Chắc chắn rằng đa số mọi người khi ôn luyện cho bài thi IELTS thì đều sẽ nghĩ đến phương án luyện đề. Cứ chia nhỏ ra thành từng kĩ năng rồi luyện lần lượt cho nhuần nhuyễn. không chỉ người học mà hầu như bất kỳ trung tâm, trường lớp hay “lò” nào cũng sẽ làm như vậy.
Ừ thì nghĩ cũng đúng, vì IELTS là để luyện mà, nên cứ nhồi thật nhiều từ vựng, cấu trúc câu, các cụm, câu mẫu, các tips và strategy rồi tái chế nhiều lần cho nhớ là được. Trước kia mình cũng nghĩ rằng vậy là đủ, cũng không có cách nào khác, nhưng hôm nay mình muốn phân tích nó ở khía cạnh tâm lý học nhận thức, dựa trên lý thuyết “schemata”.
Trước khi trả lời câu hỏi ở tiêu đề thì mình muốn các bạn phải trả lời cho mình một câu hỏi khác. Việc não bộ chúng ta lưu trữ thông tin thì nó giống như tải dữ liệu vào máy tính hơn hay là giống trò chơi xếp hình hơn?
Đối với việc nạp dữ liệu vào bộ nhớ máy tính thì nó chỉ đơn giản là lưu một bản sao của một thư mục hoặc chương trình vào máy. Bạn thậm chí không cần phải chia hay sắp xếp thành các thư mục chi cho cực, nếu thấy lười thì cứ quăng đại vô màn hình desktop hoặc một thư mục chung. Mỗi khi muốn tìm thì chỉ cần search tên file là ra. Giờ nói về trò xếp hình, nếu muốn hoàn thành một bảng xếp hình thì bạn cần liên kết các mảnh ghép với nhau sao cho khít. Và để hoàn thành nguyên bộ xếp thì phải bắt đầu từ một miếng ở cạnh góc, sau đó phải mở rộng nó ra bằng cách kiếm một miếng ghép tương ứng với miếng ghép mà bạn đã ghép được trước đó. Rồi cứ lần lượt lặp lại điều đó để mở rộng từ từ phần đã ghép cho đến khi bạn hoàn thành trò chơi.

Câu trả lời cho câu hỏi ở trên là não bộ của ta sẽ giống với trò chơi xếp hình hơn. Cụ thể hơn là quá trình nhận thức (hiểu, nhận kiến thức, nhớ) của ta sẽ giống như trò chơi này. Không như quan điểm phổ biến về trí nhớ, thực chất chúng ta khó có thể (vẫn được nhưng không hiệu quả) tiếp thu một thông tin/kiến thức bất kì nào đó nếu như nó không có một ý nghĩa nào đó với chúng ta hoặc liên kết được với các kiến thức/trí nhớ sẵn có. Kiến thức đó khi ấy sẽ như một mảnh ghép không vừa, tuy từ từ cũng sẽ gắn vô được đúng chỗ nhưng trước mắt không thể gắn vào phần có sẵn được vì không khớp.
Để giải thích rõ hơn thì các bạn nên hiểu rằng kiến thức khi được ta thu nhận sẽ không được thu nhận một cách riêng lẻ, mà sẽ được thu nhận và chứa đựng vào một nhóm các kiến thức có sự tương đồng và liên quan. Ví dụ như khi hai người đọc menu và thấy món lasagna. Một người mà đó giờ chưa bao giờ ăn pasta thì sẽ khó mà có ấn tượng gì và cũng sẽ quên đi món đó ngay khi gấp menu lại. Còn người kia vì đã ăn qua rất nhiều loại pasta và có kiến thức tương đối về nhóm pasta nên khi nhìn thấy món lasagna thì sẽ ngay lập tức liên hệ thông tin này với nhóm pasta và sẽ lưu trữ thông tin này chung với nhóm thông tin bao gồm món tương tự như mì bolognese, gnochi, raviolli v.v…. và những nhóm thông tin như vậy được gọi là schemataQuay về với câu hỏi về nạp dữ liệu vào máy tính và trò chơi xếp hình thì hai ví dụ này ngoài việc ví dụ cho các quan niệm về việc thu nhận thông tin, thì cũng chính là các schemata liên quan đến trí nhớ, nhận thức, kiến thức. Khi mình kích hoạt các schemata (nhóm các thông tin) này thì các thông tin ở trên sẽ được dễ dàng hiểu và nhớ tốt hơn.
Schemata (nhóm thông tin) = trò xếp hình --> khoa học nhận thức + trí nhớ
Vậy rồi liên quan gì, và ứng dụng như thế nào vào IELTS test prep?
Hì hì bài này viết tới đây thôi, thả nhẹ cái cliff hanger và hẹn mọi người trong bài tiếp theo nhé.