Tôi biết một vài người sẽ không đọc bài viết này mà sẽ nhảy thẳng xuống phần comment chỉ trích tôi ngay sau khi lướt qua tiêu đề. “Ồ mày không thích Black Panther hả? Mày là đồ phân biệt chủng tộc! Mày không thích phim này vì mày không trân trọng văn hóa của người da màu! Mày không tôn trọng một diễn viên đã qua đời, một người da màu đã chiến đấu với ung thư hàng năm trời! Mày là thằng &*%^*:>!@#()!...”
Bình tĩnh lại đi các bạn. Có hai điều tôi muốn làm rõ. Một, tôi chưa phát ngôn gì về người da màu hay nạn phân biệt chủng tộc. Và hai, giống như bao con người khác, tôi cảm thấy rất tiếc khi một diễn viên tiềm năng như Chadwick Boseman ra đi đột ngột. RIP King.
Nhưng chắc hẳn rồi, người ta sẽ không muốn nghe một anh chàng da vàng châu Á nói về một bộ phim như thế này đơn giản là vì, rõ ràng, anh ta không phải… một con báo. “Không phải là con báo thì biết quái gì mà lên tiếng về một bộ phim có nhân vật chính là một con báo và xoay quanh loài báo”, chắc nhiều người sẽ bảo tôi thế. Ấy nhưng, thời buổi tự do ngôn luận mà. Tôi có quyền nói ra quan điểm của tôi và có nghĩa vụ chịu trách nhiệm cho những lời nói của tôi.
Và theo tôi, Black Panther là 1 bộ phim overrated. Black Panther làm tròn vai trò của một bom tấn siêu anh hùng giải trí đơn thuần, do đó phần đông khán giả có thể cảm thấy thỏa mãn khi rời rạp. Lí do khiến nhiều người thấy nó hay thì chắc các bạn biết hết rồi, tôi không nhắc lại nữa. Tuy nhiên, một điều mà Black Panther đã làm không tốt, đó là sự truyền tải cái nhìn nhận sai lầm của Hollywood về châu Phi.
Cộng đồng khán giả thời đại snowflake và các nhà lều báo Hollywood tung hô Black Panther vì đã tung cú đấm sắt vào nạn phân biệt chủng tộc, lên án chủ nghĩa thực dân và sự nô dịch người da màu, đồng thời thể hiện sự trân trọng văn hóa bản địa phong phú, đa dạng của người da màu châu Phi. Hình ảnh đất nước Wakanda nhiệm màu hiện lên thật lộng lẫy, khiến nhiều người đưa ra nhận định, châu Phi hoàn toàn có thể trở thành một lục địa của sự phát triển, tiến bộ và thịnh vượng về mọi mặt, NẾU như không bị thực dân châu Âu xâm lược, nô dịch và vơ vét tài nguyên thiên nhiên.
Nghe qua thì có vẻ là nhân văn tiến bộ, nhưng thực chất thì sai lệch hoàn toàn.
Đầu tiên, tôi muốn hỏi các bạn một điều, và các bạn hãy cùng suy nghĩ với tôi trước khi đọc tiếp. Câu hỏi của tôi là, tại sao châu Phi lại nghèo đói và lạc hậu?
Do bị các cường quốc da trắng châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha xâm lược, nô dịch, vơ vét tài nguyên?
Do các cuộc chiến tranh xung đột liên miên mà người da trắng là những kẻ giật dây?
<i>Sự thống trị của các nước thực dân châu Âu với châu Phi (hai khoảng màu xám là Liberia và Ethiopia, hai quốc gia độc lập)</i>
Sự thống trị của các nước thực dân châu Âu với châu Phi (hai khoảng màu xám là Liberia và Ethiopia, hai quốc gia độc lập)
Những nguyên nhân trên đóng góp nhiều đến mức nào cho sự nghèo đói và bất ổn của châu Phi hiện tại? Xin thưa là bất cứ ai có hiểu biết sơ đẳng về lịch sử và địa lý của châu Phi cũng sẽ chỉ cho bạn con số hào phóng nhất là ba mươi phần trăm. Những ai cho rằng chúng là nguyên nhân chính đều là những người không hiểu bản chất vấn đề. Tôi không trách họ, không chỉ báo chí truyền thông cánh tả mà đôi khi chính giáo viên hoặc sách vở lịch sử của họ cũng nói với họ như thế.
Sự nô dịch của châu Âu đối với châu Phi là một thảm kịch, nhưng nó không phải yếu tố quyết định tại sao châu Phi lại chậm phát triển và nghèo nàn. Khu vực phía Đông châu Á cũng đã từng bị đô hộ và chiến tranh liên miên trong một thời gian dài, nhưng ngày nay các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đông Nam Á nhìn chung vẫn vượt xa so với châu Phi. Quyền con người, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục,… ở các nước nói trên cũng tốt hơn châu Phi nhiều.
Sự chiếm hữu nô lệ không phải là thứ gì đó tới tận lúc người châu Âu xâm chiếm châu Phi mới có. Thậm chí, nó đã xuất hiện cả ngàn năm trước khi người châu Âu biết đến sự tồn tại của châu Phi bên kia bờ Địa Trung Hải. Và đúng rồi đó, châu Phi là nơi sự chiếm hữu nô lệ phát triển rất mạnh. Ai cũng biết câu chuyện về những người nô lệ thời Ai Cập cổ đại, bởi Ai Cập là một đế chế sa mạc được xây trên lưng nô lệ. Khó có thể hình dung được bao nhiêu người đã chết vì lao động khổ sai trong quá trình xây dựng những công trình như Kim Tự Tháp Giza hay Thung lũng của các vị Vua. Trong thời Trung Cổ, buôn bán nô lệ vẫn là trụ cột của trao đổi hàng hóa giữa các thành bang và bộ lạc châu Phi. Không thể đổ lỗi cho mỗi thực dân châu Âu về vấn đề nô lệ ở châu Phi được, như vậy là thiếu khách quan.
<i>Bản đồ các tuyến đường buôn bán nô lệ ở châu Phi vào thế kỉ XIII. Tới tận năm 1482, người Bồ Đào Nha mới thiết lập trạm thương mại đầu tiên với châu Phi tại Guinee.</i>
Bản đồ các tuyến đường buôn bán nô lệ ở châu Phi vào thế kỉ XIII. Tới tận năm 1482, người Bồ Đào Nha mới thiết lập trạm thương mại đầu tiên với châu Phi tại Guinee.
Vậy nguyên nhân trực tiếp khiến châu Phi phát triển chậm hơn so với thế giới là đâu? Những người có tư duy tốt về địa chính trị sẽ đưa ra cho bạn hai nguyên nhân. Thứ nhất là sự cô lập của châu Phi với phần còn lại của thế giới, cũng như giữa các nền văn minh châu Phi với nhau, do những trở ngại địa lý của lục địa này. Thứ hai, là những con người sống tại lục địa đó.
Ngoại trừ các nền văn minh ven biển Địa Trung Hải (mà hầu hết sau này đều du nhập văn hóa Hồi giáo từ Trung Đông như Ai Cập, Tunisia hay Morocco), thì những khu vực đông đúc dân cư nhất của châu Phi, nơi khai sinh ra những nền văn hóa đa dạng của nó như Black Panther thể hiện, hầu hết nằm ở phía Nam của sa mạc Sahara. Sahara là sa mạc rộng lớn nhất thế giới, bao phủ hầu hết các nước Bắc Phi. Chính sa mạc này đã trở thành rào cản tự nhiên cho bất cứ nỗ lực tiếp xúc với thế giới bên ngoài của các nền văn hóa Hạ Sahara. Cộng với việc bị bao bọc bởi hai đại dương, cũng như có rất ít vũng, vịnh ven bờ hoặc cảng nước sâu tự nhiên, nên việc giao thương bằng đường biển với thế giới cũng rất khó khăn. Các con sông lớn của châu Phi đều rất hùng vĩ và tạo nên những cảnh quan tuyệt đẹp như thác Victoria chẳng hạn, nhưng chúng gần như vô dụng về mặt giao thông vì cứ vài dặm bạn sẽ gặp phải một thác nước. Sông Danube và sông Rhein hiền hòa chảy qua châu Âu, kết nối các nền kinh tế và cư dân Hà Lan, Đức, Áo và bán đảo Balkan với nhau, tạo nên các vùng thương mại lớn mà các con sông hung dữ của châu Phi không thể mang tới được. Khí hậu nhiệt đới ẩm và môi trường rừng rậm khiến các dịch bệnh chết người như sốt rét mặc sức hoành hành, cùng với những sinh vật làm lây bệnh truyền nhiễm như muỗi hay ruồi tsetse. Những lí do ấy khiến cho đến tận ngày hôm nay, châu Phi vẫn đang lạc hậu.
Các trở ngại tự nhiên của châu Phi cũng khiến cho các nền văn hóa và cộng đồng dân cư nơi đây trở nên tách biệt. Có đến hàng ngàn bộ tộc và vương quốc lớn nhỏ tồn tại rải rác ở khu vực Hạ Sahara, mỗi dân tộc lại sử dụng ngôn ngữ riêng và nền văn hóa riêng. Không có một nền văn hóa nào nổi lên thống trị một khu vực rộng lớn và thống nhất tất cả các nền văn hóa dưới một ngôn ngữ mang tính cầu nối giữa các dân tộc. Họ sống trong tình trạng cô lập rất lâu, có những vùng có lẽ bị cô lập khỏi những bộ tộc “hàng xóm” đến cả ngàn năm. Châu Phi rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng nó thiếu những người có thể khai thác, điều chế, sản xuất và vận chuyển chúng, đơn giản vì các rào cản về tự nhiên và văn hóa là quá lớn, khiến giao thương không phát triển và tri thức của nhân loại mất rất nhiều thời gian mới chạm tới đây được.
Bạn có thể lập luận với tôi rằng, Wakanda hoàn toàn tự cô lập với thế giới nhưng vẫn cực kì phát triển. Vậy thì tôi có tin xấu cho bạn đây. Thứ nhất, Wakanda không có thật. Thứ hai, nếu nó có thật thì nó cũng sẽ chịu chung số phận với phần còn lại của châu Phi, kể cả khi nó có là Ả Rập Xê út về Vibranium đi chăng nữa.
<i>Ethiopia là một quốc gia không bị đô hộ bởi thực dân, nhưng họ vẫn nghèo</i>
Ethiopia là một quốc gia không bị đô hộ bởi thực dân, nhưng họ vẫn nghèo
Người dân châu Phi ngồi trên một lục địa có khi còn giàu có về tài nguyên thiên nhiên hơn cả Wakanda, với một trữ lượng khổng lồ vàng, kim cương, đồng, kẽm, than, và cả các thành phần quan trọng trong linh kiện điện tử như coban và platin. Thứ mà châu Phi thiếu để có thể phát triển được, như đã trình bày ở trên, chính là sự giao thương trao đổi với nhau và với thế giới bên ngoài - thứ đáng lẽ ra sẽ mang về cho các bộ lạc và vương quốc cổ đại của họ thảo dược từ Trung Đông; tri thức từ Hy Lạp; lụa, giấy và thuốc súng từ Trung Hoa; và kỹ thuật đóng tàu của các thương cảng ven Địa Trung Hải. Lịch sử có thể đã rất khác nếu những điều đó xảy ra. Bạn có thể tưởng tượng được khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất bây giờ và cho loài người chiêm ngưỡng công nghệ của họ, thì cả thế giới sẽ phản ứng ra sao. Đó cũng là cảm giác của các bộ lạc Hạ Sahara khi người Ả Rập đem vàng bạc và đồ mỹ nghệ xuống buôn bán, hoặc khi dân châu Âu tới đây bằng những cánh buồm trắng và súng đạn, trong khi bọn họ còn chưa phát triển được chữ viết, chưa bước vào thời kì nông nghiệp, chưa chế tạo được kim loại, thậm chí là chưa biết tới bánh xe hay lửa.
