Có thể là tranh biếm họa về văn bản cho biết 'SYMPTOMS OF DIABETES LÚC NÀO CŨNG ĐÓI LÚC NÀO CŨNG KHÁT TĂNG CÂN 120 80 < TỤT CÂN ĐỘT NGỘT W HUYÊT ÁP CAO TÊTAY AY CHÂN CHÓNG MẶT ĐƯỜNG HUYÊT CAO t RỐI LOẠN TÌNH DỤC TIÊU NHIÊU HÓNG MẶT MỜ MẮT NHIÊM NÂM SINH DỤC (NHIỄM CANDIDA)'

Đái tháo đường, hay nói nôm na là tiểu đường, là một bệnh làm hỏng người do đường huyết (glucose trong máu) tăng cao kéo dài trong nhiều năm. Đái tháo đường là một tình trạng rối loạn chuyển hóa liên quan đến nhiều cơ quan / cơ chế khác nhau trong cơ thể.

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐƯỢC PHÂN LOẠI NHƯ THẾ NÀO?

Đái tháo đường gồm nhiều loại. Tuy nhiên, trong số đó có 3 loại chính mà ta thường hay gặp bao gồm:
Đái tháo đường type 1: Là dạng đái tháo đường thường được gọi là đái tháo đường ở trẻ em (do nó thường xuất hiện khi còn rất sớm, trẻ vị thành niên cho đến thanh niên trẻ) hay quen thuộc hơn là "đái tháo đường phụ thuộc insulin". Ở người bệnh đái tháo đường type 1, tế bào tụy (phần cơ quan sản xuất insulin) của họ bị tổn thương (do nhiều nguyên nhân khác nhau phần lớn là do di truyền) dẫn đến kết quả là cơ thể họ không còn có khả năng tự sản xuất đủ lượng insulin cần thiết nữa. Chính vì vậy, người bệnh sẽ phụ thuộc vào việc đưa insulin từ bên ngoài vào cơ thể (tiêm) để bù cho phần thiếu đó.
Insulin là một enzyme trong cơ thể có vai trò điều hòa đường huyết.
ĐTĐ Type 1 vẫn có thể khởi phát muộn ở người trưởng thành chứ không chỉ ở trẻ em mới bị.
Đái tháo đường type 2: Là dạng đái tháo đường thường được gọi là đái tháo đường ở người lớn. Đây là một căn bệnh liên quan đến lối sống, là kết quả từ việc thừa cân béo phì và ít vận động. Ở type 2, bệnh nhân không bị thiếu insulin như type 1 nhưng thay vào đó, cơ thể họ kém nhạy cảm với tín hiệu của insulin. Kết quả là dù họ có đủ insulin nhưng mà vẫn lượng insulin đó vẫn "không đủ" để dùng. Chính vì vậy, điều trị đái tháo đường type 2 ban đầu có thể sẽ bắt đầu với cải thiện lối sống (chế độ ăn uống kèm vận động thể lực) nhưng sau cùng, điều trị đái tháo đường type 2 vẫn sẽ cần đến kết hợp cả thuốc lẫn cải thiện lối sống để có thể kiểm soát được đường huyết.
Đái tháo đường thai kỳ: Là dạng đái tháo đường xảy ra khi phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do khi mang thai, cơ thể thai phụ sẽ tiết ra quá nhiều hormone và từ đó tăng đường huyết dẫn đến insulin của họ không kiểm soát nổi đường huyết. Tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở cũng như có nguy cơ trở thành đái tháo đường type 2 nếu thai phụ không được chăm sóc cẩn thận.
Nói nôm na dễ hiểu thì:
Insulin là cái chìa khóa nhà để mở cửa (tế bào), đưa hàng hóa thiết yếu (đường glucose) từ ngoài đường (máu) vào trong nhà.
Type 1: Hỏng tụy, không sản xuất đủ / mất khả năng sản xuất insulin => Mất chìa khóa, hàng hóa chất đống ngoài đường trong khi trong nhà thì không có gì ăn
Type 2: Mua cả mớ hàng, nhà ăn không hết, thế là kệ luôn mấy thằng có chìa khóa, cầm khóa ở ngoài chờ đi, nhà không tiếp => Cái gì cũng có chỉ có điều nhà không buồn nhận hàng hóa nữa.
Đái tháo đường thai kì: Hàng cứu trợ từ trên trời rơi xuống liên tục, hàng nhiều quá chở vô nhà không kịp nên cả mớ vẫn nằm ngổn ngang ngoài đường.

CÁCH CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG NÓI CHUNG THƯỜNG GẶP KHI CÁC BẠN ĐI KHÁM SỨC KHỎE

Chẩn đoán bệnh lí đái tháo đường khi đường huyết đói (Nhịn đói qua đêm xong sáng dậy ra bv đo đường huyết khám sức khỏe) ở ngưỡng 126 mg/dl trở lên (Đo ít nhất 2 lần ở 2 thời điểm khác nhau mới chắc chắn được). Ngoài ra, nếu đường huyết bất kì (không cần nhịn ăn, đo ngẫu nhiên lúc nào cũng được) của bệnh nhân trên 200 mg/dl (Kèm triệu chứng thường gặp của tăng đường huyết)
Ngoài ra, ta còn có thể chẩn đoán thông qua đánh giá chỉ số máu HbA1c, nếu chỉ số này trên 6.5% thì đây là chỉ số để ta đề xuất tiến hành thêm các chẩn đoán về đường huyết để xác nhận về bệnh lý đái tháo đường ở bệnh nhân. (Tuy nhiên nếu HbA1c bé hơn 6.5% thì cũng chưa thể loại trừ được trường hợp bạn bị đái tháo đường)
Ngoài các phương pháp trên, hiện nay còn có nghiệm pháp dung nạp glucose nữa nhưng mà giờ thì mình ít thấy dùng so với đo đường huyết đói và HbA1c.
Các chẩn đoán trên chỉ dùng để chẩn đoán là bệnh nhân có đái tháo đường hay không chứ không phân biệt được loại nào. Để phân biệt thì ta cần chẩn đoán phân biệt khác dựa trên chỉ số c-peptid, bệnh sử,... của bệnh nhân.
Các bệnh đái tháo đường khác nhau thì có nhiều điểm chung với nhau nên bệnh nhân cần lưu ý nghe bác sĩ dặn. Khả năng làm hạ đường huyết của nhiều thuốc rất mạnh nên sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể sẽ gặp tình trạng tụt đường huyết quá mức, thường là dưới 65mg/dl. Tình trạng này sẽ khiến cho bệnh nhân run tay, chóng mặt, lờ đờ, tim đập thình thịch và có thể dẫn đến hôn mê. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào của tụt đường huyết, cho bệnh nhân sử dụng đường để bù lại. 
Đây là tác dụng phụ thường gặp của các thuốc thế hệ cũ, thuốc thế hệ mới thì đỡ rồi nhưng vẫn có nguy cơ nhất định. Trong trường hợp này thì cho bệnh nhân ăn vài viên kẹo hoặc uống nước ngọt tầm nửa lon đến 1 lon để phục hồi đường huyết. Cụ thể nước ngọt bình thường, không nên uống nước tăng lực.
Không có mô tả ảnh.


BIẾN CHỨNG CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?

Nếu đường huyết bệnh nhân luôn ở mức cao trong nhiều năm (thường là trên 180mg/dl trong 10 năm hoặc hơn) thì bệnh nhân bị đái tháo đường (bất cứ loại nào) cũng sẽ gặp tình trạng tiến triển thêm nhiều biến chứng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung ta có thể gom các biến chứng của đái tháo đường lại thành 2 nhóm chính là biến chứng trên mạch máu lớn và biến chứng trên mạch máu nhỏ.

Biến chứng trên mạch máu nhỏ, bao gồm:

Bàn chân: Là kết quả từ biến chứng trên thần kinh kết hợp với vị trí dễ bị tổn thương, tuần hoàn kém. Hệ quả là từ một vết cắt nhỏ không để ý có thể trở thành một vết loét nhiễm trùng sâu đến tủy xương và trầm trọng hơn là hoại tử đủ để cắt bỏ chân.
Võng mạc (mắt): Gây tổn thương mạch máu võng mạc, xuất huyết dẫn đến mù.
Thận: Hỏng thận
Nghe rất đơn giản nhưng lại rất căng vì thận hỏng rồi k uống thuốc chữa được đâu!
Thần kinh: Gây tổn thương thần kinh ngoại biên (tay chân) và thần kinh thực vật do hỏng các mạch máu nuôi tế bào thần kinh. 
Hậu quả là tê, mất cảm giác, bỏng rát,... ở tay chân và rối loạn điều hòa huyết áp, sinh dục, tiêu hóa.

Biến chứng trên mạch máu lớn, bao gồm:

Mạch vành (tim) do xơ vữa và rối loạn lipid: Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tình trạng bệnh lý mạch vành thường trầm trọng hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường. Đồng thời, nguy cơ tử vong cũng cao hơn bệnh nhân bị bệnh mạch vành không đái tháo đường (4 lần).
Mạch máu não: Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ cao của đột quị và tai biến mạch máu não, kiểm soát đường huyết kém làm tăng nguy cơ mất trí nhớ liên quan đến đột quỵ cũng như tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ ở bệnh nhân.
Mạch máu ngoại biên: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tắc nghẽn dưới động mạch khoeo và vôi hóa thành mạch so với bệnh nhân không đái tháo đường.

ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Đầu tiên, mục tiêu chung của điều trị đái tháo đường là ngăn ngừa triệu chứng tăng đường huyết, giữ cân nặng phù hợp và ngừa / làm chậm biến chứng gây ra do bệnh đái tháo đường.
Nhìn chung, điều trị đái tháo đường là sự kết hợp của thuốc và cải thiện lối sống của bệnh nhân. Trong đó, cải thiện lối sống là yếu tố tiên quyết để kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường ở bệnh nhân.

Lối sống

Cải thiện lối sống là yêu cầu hàng đầu đối với bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2.
1) Luyện tập thể dục:
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, tùy vào mỗi người mà hình thức luyện tập có thể khác nhau. Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất mà mình có thể nêu ra là đi bộ (150 phút / tuần hoặc 30 phút mỗi ngày). Nên tập liên tục không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp trở lên. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (nâng tạ, kéo dây).
Cần phải đo huyết áp và kiểm tra các biến chứng sơ bộ (mắt có tiết dịch / xuất huyết / ... hay không, chân tay có tê hay nhói bất thường gì không, có biến dạng ở chân hay không) trước khi luyện tập để tránh làm trầm trọng biến chứng. 
LƯU Ý: Không tập gắng sức khi đang bị nhiễm ceton huyết và đường huyết quá cao >250 -270 mg/dL.
2) Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cần được áp dụng linh hoạt theo thói quen ăn uống của mỗi người, thức ăn sẵn có tại nơi bệnh nhân sống. Tốt nhất là có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Chi tiết sẽ tùy thuộc vào lối sống, vận động, các bệnh kèm của bệnh nhân mà đưa ra cho phù hợp.
Một số nguyên tắc chung về dinh dưỡng / lối sống được khuyến cáo cho mọi bệnh nhân bao gồm:
    Thừa cân béo phì thì phải giảm cân (ít nhất 3-7% cân nặng)
Tinh bột: Ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột giàu chất xơ như gạo lức, bánh mì đen, nui với nhiều chất xơ,...
Không KIÊNG HẲN đường bột mà thay vào đó là ăn vừa đủ, kèm với thực phẩm giàu chất xơ như rau củ.
Đạm: Nên ăn cá ít nhất 3 lần / tuần. Nếu ăn chay thì có thể bổ sung đạm từ đậu (đậu đỏ, đậu đen, đậu phụ,...)
Chất béo: Nên chú trọng dùng các chất béo nhiều acid béo không no như dầu mè, dầu ô liu, đậu phộng, mỡ cá. Cần tránh ăn các thức ăn nhiều trans-fat (đồ chiên rán ngập dầu)
Muối: Ăn nhạt, hạn chế đồ chấm, sốt chấm.
Chất xơ: Ăn nhiều chất xơ
Dầu dừa không phải là một chất béo nhiều acid béo không no nha các bạn.
Yếu tố vi lượng: Bổ sung đầy đủ các yếu tố vi lượng, đặc biệt là vitamin B12. Thiếu hụt vitamin B12 ngoài gây tình trạng thiếu máu còn gây ra hội chứng ống thần kinh không phục hồi được.
Dùng metformin - Thuốc đầu tay và phổ biến cho bệnh nhân đái tháo đường type 2  - trong thời gian dài sẽ gây thiếu vitamin B12.
Rượu / Bia: Giới hạn tối đa là 1 lon bia /ngày, rượu vang đỏ thì khoảng 1/3 cốc /1 ngày (150-200ml/ ngày)
Thuốc lá: Cai ngay và luôn.
Các chất tạo ngọt như đường bắp (GOUT!), đường cho người ăn kiêng (aspartam), saccarin: cần hạn chế sử dụng đến mức tối thiểu.

Thuốc

Nhìn chung nguyên tắc sử dụng thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc, các loại thuốc đái tháo đường mình sẽ không nêu ở đây. Những thông tin này các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ / dược sĩ cho phù hợp với từng người bệnh. Việc biết được chi tiết về một mớ nhóm thuốc / thuốc, nêu ra liều dùng, cách dùng, phác đồ điều trị theo ADA, vv là công việc của các bác sĩ, dược sĩ tụi mình cần biết để hỗ trợ các bạn. Các bạn chỉ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị và sống lành mạnh là tốt lắm rồi.

KHI NÀO THÌ BẠN CẦN NÊN TẦM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Theo khuyến cáo của bộ y tế (2020) thì tầm soát (ở đây là chẩn đoán) đái tháo đường nên được tiến hành trên tất cả mọi người trên 45 tuổi hoặc thừa cân béo phì (BMI>=23 kg/m2 đối với người VN) có kèm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ sau:
1) Ba mẹ anh chị ruột bị đái tháo đường \
2) Tiền sử tim mạch xơ vữa hoặc bị tăng huyết áp
3) Rối loạn lipid huyết
4) HDL-C<35mg/dl hoặc TG>250mg/dl
5) Ít hoạt động thể lực
6) HDLC<35 mg/dl hoặc TG >250mg/dl
7) Bệnh nhân hội chứng đa nang buồn trứng
8) Các tình trạng lâm sàng khác liên quan tới đề kháng insulin (cái này thì người bình thường khó biết được nên mình sẽ không nêu ở đây)
Kết quả tầm soát các bạn có thể tham khảo thêm với bác sĩ của bạn để đánh giá chính xác hơn và xác định thời gian tầm soát lại trong tương lai (vài năm hoặc ngắn hơn).

Lưu ý: Không nên nghe theo lời đồn truyền miệng nhau ăn cái này kiêng cái kia, uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc / chỉ định để tránh tiền mất tật mang nha.
Đái tháo đường là bệnh suốt đời, không "chữa khỏi" được nên cách tốt nhất là phòng bệnh - Sống lành mạnh, giữ cân nặng hợp lí.

Tài liệu tham khảo: Sách Giáo Trình Giảng Dạy Đại Học Dược Lâm Sàng và Điều Trị - Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y Học.