Đây là một review về con cừu đen của dòng game Assassin's Creed.
Vào năm 2009, sau thành công của Assassin’s Creed 2, mỗi năm hãng game Ubisoft lại cho ra mắt đều đặn một phiên bản mới của series game này. Và để rồi sau những thành công của Ezio Trilogy, Assassin’s Creed 3 và 4, đến năm 2014 hãng game nước Pháp quyết định thực hiện một cú chơi lớn khi trong 1 năm ra đến 2 game Assassin’s Creed liền, đó là Assassin’s Creed Rogue và Assassin’s Creed Unity. Và trong 2 tựa game mới này, Unity là tựa game được chú ý đến nhiều hơn, sở dĩ ngay khi những hình ảnh, trailer,... đầu tiên của game được ra mắt, người hâm mộ ít nhiều đã thấy được hình bóng của sát thủ huyền thoại Ezio xuất hiện đâu đó trong tựa game này, kỳ vọng càng được đưa lên cao hơn khi Ubisoft đã đưa ra những lời quảng cáo trên mây cho game này. Thế nhưng tất cả đều chỉ là những lời nói gió bay, hay chí ít là trong 10 lời quảng cáo cho tựa game thì 7 phần hư 3 phần thực, Assassin’s Creed Unity trở thành một nốt trầm, một cú  trượt dài của cả series game đình đám này. Thậm chí tồi tệ hơn danh tiếng không chỉ của Series mà chính của Ubisoft cũng từ đó mà xuống dốc không phanh, thậm chí dù sau này Ubi dù đã cố gắng thay đổi, khắc phục nhiều thứ, đúng có, sai có nhưng dường như thất bại của Unity vẫn là một thứ gì đó không thể xóa nhòa đi được. Vậy sau 7 năm kể từ tựa game này được lần đầu ra mắt công chúng, tựa game liệu có phải là một game tệ ?
Dưới đây là một bài viết của mình với tư cách là 1 non-fan assassin’s creed về tựa game Assassin’s Creed Unity.

Đôi chút về game 

Assassin’s Creed Unity hay từ giờ mình sẽ gọi tắt là ACU, là tựa game được ra mắt vào năm 2014 được làm bởi Ubisoft Montreal và được phát hành bởi Ubisoft. Game được phát hành vào tháng 11 năm 2014 cho Microsoft Windows, PlayStation 4 và Xbox One, và vào tháng 12 năm 2020 cho Stadia. Trong phần game này, người chơi sẽ được đưa đến nước Pháp vào thời kỳ Cách Mạng Pháp (1789-1799), người chơi sẽ được vào vai sát thủ người Pháp Arno Victor Dorian và hành trình của anh trong thời kỳ này.

Điểm mạnh của game 

Đầu tiên hãy nói đến những điểm mạnh của game trước khi đi vào những yếu điểm mà game này có. 
Điểm mạnh đầu tiên của game đó chính là game mang lại một thế giới cực kỳ đẹp. Đội ngũ phát triển của game đã rất kỳ công tỉ mỉ, khi đem lại thành phố Paris hoa lệ với tỉ lệ 1:1 đang chìm trong khói lửa của cách mạng. Từng căn nhà, từng con phố, từng ngóc ngách nhỏ của thành phố này đều mang lại cho mình cảm giác như thể bản thân mình như đang ở Paris vào thế kỷ này luôn vậy. Mỗi địa điểm trong thành phố Paris này lại mang đến cho mình một cảm giác khác nhau từ sự u ám, bí ẩn đến phát sợ của Saint-Denis, sự bẩn thỉu và chứa đầy nguy hiểm của Cour Des Miracles, sự tráng lệ nguy nga của cung điện Versailles. Bên cạnh một bản đồ rộng lớn thì game cũng khá thành công khi xây dựng không khí của Paris thời kỳ cách mạng, khi mà game đã đem đến lượng NPC cả nghìn người gần như ở khắp mọi nơi, mỗi người mỗi vẻ khác nhau, mỗi người lại có mỗi hành động khác nhau tất cả tạo nên không khí sôi sục của Cách Mạng Pháp thời kỳ đó. Và có lẽ một điều nữa để mình đánh giá đồ họa là một điểm mạnh của game chính là mình chơi tựa game này khi mà gần như lỗi đồ họa, tụt fps,... của game đều đã được sửa hết cả nên mình khá may mắn khi được trải nghiệm toàn bộ game mà số lần gặp lỗi chỉ đếm trên đầu ngón tay và nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm của mình.
Bên cạnh điểm mạnh về đồ họa thì ACU còn có một thế mạnh nữa, đó chính là hệ thống gameplay. Với một người chơi hệ gameplay như mình, gameplay của ACU đã khiến mình yêu nhiều hơn là ghét tựa game này. Gameplay của ACU mình xin chia ra làm 2 phần riêng biệt giống như hồi mình từng làm với Batman Arkham series. Đầu tiên là về cơ chế ẩn nấp, lén lút hay nói đúng hơn là Stealth, Ubisoft có vẻ muốn để cho người chơi đi theo lối lén lút, đúng chất sát thủ lén lút, nhiều hơn là trở thành một rambo, Arno dù ở giai đoạn nào của game cũng rất mỏng manh, chỉ cần một vài chém từ kẻ địch thôi, 1 phát đạn thôi bạn ngay lập tức có thể nhấp nhánh máu hay lên thiên đàng rồi. Chính vì lẽ đó, thứ game muốn người chơi có trong mỗi level cần phải có sự tỉ mỉ, tính toán có chiến thuật, eagle vision cũng không sử dụng được quá lâu cho nên hãy ghi nhớ vị trí của từng kẻ địch từ đó có thể đột nhập, cũng như thoát ra một cách hợp lý. Để phục vụ cho lối chơi stealth này, cần có những thứ hỗ trợ cho người chơi, và đó là một Arno chuyển động cực kỳ mượt mà uyển chuyển cả khi đi trên mặt đất cũng như parkour, đi kèm đó là lượng đồ chơi đi cùng biến Arno thành một sát thủ vô cùng chết chóc với kẻ địch, thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma của Paris. 
Đó là về Stealth, còn phần còn lại là gì ? Đó là về combat trong game, ACU dù đề cao yếu tố lén lút nhiều hơn, xong điều đó không đồng nghĩa combat của game là nhạt nhẽo, trái lại nó vừa hấp dẫn mà cũng vừa thử thách. Hấp dẫn ở chỗ game có lượng vũ khí khá ư là đa dạng, cùng với skill tree của 5 loại vũ khí khác nhau, Arno từ đó được tùy biến theo rất nhiều kiểu khác nhau, thử thách của combat nằm ở chỗ vì Arno gần như chỉ có đánh và phản đòn, bạn gần như phải căn thời gian chuẩn để đỡ đòn của đối thủ nhằm giành chiến thắng trước đám lính vừa trâu mà đánh cũng đau khủng khiếp này. Và một khi bạn thành thục việc đỡ đòn và phản đòn, tin mình đi Arno không khác gì một nghệ sĩ và đám lính là sân khẩu để Arno biểu diễn kỹ thuật điêu luyện của mình với hàng loạt pha kết liễu vô cùng đẹp mắt (dù nó khá random).
Ngoài ra, phần game này cũng có thêm một chế độ khá vui nữa, đó là chế độ Coop tổ đội 4 người. Dù mới chỉ chơi 2 nhiệm vụ Coop với bạn mình, tuy nhiên trải nghiệm của mình với những phần chơi này vẫn rất vui, và có thể nói đây là một trong những giá trị chơi lại mà game đem đến cho người chơi.

Điểm yếu của game

Nếu như đồ họa có thể chỉnh sửa, bug có thể khắc phục để biến điểm trừ thành được điểm cộng được thì cốt truyện và hệ thống nhiệm vụ, gameplay là những thứ khó mà có thể sửa lại được, và đây cũng chính là những điểm trừ chết người của ACU.
May mà Ubisoft đã chịu sửa cái lỗi kinh dị này
May mà Ubisoft đã chịu sửa cái lỗi kinh dị này
Đầu tiên nói đến hệ thống nhiệm vụ. ACU có số lượng nhiệm vụ nhiều khủng khiếp, nếu không muốn nói là nhiều đến phát ngột. Thế nhưng nhiều là vậy, nhưng số lượng nhiệm vụ chất lượng lại chẳng được bao nhiêu, gần như các side quest của game luôn luôn quanh đi quẩn lại một vài hành động, chẳng hạn như : ám sát 1 npc nào đó rồi sau đó té đi, ăn trộm một cái gì, nhặt một cái gì đó, bảo vệ một NPC,...  nếu làm 1 hay 2 lần đầu thì còn vui, thế nhưng nó lặp lại từ 20-30 lần thì khó mà khiến chúng ta có thể cảm thấy vui được. Nhìn chung số lượng side quest trong ACU rất nhiều, nhưng để có side quest chất lượng thì lại quá nhỏ giọt, có chăng side quest có sự hấp dẫn một chút là giải đống câu đố của Nostradamus và tham gia phá án ở Paris và một vài side quest nhỏ lẻ khác.
Quá nhiều thứ trong bản đồ, nhưng lại chẳng biết nên làm cái gì đầu tiên
Quá nhiều thứ trong bản đồ, nhưng lại chẳng biết nên làm cái gì đầu tiên
Bên cạnh hệ thống sidequest thiếu chiều sâu, Ubisoft cũng thể hiện sự non tay trong việc thiết kế các màn chơi mà cái đáng nói chính ở đây là hệ thống A.I và hệ thống ám sát của trò chơi. Đầu tiên là hệ thống A.I, mình không rõ các dòng game khác như thế nào, nhưng với mình, nếu game mà đã có yếu tố hành động lén lút thì thì A.I là một cái vô cùng quan trọng, A.I càng thông minh thì game mới càng thử thách hơn, người chơi càng cần suy nghĩ, tính toán nhiều hơn, và Unity thất bại trong điều này. Hệ thống A.I trong game quá ngu xuẩn, cảm tưởng IQ chỉ nằm ở hàng đơn vị cũng nên. Rất nhiều pha mình ám sát 1 đứa ngay cạnh đó, vậy mà con A.I cạnh đó không hề hay biết gì cả, thậm chí bạn xiên 1 đứa rồi xác của nó ở đó, đám A.I cũng chỉ ngạc nhiên rồi sau đó lại quay lại điểm đứng ban đầu của chúng, chứ chẳng hề đi điều tra những nơi khác xem như thế nào. Cảm tưởng bọn A.I này chỉ như đám bù nhìn biết di chuyển để bạn xiên vậy, và một điều tệ hại nữa, đó là đám A.I này còn không hề biết leo trèo, đúng vậy bạn không hề nghe nhầm đâu, chúng ứ biết leo trèo, trong khi phiên bản game Assassin’s Creed 2, mình đã phải sống dở, chết dở để chạy vì đám lính trong game đã đông, chưa kể là dồn dai khủng khiếp, kể cả khi mình có lên nóc nhà chúng vẫn dồn theo, ấy vậy mà sang Unity vấn đề đó còn chẳng đáng lo nữa khi mà bạn chỉ cần leo lên mái, rồi chạy và bùm bạn thoát đi thành công vì lũ quân lính ứ thể nào leo trèo được đâu mà lo. Tiếp đó là hệ thống ám sát, nếu như điểm cộng của game là game cho bạn khá lắm đồ để ám sát, thì điểm trừ của nó là hệ thống ám sát của game quá dập khuôn. Gần như tất cả mọi nhiệm vụ của game chỉ có 2 kiểu ám sát : một là ám sát gần bằng hidden blade quen thuộc, hai là ám sát từ xa bằng súng hay tên. Tệ hơn là trong các nhiệm vụ chính người chơi gần như kiểu gì cũng sẽ phải ám sát bằng hidden blade, chứ tuyệt nhiên các trò khác không thể làm được -_- Thôi nào Ubi, đã làm game về sát thủ rồi, thì hãy để cho khả năng ám sát được đa dạng thêm tí đi chứ.
Nỗ lực cải tiến, xong ám sát lại chỉ xoay quanh việc ám sát gần hay ám sát xa
Nỗ lực cải tiến, xong ám sát lại chỉ xoay quanh việc ám sát gần hay ám sát xa
Đó là điểm yếu về hệ thống gameplay, về cốt truyện thì khỏi phải nói, nó dở tệ dù cho mang rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nói về tiềm năng : ACU lấy mốc thời gian là cuộc cách mạng Pháp, cuộc cách mạng có thể nói là một trong những cuộc cách mạng lớn nhất nhì trong lịch sử phát triển của loài người, cuộc cách mạng được đánh giá là xóa sạch tàn dư của phong kiến của nước Pháp để đưa đất nước này lên một hình thái mới hoàn toàn, nghe hoành tráng chứ ? Thế nhưng suốt quá trình chơi game, gần như game chỉ có thể truyền tải được cái không khí của cuộc cách mạng qua đồ họa đẹp lung linh của nó, còn việc đưa câu chuyện của cách mạng vào trong cốt truyện chính của game thì Ubi đã không làm được điều đó. Điểm yếu trong cốt truyện còn được thể hiện trong hệ thống các nhân vật của game, với nhân vật chính Arno Victor Dorian, cứ cho là bạn chưa chơi AC2 hay bất cứ phần game nào của series này đi, bạn vẫn sẽ thấy Arno phát triển một cách quá vội vàng, cẩu thả và hời hợt, bất chấp anh ta có quá nhiều tiềm năng để phát triển và trở thành một nhân vật đáng nhớ, nhưng Ubisoft giống Timo Woodner hay Lingoat hoặc Mã Tiến An vậy, biến bàn thắng thành cơ hội, Ubi đã để cho Arno mãi mãi là một nhân vật tiềm năng, chứ không biến anh thành một nhân vật đáng nhớ được. Nhân vật chính đã vậy, nhân vật phụ cũng tệ chẳng kém, từ chính diện cho tới phản diện, tất cả chỉ như một màu xám mờ nhạt, các nhân vật lịch sử trong game cũng chẳng để lại ấn tượng gì nhiều, thậm chí có khi bạn cũng quên họ luôn sau khi endgame cũng nên ấy.
Romeo và Juliet nhưng không tới nơi, nếu không muốn nói là khá gượng ép
Romeo và Juliet nhưng không tới nơi, nếu không muốn nói là khá gượng ép

Tổng kết 

Sau 7 năm từ lần đầu ra mắt công chúng, sau rất nhiều gạch đá từ fan, giới phê bình, gamer, youtuber, gamer but from youtube,... Ubisoft đã cố gắng nỗ lực sửa chữa tựa game này, và có vẻ như đến hiện tại game đã về đúng với chất lượng của nó. Một tựa game với đồ họa xuất sắc, những cải tiến cho hệ thống gameplay thực sự rất tốt dù chưa phải là hoàn hảo, tuy nhiên nó vẫn tồn đọng quá nhiều khuyết điểm từ hệ thống nhiệm vụ trong game cho đến cốt truyện của nó. Tổng kết lại Assassin’s Creed Unity là một tựa game với chất lượng ở mức khá, vẫn đáng để bạn trải nghiệm nếu bạn là người chơi hệ gameplay hơn là cốt truyện như mình.

Điểm cộng :

Đồ họa đẹp dù là game ra thời đầu của hệ máy PS4 và XBOX ONE
Hệ thống Stealth ổn
Combat thử thách và hấp dẫn
Hệ thống trang phục, vũ khí đa dạng
Chế độ Co op tạo giá trị chơi lại cho game

Điểm trừ :

Cốt truyện kém
Map chưa có chiều sâu thực sự và chưa đủ để tạo động lực cho người chơi khám phá map, có quá nhiều thứ mà lại chẳng biết nên làm cái gì
Dù đã cố cải tiến gameplay nhưng vẫn tồn đọng trong đó những hạn chế nhất định
DLC quá ngắn (ahhh thì hàng free thì chịu thôi)

Chấm điểm : 7,25/10

P/S : Hãy chơi game trước khi đưa ra một nhận xét đánh giá về nó, đừng chỉ nghe người khác nói trên YT hay chơi qua YT rồi hùa với đám đông là game dở, vì nó đâu phải là trải nghiệm hay chứng kiến của bạn ???