũng may, nhờ nó, tôi mới có cảm hứng viết được thêm bài mới. 
Sơ qua về nghề sushi ở Nancy, chúng tôi đa số làm bán thời gian, trong tuần thì chúng tôi đi học, cuối tuần cắm mặt cuốn sushi kiếm thêm vài đồng thu nhập cuối tháng. Mấy câu chuyện của chúng tôi không xoay quanh việc học hành trên lớp. Phần vì mỗi đứa mỗi việc, phần vì chẳng đứa nào giỏi toán-lý-hóa như nó cả. Thế là, bằng phép màu nào đó, nó quy chụp chúng tôi mất não. 
Nói như nó, chắc bố tôi cũng chẳng có não. Đúng vậy, chú Nghiêm thất nghiệp trong mắt bao nhiêu đứa con-cháu ở độ cuối đời. Tôi sẽ chẳng bao giờ trả lời mọi người được là bố làm nghề gì. Có lúc bố đi lái xe cho công ty thím. Có lúc bố lại đi dạy học. Có lúc bố bảo bố  xịt thuốc khử trùng. Có lúc chỉ thấy bố ngồi nhà nhâm nhi ly rượu cùng điếu thuốc qua từng ngày. Dẫu vậy, bố tôi nuôi được ba đứa con không thành nhân cùng thành tài. Bố luôn kham bao kiến thức trên trường - ngoài đời của tôi, từ toán-lý-hóa tới văn-sử-địa. Bố biết rõ từng ngóc ngách thành phố bố đi qua. Bố hiểu rõ mấy mẩu chuyện từ thời vua Lê-chúa Trịnh,... Bố tháo vát mọi chuyện trong nhà, từ sửa ống nước, lắp ổ điện, lợp mái tôn,.. Ngày bố mất, năm chiếc xe bốn mươi chỗ để tiễn bố lần cuối, còn không đủ. 
Nói như nó, não của mẹ tôi cũng chẳng biết để đâu. Người phụ nữ chất phát còn chẳng hiểu nổi định lý Pytago là gì. Thời còn ở với mẹ, chẳng bao giờ tôi được nghe mẹ nói về định luật bàn tay trái, quá trình oxi hóa khử hay chu trình chọn lọc tự nhiên. Chắc chắn chẳng bao giờ thấy mẹ nhắc về đất bazan hay mấy trận chiến sông Bạch Đằng. Nhưng, như bố, thời thanh xuân, mẹ đã kiêm qua bao nhiêu nghề, từ giữ xe, làm nông, tới tòa án một quận trung tâm của Sài Gòn. Về hưu, không như bao người bạn hưu trí khác quyết định ngừng tất cả để nghỉ ngơi, mẹ chọn cách học tiếp hai năm tại chức luật. Thời điểm đó, sáng mẹ chở đứa con gái út tới trường, chiều đón nó đi học thêm, đến tối mới có thời gian rảnh học bài. Bây giờ, từ bà thư ký bình thường ở tòa án, mẹ đã trở thành bà luật sư có danh có phận. Không những thế, trước bao nhiêu vụ án, mẹ luôn có khả năng xử trí nhanh, đọc vanh vách biết bao điều luật, “cãi” thắng cho biết bao nhiêu người. 
Quay ngược lại hội sushi mất não của chúng tôi, xin phép được lấy ví dụ một vài người. Có anh thời mới sang đặt mục tiêu học tiếng để học tiếp Master. Dòng đời đưa đẩy, biết mình chẳng còn phù hợp chữ nghĩa, anh quyết tâm tập trung hơn vào sushi. Giờ đây, anh đã là một Sushi chef của một tiệm sushi tại Metz. Hay chuyện về anh chủ tịch hội chúng tôi cũng sang với ước mơ được học Master. Bẵng đi thời gian, anh biết mình thích mở nhà hàng hơn. Tài chính chưa đủ, vốn liếng chưa có, anh chọn đi làm thuê, sáng chỗ này, chiều chỗ kia, trong tuần việc này, cuối tuần việc khác. Bao thời gian trống được anh đổi bằng mấy tiếng lao động để góp lấy chút tiền nong thực hiện hóa ước mơ. Hay chị chef cũ chỗ tôi từng làm, chị chưa bao giờ có tấm bằng đại học, nghe bảo là do gia đình khó khăn. Thế nhưng, mình chị gồng gánh cả gia đình, nuôi mấy đứa em đều ăn học thành tài, công danh-sự nghiệp đều ổn định cả. 
Tôi, một trong những đứa mất não theo lời thằng bạn nói. Tôi chẳng có gì gọi là quá đặc sắc. Tốt nghiệp trường chuyên lớp chọn với số điểm lè tè, chẳng thủ khoa, chẳng thành tích. Mang hoài bão du học nơi xứ người rồi cũng lông bông đổi ngành chuyển trường. Tôi chẳng giỏi giang, chẳng tài cán. Ngược lại, xung quanh tôi luôn là mấy câu chuyện về 4 điểm toán tốt nghiệp, 5.9 trung bình lý, 5 điểm thi học kỳ địa. Vậy nhưng, tôi là chủ một kênh podcast vài trăm người nghe, quản lý hai trang Facebook hàng trăm người theo dõi, có kênh blog của riêng mình. Tôi cũng là đứa bé vừa nhận Certificate của Google về Marketing Digital, có chứng chỉ HTML của FreeCodeCamp. Tôi biết sự nghiệp sách vở mình chỉ là cái móng chân so với thằng bạn, nhưng tôi vẫn tự tin mình đang làm tốt công việc của mình. 
Tôi biết, chúng tôi chẳng là gì so với thằng nhóc kể trên. Thằng cu vừa tốt nghiệp trường chuyên của thủ đô, nghe đâu lại có mấy giải quốc gia, lại được nhận vào học dự bị kỹ sư của một trường có tiếng ở Nancy, tương lai xán lạn. So với nó, chúng tôi chỉ thuộc hàng cát, thổi là bay. Thế nhưng, có lần đi chơi nó hỏi tôi thế này: “Nãy đi chơi tao có cắm cơm, không biết để vầy có sao không nhỉ?” Hoặc chẳng đâu xa, có hôm nó ngồi chờ xe bus 3 tiếng đồng hồ, trong khi thời gian đó đi bộ về nhà nó cũng chỉ quanh quẩn 1 tiếng.
khoe cái certi Google để thấy tôi cũng không "mất não" nhé
khoe cái certi Google để thấy tôi cũng không "mất não" nhé
Theo lời nó, chúng tôi là những đứa không não. Vậy mà, chúng tôi dư thừa tình thương. Chẳng biết nó còn nhớ nổi cái thời chưa sang, chính chúng tôi là người giúp nó tìm nhà, là người viết giúp tờ giấy visa, là người giúp nó chuyển nhà, là người dắt nó đi quanh Nancy, hướng dẫn nó đường đi học không?
Đúng vậy, so với khối thành tích kếch xù của nó, chúng tôi chỉ là những đứa chẳng biết chữ nghĩa là gì. Nhưng xét về kiến thức đời sống của nó với chúng tôi, não nó cũng chỉ bằng 0.  
Ngày xưa, cha mẹ chỉ mong con mình học hành giỏi giang. Vì con nít mà, cái tuổi bé tí đã biết gì về đời sống đâu, không tập trung học hành cho giỏi thì còn làm được gì nữa cho đời. Thế nhưng, lớn hơn tí rồi, phải biết áp dụng cái việc tập trung học giỏi đó mà ra đường học đời nữa chứ, phải không?
Chẳng phủ nhận đám chúng tôi học hành cũng chẳng bằng ai. Nhưng chúng tôi có những ước mơ, những hoài bão, những định hướng riêng của bản thân mình. Chúng tôi biết mình muốn gì, biết mình cần làm gì để đạt ước muốn, vậy thì có đáng bị gọi là mất não không? Chúng tôi không giỏi sách vở, nhưng chúng tôi biết tự học để phát triển bản thân mình trong đời sống, trên con đường riêng của chúng tôi. Chúng tôi luôn phải tự mình phấn đấu để cố gắng hơn trong đời, vậy có phải là mất não không?
Thế kỷ 21 rồi, đừng như con ếch ngồi đáy giếng thế, bạn cao nhất ở dãy đá này, nhưng so với hòn núi kia, bạn cũng nhỏ bé vô cùng. Đừng đánh giá chúng tôi dựa trên điểm số học hành, hãy nhìn cách chúng tôi đối xử với bạn, rồi lên tiếng, nhé!
Thôi thì, tặng bạn câu cuối để kết thúc bài viết quá dài ngày hôm nay: “Tôi học võ để những đứa ngu nói chuyện với tôi, tôi đọc sách để nói chuyện với những đứa ngu” - Ngô Kinh.