Bạn có đang lãng phí thứ gì không?
Khi tôi đọc đi đọc lại cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio, tôi đã nán lại khá lâu ở quy tắc về sự lãng phí....
Khi tôi đọc đi đọc lại cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio, tôi đã nán lại khá lâu ở quy tắc về sự lãng phí. Trong cuốn sách, tác giả đưa ra những lời khuyên về việc làm thế nào để vứt được những đồ đạc không cần thiết trong nhà. Việc vứt bỏ những thứ thừa thãi hay việc dọn dẹp nói chung cũng được coi như là một kỹ thuật. Và để khiến cuộc sống tối giản hơn, tôi cần biết chính xác mình phải bỏ đi những thứ gì không còn giá trị với bản thân, hoặc những thứ mà khi tôi có trong tay mà tôi vẫn không khai thác hết được giá trị. Vì đó chính là sự lãng phí.
Một món đồ mới mua, cũng có thể là món đồ được tặng, vốn được bán với giá rất đắt, khi không còn phù hợp để sử dụng, thông thường người ta sẽ đem cho, hoặc vứt bỏ. Nếu quả thực là vậy, thì hẳn bạn sẽ có cảm giác thật lãng phí khi phải bỏ một khoản tiền rất lớn để sở hữu chúng, xong lại bỏ đi. Nhưng nếu cũng là món đồ đó, mặc dù vẫn hoạt động tốt, nhưng không được khai thác tối đa, cũng sẽ hỏng hóc rồi dần dần cũng sẽ phải bỏ đi. Sự lãng phí bắt đầu từ đó.
Lãng phí đôi khi là cách mà chúng ta đối xử với những món đồ mà mình không còn yêu thích, không còn giá trị sử dụng. Lãng phí còn là cách mà không ít người trong chúng ta đối xử với thời gian của chính mình. Có điều là thời gian không giống như những món đồ hữu hình, có thể cầm nắm, điều khiển, và ý thức về sự tồn tại vật lý của nó.
Khi một món đồ được mua về, ta hiểu rằng đó là khoảnh khắc mà ta bắt đầu có thể sở hữu nó, ta đã nỗ lực để có được món đồ đó và áp đặt trách nhiệm cho bản thân mình phải tận dụng hết giá trị của món đồ. Nếu đó là món đồ trang trí, thì chúng ta tận dụng chúng bằng cách trưng bày, ngắm nhìn và nói về nói về món đồ đó không ngừng nghỉ. Nhưng với một thứ như thời gian, chúng ta sở hữu nó ngay khi sinh ra, không phải cố gắng để có được, đó là lý do mà đôi khi thời gian không được coi trọng như giá trị mà nó vốn thuộc về.
Ngồi lướt mạng xã hội một cách không chủ đích. Trôi vào những cuộc tranh luận không đầu không cuối. Tốn thời gian vào những mối quan hệ không màng đến kết cục… Nhưng tiếc là sự lãng phí thường không được gọi tên bởi chính chủ nhân. Chẳng có ai lại thừa nhận rằng mình đang dành thời gian và công sức vào những việc không ích lợi cả. Nó cũng khó mà bị phát hiện vì đơn giản nó không tồn tại bằng một hình dáng cụ thể, nó không hỏng hóc, không mối mọt, không xước cùn. Chỉ có chính những người sử dụng nó lãng phí mới trở nên lỗi thời, vào một lúc nào đó.
Sự lãng phí trong cuộc sống đời thường cũng không được báo động bởi nhân vật hư cấu nào cả, sẽ không có một Bà Phí Quá như trong truyện Ehon Nhật Bản cùng tên của Mariko Shinju xuất hiện mỗi khi ta đang lãng phí một điều gì. Thế giới của người lớn vốn phức tạp hơn trẻ con rất nhiều. Thực tế thì lãng phí chỉ là cảm giác chủ quan. Với người quan sát thì những hành động trên thật viển vông, vô bổ. Nhưng với người đang làm chúng lại có những lý lẽ để thanh minh.
Ngồi lướt mạng xã hội khiến bạn bớt căng thẳng. Tranh luận giúp bạn tăng khả năng phản biện. Yêu một người là cách thoả mãn bản thân, cứ yêu thôi cần gì biết ngày mai. Sẽ thật tốt nếu bạn hoàn toàn làm chủ cuộc chơi. Bạn có thể điều khiển và kiểm soát những gì bạn có, bao gồm cả thời gian. Và cho dù tất cả đang nhìn nhận bạn lãng phí thời gian hay không thì bạn cũng không cho đó là sự thật. Trừ phi bạn coi những thứ bạn có, bao gồm cả thời gian, là quan trọng ưu tiên, hơn những thói quen click chuột vô thức, gõ bàn phím tạo nên những tranh luận qua lại dài thật dài, hay dành cả thanh xuân cho một ai đó không xứng đáng… thì bạn sẽ có những ứng xử phù hợp.
Chẳng có món đồ nào là không thể vứt đi. Nếu sự lãng phí còn ở đó, bằng cách này hay cách khác thì sự thanh lọc cũng là điều dễ hiểu. Đương nhiên, dùng một sự lãng phí này để thay thế bằng một sự lãng phí khác là điều không hề cần thiết. Vứt bỏ những thứ thừa thãi cũng là khiến tâm trí khỏi vướng bận và dành thời gian cho những điều có ích. Khiến cuộc sống tối giản là cách lược bớt những rào cản, và sự lãng phí chính là một rào cản cần được phá vỡ.
Bạn có đang lãng phí thứ gì không?
Hoàng Hạnh
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất