BIÊN TẬP SÁCH - NẾU BẠN CHẮC NGHỀ, NGHỀ SẼ KHÔNG PHỤ BẠN
Đằng sau sự thành công của những cuốn sách bạn đọc là?
Nếu bạn yêu sách và mong muốn tìm hiểu về cách một cuốn sách ra đời, hãy cùng Human of Spiderum khám phá ngay podcast Người Trong Muôn Nghề với chủ đề là nghề nghiệp biên tập sách. Cùng khách mời là chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên của công ty sách Nhã Nam tìm hiểu tất tần từng bước để một cuốn sách đến với tay của mỗi độc giả.
- Biên tập viên sách có phải là công việc nhàm chán và cổ quái khi ngày ngày chỉ xoay quanh đọc bản thảo, rà soát chính tả…
- Quy trình xuất bản sách ở Việt Nam gồm những bước như thế nào?
- Học gì và cần kỹ năng gì để làm một biên tập viên mảng sách?
Còn chần chờ gì nữa, mau mau cùng host Yo Le và khách mời Diệu Thủy bước vào thế giới của nghề biên tập sách ngay thôi nào!
Yo Le: Cơ duyên nào đã dẫn chị đến với công việc của một người biên tập sách như hiện tại?
Diệu Thủy: Chị tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tưởng rằng sau này mình sẽ trở thành một giáo viên. Mong muốn là vậy nhưng mà ngành giáo dục vẫn quay lưng lại với ta. Hồi đó, chị mua sách mình đọc sách nhưng không hề biết đến câu chuyện một cuốn sách đã được làm ra như thế nào. Tình cờ, chị biết được thông tin có một nhà xuất bản của nhà nước họ đang bắt đầu đang tuyển dụng. Chị thi vào đó và không ngờ rằng là mình thi đỗ. Vậy là chị bén duyên với ngành xuất bản từ đó thời điểm đó cho đến nay. Trước khi bước vào nghề thì chị mường tượng rằng công việc này sẽ khá nhàm chán. Khi đã gắn bó lâu dài hơn thì hóa ra công việc này cũng không chán như mình tưởng.
Yo Le: Trước kia, em đã từng là cộng tác viên biên tập sách thì công việc của em là đọc bản thảo rồi soát chính tả, sắp xếp câu từ hay là sắp xếp cấu trúc của một tác phẩm nào đấy. Em cảm thấy mình không phù hợp với công việc này bởi nó liên tục lặp đi lặp lại ngày qua ngày như vậy. Có nhiều bạn cũng sẽ có cái nhìn về nghề nghiệp này kiểu kiểu như thế. Vậy khi mới bước chân vào nghề chị có suy nghĩ như thế nào về công việc này?
Diệu Thủy: Hồi mới bắt đầu, chị cũng có suy nghĩ như em khi phải làm công việc bàn giấy rồi ngày ngày còng lưng sửa chỗ này, chỗ kia rồi nghĩ sao mà công việc này nhàm chán mà cổ quái thế. Sau khi mình làm việc thật sự thì mình phải nói rằng công việc biên tập viên sách cũng có những cái khía cạnh, phong cách năng động thú vị riêng và có rất nhiều người sở hữu những trải nghiệm phong phú hơn mình tưởng. Cho nên, vấn đề chỉ là mình lựa chọn như thế nào thôi.
Chị sẽ làm rõ hơn về công việc hàng ngày của biên tập viên sách. Có hai thể loại sách bao gồm sách tiếng Việt và sách tiếng Anh (sách Ngoại Văn). Mỗi một thể loại đòi hỏi những cách thức biên tập khác nhau.
- Sách Ngoại Văn là sách đã được mua bản quyền từ các nhà xuất bản trên thế giới, từ các tác giả trên thế giới về trong nước. Từ đó, biên tập viên Ngoại Văn sẽ là người tổ chức các dịch giả để dịch những cuốn sách đó. Sau đó, họ biên tập bản dịch và đối chiếu thật chặt chẽ với bản gốc. Biên tập viên sách Ngoại Văn cũng sẽ phải kiểm soát các bản thiết kế, khâu ra bìa, khâu hậu kiểm… Các bước làm việc của một biên tập viên sách Ngoại Văn Ít hơn so với một biên tập viên sách Tiếng Việt.
- Khái quát chung về một biên tập viên sách Tiếng Việt thì họ sẽ trải qua 6 thao tác sau đây:
+ Bước 1 là tìm kiếm bản thảo. Công việc này có thể đến từ hai cách. Một là tự tìm kiếm tác giả hoặc bản thảo để đáp ứng ý tưởng của biên tập viên. Hai là đọc duyệt các bản thảo được gửi đến và lựa chọn bản thảo dựa trên các tiêu chí nhất định.
+ Bước 2 sẽ đến khâu ký kết hợp đồng bản quyền.
+ Bước 3 bắt đầu sửa chữa, làm việc trên bàn thảo.
+ Bước 4 làm việc với họa sĩ để có thể xây dựng một thiết kế hợp lý đối với cuốn sách.
+ Bước 5 tham gia truyền thông cho sách. Biên tập viên sách sẽ là chuyên gia của cuốn sách cho nên họ tham gia truyền thông sẽ là phương án tốt nhất.
+ Bước 6 là theo dõi doanh thu, phản hồi của độc giả để tiếp tục những dự án trong tương lai.
Với mỗi cuốn sách, biên tập viên lại có khối lượng công việc khác nhau. Nhưng nếu nói biên tập viên sách chỉ là đọc, soát chính tả, chỉnh sửa thì không thể bao quát hết toàn bộ công việc của biên tập viên sách.
Yo Le: Em thắc mắc không biết chị sử dụng tiêu chí nào để lựa chọn tác phẩm? Làm thế nào để biết được rằng tác phẩm đó phù hợp với nhà xuất bản hay với với thị trường hay không?
Diệu Thủy: Nhìn chung mà khi có bất kỳ bản thảo nào được gửi đến và chị phải đọc duyệt thì chị sẽ dựa trên 3 tiêu chí:
- Tiêu chí thứ nhất: Nội dung của bản thảo đó là gì?
+ Nội dung ở đây chúng ta hiểu là đề tài. Khi xem xét tiêu chí đề tài thì biên tập viên sẽ phải đặt đề tài đó giữa rất nhiều những đề tài tương đương ở trên cùng thị trường. Lúc đó thì biên tập viên sẽ phải có một cái bức tranh tương đối tổng quát về thị trường để để cân nhắc để đánh giá được đề tài là tốt hay không.
- Tiêu chí thứ hai: Cấu trúc của nó ra sao?
+ Bản thảo cũng được yêu cầu cần phải một cấu trúc tốt và một cái cốt chắc chắn để có thể “đứng” được.
- Tiêu chí thứ ba: Ngôn ngữ. Ở đây đề cập đến vấn đề hành văn và vấn đề cách viết.
+ Ngôn ngữ phải đẹp, lôi hành văn phải tốt.
Tùy từng trường hợp mà biên tập viên sách lại yêu cầu tiêu chí này cao hơn tiêu chí kia.
Yo Le: Để có thể chuẩn bị cho công việc của một biên tập viên sách, theo chị các bạn trẻ cần chuẩn bị những điều gì?
Diệu Thủy: Tại chỗ chị làm việc, đa số mọi người đến thì các ngành ngôn ngữ hoặc là văn học hay là các ngành học về xã hội. Tất nhiên cũng sẽ có khá khá người đến từ các ngành tự nhiên. Nếu như bạn thấy mình có năng lực ngôn ngữ, năng lực ngoại ngữ và có ham muốn với công việc làm sách khác thì đương nhiên cơ hội sẽ mở rộng cho bạn.
