Bài phỏng vấn thực hiện trong tháng 6/2010
Nền tảng âm nhạc
Cho đến trước năm 11 tuổi, có bao giờ anh hình dung rằng một ngày nào đó anh sẽ trở thành một nhạc công kì tài như ngày hôm nay không?
Tôi không biết mình rồi sẽ đi theo con đường âm nhạc. Tôi cũng không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta, một khi đã có sự tiếp xúc với những kinh nghiệm tức thời hay các ảnh hưởng nào đó, lại có thể dễ dàng dự đoán được con đường tương lai sẽ dẫn ta đi đến những đâu. Cũng hệt như cuộc sống, anh có thể vẽ ra được cho mình một bản đồ, một kế hoạch đó, thế nhưng mọi điều lại cứ thay đổi vô cùng trong suốt chuyến hành trình. Do đó... chắc chắn là trước tuổi 11, tôi hoàn toàn không biết gì cả.
Ảnh hưởng của gia đình đến sự nghiệp âm nhạc từ rất sớm sủa của anh như thế nào?
Cha mẹ tôi rất “nhạc”. Mẹ tôi trước đây từng là ca sĩ chuyên nghiệp ở Việt Nam, còn cha tôi đã chơi qua rất nhiều nhạc cụ khác nhau cho các ban nhạc chuyên nghiệp thực thụ. Em tôi cũng chơi nhạc. Gia đình lớn của tôi (có cả dì và ba đứa cháu của dì) cũng có dính đến âm nhạc. Do đó xung quanh tôi luôn có nhạc và bọn con nít chúng tôi ngày trước (em tôi, 3 đứa cháu và chính tôi) đã tham gia vào một ban nhạc do cha tôi khởi xướng, trong đó có dì và mẹ tôi làm ca sĩ. Mọi người ai cũng có tài. Chúng tôi trình diễn ở một số buổi lễ lạc và các tiệc tùng của cộng đồng người Việt tại đây. Điều đó với tôi quả thật rất vui và cũng có ảnh hưởng sâu đậm đến chính tôi, bởi lẽ cũng từ dạo đó mà tôi yêu thích sáng tác và trình diễn nhạc. Và tất cả những điều này lại là một phần thuộc về gia đình lớn của chúng tôi, tất cả gặp gỡ, quây quần, cùng nhau sum vầy. Đó là một quãng thời gian tuyệt vời – một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời sống âm nhạc của tôi mãi đến ngày hôm nay. Quãng thời gian đó với tôi rất thơ ngây và thánh thiện.
Nếu chẳng may món quà đầu tiên từ mẹ của anh không phải là một chiếc kèn trumpet, mà lại là một cây piano hay guitar hay… biết đâu là một bộ trống, anh có mường tượng ngày hôm nay anh sẽ như thế nào không?
Tôi nghĩ rằng những nỗ lực gian khó của tôi nhằm chinh phục cây trumpet và cả mối quan hệ không được “cơm lành canh ngọt” là mấy với món nhạc cụ này (bởi vì nó không phải nhạc cụ yêu thích của tôi, và bản thân tôi cho rằng trumpet là một nhạc cụ rất ư là “chí thức” – mỉa mai (ND) rốt cuộc lại khiến cho tôi khám phá ra những điều hết sức đặc sắc về nó, nếu xét từ âm thanh mà tôi nhắm đến lẫn cách tôi tiếp cận với âm nhạc. Bởi lẽ có quá nhiều điều tôi không ưa về cây trumpet, cho nên công cuộc tìm kiếm cho ra những điều mà bản thân tôi cảm thấy hòa hợp được với nó, cùng với cái môi trường âm nhạc mà tôi cố tình đặt nó vào trong đó, hóa ra lại một cuộc tìm kiếm có ý nghĩa rất cá nhân đối với riêng tôi. Và rồi khi đó lại nảy ra các ảnh hưởng rất quan trọng từ những cá tính, những nhà tiền phong, từ các bậc thầy âm nhạc mà tôi đã có duyên gặp gỡ trong cuộc hành trình này, mà đến lượt mình điều ấy lại thúc tôi vào con đường ngày hôm nay tôi đang bước đi. Tất cả những điều đã nói lẽ ra đều có thể khác đi nếu như tôi lại chơi một nhạc cụ khác, do đó tôi nghĩ không thể nào đoán định được.
 -------------

Về Việt Nam
Anh có thể chia sẻ về một số kỷ niệm thời thơ ấu khi anh còn ở Việt Nam, cũng như các ảnh hưởng của nó đến âm nhạc của anh?
Tôi cho rằng mọi điều xảy ra với mình trong đời đều để lại sự ảnh hưởng, một số trong đó thậm chí là rất sâu đậm, do đó nếu nói nhạc Việt Nam hay là các kí ức ngày trứơc của tôi về nơi này không ảnh hưởng gì đến nhạc của tôi sẽ là không đúng. Thế nhưng các ảnh hưởng đó lại là vô thức và tôi cũng không có chút nỗ lực nào để suy nghĩ nó là những gì. Có lẽ nên cho rằng tôi là một người Việt đã bị Mỹ hóa và một khi đã nói ra điều này, nó cũng tương tự như việc anh đi hỏi một người Mỹ gốc Phi liệu anh ta có sự ảnh hưởng nào từ nhạc Phi hay không. Và trực khởi mà nói, tôi nghĩ câu trả lời cũng sẽ là không. Thế nhưng mặc dù hầu hết những người Mỹ gốc Phi đều cách xa tổ tông của mình, tức những người Phi đầu tiên có mặt ở đất Mỹ hàng nhiều thế hệ, thật sự vẫn có một mỹ cảm, một cách tiếp cận khác biệt đối với âm nhạc do những nghệ sĩ người da màu thể hiện. Do vậy, nếu nói theo cách này, có lẽ tôi cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Tôi rời Việt Nam lúc 5 tuổi, và còn nhớ rất ít về đất nước này. Các ký ức nếu có đều rất mơ hồ và rời rạc.
Khi còn bé, anh đã được tiếp xúc với những thể loại nhạc Việt Nam nào và anh đã có ảnh hưởng từ đó ra sao? Tinh ý một chút có thể thấy các sáng tác của anh có tên “Now I know, for Vina” hay “Vina, All grown up”, điều này không khỏi khiến chúng tôi tò mò về cảm hứng sáng tác của anh. Liệu anh có thể kể chúng tôi nghe về Vina chứ? 
Phần lớn nhạc Việt mà tôi được dịp tiếp xúc khi đó đều là nhạc pop Việt đã bị Tây hóa. Về phần giai điệu, phần lớn bắt rễ từ nhạc dân gian Việt Nam đó, thế nhưng lại hòa âm bằng hòa âm của phương Tây và chơi theo mùi phương Tây. Tôi cũng có nghe qua một số nhạc Việt Nam truyền thống chơi trên các nhạc cụ truyền thống, và cả “cải lương”.
Vina thật ra chính là bí danh tôi gọi nửa còn lại của mình, Cristina Liduvina Valdes. Vậy các bạn đã hiểu tôi lấy chữ Vina từ đâu ra. Tôi luôn đặt tên cô cho các sáng tác trữ tình nhất của mình. Thậm chí còn có một tác phẩm khác mang tên "Vina’s Lullaby".
Có nhiều nghệ sĩ Mỹ gốc Á dường như có xu hướng bày tỏ về bản thân mình, dẫu là qua âm nhạc hay qua một loại hình nghệ thuật nào khác, một cách khá là thẳng thắn, và đôi khi quá đỗi thành thật. Vậy anh có nghĩ sự chọn lựa chơi nhạc theo tinh thần tiền phong (avant-garde) của mình, vốn dĩ là một lựa chọn khá là thách thức, cũng gần gũi với sự thể hiện đó không?
Tôi không cho rằng việc thích thú với những điều mới mẻ, dù cho ở trong nghệ thuật hay ẩm thực, đối với công nghệ hay bất kỳ thứ gì trong cuộc sống lại có sự liên quan đến gốc gác dân tộc của một cá nhân nào đó. Có nhiều người họ tò mò về điều này điều nọ và muốn tiếp tục mở rộng những chân trời của riêng mình, trong khi số khác thì không tò mò và cũng chẳng làm gì cả. Nhiều lúc tôi thấy mình giống như một người khá là cần đến một lượng gần gũi nhất định. Do vậy, âm nhạc cho phép tôi thôi thúc bản thân mình vào những vùng đất mới, mới về cả cảm xúc lẫn về nhận thức, và điều này nhìn chung có thể nói là một cách an toàn để dấn thân vào khám phá. Tôi không muốn phí đời mình vào một cuộc du hành không gian, hay là nhảy xuống một vách đá cao, hay là trèo lên những ngọn núi cao nhất trên thế gian. Thế nhưng tôi vẫn luôn muốn tiếp tục “chinh phục” thông qua âm nhạc.
Liệu có hay không có các yếu tố Việt Nam, hay chăng sẽ có, trong âm nhạc của anh? Anh có thể vui lòng giải thích vì sao không?
Ở trên tôi đã trả lời một phần câu hỏi này. Phần còn lại của câu trả lời đó là, có thể tôi sẽ nghiên cứu và dụng tâm tìm hiểu về nhạc truyền thống của Việt Nam trong tương lai. Nhưng điều này lại không nằm trong danh sách những điều tôi muốn làm ngay ở thời điểm hiện tại.
Hiện tại ở Mỹ, càng có nhiều nghệ sĩ gốc Việt trở về Việt Nam để thể hiện mình, nơi mà pop và rock có đông đảo hơn số lượng khán giả nếu so với những âm thanh tinh tế của nhạc jazz. Liệu anh có dự định chia sẻ nhạc của mình đến với khán giả người Việt, những người hầu hết đều rất mới mẻ với nhạc của anh nói riêng và nhạc jazz nói chung?
Nhạc pop và rock và bất kỳ thể loại nào khác đều có lượng fan đông đảo hơn jazz, thậm chí khi nhạc jazz đã trưởng thành và phát triển đến độ nó bao hàm và hấp thụ vào mình nhạc pop, rock hay bất kỳ thể loại nào nó tiếp xúc, điều này là hết sức tự nhiên trong thời buổi này. Như hầu hết các loại hình nghệ thuật (tôi đang nói nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật phục vụ cho mục đích giải trí), những người yêu thích nó sẽ tự tìm đến nó. Nghệ thuật đích thực không tự đi tìm khán giả. Quay trở lại với nguồn năng lượng, công sức và nỗ lực nhằm khai thác nó thông thường sẽ dẫn đến các kết quả tiêu cực. Có thể đó là lý do vì sao tôi không phải là một ngôi sao lớn… ai mà biết chứ.. Nhưng tôi không quan tâm đến những điều này. Khía cạnh thương mại và khía cạnh cá nhân của vấn đề này lại là một phạm trù hoàn toàn khác và nó cần đến rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu và thông suốt ngọn ngành, nhưng lại chẳng có tí liên quan gì đến âm nhạc đích thực. Tôi thì lại không có nhiều hứng thú với phạm trù này. Tôi thường thấy, à có lẽ mình đang bị bỏ rơi đâu đó vì lối nghĩ này, nhưng tất cả những điều kia lại nào có phù hợp với tôi đâu, và có lẽ tôi cũng sẽ sell-out nếu tham gia vào những khía cạnh âm nhạc kia thay vì chỉ thực hiện những gì tôi cho là cần thiết ngay vào lúc này.
Nếu có cơ may nào đó các tác phẩm của tôi được nhiều người ở Việt Nam biết đến, khi đó tôi chắc chắn, thậm chí hết lòng và hào hứng, đón lấy nó. Nhưng không đời nào tôi rời bỏ con đường mình đang chọn chỉ cốt để biến điều đó thành hiện thực.
--------------

Khám phá nghệ thuật
Một trong những yếu tố chính gắn liền với tên tuổi của anh chính là anh luôn có một thái độ rất kiên quyết đối với tinh thần tiền phong. Vậy quan điểm của anh về nhận định trên như thế nào, và về những nghệ sĩ đã và đang tái định nghĩa những thể loại âm nhạc khác nhau như John Zorn, Mike Patton hay nghệ sĩ trumpet Miles Davis quá cố?
Rất gần với một câu trả lời của tôi ở bên trên, tôi cho rằng những ai ham thích tìm hiểu những điều mới lạ sẽ có cơ hội tốt hơn để tìm ra những cái mới và sẵn lòng mở đẩy xa âm thanh lẫn đường hướng âm nhạc của mình. Và có đôi khi những con người này may mắn tạo ra những cái mới chỉ bởi con đường họ chọn tình cờ dẫn họ đến được nơi ấy. Tôi không hề cố gò ép mình trở nên tiền phong (avant-garde). Việc này cũng giống như cố trở nên xinh xắn. Hoặc là ta xinh, hoặc là không xinh. Và trong hầu hết những lần ta cố gắng trở nên thế này thế khác, nó hóa ra lại thiếu đi sự thành thật, thiếu quyến rũ và chỉ đáng hổ thẹn mà thôi.
Anh có thể chia sẻ định nghĩa của mình về thể nghiệm (experimental) và tiền phong (avant-garde)?
Thật sự tôi chẳng nghĩ đến những thứ này và chỉ sử dụng những thuật ngữ đó khi tôi không còn sự lựa chọn hay không còn cách thể hiện nào khác để diễn tả điều tôi muốn nói.
Bản thân anh là một nghệ sĩ bất chấp và thoáng trong tư tưởng, anh làm thế nào để chọn ra và kết hợp những thể loại âm nhạc khác nhau vào trong các sáng tác của mình?
Tôi làm theo linh cảm của mình, để nó mách bảo và cái gì xảy đến chính là kết quả. Tôi không cố ép mình. Tôi không bao giờ cố trở thành một cái gì cả. Chỉ để tự nhiên mình như thế.
Suy nghĩ của anh ra sao về quá trình sáng tác nhạc jazz và chơi nhạc jazz? Theo anh đâu là những yêu cầu bắt buộc để trở thành một nhạc công chơi jazz hay một nhà sáng tác nhạc jazz thành công, thay vì đi đăng ký vào các lớp học nhạc?
Trước hết, tôi không lắng nghe nó như nó là nhạc jazz. Tôi lắng nghe nó như nó là âm nhạc. Do ban đầu tôi cất công học nhạc jazz, cách tôi ngẫu hứng cũng đi ra từ jazz. Thế nhưng khi tôi sáng tác nhạc cho ban nhạc, tôi lại nghe nó chỉ là âm nhạc. Phần nhiều những âm thanh tôi đã và đang tìm tòi cũng như chịu ảnh hưởng sâu sắc trong suốt 15 năm qua đều là “cấp tiến”, “thể nghiệm”, liên quan đến nhạc rock và nhạc cổ điển đương đại, rắc thêm một ít âm thanh của Beethoven và Mozart. Jazz xuất hiện trước tất cả những món này trong đời sống âm nhạc của tôi, thế nhưng jazz lại là thứ tôi ít hứng thú nhất. NHƯNG , nhạc jazz cũng như tinh thần của nó, sức sáng tạo hiện hữu trong nó – trong vai trò một phương tiện dẫn tải, những yếu tố này với tôi là vô cùng quan trọng.
Sự khác biệt giữa ngẫu hứng và sáng tác đó là, ngẫu hứng luôn diễn ra liên tục, bột phát, không ngừng nghĩ và và luôn tiến về phía trước. Cũng tương tự như thời gian, một khi đã diễn ra, nó ngay lập tức thuộc về quá khứ. Ta chỉ có thể giao tiếp với hiện tại và đoán định những gì thuộc về tương lai. Sáng tác chính là sự ngẫu hứng, nay lại có thêm lợi thế là nó có thể được quay trở lại, xem xét, sửa chữa, chuẩn bị và hoàn thiện thêm nữa một cách chuẩn xác và trọn vẹn hơn.
Được biết anh là một trong những người Việt, cũng là một trong những người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên đọat giải thưởng Grammy danh giá, vậy anh có thể chia sẻ một số suy nghĩ của anh về giải thưởng cùng đọat với nhóm Pat Metheny Group cho album “Speaking of Now” – giải Album jazz đương đại hay nhất năm 2002 (ND)?
Khá hay, có lẽ thế. Tôi thấy tự hào mình là một phần trong bộ máy sáng tác ra tác phẩm được trao tặng 2 giải Grammy. Được hợp tác vùng Pat và Lyle với tôi là một vinh dự và một kinh nghiệm học hỏi vô cùng tuyệt vời. Và cùng với việc tôi đã từng là một fan bự của cả hai trong những năm đầu tôi định hình phong cách, cơ hội đó với tôi thật là lớn lao. Và khi nói đến giải Grammy, tôi nghĩ đó là một trong những điều trong cuộc sống chúng ta mà cơ hội nắm bắt được nó cũng thật sự rất mong manh, và khi có được nó tôi cho rằng mình cũng khá là may mắn. Nhưng…. Kì thực, kì thực… tất cả những điều chẳng có nghĩa lý gì với tôi hết bởi chính tôi đã chứng kiến quá trình đề cử và bầu chọn diễn ra như thế nào. Nó hoàn toàn rối rắm. Cuộc thi Grammy là một cuộc ganh đua về sự nổi tiếng bị những kẻ giàu có và quyền lực trong nền công nghiệp âm nhạc thao túng bằng những phương thức rất thủ đoạn và tinh vi để các “nghệ sĩ” của họ có thể giành được giải thưởng và sau đó tận dụng bằng hết sự nổi tiếng đó để tạo ra thêm nhiều triệu đô-la khác. Ở đâu có sự nổi tiếng và tiền của, sự lũng đọan tất yếu sẽ hiện diện. Không có chỗ cho những thứ này trong nghệ thuật đích thực. Chẳng hạn, bạn có thể tưởng tượng nổi việc đề cử cho Picasso hay Matisse vào một giải thưởng, sau đó chọn ra một người trong số họ hay không? Nhưng… dù sao thì… với những ai không rõ về những chi tiết kia, thì việc có cái tên Grammy trong tiểu sử cũng thật là ấn tượng đó chứ!
Anh nghĩ thành tựu âm nhạc to lớn nhất mình đã đạt được đến ngày hôm nay là gì?
Có tác động mạnh mẽ đến những học trò của tôi và âm nhạc của họ trong 3 năm trở lại đây và vừa mới phát hiện ra tác động từ phía tôi đã có ảnh hưởng sâu sắc ra sao đối với cuộc sống của họ.
----------

Tương lai
Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng mà anh đã đứng cùng trên sân khấu như David Bowie, Chris Speed..., sự hợp tác nào đã để lại ấn tưởng sâu đậm nhất trong anh? Có nghệ sĩ nào khác mà anh muốn hợp tác trong tương lai không?
Thật khó mà chọn ra. Mỗi người bọn họ đều có ảnh hưởng rất riêng và đặc sắc đến bản thân tôi. Cũng rất giống như đi hỏi một ai đó họ yêu thích người con nào nhất vậy.
Dự án sắp tới tôi sẽ thực hiện cùng với Andrew D’Angelo, Luke Bergman và Evan Woodle. Có thể đó là những cái tên còn quá xa lạ với nhiều người. Thế nhưng họ là những tiếng nói thật độc đáo và tuyệt vời trong âm nhạc, và tôi rất lấy làm vinh hạnh và cực kỳ hào hứng có được cơ hội cùng sáng tác với họ.
Chủ sở hữu của một discography đồ sộ tính đến nay, liệu anh còn dự định gì khác chứ?
Bên cạnh nhóm nhạc tôi vừa đề cập, tôi cũng vừa thâu một CD mới. Đó là một bức ảnh khác chụp về quá trình phát triển của tôi, và tôi cũng rất mong chờ ngày nó phát hành. Ban nhạc Ted Poor, Luke Bergman, Stomu Takeishi và tôi cũng đã ứng tác nhiều ca khúc trong American Songbook vốn đã trở thành kinh điển của nhạc jazz, cùng hai sáng tác pop khác bên cạnh hai sáng tác khác của riêng tôi.
Phỏng vấn được thực hiện bởi M!osaic