Dịch từ bài gốc của Christy Wampole trên Aeon
---
Simone Weil (1909-1943) thuộc về một chủng người hiếm quý đến nay vẫn vỏn vẹn một thành viên. Triết gia kiêm huyền giả người Pháp này chẩn ra những căn họa và rủa nguyền của thời đại cùng nơi chốn của mình lúc bấy giờ - Châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 bị chiến tranh giày xéo - và đưa ra những khuyến nghị làm thế nào để ngăn chặn những lẽ bất luân thường đạo lý lặp đi lặp lại: toàn trị, bất bình đẳng thu nhập, cấm ngăn tự do ngôn luận, phân cực chính trị, cô lập chủ thể hiện đại, và nhiều nữa. Tổng hòa sự lưu loát, sự riết róng về chính trị lẫn tinh thần, và cam kết mãnh liệt vào lý tưởng càng cấp thêm sức nặng cho chẩn đoán có một không hai bà đưa ra cho thời hiện đại. Weil đã qua đời 75 năm nhưng vẫn thừa sức kể chúng ta nghe về chính mình.  
Sinh ra trong một gia đình Do Thái thế tục ở Paris, từ đầu bà đã có thiên khiếu là niềm khao khát tri thức về các nền văn hóa khác và nền văn hóa của chính mình. Thông thạo tiếng Hy Lạp cổ ở tuổi 12, bà tự học tiếng Phạn, và hứng thú với Ấn giáo và Phật giáo. Bà tốt nghiệp xuất sắc trường Lycée Henri IV và École normale supérieure, nơi bà theo học triết. Plato là một ảnh hưởng bền vững đối với Simone, và hứng thú của bà dành cho triết học chính trị dẫn bà tới Karl Marx, triết gia có tư tưởng bà hằng ngưỡng mộ nhưng không mù quáng tích hợp vào tư tưởng cá nhân của mình.
Là một người mới theo Công Giáo nhưng lại chỉ trích Giáo hội Cơ Đốc và một cảm tình viên cộng sản phê phán chủ nghĩa Stalin và phản đối Trotsky trước những chiều hướng thao túng nguy hiểm, sự độc lập tư tưởng và phản kháng trước sự tuân tòng về ý thức hệ của Weil cũng chính là trọng tâm triết lý của bà. Ngoài trí tuệ, các khía cạnh khác trong tiểu sử của Simone cũng khiến công chúng quan tâm chú ý. Là đứa trẻ sinh ra trong Thế chiến I, bà từ chối dùng đường vì lính ngoài tiền phương có thể không có đường để ăn. Chẩn đoán mắc viêm phổi, bà ra đi ở tuổi 34 giữa lúc làm việc cho chính quyền cách mạng Pháp quốc tự do ở London, không ăn nhiều hơn khẩu phần công dân bình thường áp dụng tại Pháp khi đó đang bị Đức chiếm đóng. Giáo viên và bạn cùng lớp gọi bà là "người Hỏa tinh" và "Trinh nữ đỏ", các biệt danh ám chỉ sự kỳ quái và vô tính của bà. Một triết gia từ chối nhốt mình trong bốn bức tường hàn lâm, bà làm việc ở các nhà máy công xưởng và vườn cây ăn trái, và rời nước Pháp giữa cuộc Nội chiến Tây Ban Nha để chiến đấu sát cánh cùng lữ đoàn vô chính phủ Durruti Column, một sứ mệnh thất bại ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Nhiều trải nghiệm huyền bí, bao gồm việc Weil phát hiện bài thơ Love (III) của thi sĩ thế kỷ 17 George Herbert đã dẫn lối bà tới lựa chọn Cơ Đốc giáo, và nhiều người đã kêu gọi tuyên thánh cho bà. Trong quyển Devotion (2017), thi sĩ và ngôi sao punk-rock Patti Smith mô tả về Weil như “một hình mẫu đáng ngưỡng mộ bởi sự đa tâm trí. Xuất chúng và đặc cách, nữ triết gia lướt qua những đại sảnh thu thập tri thức uy nghi, chối bỏ tất cả để khởi sự con đường gian nan của cách mạng, mặc khải, phụng sự, và hy sinh.” Chính trị gia Pháp Charles de Gaulle cho rằng Weil là kẻ điên rồ, trong khi các tác giả như Albert Camus, André Gide, và T. S. Eliot công nhận Weil là một trong những đầu óc vĩ đại nhất đương thời.
ảnh của AKG Art London
Các tác phẩm trứ danh nhất của bà - tiểu luận Nhu cầu về Rễ, Tự nhiên và Ân điển, Trường ca Iliad hay Thi phẩm Thần lực, Đợi Thượng Đế, hayVề sự bãi bỏ toàn thể Đảng phái chính trị, tất cả đều xuất bản sau khi bà qua đời - cho chúng ta những lát cắt về các chẩn đoán biên độ bao quát của triết gia dành cho các căn bệnh xã hội. Từ các sổ ghi chép, thư từ và tiểu luận chưa công bố của Weil, các học giả đã lần được những tương đồng trong tư tưởng của bà và tư tưởng của các triết gia như Martin Heidegger, Hannah Arendt, Maurice Blanchot, Nikolai Berdayaev, Iris Murdoch, Giorgio Agamben, Maurice Merleau-Ponty, Michel Foucalt, Gilles Deleuze, Quentin Meillassoux, Alain Badiou, Jacques Rancière, Emmanuel Levinas, Jan Zwicky, Meister Eckhart, và John Rawls, và còn rất nhiều nữa. Weil như một tấm bản lề giữa tư duy tôn giáo và triết học, và các sổ tay của bà thường tìm cách xóa nhòa khác biệt giữa chúng. Tất cả công trình của bà góp vào nỗ lực muốn hồi sinh mô nối kết giữa tất cả các ngành, giữa văn hóa và tự nhiên, khoa học và nghệ thuật, Thượng Đế và loài người.
Một cuộc hồi sinh Weil hiện đang diễn ra, phần nào tới từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bộ lạc và chủ nghĩa bản vị mà bà từng có vô số điều muốn nói trong tác phẩm của mình. Weil, một người nhiệt thành tin tưởng vào tự do ngôn luận, biện rằng: “Trí tuệ sẽ bị đánh bại ngay khi biểu đạt suy nghĩ của một người theo sau cái từ ‘chúng ta’ nhỏ nhoi, dù thẳng thừng hay ngầm ngụ.” Tư duy tập thể không nhận phê bình sẽ cầm tù một bộ óc tự do và không chấp nhận sự phản kháng. Vì lý do này, bà ủng hộ việc bãi trừ toàn thể đảng phái chính trị, vốn, theo lập luận, chính là căn rễ của toàn trị.
Các tổ chức vươn vòi bạch tuộc này khiến cho con người ngu muội, yêu cầu thành viên phải ủng hộ “một số vị trí mà anh ta không hề biết”. Trái lại, đảng phái lại tư duy thay cho anh ta, càng khiến anh “chẳng còn suy nghĩ nào”. Con người tìm thấy yên bình khi thiếu vắng nỗi cấp thiết phải tư duy, theo Weil, vốn là lý do vì sao họ lại sẵn lòng tham gia vào các đảng phái như vậy. Trong một đoạn văn vẫn còn vang dội tận ngày nay trong Nhu cầu về Rễ, Weil viết: “Một nền dân chủ nơi đời sống công cộng sản sinh từ xung đột giữa các đảng phái không có sức ngăn chặn sự hình thành của một đảng phái tuyên thệ sẽ lật đổ chính nền dân chủ này.”
