Tôi hay trêu một số ông bạn tôi là: mày cứ đi học đi, học lên tiến sĩ cũng được. Nếu tốt nghiệp mà không xin được vào làm chỗ nào ưng ý thì về đây tao sắp xếp cho một công việc. Hẳn là hắn tức tôi lắm. Nhưng phải nói thật với các bạn rằng, phần lớn tiến sĩ ở Việt Nam không tự tạo cho mình một công việc. Đó là chưa kể đến cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ "nhiều như lợn con" (Ông đại tá đáng kính của tôi nói thế). Họ toàn phải đi xin việc. Viết cái đơn xin việc là "đơn xin việc" nghe củ chuối làm sao. Ủa mình đi bán trí tuệ, thời gian và sức lao động chứ có phải đi xin xỏ bố con thằng nào đâu mà hạ mình thấp như vậy. Hay chỉ chứng tỏ năng lực mình có hạn? Từ khi ra khỏi đh, tôi toàn viết "đơn ứng tuyển lao động" đập ngay vào mắt nhà tuyển dụng một cái khác với những thằng ứng viên khác. Họ hỏi tại sao lại viết vậy. Tôi bảo: tôi đi bán thời gian, trí tuệ, sức khoẻ để lấy tiền, tôi không đi xin việc. Thực tế tôi chưa bao giờ bị từ chối việc làm, toàn tôi từ chối họ. Đau vl, nhiều lúc đói nhăn răng mà làm cao, tiền thì éo có mà cộng việc nhạt quá thì éo làm. Giờ nghĩ lại sao hồi ấy mình ngu vậy chớ, nó lập ra một cái cty nó phải khôn hàng vạn mình chứ. Sao mình ko ở lại xem nó làm thế nào? Đm thằng DoC. tuổi 20.
Nền giáo dục của chúng ta sẽ chỉ đào tạo ra các loại công nhân vụn vặt mà thôi. Công nhân văn phòng, công nhân máy móc, công nhân báo cáo, công nhân nghiên cứu, công nhân viết lách, công nhân làm ruộng, công nhân làm công nhân.....
Sở dĩ tôi gọi là công nhân vì cái tính sáng tạo của những công việc ấy rất thấp. Tính đa dụng của họ không cao nên họ chỉ làm được một việc phù hợp với chuyên môn của họ. Họ ngại thay đổi, ngại học hỏi cái mới, ngại làm thử và hay đổ lỗi. Giờ mới biết cứ đứa nào chuyên môn càng cao thì càng bảo thủ, càng bảo thủ càng không thoát được công việc hiên tại.
Thật ra các công việc mang tính chuyên môn đó chỉ cần đào tạo trong 2 tuần là một người bình thường dư sức làm được. Thu ngân thì cần gì 4 năm học kế toán, trồng cây cũng đâu cần 4 năm học nông nghiệp hay sửa máy thì cần chó gì phải 4 năm học bách khoa, công nghệ. Phần lớn các kiến thức đều có thể tìm trên google ra hết.
Bạn có chút ngoại ngữ, đọc sách ngoại văn hay học các kênh trên youtube của các trường đại học Harvard, Yale, MIT, Oxford... Tôi thấy họ đăng tải các bài giảng đầy trên youtube của những giáo sư đầu ngành, chả cần phải du học cho tốn kém. Một số đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Chịu khó mày mò tri thức cũng ngang với các sinh viên Ivy League rồi. Không có ngoại ngữ tôi sẽ chỉ cho một bầu trời sách vở ebook tải về mà học. Đọc cả đời không hết, cũng là kiến thức nhân loại cả đấy.
Trong tương lai gần khi công nghệ thay thế sức lao động một số công việc sẽ mất đi như thu ngân, văn phòng, đánh máy, kế toán, thợ cơ khí.... Các bạn phải chú ý điều này. Tuy nhiên một số nghề mới sẽ ra đời (tôi không biết). Và một số công việc không bao giờ mất đi như quản lý, nhân sự, giáo viên, lập trình viên, tài chính, bác sĩ,... Các bạn lựa lựa mà chọn nghề.
Điều tôi giác ngộ đầu tiên chính là bạn phải làm chủ thời gian của chính mình thì bạn mới làm chủ được cuộc đời bạn. Vì cuộc đời bạn được tạo nên bởi thời gian. Là những chuỗi những ngày tháng năm liên tục và liên tục. Bạn cứ đến cơ quan, rồi lại về. Cả cuộc đời chỉ có từng ấy đoạn đường, đúng giờ tăm tắp như một cái máy. Hàng tháng nhận lương đều đều thỉnh thoảng cty tăng lương như giọt cà phê. Vừa phê vừa đắng. Và rồi bạn u30, u40, u50 mới nhận ra mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho câc hành động lặp lại nhàm chán đó. Mình chả có dấu ấn gì cho cuộc đời. Đến lúc đó bắt đầu lại thì đã muộn rồi, hết cmn thời gian rồi. Bạn kêu trời trong thất vọng và hờn tủi. (À, đó là tôi trong hai năm về trước thôi).
Thế đấy, bố mẹ cứ dạy dỗ doạ dập con cái là học cho giỏi như con nhà người ta vào sau này mới ấm cái thân. Túm lại thì bố mẹ muốn con học cho giỏi cái gì? Toán, văn, anh, lý, hoá , sinh. Để ......lên lớp. Hết. Các môn khác thì không cần giỏi à?
Nếu là tôi, tôi sẽ bảo con tôi là: mày học tốt cho tao môn đạo đức để làm cho ra một con người, học tốt môn văn học để sống cho đẹp, môn toán chỉ cần cộng trừ nhân chia dưới 100 thôi, giờ có máy tính rồi giỏi làm đếch gì. Bên cạnh đó mày học cho tao võ thuật và bơi lội để tự vệ và sinh tồn. Nếu thích mày có thể học một nhạc cụ, học nấu ăn, học vẽ hay học viết truyện cũng được cho cuộc sống nó phong phú. Thế thôi. Tao không cần mày giống con nhà người ta. Tao cần mày là con tao. Nhưng từ khi mày 18 tuổi trở đi, mày phải hiểu biết về chính trị, phải biết luật pháp, phải hiểu văn hoá xã hội, hiểu tâm lý con người, có trải nghiệm và tìm ra một cái gọi là đam mê. Cái gì cũng được. Quét rác mà sạch nhất Việt nam tao cũng mừng. (Tiếc là em chưa có con, chưa có cả vợ luôn các bác ạ). Trước khi kết hôn con trai học cho tao 1 khoá làm chồng và con gái học một khoá làm vợ, vào nhà thờ mà nghe lén chứ nhà trường éo dạy đâu. (À, trên mạng có một số chuyên gia dạy đấy, ai cần thì mình chỉ cho).
Nhà trường là một lò đúc, đúc ra những con người giống hệt nhau. Nhìn các gương mặt trên đường cặm cụi, lấm lét, những cặp mắt vô hồn, cử chỉ vội vàng mình ái ngại. Nhưng điều tôi muốn nói là cái bẫy chuyên môn kia nó ít giúp chúng ta trong cuộc sống lắm. Nó chỉ là phương tiện để chúng ta kiếm tiền nuôi sống thể xác và một số dục vọng khoái lạc mà thôi. Còn cuộc sống có rất nhiều thứ khác. Chuyên môn là viên gạch, cuộc sống của ta là cái nhà cơ. Ta phải thiết kế nhà, xây nhà, truyền hơi ấm, và tạo một không gian cho ngôi nhà ấy nữa chứ. Chỉ có gạch mà không biết những thứ khác sẽ tạo ra một ngôi nhà chắp vá lạnh lẽo và nhạt nhẽo.
Cái bẫy chuyên môn cực kỳ nguy hiểm ở chỗ xã hội và truyền thông cứ tâng bốc nó lên, cứ chạy đua ngôi vị, hay những cuộc giựt đuổi giành huy chương, giành giải thưởng đủ mọi cấp. Còn ta cứ so sánh ta với các thiên tài, họ là lão làng chuyên môn, hay họ có thiên bẩm lĩnh vực đó. Vậy để thoát khỏi bẫy chuyên môn ta phải làm gì? Ta phải hiểu thời gian trong đời ta sẽ làm gì. Sau đó ta xây dựng cho nó một kế hoạch. Cuối cùng thì ta cứ an yên mà sống. Được làm chính ta, làm chủ vận mệnh của mình sao phải đi so đo với đời với người làm chi cho mệt não....nhỉ?