Khi Daniel Goleman cho phát hành cuốn sách Trí Thông Minh Cảm Xúc (Emotional Intelligence) vào năm 1995, lúc đó chỉ có một số ít người đã từng nghe tới khái niệm lạ lẫm này. Ý tưởng ban đầu dựa trên giả thuyết của hai nhà tâm thần học John. D Mayer và Peter Salovey- những người đã khẳng định rằng cũng giống như việc con người có sự đa dạng về khả năng tư duy, thì tương tự, chúng ta cũng có sự đa dạng về các kỹ năng về cảm xúc mà sự hiện diện của nó có thể tác động một cách sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Photo by Sharon McCutcheon on Unsplash
Quay trở về với hiện tại, thì trí thông minh cảm xúc đang dần "hồi sinh" trở lại. Gần như mọi nơi bạn nhìn, những góc mà bạn đi qua, ở đâu đó, chắc hẳn bạn cũng đã từng thấy cụm từ “EQ”, viết tắt cho Emotional intelligence Quotient, được nhắc đến như một thuật ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng nhận ra trong nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau.
Nhưng trí thông minh cảm xúc chính xác là gì? Và quan trọng không kém, làm sao để làm tăng trí thông minh cảm xúc của bạn?
Trong một bài viết gốc, Mayer và Salovey đã mang đến cho ta khái niệm sau:
Trí thông minh cảm xúc là khả năng "kiểm soát" tình cảm và cảm xúc của bản thân cũng như của người khác cho đến khả năng tách bạch được các cảm xúc với nhau và sử dụng những thông tin ấy để định hướng lối suy nghĩ và hành động của một người.
Hãy chú ý một điều rằng trí thông minh cảm xúc thường nhấn mạnh vào cách mà nó áp dụng trong thực tế. Đó không chỉ là sự hiểu biết về mặt cảm xúc và cách chúng vận hành, mà nó còn là khả năng của một cá nhân trong việc áp dụng những kiến thức ấy để quản lý các hành vi của mình hoặc là trong các mối quan hệ với người khác để đạt được kết quả mà họ mong muốn.
Hiểu một cách đơn giản: Trí thông minh cảm xúc là khả năng khiến cho những cảm xúc phục vụ và "nghe theo" bạn, thay vì để cho nó chống lại bạn.

Bài kiểm tra Một câu hỏi ( The 1- Question Test)

Ở ngoài kia có rất nhiều bài kiểm tra tự nhận rằng chúng có thể đo lường được trí tuệ cảm xúc.
Tôi không có ý nói rằng những bài kiểm tra đó là thứ gì đó không đáng tin cậy, nhưng giá trị của chúng thực chất là có hạn. Những bài test đó có thể cho bạn hiểu cùng lắm là bạn có thể biết nhiều bao nhiêu về cảm xúc và tác động của nó lên hành vi, nhưng chúng không thể đánh giá được khả năng vận dụng nó vào các tình huống hàng ngày.
Thay vì tìm cách định lượng và đo đạc xem trí thông minh của bạn tới đâu, sẽ hữu ích hơn nếu bạn tập trung vào việc phát triển lối tư duy (mindset), cách suy nghĩ và quan điểm của chính mình.

Photo by Kendal James on Unsplash
Để đạt được điều đó, hãy thử mình với bài kiểm tra một câu hỏi ( The 1- Question Test) đơn giản này:
Trong những trường hợp nào thì các cảm xúc sẽ chống lại chính tôi?
Những gợi ý dưới đây giúp bạn có thể trả lời những câu hỏi này.
Ví dụ như:
  • Sự nóng giận có thể khiến bạn "lỡ lời" hoặc nghiêm trọng hơn là gây ra những điều bạn sẽ hối hận về sau.
  • Bạn đồng ý ngay lập tức với một lời đề nghị hoặc yêu cầu nào đó chỉ vì bạn đang có tâm trạng hứng khởi, thế nhưng đến một lúc sau, bạn mới tặc lưỡi nhận ra rằng bản thân đã không suy nghĩ thật thấu đáo và kĩ càng.
  • Bạn tự đánh giá mình không có đủ khả năng trong việc thấu hiểu cảm xúc của người khác và điều đó càng khiến cho bạn lo lắng nhiều hơn, và rồi cuối cùng dẫn đến thất bại khi giao tiếp với mọi người.
  • Bạn gặp khó khăn trong việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn.
  • Bạn từng bỏ lỡ rất nhiều các cơ hội trong cuộc đời mình cũng bởi vì sự lo âu hay sợ hãi không đáng có.
Việc trả lời những câu hỏi này rất quan trọng, bởi nó sẽ thúc đẩy sự tự nhận thức - là bước đệm đầu tiên trong sự phát triển trí thông minh cảm xúc. Về cơ bản, bạn sẽ không thể kiểm soát được những cảm xúc của mình (hoặc thấu hiểu cho cảm xúc của người khác) nếu ngay từ đầu bạn không hiểu được cách mà cảm xúc ảnh hưởng đến bạn, "chạm" đến từng ngóc ngách nghĩ suy trong bạn, và "ảnh hưởng" tới từng hành động của bạn.
Nhưng vấn đề là: Tất cả chúng ta đều có điểm mù. Và ta bị tác động bởi một "sự thiên vị" nhất định mà chính chúng ta cũng không nhận ra. Quan điểm của chúng ta chịu sự ảnh hưởng và tác động từ vô số các yếu tố, bao gồm:
  1. Nơi ta sinh ra.
  2. Cách chúng ta được nuôi lớn.
  3. Những người mà ta quen biết.
  4. Những điều chúng ta chọn để nghĩ về.
Đấy là lí do tại sao việc tự hỏi bản thân câu hỏi ấy sẽ chẳng bao giờ là đủ. Bạn phải tìm cho mình một người nào đó có sự hiểu biết khá sâu sắc về bạn, người khiến bạn an tâm và tin tưởng, và hỏi họ cũng chính câu hỏi đó dưới góc độ quan điểm của người ngoài cuộc, rằng:
Trong trường hợp nào thì các cảm xúc sẽ chống lại chính tôi?
Vậy ai mới là người phù hợp mà bạn nên cần tới sự hỗ trợ? Đó có thể là người bạn đời của mình, hay là một thành viên trong gia đình, một người bạn thân, một vị cố vấn, hoặc một người tri kỷ. Nhưng bất kể là ai, bạn phải chắc rằng họ sẽ cởi mở và thành thật với bạn chứ không phải chỉ nói những điều mà bạn muốn nghe. Hãy tỏ rõ ý nguyện của mình rằng bạn đang nỗ lực để cải thiện bản thân và bạn cần họ phải thẳng thắn nhất có thể. Hãy cho họ một chút thời gian để suy nghĩ về câu hỏi ấy, và sau đó bạn có thể hỏi sau khi họ đã có trong đầu câu trả lời thật chân thành, sau đó bạn và họ có thể cùng nhau thảo luận về đáp án mà họ đưa ra.
Và sau cùng, thứ duy nhất mà bạn cần là hãy chuẩn bị tâm trí thật bình tâm và tinh thần thật vững vàng để lắng nghe những điều có thể là "xấu xí" nhất về con người thật của mình.
Mục đích của việc làm này không phải là để đánh giá xem suy nghĩ của người khác về bạn là đúng hay sai, tốt hay xấu. Thực chất, nếu bạn thật sự muốn biết được sự khác biệt giữa cách nhìn nhận của người khác về bạn và cách mà bạn nhìn nhận chính mình, thì, bạn cũng phải chấp nhận những hệ quả của sự khác biệt ấy là chuyện hiển nhiên và có thể xảy ra. Việc nghiêm túc nghĩ về một câu hỏi duy nhất ấy, cùng với những ý kiến trung thực và công tâm mà bạn nhận được, sẽ giúp bạn tự mình thúc đẩy sự tự nhận thức. Nó cũng sẽ khiến bạn nhận ra được những yếu điểm mà mình có thể cải thiện đồng thời bắt đầu hình thành nên thói quen "bắt" cảm xúc "phục vụ" bạn, thay vì "chống lại" bạn.
-------------------------------------
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
--------------------------------------
Về Bài Đăng: 
Người dịch: Linh Tran  Người biên tập: Diệu Hiền
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

Về buổi CROWD- LEARNING tiếp theo của Compassion sẽ diễn ra vào ngày 17-04-2019 với chủ đề Crowd Learning: Bí Mật Về Nụ Cười

Bạn có thể đăng kí nhận vé tại đây:
https://www.compassion.vn/events-1/crowd-learning-bi-mat-ve-nu-cuoi