Weil ủng hộ tự do biểu đạt cá nhân. (Dù vậy, bà tin vào một số hạn chế phát ngôn đối với các định chế như báo chí hay cơ quan tuyên truyền của chính phủ, mà theo bà, trong tư cách các tập thể, tồn tại theo lẽ đương nhiên.) Bà viết rằng “tự do hoàn toàn, không giới hạn biểu đạt cá nhân cho mọi hình thức quan điểm, không hạn chế hay kiêng dè, là nhu cầu tuyệt đối của trí tuệ.” Sức khỏe của trí tuệ tùy thuộc vào mức độ tiếp cận trọn vẹn các dữ kiện, mà thiếu vắng nó sẽ khiến quá trình tư duy khập khiễng. Bà còn chọn về phe những diễn giả đáng khinh nhất, chẳng vì lý do nào khác ngoài lý do ta cũng cần phải biết kẻ thù là ai.
Trang viết của Weil ắp đầy sự quan tâm. Bà tin rằng thiết yếu về mặt chính trị mỗi tâm hồn phải cảm thấy “hữu ích và thậm chí không thể thiếu được” bên trong cơ thể xã hội. Bà nêu ra trường hợp những người thất nghiệp và lao động tay chân, vốn thường ít cảm nhận trách nhiệm của mình dành cho cái xã hội vốn chẳng đoái hoài tới mình. Về công lý hình sự, bà tin vào giá trị hối cải của trừng phạt, cho rằng hành động trừng phạt nên “xóa sạch sự kỳ thị dành cho tội danh” và trao cho kẻ phạm tội một sự giáo dục cho phép họ tái hòa nhập trọn vẹn với cộng đồng. Những khuyến nghị chan chứa từ tâm của bà xoay quanh cách chúng ta tư duy về quốc gia có thể mang tính khai tâm cho những nhận thức hãy còn vướng bận bởi các trào lưu dân tộc đối kháng ngày nay. Bà viết như sau:
[Cái] cảm giác nhuần nhị u hoài dành cho một vật thể chóng tàn, mong manh, quý báu và xinh đẹp có trong nó một sự ấm áp mà cảm thức về sự kỳ vĩ của dân tộc thiếu vắng… Một lòng ái quốc trinh tịnh tuyệt đối gần giống với những cảm xúc mà con cái, cha mẹ già, hay một người vợ trìu mến khơi gợi nơi người đàn ông. Cái ưu tư về sự yếu đuối có thể thổi bừng tình cảm hệt như ưu tư về sức mạnh… 
L'enracinement hay The Need for Roots
Hãy nghĩ về quốc gia của chúng ta như một thực thể yếu ớt mong manh, cần được dưỡng nuôi, tương phản với những khua khoắng hầm hập, cao ngạo của những kẻ tự tôn dân tộc ngày nay. Sự uốn nắn về chính trị của Weil có thể giải thích một phần nào đó niềm ham thích quay trở lại dành cho tác phẩm của bà. Có lẽ chúng ta đang tìm kiếm một ai đó có thể dắt chúng ta ra khỏi khu rừng mọc lên từ những hạt giống bất hòa, nơi ta đang xoay mòng mòng.
Tôi đã trình bày về việc bị thu hút bởi tư tưởng của Weil, và về thói quen trao các tác phẩm của bà vào tay sinh viên và bạn bè, bảo họ rằng: “Hãy đọc đi.” Có sáu lý do vì sao tôi tìm về Weil và muốn chia sẻ về bà: 1) tuyệt đối không có sự hiện diện của mỉa mai trong hầu hết trang viết triết học của bà; 2) chiến dịch vận động tự thân chống lại tư cách công dân vị lợi, ái kỷ; 3) sự cấp thiết mang tính đạo đức khi tiếp cận vấn đề giáo dục; 4) nhấn mạnh vào tri thức tự trang bị (về số phận của công nhân dây chuyền sản xuất, hay đầu tắt mặt tối hàng ngày của người lao động ở nông trại); 5) niềm tin của bà vào tác động cô lập hoàn toàn của công nghệ dành cho đời sống con người; và 6) ngôn hành thống nhất.
Sự nhấn mạnh của Weil vào cấp thiết đạo đức của giáo dục và sự truy tầm tri thức thông qua trải nghiệm trực diện phản đối một số đặc điểm tồi tệ nhất của chủ nghĩa nhân văn hàn lâm ngày nay. Sự uế tạp lạ kỳ của thứ biệt ngữ rỗng tuếch và các lý thuyết phì đại, các hội thảo và bài viết khoa học và những quyển sách chẳng mấy ai cần, và sự chuyển hóa bôi trơn bằng lòng tham các chốn học tập thành nơi kiếm tiền, tất cả đều sẽ khiến Weil cảm thấy bức bối. Sinh kế kham khổ của giáo viên trường công, giảng viên thỉnh giảng và biên chế chính thức hẳn sẽ khiến bà thấy quay cuồng. Quả tình, bà rất chú tâm quan sát mối quan hệ giữa những diễn biến trong trường học và trong nhà máy: “Giới trẻ trong trường học của chúng ta ám ảnh trước các kỳ thi chẳng khác gì công nhân ăn lương trên sản phẩm ám ảnh trước các kỳ trả lương.”
Tôi biết Weil nói điều tôi muốn nói khi phát hiện ra đoạn viết sau đây trong quyển Nhu cầu về Rễ:
Rất nhiều người nghĩ rằng một cậu bé nông dân bé bỏng đến trường ngày nay hiểu biết nhiều hơn Pythagoras, bởi cậu ta có thể lặp lại như vẹt Trái Đất quay quanh Mặt trời. Sự thật không chối cãi là cậu chẳng bao giờ ngẩng đầu để nhìn thấy thiên đường. Mặt trời mà người ta dạy cho cậu trong lớp, với cậu, chẳng có một chút liên kết dù là nhỏ nhất với mặt trời mà cậu nhìn thấy. Cậu bị tước khỏi Vũ trụ quanh chính mình. 
Weil mô tả cách những con người nằm ngoài tầng lớp trí thức bị loại khỏi quá trình tư duy, loại khỏi triết học và văn chương kinh điển của quá khứ vốn từng tóm bắt cái hồn cốt mỗi khi ta kinh qua thế giới xung quanh trong vị thế một người công nhân, nông dân hay binh sĩ. Bà hy vọng có thể khôi phục những rường mối liên kết này, bằng cách giới thiệu những văn bản trù phú nhất trong lịch sử cho từng con người, nhất là kinh điển Hy Lạp, những áng văn đã lưu loát diễn đạt ý nghĩa đích thực của việc sống giữa thế gian này. Weil cũng sẽ cảm kích dự án Sân khấu chiến tranh của Bryan Doerries đã mang các chiến kịch của Sophocles tới khán giả quân sự lẫn thường dân tại Mỹ và Châu Âu nhằm “đúc kết một khối từ vựng chung để thẳng thắn trao đổi về tác hại của chiến tranh lên các cá nhân, gia đình và cộng đồng”. Weil còn tin rằng khi ta chuyển tải vào từng cử chỉ thiết yếu trong một ngành nghề sự tận tâm chuyên chú, trọn vẹn, ta có thể nhập mình vào tay nghề và vào hàng thế hệ nghệ nhân tiền bối từng thực hiện chúng. Sự cô lập sản sinh ra bởi sự lặp đi lặp lại mụ mị các cử chỉ vô nghĩa từ đó sẽ tan biến, và công nhân nhà máy, nông dân và các thợ thủ công sẽ khôi phục lại phẩm tính họ đánh mất trong thời đại công nghiệp.
Khi tìm cách hiểu rõ hơn sự cuốn hút của Weil đối với một người đương thời ngày nay, tôi suy xét ba trường hợp tới từ hai thế kỷ 21, những trường hợp mà tư tưởng và cuộc sống của bà đã gắn chặt vào những dự án đầy sáng tạo: quyển Người xa lạ và Chứng biếng ăn (2000) của Chris Kraus, tuyển tập Tối tạo (2005) của Anne Carson và bộ phim tài liệu thể nghiệm Cuộc diện kiến Simone Weil (2010) của Julia Haslett. Tác phẩm của Weil dường như có một sự đồng điệu nhất định với nữ giới. Một phần nào đó, sự bao quát cấp tiến trong tư tưởng của bà - không tách rời khỏi thân thể luôn bị ảnh hưởng của Weil - tỏa ra sức hút với nữ giới bởi họ đều có thể nhận ra điều mình hằng biết: thân thể, cùng mọi gánh vác và khoái lạc, chính là điều kiện tiên khởi cho mọi suy nghĩ và sáng tạo.
Thân thể của các nam triết gia, nghệ sĩ, nhạc sĩ hay nhà văn độc lập hoàn toàn với tác phẩm của họ khi được xét tới, trong khi xã hội lại tò mò nhấn mạnh vào thân thể hay tâm trí bất an của các nữ tư tưởng gia hay các nhà sáng tạo nữ. Kraus đưa ra một ví dụ, cho rằng dù Friedrich Nietzsche liên tục mắc chứng đau nửa đầu, chẳng bao giờ ta xem ông là một triết gia có thần kinh bất ổn, trong Weil trong hình dung đại chúng luôn là “nữ triết gia chán ăn”. Weil buộc chúng ta xem thân thể như thể chứa nơi từ đó tư tưởng thoát thai. Tư thế ngoài lề của Weil - một phụ nữ trong thế giới triết lý của nam giới, một huyền giả giữa những kẻ theo thế tục, một trí thức đứng giữa công nhân và nông dân, một phụ nữ mà Kraus gọi là “Simone-Kỳ dị” và “một kẻ điên rồ đáng ngưỡng mộ” - càng khiến Weil giống một nhân vật cực kỳ lôi cuốn cho bất kỳ người nào tìm cách ám chỉ về mình trong một cõi tạo ra bởi và dành cho kẻ khác. Weil là thánh hộ mệnh của những con người vô danh vô dạng. Những người phụ nữ truyền cảm hứng từ bà nhìn thấy chút nào đó bản thân họ nơi Weil.
Chẳng hạn trong Người xa lạ và Chán ăn, Kraus viết:
Đọc lại Tự nhiên và Ân điển của Simone Weil, tôi đồng cảm với triết gia quá cố hoàn toàn. Giống bà, tôi mắc chứng bệnh mãn tính khiến việc ăn uống luôn gặp khó khăn. Tôi và bà ấy đều có cổ dài và vai khòm về phía trước khi bước đi, một sự háo hức vụng về ra sức thoát ra cơ thể kỳ khôi của mình. Hai chúng tôi đều hút thuốc rê và hoàn toàn không có một cảm thức nào về “nữ tính” hay giới. Cả hai chúng tôi đều bị trêu chọc ở trường, và cả sau này, ở thế giới nghệ thuật mãi mãi trong hình thù trung học.
Tác phẩm của Kraus kể lại những nỗ lực bất thành khi tìm nhà phân phối cho bộ phim Tự nhiên và Ân điển (1996), “tác phẩm thể nghiệm quay 16 ly về hy vọng, tuyệt vọng, cảm xúc và nhận thức tôn giáo.” Nhà văn xoay lượt chuyện đời mình và chuyện đời Weil, mời gọi độc giả để ý thấy những nét tương đồng, chẳng hạn thiên hướng tuân phục - trong trường hợp của Weil tuân phục trước Chúa, trong trường hợp Kraus là các đối tác tình dục theo S&M. Khái niệm “giải trừ sáng tạo” của Weil, ý chí muốn từ bỏ và giải thoát cái tôi nhằm tiếp kiến Thượng Đế, cứ trở đi trở lại trong sách của Kraus, nhất là các phần viết về chứng chán ăn. Kraus chối bỏ thực tế “hành động do phụ nữ tiến hành luôn cần kiến giải,” và kêu gọi độc giả Weil hãy ngưng tìm kiếm ẩn ý vốn chẳng tồn tại. Kraus kêu gọi chúng ta hãy đón lấy những gì Weil nói ra theo những gì chúng ta nhìn thấy: “Ả ta thù ghét bản thân, chẳng được đàn ông rớ vào, ả ta xấu xí.” Nói ngắn gọn, Weil chính là phương tiện phê phán của Kraus về sự thù ghét phụ nữ luôn trừng phạt những người phụ nữ khác thường và thông minh.
Carson, một nhà thơ và là người theo chủ nghĩa cổ điển, cũng sử dụng khái niệm “giải trừ sáng tạo” của Weil. Khái niệm này được chọn làm tiêu đề cho tuyển tập thơ, tiểu luận và một vở opera, mà Weil xuất hiện ở hai phần có tên gọi Giải trừ sáng tạo: Cách những phụ nữ như Sappho, Marguerite Porete và Simone Weil giao tiếp với Chúa, và Giải trừ sáng tạo: Vở Opera gồm ba phần.”Carson làm rõ các khía cạnh tâm linh trong tiểu sử của Weil, cho rằng bà là “người muốn vượt được khỏi chính mình để tìm tới Chúa,” và mô tả cặn kẽ quá trình “giải trừ con vật bên trong chúng ta.” Weil đã không còn nhưng chúng ta vẫn còn tác phẩm của bà, nay đóng vai trò như một kiểu “nghị trình” để giải trừ chính chúng ta. Carson cũng rất quan tâm biểu hiện hữu hình của sự giải trừ này. Bà viết: “Simone Weil suốt đời gặp vấn đề về ăn uống. Rất nhiều phụ nữ cũng giống như vậy.” Weil mơ tới một quan hệ khác đi với thức ăn - và với Chúa - mối quan hệ không bao gồm sự nạp vào mà sự hấp thu thông qua đôi mắt. Trong vở opera Giải trừ, Carson khắc họa về những nỗ lực của cha mẹ nữ sĩ muốn cứu bà ra khỏi hoàn cảnh nhưng vô vọng, như sau:
Simone không muốn trở thành phụ nữ … Bà chỉ muốn được tan biến. Một số khía cạnh nhất định của sự tan biến chắc chắn đã được bà che giấu không cho cha mẹ mình biết và rất nhiều lá thư bà viết gửi cho họ đều là những lặp lại liên tiếp cùng tấm postcard óng ánh giả tạo mà mọi cô con gái ngoan đều gửi về nhà - Thưa cha mẹ thời tiết đẹp đẽ làm sao cảm ơn đã gửi cho con chocolate con đang quen rất nhiều bạn bè ở đây gửi tới cha mẹ nhiều cái hôn - trong khi chính bà lại đang hấp hối.
Những suy tư của Carson mời gọi độc giả xem Weil như một mẫu hình con gái trong gia đình mà tất cả chúng ta đều biết dưới nhiều cấp độ khác nhau. Tác phẩm của Carson giúp các đau khổ của Weil trở nên gần gũi, quen thuộc hơn. Chúng ta xem Weil như một đại diện cho nhóm đàn bà con gái phải đau đớn và mỏi mòn ngóng đợi một điều gì đó bên ngoài tự ngã của họ. 
Bộ phim tài liệu của Haslett Một cuộc gặp gỡ với Simone Weil muốn thông qua nữ sĩ để hiểu về nỗi đau của kẻ khác. Bộ phim chính là một bài thực hành về thấu cảm và, dù vô tình hay cố ý, còn là một khám phá về mặc cảm tội lỗi thuộc về người da trắng. Haslett đánh thức triết gia quá cố nhằm trả lời câu hỏi xuyên suốt bộ phim và cả những tác phẩm khác mà bà đã thực hiện, vốn đều ghi lại “những con người trong đau khổ”: “Chứng kiến nỗi đau của người khác đòi hỏi phản ứng gì từ chúng ta?” Haslett muốn có câu trả lời. Thậm chí bà thuê diễn viên đóng vai Weil, để có thể hỏi nữ sĩ “bằng xương thịt”. Lấy cảm hứng từ câu viết của Weil “Quan tâm tới người khác chính là hình thái hiếm hoi và tịnh khiết nhất của lòng từ bi,” Haslett muốn hiểu làm thế nào một người - chẳng hạn bị giày xéo bởi những điều tai ác mà chính phủ gây ra - có thể dùng sự quan tâm này để làm vơi đi tình trạng khiếp kinh kia.
Dọc theo bộ phim, độc giả dần hiểu ra rằng nhà làm phim cũng cần Weil để hiểu được nỗi đau đớn khiến cả cha của Haslett và một người anh em của bà chọn quyết định tự sát. Bộ phim còn thể hiện một số ít hoài nghi về Weil, mà theo Haslett hành vi chọn Thượng Đế là một sự phản bội. Liệu Weil có thể thật sự thay đổi bất kỳ điều gì trên thế giới hay không, Haslett đặt ra câu hỏi. Tuy nhiên bất kể những chần chừ kia, Halsett vẫn khắc họa Weil như một bậc hiền giả minh triết có khả năng dắt dìu con người sống một cách đạo đức trong một thế giới đầy rẫy các gian nan khổ cực bày ra trên màn ảnh, từ cuộc chiến ở Iraq tới sự tàn nhẫn gây ra ở nhà tù Guantánamo, tới thảm họa diệt chủng và chiến tranh đã giày xéo cả thế kỷ 20, cho tới những bi kịch nhỏ nhoi mà con người hàng ngày gặp phải. Bà xúc động vô cùng trước lời khuyên của Weil dành cho học viên của mình: “Luôn chọn làm điều khiến ta tổn thất nhiều nhất.”
Weil hiểu rõ sự thế cô, yếu đuối của con người theo cách trực giác, bản năng nhất. Bà lập luận rằng: “Sợ hãi và khủng bố… dù gây ra bởi nỗi sợ mất việc làm, bị bắt bớ, hay hiện diện của một ngoại bang xâm lược [hay] nguy cơ ngoại xâm,” đều gây ra “nửa phần tê liệt linh hồn”. Mục tiêu của Weil là dùng chính cá thể con người như một vật dẫn để mang trở lại cảm xúc vào tứ chi tê dại của cơ thể xã hội. Trong mọi khuyến nghị của Weil, ta nhìn thấy các mối liên hệ giữa lý thuyết chính trị và tâm linh, đôi khi xung khắc nhau. Ta chứng kiến một cá nhân bị bạo ngược quá dễ dàng cảm lậu nỗi đau của nhân gian, lại quá cam kết trước các dự định lý tưởng để sống đủ lâu mà khai triển chúng. Rõ ràng đây chẳng thể là một hình mẫu cần tái hiện.
Vậy ta làm được gì với Weil? Nếu như sự cầu kỳ trong tâm lý của bà khiến ta khó lòng công nhận Weil như một điển hình tiêu biểu, thì công trình của bà vẫn mang lại một lời mời gọi đạo đức. Bà đề ra những lời khuyên dị thường nhưng thực tiễn dành cho các nhà giáo dục, học sinh sinh viên, công nhân và công dân trong xã hội. Với người ngoài, bất kể giới tính, tín điều hay màu da, bà cũng còn nhiều điều để sẻ chia. Weil là một người mãi mãi bài trừ ý thức hệ, và đề ra sự hướng dẫn sáng suốt hòng cưỡng lại lực kéo của ái kỷ chủ nghĩa. Bà kêu gọi chúng ta hãy hành động, và hãy xác định đồng thời tuẫn trừ những thói đạo đức giả làm vấy bẩn hầu như tất cả mọi người chúng ta. Nhấn mạnh sự cấp thiết của viết, của tư duy và, quan trọng hơn cả, của thực hành, cuộc đời của Weil có thể truyền cảm hứng dạt dào cho văn chương, thi phú, âm nhạc, tranh vẽ, và hành động chính trị. Weil là một nàng thơ cho những ai đủ mở lòng trước bí ẩn về bà. Hơn hết, giữa một xã hội có yếu tính điển hình nhất lại là sự cô lập, Simone Weil đệ ra những cách chúng ta có thể cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn phần nào ngay giữa nơi nay đã trở nên xa lạ vô cùng.
k.