
Tôi 1993 – Một Phó ban Quản lý cấp trung cao của một Tập đoàn kinh doanh Tôn thép tại Việt Nam. Đâu đó xung quanh tôi vẫn cho rằng, vị trí tôi đang trên đường phát triển ấy là một điều bình thường, thậm chí có phần hơi trễ so với nhiều người, nhưng với một người miền Tây tỉnh lẻ như tôi - Hành trình trở thành Quản lý của tôi là những trải nghiệm tích luỹ từ những tháng ngày rong ruổi từ Bắc Chí Nam, từ đất liền ra Biển đảo và từ chính tư duy muốn đào tạo thế hệ trẻ…5 năm làm quản lý, Tôi nhận ra nhiều điều…!
Hãy biết một chút về bộ môn thần số học/nhân tướng học… để chọn người đồng hành
Chia sẻ thật, hơi “buồn cười xíu” là tôi biết một chút về thần số học, nhân tướng học, cung hoàng đạo các kiểu...Nên việc nhìn người của tôi ít khi bị lầm nên giờ vẫn “ế”. Thôi chuyện “ế” mình bỏ qua, đương nhiên đôi lúc vẫn bị lừa, nhưng tỷ lệ phần trăm là rất thấp. Tôi căn cứ vào đó để chọn nhân sự đồng hành. Tôi nghĩ rằng Các Ông/Bà đã đang hay sắp trở thành quản lý cần biết một chút về các bộ môn này. Hay và “linh” lắm đó nha!
Lực lượng nhân sự của tôi - Tôi ưu tiên chọn các bạn TRẺ vì nhiệt huyết chỉ đơn giản thế! Khi vào team, nhân sự đó phải bắt đầu lại từ đầu…
…Bắt đầu lại từ Văn hoá công ty, từ quy trình mới, từ các mối quan hệ mới…Sự thích nghi, dám thay đổi để phù hợp chính là yếu tố đầu tiên để quyết định giữ lại hay cho out tuyển mới. Với tôi khi nhân sự mới vào, tuần đầu tiên chỉ nên cho nhân sự làm quen môi trường, tuần thứ hai cho photo in ấn tài liệu hoặc các việc lặt vặt khác để quan sát vì sự chỉnh chu sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tuần thứ ba cho đi thực tế bên ngoài (nếu công việc cần thực tế bên ngoài), tuần thứ tư mới cho bắt đầu công việc. Tôi nghĩ 2 tháng là thời điểm đủ để đánh giá chất lượng nhân sự mới trên các khía cạnh cần phải có, không cần thêm thời gian.
Thực tế, Tôi khẳng định luôn đa phần điều các bạn trẻ thiếu bây giờ đó là SỰ KIÊN NHẪN VÀ KIÊN TRÌ trong chính cuộc sống của các bạn. Các bạn dễ rung động, dễ yêu nhưng lại thiếu kiên nhẫn và dễ bỏ cuộc khi xảy ra mâu thuẫn. Yêu nhiều nhưng không có chiều sâu. Công việc các bạn cũng như thế, dễ bỏ cuộc, hay đứng núi này trong núi nọ... Thay vì tập trung nhìn nhận bản thân, tìm ra hưởng giải quyết cho vấn đề thực tại, các bạn trẻ thường có xu hướng từ bỏ và tìm con đường mới. Khi bước qua con đường mới, vòng lặp của vấn đề cũ lại tiếp tục lặp lại…Tôi luôn luôn nhắc nhở nhân sự của mình về vòng lặp của sự thiếu kiên nhẫn và kiên trì này. Hãy giúp họ nhận ra và đồng hành cùng bạn!
Và cuối cùng người tôi giữ lại đồng hành sẽ là người có TÂM làm được việc, biết lắng nghe, dám thay đổi và thích nghi thay vì chọn “MỘT NGƯỜI GIỎI CỨNG ĐẦU” để đồng hành…
Muốn nhân viên lắng nghe hãy “dạy riêng” nhân viên bằng những trải nghiệm thực tế của Bản Thân và hãy cùng nhân viên chịu trách nhiệm…
Tôi không phải là một người khéo, nhưng không hiểu sao, tôi lại rất “khéo” với nhân viên của mình– Vì tôi hiểu ai cũng cần được tôn trọng và ai cũng có những sai lầm mắc phải, thay vì chỉ trích nặng nề hãy chia sẻ với họ những trải nghiệm của bản thân thông qua các câu chuyện thực tế bằng một cuộc nói chuyện riêng từng người thay vì tổ chức một cuộc họp tập thể. Họ nể họ sẽ lắng nghe, Tôi nghĩ điều này sẽ dễ thuyết phục nhân viên hơn rất nhiều.
Phải có nguyên tắc làm việc riêng “mang tính sống còn”. Với Tôi thì Quy tắc “quá tam ba bận” là quy tắc “bất di bất dịch”….
… Đừng để mình nói đến lần thứ ba hoặc để sự cố xảy ra đến lần thứ ba trong cùng một vấn đề - Đây là giới hạn tối thiểu trong cách đào tạo nhân sự của mình.
Tôi luôn quan sát nhân viên khi giao việc cho họ và nhìn cái cách họ sửa sai khi xảy ra vấn đề cho dù là một vấn đề nhỏ nhất. Cùng một vấn đề người quản lý phải nói đến lần thứ ba, cùng một lỗi sai người quản lý phải nhắc đến lần thứ ba… Do nhân viên vô tâm, không chịu để ý những gì bạn nói hay do nhân viên đó cố chấp không muốn tiếp thu…Dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì đây không phải là một nhân viên tiềm năng để đánh giá về tinh thần trách nhiệm hay có sự cầu tiến trong công việc cho dù họ có giỏi đến mức độ nào. Nên cân nhắc tìm nhân sự khác thay thế.
Nhân viên họ tôn trọng mình, nể mình nhưng cũng phải “sợ” mình vì nguyên tắc “bất di bất dịch” này!
Tôi nhận ra một người quản lý cần có “cương” và có “nhu” đừng dễ quá nhưng cũng đừng khó quá trên hành trình đồng hành cùng nhân sự của mình. Suy cho cùng, Sếp vẫn là Sếp, nhân viên vẫn là nhân viên hãy giữ một khoảng cách nhất định – Nhất là trong môi trường làm việc.
Tôi vẫn đang áp dụng và tôi thấy phù hợp với chính mình và tôi tự hào vì đội ngũ nhân sự của mình vẫn đang phát triển theo hướng tích cực trong suốt thời gian vừa qua. Sẽ có nhiều anh chị với nhiều kinh nghiệm quản lý tốt hơn, hãy chia sẻ cùng tôi (Cù Lao) nhé!
Cù Lao,
TP.HCM,
Thứ ba, ngày 12 tháng 12 năm 2023

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất