BIỆT ĐỘI "THIÊN NGA' VÀ TỘI ÁC MANG GƯƠNG MẶT MỸ NHÂN!
Lật Lại Hồ Sơ Tư Liệu. BIỆT ĐỘI "THIÊN NGA' VÀ TỘI ÁC MANG GƯƠNG MẶT MỸ NHÂN! ————— Dưới sự huấn luyện của CIA, những người...
Lật Lại Hồ Sơ Tư Liệu.
BIỆT ĐỘI "THIÊN NGA' VÀ TỘI ÁC MANG GƯƠNG MẶT MỸ NHÂN!
—————
Dưới sự huấn luyện của CIA, những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường, trở thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội Tổ quốc.
Lò luyện những "thiên nga" chân dài
Trước năm 1975, có một số cơ sở cách mạng và cán bộ nằm vùng của ta bị địch phát hiện bắt bớ, tù đày do bị chỉ điểm, chiêu hồi mà không xác định được đối tượng tình nghi.
Hoạt động này do một tổ chức mang tên biệt đội "Thiên Nga" thuộc Tư lệnh Cảnh sát đô thành Sài Gòn, được CIA Mỹ huấn luyện và đào tạo rất công phu sử dụng làm gián điệp, chỉ điểm trà trộn vào trong dân và vùng kháng chiến của ta để phát hiện tung tích cán bộ nằm vùng và đầu độc cán bộ.
Nguy hiểm nhất của đội quân này là chúng biến những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường chân yếu tay mềm, hiền lành chất phác, lam lũ thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội lại Tổ quốc Việt Nam.
Sau Tết Mậu Thân 1968, ngụy quyền Sài Gòn lập tức tăng cường các lực lượng cảnh sát, an ninh, quân cảnh để ngăn chặn sự xâm nhập vào đô thành miền Nam của các lực lượng tình báo, biệt động cách mạng.
Do đó, tháng 8/1968, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia (CSQG) Sài Gòn thành lập một tổ chức tình báo toàn là phụ nữ có tên là "Biệt đội tình báo Thiên Nga", trực thuộc Khối Đặc biệt hoạt động độc lập tuổi từ 18 đến 35. Nhiệm vụ của Biệt đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, chỉ điểm các tổ chức Việt cộng, xâm nhập và phá vỡ các đường dây liên lạc, tình báo của Việt Cộng tại đô thành Sài Gòn và các địa phương.
Biệt đội Thiên Nga Thủ đô gồm 11 quận của đô thành, có văn phòng tại Bộ Chỉ huy CSQG Thủ đô và các quận. Ngoài ra, còn có Biệt đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Nguồn nhân viên của các đội Thiên Nga do địa phương tuyển mộ những cô gái xinh đẹp, có nhân thân liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, kể cả cô nhi quả phụ được coi là đối tượng ưu tiên đặc biệt. Đây là đối tượng có sự tham gia tuyển chọn và đào tạo của cố vấn CIA Mỹ.
Sau khi được thành lập, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã bắt tay vào một kế hoạch huấn luyện các nữ nhân viên được tuyển lựa gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau, cá ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe buýt, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ...
Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần) và đặc biệt là khóa tác xạ tại Trường Tình báo Trung ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới được xét lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh ở nội trú và mang bí số riêng.
Công việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị của trường do các nhân viên Thiên Nga Trung ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn xong, trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành đặc biệt phân nhiệm trực thuộc phụ tá. Đặc biệt địa phương phải báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung ương.
Ở cấp Trung ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật chuyên dụng như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), kỹ năng giao tiếp, hóa trang, học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn.
Biệt đội trưởng, Phụ tá Biệt đội trưởng Thiên Nga Trung ương và các cán bộ điều khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh sát tốt nghiệp khóa I Học viện CSQG. Riêng Biệt đội trưởng và phụ tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng phòng Đặc biệt tại Trường Tình báo Trung ương vào các năm 1968-1969.
Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên cảnh sát chính thức, Biệt đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh sát), các bạn hàng chợ, các sinh viên trường trung học và đại học, thành phần bất hảo... để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên nhiều gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.
Nhiệm vụ đặc biệt của Biệt đội Thiên Nga là nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội, đoàn phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, Hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh để kịp thời phát hiện người cầm đầu các tổ chức đó…
Chân dung một chỉ huy biệt đội Thiên Nga
Theo hồ sơ, trùm biệt đội Thiên Nga mang hàm thiếu tá, tên Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình nhà giáo, thuở nhỏ học Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Xuất thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng cảnh sát, thế nhưng hình ảnh nữ y tá duy nhất Genevieve de Galard, người Pháp, "còn trẻ măng, chưa có gia đình" tham gia trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi. Học xong bậc trung học, Thanh Thủy thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, nhưng đang học dở dang thì xin nghỉ vì lý do sức khỏe.
Năm 1965, cô ả thi tiếp vào Trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, học tới khi sắp sửa tốt nghiệp thì hay tin bên Cảnh sát tuyển "sinh viên sĩ quan", nên ghi tên dự thi, lúc đó 21 tuổi. Bỏ ngang chuyện học ở Đà Lạt, đầu năm 1966 Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.
Sau một năm huấn luyện, nhà trường muốn chọn ra 5 trong số 18 cô gái được tuyển vào chương trình "biên tập viên cảnh sát" (tức những người phải có bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào "khối đặc biệt".
Tuy nhiên, không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy. Do đó, tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc CSQG khi đó, ra lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối Đặc biệt thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.
Sau một khóa huấn luyện đặc biệt tại Malaysia trở về, "Biệt đội Thiên Nga" được thành lập vào tháng 8/1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên. Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những "Thiên Nga" đầu tiên hăng hái nhất. Năm 1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng đội nữ tình báo Thiên Nga cho đến ngày bị bắt vào tháng 5/1975.
Cũng cần nói thêm, trong ngành CSQG Sài Gòn trước đây, trước khi thành lập Học viện CSQG hầu như không có nữ sĩ quan, ngoại trừ những nữ nhân viên hành chánh biệt phái. Khóa 1 Học viện CSQG là khóa đầu tiên và duy nhất đào tạo nữ sĩ quan cho ngành cảnh sát.
Mặc dù sau này ngành cảnh sát có tuyển dụng thêm một số nữ sĩ quan đồng hóa nhưng họ chỉ phải trải qua một thời gian huấn luyện ngắn hạn chứ không phải chịu một thời gian huấn luyện (và huấn nhục) dài 9 tháng (cho cả nam lẫn nữ) như Khóa 1. Nguyễn Thanh Thủy đã cùng gần 50 cô gái khác tuyển tình nguyện vào học nội trú trong Học viện CSQG.
Biệt đội Thiên Nga gồm những cô gái chân dài, được tuyển mộ làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ thành thị đến những vùng nông thôn xa xôi tuổi từ 20 đến dưới 40, hoạt động thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở cách mạng.
Biệt đội Thiên Nga trong thời gian này đã rêu rao thành tích cấy người được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ nữ đòi quyền sống của bà luật sư Ngô Bá Thành.
Tất nhiên đây là thành tích rêu rao từ một phía, vì nếu Thiên Nga tài giỏi như vậy hẳn khó có những nhà tình báo, biệt động thành lỗi lạc của Cách mạng hoạt động trong các cơ quan đầu não Sài Gòn như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Tám Thảo… và ai cũng biết câu chuyện về ông Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng), quê ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Đầu năm 1970, trong một lần Năm Thắng chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội - Trưởng Ty Công an Bến Tre, đột nhiên hỏi anh: "Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn như… con gái. Hay là mày giả gái vô làm trong đội Thiên Nga đi".