Để chuẩn bị cho công việc của một người biên tập sách thì đương nhiên bước đầu tiên chúng ta phải đọc sách nhằm mở rộng vốn ngôn từ của mình. Bước thứ hai là câu chuyện ngoại ngữ. Ở thời kỳ này, dù làm việc ở mảng sách Ngoại Văn hay sách trong nước ngoài bạn đều cần phải có ngoại ngữ bởi nó không chỉ đòi hỏi khả năng dịch thuật mà còn công việc tra cứu nhằm so sánh các vấn đề khác nhau. Chị luôn luôn nghĩ rằng một biên tập viên thì cần phải có khả năng viết. Trong công việc của một biên tập viên sẽ có đòi hỏi hỏi những chuyện viết từ mức độ nhỏ đến mức độ lớn. Cho nên, việc trau dồi năng lực viết là câu chuyện bạn nên phải tính đến. Ngoài ra, chị cũng hy vọng các bạn trẻ phải có thêm những kỹ năng về đa phương tiện để có thể làm giàu cho các phần sản xuất nội dung. Chúng ta đang sống ở một cái thời kỳ mà biên tập viên sách cũng không thể tách mình ra khỏi câu chuyện đa phương tiện. Sách giờ đây có thể bán ở trên nhiều nền tảng khác nhau như sách nói, sách ảnh hay các nền tảng podcast như Spotify… Phần truyền thông cho sách cũng vậy. Chúng ta có rất nhiều cách thức, nền tảng khác nhau để truyền thông thì biên tập viên cũng nên có những sở hữu kiến thức về đa phương tiện để có thể hỗ trợ cuốn sách của mình được tốt nhất.
Yo Le: Chị nghĩ sao về mâu thuẫn giữa biên tập viên sách và tác giả?
Diệu Thủy: Mối quan hệ giữa biên tập viên sách và tác giả là sự mâu thuẫn huyền thoại của ngành xuất bản không chỉ ở Việt Nam đâu mà là ở mọi nhà sản xuất bản trên thế giới. Mọi người sẽ luôn thấy hình ảnh biên tập viên “đánh nhau” với các tác giả để cùng tạo ra một sản phẩm tốt nhất. Trong quá trình trải nghiệm làm việc của chị và những gì chị quan sát thấy thì câu chuyện đó nó không đến mức như được mô tả trên mạng xã hội hay báo chí mô tả. Khi đưa một bản thảo đến nhà xuất bản và hai bên đã ký kết hợp đồng với nhau nghĩa là chúng ta đã ngồi chung trên một con thuyền. Cả hai đều có thiện chí nhằm đưa ra một sản phẩm tốt nhất cho nên tất cả các phương án đều được thỏa thuận và được trao đổi với nhau. Chị khá ít gặp việc biên tập viên và tác giả có những mâu thuẫn căng thẳng. Đương nhiên, nó là vấn đề có thể xảy ra nhưng nó không phổ biến và nó cũng tương đối dễ được giải quyết.
Yo Le: Với những bạn trẻ có mong muốn theo đuổi công việc của một biên tập viên sách, chị có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn ý không?
Nếu như trở thành một biên tập sách hãy cố gắng trở thành chuyên gia cho dự án mà mình theo đuổi. Khi trở thành chuyên gia, bạn sẽ hiểu sâu sắc về cuốn sách đó, hiểu sâu sắc về tác giả đó và hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó. Lúc đó, kiến thức riêng của bạn có thể phát huy được ở rất nhiều môi trường khác nhau không chỉ trong ngành nghề liên quan tới sách mà còn trên báo chí, trên các diễn đàn,... Tất cả những điều đó sẽ làm giàu có cho đời sống của bạn.
Khám phá ngay podcast Người Trong Muôn Nghề về nghề biên tập viên sách TẠI ĐÂY:https://b.link/NTMN-DieuThuy-BTV
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại:
- Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions
Đọc thêm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất