Những cây vĩ trong truyền thuyết tương truyền tạc từ xương của giai nhân chết đuối có thể tạo ra những âm thanh êm ái nhất. Người ta đồn rằng thiên tài Paganini thậm chí còn dùng ruột của người yêu đã bị ruồng bỏ và quyên sinh làm dây đàn để tạo ra những âm thanh thổn thức, chinh phục lòng người. Nhưng Andrew Bird không chỉ có mỗi cây vĩ cầm.
Hàng năm Andrew Bird lưu diễn ngót nghét 200 ngày, rong ruổi trên đường và khắp các venue. Setup biểu diễn của anh linh động và gọn gàng, tạo ra các bản phối không quá đầy đặn, cầu kỳ, nhưng lại tạo ấn tượng về không khí tương tự khi bước vào studio – và quả như vậy, các nghệ sĩ tự do ngẫu hứng và tung tẩy trên sân khấu, như các buổi jam với nhau. Thậm chí có người so sánh không khí này với một buổi trình diễn nhạc thính phòng, cảm giác của thời hiện đại tương đương với cảm giác vào đầu thế kỷ 20 người ta mở một dĩa hát trong phòng khách. Nhưng anh cũng biểu diễn tại Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim danh giá, với sắp đặt và trình diễn tên gọi Sonic Arboretum (tạm dịch Vườn âm thanh, link http://www.andrewbird.net/archive/sonic-arboretum/) trong đó Andrew sáng tác 3 giờ nhạc và sau đó cho loop suốt một tháng cho khách tham quan thưởng thức. Anh cũng diễn tại Carnegie Hall lừng danh.
Được cho là đã nhân cách hóa sự sáng tạo và tham vọng của trào lưu Phục hưng tinh thần DIY (Do it yourself) trong nhạc indie, Andrew từ một nghệ sĩ nhạc cổ điển được đào tạo bài bản đã phả tài năng diễn tấu, và sau này là sáng tác, vào quá trình khôi phục những chất nhạc nguyên gốc như jazz, swing, country, folk, blues đầu thế kỷ 20, trước khi đi vào những ngã rẽ không kém thú vị, và riêng tư hơn. Ảnh hưởng âm nhạc của anh là một nồi lẩu đầy ắp các ảnh hưởng không sao phân loại được, nhờ tài năng chế biến của anh, đến độ gây ra bức bối cho các nhà âm nhạc học lười nhác có “khuynh hướng phân loại rạch ròi của một nhà sưu tập tem” chỉ muốn nhét các nghệ sĩ hay âm thanh vào một cái hộp gọn gàng.
Trên một bài nói ở TED, Andrew Bird là một dàn nhạc một thành viên – one-man orchestra – chỉ thiếu mỗi tay trống. Anh giỏi huýt sáo, tới mức bậc thầy, và sở hữu khả năng sáng tác đa dạng, ca từ siêu thực, giàu ẩn ý. Sự dễ dàng lẫn cái duyên dáng trong cách Andrew Bird mang các ảnh hưởng âm nhạc khác nhau vào âm thanh của anh hết sức tự nhiên, không gượng ép, một sự thăng bằng của người nghệ sĩ, cái khao khát muốn mang sự ngẫu nhiên vào bất cứ tiết mục biểu diễn nào, nhưng vẫn đồng thời tỉ mỉ ghi chép những tiến trình sáng tác để tìm ra cái hay nhất, tinh tuyền nhất cho thành phẩm.
Dự án Sonic Aboretum 
Anh có một ham thích đặc biệt đối với nhạc của nghệ sĩ blues vùng châu thổ Mississppi Charlie Patton, sau dịp tham gia vào một album tưởng niệm (tribute) ông cùng James Mathus (thủ lĩnh nhóm Squirrel Nut Zippers) để quyên góp cho con gái Charlie, Rosetta vẫn còn sống. Theo Andrew, các sáng tác và ca từ của Charlie có một cái gì đó bí ẩn như chính con người ông, lắm lúc không sao hiểu nổi ông hát gì, hoặc nếu có ca từ trước mặt cũng chẳng biết nói về điều gì. Hơn nữa, ông sáng tác theo lối gần với nhạc tụng, khác với Robert Johnson (người được cho là đã bán linh hồn cho quỷ để đổi lấy âm nhạc) là người chơi blues 12 khuôn. Dường như Charlie chẳng nhớ một bài hát được tạo ra làm sao, nhịp ngẫu hứng và chẳng tuân theo cấu trúc nhạc Âu chính quy nào.
Thế nhưng khi sáng tác, giống nhiều nhà văn hay nói khi viết, họ không muốn đọc của ai khác. Với Andrew, sáng tác là tự nhốt mình vào chân không một vài năm rồi xem cái gì xảy ra. Những câu hỏi, này anh có nghe nghệ sĩ/nhóm nhạc x không sẽ có câu trả lời, nghe để làm gì? Theo Andrew, muốn anh nghe họ phải đến từ một vũ trụ văn hóa hoàn toàn khác với anh. Khi nghe thấy một âm thanh nào đó, anh muốn dự phần vào đó, chứ chẳng để nó quét qua mình, hoặc cảm giác phải làm giống ai đó đó đã kết thúc từ khi, như anh chia sẻ, 16 hay 17 tuổi. Thay vào đó, Andrew để mọi thứ tuôn ra ngẫu nhiên từ bên trong, cố đem lại ý nghĩa nào đó cho những cảm giác, biến chúng thành ca khúc và ghi âm, và các sáng tác trở nên thú vị hơn. Và công chúng cũng góp phần trong quá trình này: Eyeoneye trong album Break It Yourself là một sáng tác như vậy. Anh đã diễn nó trước công chúng khi nó chưa hoàn thành, trong cái cảm giác vừa e thẹn nhưng cũng háo hức lắng nghe họ đón nhận. Hai phần ba đầu là một cơn sáng tạo ùa tới, tự do, nhưng một phần ba còn lại cực kỳ gian nan. Anh khẳng định, anh không thể viết nhạc từ cái-không-có: cần có công chúng, cần hỏi xem họ nghĩ gì.
Khán giả của anh xếp theo tỉ lệ 60 Mỹ/40 Châu Âu, đặc biệt ở Anh sau nhiều lần lưu diễn và có được một lượng fan trung thành. Khán giả Châu Âu vẫn dường như còn giữ một quan điểm, dù nay không còn đúng đắn, là họ là người phát hiện ra những tài năng đích thực đến từ văn hóa Mỹ và là người biết trân trọng, thưởng thức các khám phá đó. Khán giả Mỹ thật ra tinh tế và mạo hiểm hơn bất cứ những gì người ta có thể hình dung được về họ, theo anh. 
20 năm trước, khi 23 tuổi, nóng chân bước ra khỏi trường nhạc Northerwestern, anh cảm thấy – như một phức cảm khá non nớt – “rằng mình là một nghệ sĩ lạc lõng với cây violin trên sân khấu, trình diễn rock hay post-rock, và người ta không quen với hình ảnh một gã cầm violin lại là người sáng tác chính của ban nhạc (thay vì guitar), và tôi quá giàu kỹ thuật.” Cùng năm đó, 1996, album đầu tay, Music of Hair, đã ra đời, phô diễn kỹ năng lẫn sự tôn vinh anh dành cho nhạc dân gian Mỹ và Châu Âu, bên cạnh jazz và blues.
Nguồn gốc bí ẩn của sáng tạo
Cha đến từ Iowa, ông ngoại có một trang trại ở Tây Illinois. Sao không thử sống 4 năm, khi mà chúng bạn tìm đến các đô thị sầm uất như New York hay L.A (Los Angeles), ở một kho thóc, một nông trang gia đình có từ nhiều chục năm trước gần Chicago? Nghệ sĩ nào cũng có một phòng studio, một chốn để ẩn trú và sáng tạo. “Tôi có thể bỏ ra bốn ngày ở đó, hoàn toàn chìm đắm vào quá trình – tức không tắm rửa hay đánh răng, chỉ thức, pha cà phê, và tập nhạc cho tới khi mặt trời lặn.”
Mỗi sáng thức giấc, giai điệu cứ lởn vởn trong đầu, và anh sắp xếp ca từ sao cho khớp. Ca từ đến sau giai điệu, nhưng không hề dễ dàng giống như vậy. Từ giai điệu, anh sẽ bắt đầu nói vô thức theo giai điệu, rồi dần khớp theo các nguyên âm. Những bản nhạc thú vị nhất chủ yếu là những bản nhạc hòa tấu. Chưa hết, album Mysterious Production of Eggs (Sự sản sinh bí ẩn của trứng) xuất phát từ quá trình sáng tác khi Andrew mãi nghĩ về những chú gà, khi mỗi sáng anh lấy một quả trứng vừa được đẻ và thả vào chảo để ăn: vừa lạ lùng, cũng vừa thú vị, cứ 36 giờ một quả trứng khác lại ra đời.

Andrew Bird và ban nhạc tại dự án Tiny Desk của NPR
Khi có một ban nhạc, có một chút khích lệ tinh thần so với việc người nghệ sĩ phải sắp xếp cái mớ ngổn ngang trong đầu và phát điên dễ dàng. Kể cả khi tự ghi âm tất cả các nhạc cụ, anh vẫn cần một kỹ sư âm thanh giúp ghép lại các ý tưởng cho hoàn chỉnh. Studio giống như nơi để sáng tác các bản demo và thể nghiệm âm thanh, nhưng cực kỳ cần thiết. Có khi, vào giữa hè, mở toang cánh cửa là nghe thấy tiếng dế, chim chóc và âm thanh tự nhiên rất rõ, thanh bình và sảng khoái.
Chơi violin từ năm lên 4, và mó máy với nó hàng ngày cho đến tận hôm nay, lâu tới mức anh chẳng còn nghĩ mình là một nhạc công nữa. Cũng chẳng phải ép mình hay có một cảm giác phải vùi mình năm giờ đồng hồ cật lực viết, như một số nhà văn (chẳng hạn Haruki Murakami từ 4 giờ sáng mỗi ngày). Andrew tự cho mình không phải kiểu nghệ sĩ lặng đi vài năm rồi thình lình cho ra một sáng tác, mà với anh đó là một quá trình liên tiếp, đều đặn diễn ra. Từ bản năng ban đầu, các ý tưởng âm nhạc sản sinh được anh quay trở lại nhiều lần và không ngừng biến đổi để thêm tinh tế.
Nhưng anh vẫn thuộc về sân khấu. Trình diễn live luôn thú vị hơn studio với Andrew. Trên sân khấu, anh cho rằng mình thấy thoải mái, tràn đầy sức sống, không có gì để kiềm nén trong lòng, chẳng bận tâm về cách hát hay bất cứ điều gì. Ban đầu, Andrew chia sẻ chỉ muốn viết một đĩa nhạc rồi làm vài chuyến lưu diễn, nhưng giờ thì anh sáng tác để “hợp thức hóa” lưu diễn.
“Khi tôi thấy các ban nhạc tìm cách lặp lại trên sân khấu đúng từng nốt một trong bản thu, tôi có thể nhận ra ngay. Tôi thấy việc làm ấy chán phèo. Tôi luôn có một căn tính nhạc jazz và đó vẫn là một trong những quan điểm ưa thích nhất. Chúng tôi chẳng bao giờ thấy vui nếu phải diễn cùng một bản nhạc hai lần.” Có một thời gian Andrew đã trình diễn jazz, với Kevin O'Donnells Quality Six.
Nhìn chung, Andrew tự nhận, sáng tác âm nhạc vẫn còn khá là thú vị và lãng mạn, khi ta chẳng biết cái gì sẽ xảy ra, và không thể trỏ ra rõ cái gì khiến ta bị hút vào quá trình này. Một bí ẩn đích thực.
Người nghệ sĩ thuộc về sân khấu
Ký ức âm nhạc đầu tiên của anh là lúc cha anh cầm một cây violin trước mặt và cậu bé Andrew nhảy chồm lên để tóm lấy. Bốn tuổi, anh có cây violin đầu tiên, và từ đó bắt đầu nghe nhạc cổ điển và theo học phương pháp giáo dục âm nhạc Suzuki – khuyến khích làm quen với âm nhạc như làm quen với ngôn ngữ. Anh cho rằng mình có một kiểu phản ứng bản năng với âm thanh của mọi thứ xung quanh - chẳng hạn tiếng một loại snare có thể khiến anh buồn nôn.