Năm Thắng kể lại: "Cấp trên giao cho tui trong vòng 6 tháng phải tìm cách lọt được vào đội Thiên Nga, vì thế tui phải về nhà để má tui dạy làm... con gái". Những ngày sau đó, Năm Thắng bắt đầu tập chuyển đổi "giới tính" với việc làm quen giày cao gót, áo ngực cũng như để tóc dài, gội đầu bồ kết. Nhưng điều đó chưa khó bằng cách tập đi lại, nói năng, điệu bộ...
Mấy tháng trời tập luyện, cuối cùng tại địa bàn Mỏ Cày đã xuất hiện cô gái Năm Thanh duyên dáng chuyên bán hàng rong. Câu chuyện giả gái của Năm Thắng (mật danh F5) là một cú tát cực mạnh vào bộ máy tình báo ngụy mang tên Thiên Nga, chúng không bao giờ ngờ được rằng, trong hàng ngũ Thiên Nga của chúng lại có "Thiên Nga" Việt cộng trà trộn vào, mà lại là một "đực rựa" chính gốc hoạt động cho đến khi còn một tháng là giải phóng, tổ chức cho phép rút ra căn cứ an toàn vì con trai Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) quá si tình Năm Thanh đòi phải cưới gấp.
Tháng 5/1975, thành phố Sài Gòn náo nức tưng bừng cờ hoa mừng giải phóng, hòa bình thì cũng là lúc những kẻ phía bên kia như bầy Thiên Nga đang sống trong những ngày tháng đầy hoang mang, lo sợ. Lúc này, chồng trùm biệt đội Thanh Thủy là đại úy Lê Thành Long, sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đã ra trình diện chính quyền quân quản và thi hành cải tạo.
Hồi ức về bản thân khi đã được định cư tại Hoa Kỳ, cựu trùm biệt đội Thanh Thủy chua chát kể lại rằng: "Không ai trong gia đình, kể cả chồng biết được tôi là một "Thiên Nga" và là chỉ huy. Người cha già là một thầy giáo dạy học, chỉ biết con gái là một thiếu tá cảnh sát.
Chồng Thanh Thủy cũng chỉ biết vợ mình làm ở "khối đặc biệt" nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì. Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở Trường trung học Cảnh sát Trung Thu. Một con người luôn phải sống trong sự khép kín, không bao giờ được nói thật và không bao giờ có thể tìm được sự chia sẻ, đồng cảm.
Những đòn "oan ức" mà nhiều Thiên Nga khi đã về già kể lại đều rất tức tưởi, xót xa hệt như nhau. "Thiên Nga" Hà Thị Đông Nga, cựu trung úy cảnh sát, xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư lệnh Cảnh sát Sài Gòn kể: "Những Thiên Nga hầu hết đều ở tuổi 17 - 20, ai cũng có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác tới, mà nghề này công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12h đêm có thể là 1, 2h sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?".
Nguyễn Thanh Thủy tập trung cải tạo một thời gian tại các trại Long Thành, Z30D đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của cha, khi ông này trở về từ trại cải tạo vào tháng 10/1981.
Ngày trùm biệt đội Thiên Nga được trả tự do đã mày mò về góc đường Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng bán cơm tấm, nước ngọt kiếm sống qua ngày cho đến lúc được xuất cảnh theo diện H.O vào tháng 2/1992 và định cư tại quận Cam, California. Tại Mỹ vào năm 2002, con gái đầu lòng của hai vợ chồng này đã qua đời đột ngột và để lại một đứa cháu mắc bệnh bẩm sinh.
Chiến tranh đã qua đi. Quá khứ dần khép lại. Nhưng câu chuyện về thân phận những người đã dự phần trong những biến động lịch sử, nhất là những người làm cho Biệt đội Thiên Nga, hiện thân của những con rắn độc hại người không gớm tay.
Họ đã phải trả giá khi lịch sử sang trang nhưng vẫn còn đó những bài học về sự cảnh giác với kẻ thù khi mà còn không ít những con rắn độc đội lốt Thiên Nga còn sống và đang tồn tại quanh ta.
Nguồn :Facebook: Đi tìm lẽ sống
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất