BMI - Chỉ sức khỏe quốc dân mà ai cũng từng nghe một lần trong đời
Ắt hẳn ai trong chúng ta đều đã từng nghe qua chỉ số BMI thần thánh. Hãy cùng iziFIT tìm hiểu chi tiết và có cái hiểu rõ ràng nhất về chỉ số quốc dân này nhé.
Định nghĩa và công thức tính chỉ số BMI
BMI (Body Mass Index) hay Chỉ số khối cơ thể là thước đo giúp đánh giá tình trạng cơ thể như nhẹ cân, bình thường, thừa cân hay béo phì. Tuy nhiên, BMI không phải là công cụ giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe mà chỉ đóng vai trò là công cụ sàng lọc.
Đối với trẻ dưới 18 tuổi, tình trạng cơ thể không được đánh giá đúng qua chỉ số BMI do trẻ đang ở độ tuổi phát triển, các thành phần cấu trúc cơ thể như lượng cơ và mỡ thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào từng độ tuổi và giới tính nên khi đó sẽ sử dụng chỉ số BMI theo tuổi (BMI for age) để đánh giá.
Công thức tính: BMI = Cân nặng / Chiều cao^2
Trong đó: Cân nặng tính bằng kg và chiều cao tính bằng mét.
Bảng phân loại tình trạng cơ thể dựa vào chỉ số BMI
Thang phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dành cho người châu Âu và thang phân loại của Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI&WPRO) được áp dụng cho người châu Á.
Hạn chế của chỉ số BMI
Vấn đề chính lớn nhất của BMI đó là không đề cập đến các cấu phần khác của cơ thể, trong đó có cả tỉ số mỡ tự do trên tổng số mỡ cơ thể, khối lượng xương, khối lượng cơ và hình dáng cơ thể. BMI cũng không đề cập đến sự khác nhau về giới hay vị trí tích mỡ.
Có khối cơ phát triển
Một số người có chỉ số BMI cao nhưng do cơ thể họ có khối cơ phát triển thay vì do tích tụ mỡ. Điển hình cho nhóm này là các vận động viên với khối cơ phát triển mạnh nhờ tập luyện.
Mức độ hoạt động thể chất
Một người có lối sống tĩnh tại, ít vận động có thể có chỉ số BMI bình thường. Tuy nhiên, do ít vận động nên khối cơ không phát triển, trong khi đó lượng mỡ lại tích tụ bởi lối sống thiếu lành mạnh. Điều này đồng nghĩa sức khỏe của nhóm người này kém hơn so với nhóm phát triển cơ bắp nhưng có BMI cao hơn, và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính cũng khá cao.
Tuổi tác (chỉ số BMI lý tưởng có thể thay đổi theo tuổi)
Đối với trẻ em, tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng khác nhau ở mỗi lứa tuổi và giới tính. Nhiều phụ huynh sẽ thấy có một giai đoạn con của họ dường như ăn rất nhiều nhưng vẫn gầy. Đó là do chiều cao đang tăng trưởng vượt trội. Chỉ số BMI lúc này cũng cần được hiệu chỉnh theo từng lứa tuổi. Những người lớn tuổi thường bị mất cơ tự nhiên theo từng năm già đi. Điều này có thể dẫn tới sụt cân hoặc tăng cân tùy thuộc vào lối sống của mỗi người. Giảm khối lượng cơ thường sẽ dẫn tới giảm cân do đó lượng BMI cũng thấp hơn.
Bệnh lý, tình trạng đặc biệt
Đối với một số bệnh lý có hiện tượng tích nước hay tụ dịch trong cơ thể như xơ gan, bụng trướng, phù nề,… Lúc này một lượng dịch lớn khiến cho trọng lượng cơ thể tăng, BMI có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, lúc này không để kết luận tình trạng cơ thể hiện tại là thừa cân hay béo phì chỉ dựa vào BMI.
Phụ nữ mang thai cũng là một trường hợp đặc biệt mà BMI không thể hiện chính xác. Cân nặng của thai phụ sẽ thay đổi theo sự tăng trưởng của thai nhi.
Tài liệu tham khảo
Gómez-Ambrosi J, Silva C, Catalán V, et al. “Clinical usefulness of a new equation for estimating body fat“ Diabetes Care (February 2012) Cortés-Castell E, Juste M, Palazón-Bru A, Monge L, Sánchez-Ferrer F, Rizo-Baeza MM. “A simple equation to estimate body fat percentage in children with overweightness or obesity: a retrospective study.“ PeerJ (April 2017)
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất