Lần đầu tôi biết đến dã quỳ là khi còn ở Đắc Lắc với cái tên cúc quỳ. Những ngày tôi còn nhỏ, không hiểu sao thời tiết ở đó không lạnh như bây giờ, mùa cúc quỳ cũng là mùa khô nóng bức. Trời nắng chang chang, không khí rất khô, bụi đỏ tung mịt mù phủ lên những cây hoa thưa thớt còi cọc ven đường. Trong tôi, đó là một hình ảnh buồn bã và rã rời. 
Sau này có dịp đến Bảo Lộc tôi mới được thấy cái tươi tắn của những bông dã quỳ giữa thời tiết mát mẻ xanh tươi của xứ trà. Lần đó cuối mùa, chỉ còn sót vài bông đang nở cạnh những đài hoa tàn héo và những chiếc lá nâu gục đầu, tôi vẫn thấy hoa thật đẹp và chắc chắn sẽ phải quay lại vào đầu mùa hoa tới. 
Tôi đã được ngắm hoa vàng lá xanh như ao ước để rồi năm nay, cũng những ngày cuối tháng 11, thời tiết Sài Gòn bâng khuâng lành hiền, tôi lại nhớ dã quỳ vàng, những đồi chè xanh ngút mắt, trời cao nguyên cao rộng và không khí mát rượi thoảng hương cây cỏ. Tôi nhớ khi cùng anh rong ruổi trên con xe cũ đi khắp phố núi nhỏ và say đắm từng con dốc, từng khúc quanh. 
Xung quanh tôi, hầu như chưa có ai chưa đi Đà Lạt. Bạn bè tôi, có đứa cứ dăm tháng lại đi, có đứa một năm đi có một lần nhưng đi như hành hương và sau đó là cả năm nhung nhớ. Ấy thế mà vì nhiều lý do, tôi chỉ mới ghé thăm Bảo Lộc, Di Linh chứ chưa lên tới Đà Lạt. Với đa phần khách du lịch, thành phố nhỏ này chỉ như một trạm dừng chân trước khi đến với nơi đẹp đẽ hơn, thú vị hơn. Nhưng có lẽ nhờ vậy, phố núi này vẫn giữ được nét dung dị và bình yên. 
Thời tiết ở đây không lạnh nhiều, đủ để người ta muốn nắm tay nhau nhưng không khiến kẻ chỉ có một mình cảm thấy quá cô đơn lạc lõng. Thành phố chào đón khách phương xa bằng hương trà thơm ngát trên đường Trần Phú, nơi có rất nhiều tiệm trà lớn nhỏ. Hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết giữa không gian mát mẻ thật dễ động lòng. Nào hãy dừng xe, mua vài gói trà đem về Sài Gòn để khi uống sẽ nhớ phố núi bình yên thơm ngát. Có điều, chỉ cần hay uống trà sẽ biết trà vốn đỏng đảnh, mong manh, hương thơm này chỉ có được ở chén trà mới pha bốc khói, thế mùi hương ngập tràn không gian này đến từ đâu? Tôi cũng không biết, thôi thì cứ thưởng thức, chẳng cần bận lòng nguồn gốc.  Đời vốn không hoàn hảo, cái đẹp dẫu nhân tạo vẫn là đẹp. 
Sáng Bảo Lộc khá lạnh, nếu dậy đủ sớm sẽ thấy sương bảng lảng. Tôi đi ăn tô bún bò nóng hổi với dĩa hành tím chua là lạ ở 1 quán xinh xinh trên con dốc rồi thơ thẩn đi dọc đường Trần Phú ngắm nhìn thung lũng ẩn hiện sau những nếp nhà. Nếu muốn thấy toàn cảnh, hãy ghé vào một quán cà phê bên đường. Hai lần đến Bảo Lộc, tôi đều uống ở quán Photo & bike với trọn vẹn view thung lũng. Cô chủ đẹp duyên dáng và mặn mà, rất vui vẻ chia sẻ hiểu biết về cà phê với khách. Thưởng thức hương trà nhân tạo, uống cà phê xong thì đi lang thang ngắm cảnh, ngắm đồi chè. 
Tôi thường đi cung đường Lý Thái Tổ dẫn ra thác Dambri, ngắm nhìn nhà cửa vườn tược xinh xẻo, các khu đất trống đầy xuyến chi, hoa trắng nhỏ xinh lấm tấm trên lá xanh. Ven đường, dã quỳ mọc đầy như reo vui, chào đón. Tôi đã từng thử chụp dã quỳ rất nhiều lần nhưng đều cảm thấy bất lực. Trong những bức ảnh, chỉ có những bông hoa vô hồn không ăn nhập với mớ lá xanh thiếu trật tự. Chúng không thể tỏa ra thứ cảm xúc như những bông dã quỳ đang rung rinh trong nắng gió, đầy phóng khoáng, tự do và kiêu hãnh giữa màu xanh lá xanh trời. Như cô gái gypsy duyên dáng, bí ẩn và hoang dại không dành cho cao ốc cửa kính sáng choang, dã quỳ chỉ đẹp khi ở giữa đất trời. 
Đến gần thác Dambri, xa xa sẽ thấy những đồi chè rộng lớn. Tôi rẽ ngang dọc không định hướng, cứ thấy đường là đi, thấy đồi cao là chạy lên bất chấp đường đầy ổ gà. Trên những con đường đất đỏ giữa không gian xanh mướt mênh mông, tôi như quên hẳn cuộc sống hằng ngày bị bỏ lại ở Sài Gòn, quên cả mình là ai. 
Tôi mơ một cuộc sống đẹp đẽ, một thứ “tương lai” đầy mộng tưởng. Nơi có ngôi nhà trên đồi với cây thông reo vi vu trước sân, có hoa trong vườn và bữa tiệc BBQ vào những ngày trở gió. Ở đó sẽ có những người lớn hạnh phúc vì biết đủ, những đứa trẻ được đi học bằng xe đạp, thơ thẩn la cà về muộn rồi bị mắng. Tuổi thơ của chúng sẽ là những ngày rong chơi cùng chúng bạn, hái trộm trái cây, chơi u chơi keo trong trường làng rộng rãi và rợp bóng cây. Chúng không phải ngồi sau lưng cha mẹ, gật gù đi từ lớp học chính khóa đến ngoại khóa, cõng trên lưng những so bì tị nạnh và bao mơ ước còn dang dở của các bậc phụ huynh. 
Tôi mơ, tôi khao khát rồi tôi buồn. Những đứa trẻ đó sẽ là con tôi hay cũng là tôi, sau những mộng mơ tươi đẹp, buồn bã thừa nhận mình chẳng đủ can đảm hay khả năng để bứt ra khỏi Sài Gòn. Cái đô thị đua chen ngột ngạt ấy cũng lại là nơi bao dung và rộng lượng với  những kẻ được nó nuôi dưỡng nhưng tình yêu luôn hướng về một vùng đất khác, những kẻ không hề biết đủ. Ngôi nhà nhỏ trên đồi vẫn chỉ là thứ ước mơ để đó, một viên thuốc an thần cho những ngày mà chỉ ánh đèn đô thị cũng đủ làm ta ngộp thở. 
Giống như đi xuống từng bậc thang, tôi rời những đồi chè xanh ngát về phố núi để hôm sau quay lại Sài Gòn. Dù cũng là thành phố nhưng trung tâm Bảo Lộc về đêm vẫn rất bình yên, chỉ có khu vực quảng trường là tương đối nhộn nhịp. Có lần thơ thẩn ở khu vực gần chợ, chúng tôi đã khám phá ra một quán bánh ướt, ở đó, tưởng thời gian quay ngược trở lại những năm 90. Quán cóc nhỏ xíu với ngọn đèn vàng và bếp lửa ấm bập bùng. Tôi không hề nhớ hương vị bánh ướt, nước mắm hay chả lụa, chỉ đọng lại vị của hoài niệm, của nhớ thương những ngày xưa cũ. Lúc đó, hiện tại lướt qua bên ngoài dường như chỉ là ảo ảnh. 
Không có nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc hay nhiều hoạt động để lấp đầy ngày dài, nói nôm na là “không có gì để chơi”,  Bảo Lộc là để cảm, để yêu. Vùng đất này có thể lắng lại những tạp âm trong ta để thực sự kết nối với chính mình và thế giới xung quanh. Tôi sẽ còn quay lại đây nhiều nữa, sẽ lại dành thời gian đi lang thang trong các đồi chè, các con đường nhỏ, ngắm từng bụi hoa trong vườn nhà người khác và mơ về một tương lai mà biết đâu đấy, tôi sẽ có mảnh vườn của riêng mình.