Nói tóm lại, các nhà báo Hollywood và fanboy Marvel cho rằng “Black Panther là một ví dụ hoàn hảo cho thấy châu Phi sẽ rất phát triển nếu không bị thực dân da trắng đô hộ”, và đây là một nhận định sai lầm. Kể cả khi người châu Âu chưa bao giờ đặt chân tới đây, châu Phi vẫn sẽ là một lục địa lạc hậu, đói kém. Địa lý đóng vai trò rất quan trọng trong định hình sự phát triển của một hay nhiều quốc gia trong lịch sử, và theo những gì tôi thấy, có lẽ một châu Phi không có dấu chân của người châu Âu vẫn sẽ săn bắn và hái lượm vào thế kỉ XXI. Nhiều người có thể chỉ trích tôi và cho rằng tôi là một kẻ cuồng-thực-dân, cho rằng tôi đã nốc trúng chiêu bài “khai hóa - văn minh” của đế quốc. Nhưng cái gì thì cũng phải nhìn nhận hai mặt. Đúng, người châu Âu đã giày xéo cả lục địa này và đày đọa cuộc sống của hàng thế hệ người da màu, nhưng họ cũng đã mang tới lục địa này nhiều thứ mà họ chưa có và có lẽ không bao giờ có.
<i>Nam Phi hiện nay là quốc gia phát triển nhất châu Phi, một phần nhờ kế thừa và phát triển tốt nền tảng sản xuất công nghiệp từ thời thực dân Anh</i>
Nam Phi hiện nay là quốc gia phát triển nhất châu Phi, một phần nhờ kế thừa và phát triển tốt nền tảng sản xuất công nghiệp từ thời thực dân Anh
Luận điểm sai lầm trên có lẽ là xuất phát từ góc nhìn của những người Mỹ gốc Phi vốn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc, nên nó chưa có sự nhìn nhận sâu sắc về lí do tại sao châu Phi lại lạc hậu mà chỉ tập trung vào kết tội người da trắng là chính. Một điều đáng buồn là nhiều người lại tin vào điều đó, hoặc im lặng chấp nhận nó. Đó cũng là mặt trái của Black Panther nói riêng và những bộ phim về người da màu nói chung: không ai dám lên tiếng phê bình tiêu cực các bộ phim đó cả, vì không muốn mang tiếng là phân biệt chủng tộc. Chứ bạn nghĩ tại sao Black Panther được đề cử Phim Hay Nhất tại Oscars?
Trước đây, tôi có đọc được một câu chuyện như thế này. Joseph Stalin từng có một bài diễn văn trước đám đông ở Moscow. Sau khi bài diễn văn kết thúc, đám đông đứng dậy vỗ tay. Điều đáng nói là họ vỗ tay rất lâu, đến mức bàn tay của ai nấy đều sưng rộp. Họ vỗ tay liên tục trong 5 phút sau đó, tới tận khi Stalin thấy khó chịu và bảo họ thôi, họ mới thôi. Có lẽ, họ không dám trở thành người đầu tiên ngồi xuống và ngừng vỗ, rồi khiến người tiếp theo ngừng vỗ và cứ thế. Những con người ấy đã chứng kiến cơn thịnh nộ của Stalin khi hắn xử tử hàng loạt những người thân cận với hắn và những người hắn cho là “chống đối” trong cuộc Đại Thanh Trừng. Họ không dám ngừng vỗ tay, vì không muốn làm hắn tức giận. Họ tán dương hắn để bảo vệ chính bản thân họ.
Có lẽ đây là câu chuyện có thật, Stalin là một tên độc tài và người dân Liên Xô chắc chắn sợ hắn nhiều hơn là yêu hắn. Có lẽ nó cũng chỉ là một giai thoại thời Chiến Tranh Lạnh, một trò lừa gạt của phương Tây. Tuy nhiên ngày nay, những chuyện như thế đâu phải là hiếm. Ngày nay thì chính đám đông lại là Stalin, con người ta quá sợ hãi cơn thịnh nộ của đám đông, sợ hãi việc trở thành kẻ đi ngược lại với đám đông và bị khai trừ, nên họ luôn đồng ý với số đông và cứ thế vỗ tay tán dương những gì đám đông cho là hay. Họ cứ thế vỗ tay đến khi bàn tay phồng rộp, bởi như thế thì dễ dàng và an toàn hơn là trở thành người đầu tiên ngừng vỗ và ngồi xuống.