Andrew Bird lớn lên quanh nhạc cổ điển, nhưng cũng yêu thích các giai điệu dân gian Ireland và nhạc bluegrass, và cho nhạc dân gian Anh và Scotland là những ảnh hưởng ban đầu. Từ jazz, đó là Johnny Hoddges, Lester Young, Fats Waller, còn nhạc cổ điển, là Claude Debussy, Maurice Ravel và Béla Bartók. Thế nhưng, phương pháp Suzuki giúp cho việc li khai với giới hàn lâm, kinh viện dễ dàng hơn so với những ai được đào tạo bài bản khác. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với văn hóa nhạc cổ điển lẫn cái không khí xã hội gắn liền với nó, nhưng tôi đã mắc kẹt đủ lâu trong đó để thụ nhận những kỹ thuật tôi mong muốn để hiện thực hóa bằng hết các ý tưởng âm nhạc trong đầu.”
Bản năng thiên phú về âm nhạc, được củng cố bằng phương pháp Suzuki, cho phép Andrew đảm nhận nhiều chức năng, từ sáng tác, sản xuất, solo, đến người tìm hiểu âm nhạc, trưởng nhóm và cả nghệ sĩ biểu diễn. Trong khi nhiều nghệ sĩ đương đại cố tìm một ngách âm nhạc để an trú và sáng tác, Andrew không ngừng theo đuổi nàng thơ của mình, thể hiện ở các phong cách, và cả nguồn cảm hứng sáng tác, luôn đổi mới qua từng album, đi từ phê phán xã hội đến khai phá những giới hạn về nhạc tính và cách hát.
Bốn năm học tập trong trường nhạc Northwestern - chuyên chú, tận tụy và khổ hạnh với duy nhất một món nhạc cụ, vẫn còn lởn vởn đâu đó trong Andrew, và phục vụ cho anh, nhưng không khiến anh mù quáng, mắt che lại, như các học trò chính quy. Cái quan trọng là phương pháp Suzuki hình thành những liên kết thần kinh từ thủa bé gắn với ngôn ngữ, và gắn vào cả âm nhạc mà từ đó đôi tai trở nên mẫn cảm với mọi thứ theo thời gian. Và Andrew thấy truyền thống âm nhạc dân gian và world music có ý nghĩa với bản thân hơn là với nhạc cổ điển.
Địa điểm biểu diễn cũng là cả một lựa chọn tỉ mỉ, và tôn lên âm thanh Andrew cùng với ban nhạc tạo ra: từ những nhà hát truyền thống, các đám đông tham gia lễ hội, đến các nhà thờ, nhà hội (nơi người Do Thái họp lại thờ phượng Chúa). Ian Schneller, một nhà phát minh đồng hương Chicago và tác giả của triển lãm Sonic Aboretum, đã thiết kế riêng cho Andrew bộ âm thanh riêng khi lưu diễn và khi tập ở studio. “Địa điểm tổ chức tạo cảm hứng để ta thích nghi và tạo ra âm nhạc khác nhau, là cái khiến cho mọi thứ đều tươi mới, dù chỉ có một mic duy nhất cho tất cả mọi người trên sân khấu”, miễn là khán giả được thưởng thức trọn vẹn âm thanh theo cách nó phải được thưởng thức.
Huýt sáo không chỉ là một tiểu xảo đặc biệt, dù anh – và người ta – không cần phải miệt mài tập luyện nhiều năm trời để thuần thục. Huýt sáo như một món nhạc cụ nào đó nằm ngay bên dưới mũi. Khi trong đầu, anh kể, có một âm thanh nào đó, và thắc mắc là sao để tạo ra được nó, cái âm thanh trong và sắc như thủy tinh, anh biết rõ tồn tại một nhạc cụ như thế. Khi chơi đàn chuông, anh bắt đầu huýt sáo theo âm thanh tạo ra, và nghe hai âm thanh ấy quyện vào nhau để tạo ra cái âm thanh đang tìm kiếm. Về sau, đôi lúc, cách diễn tả một giai điệu hay nhất chỉ là huýt nó ra. Tương tự với cây violin, anh không đời nào hình dung về thế bấm, hay tập theo các âm giai.
Hướng nội hơn và cũng hướng ngoại hơn
Đầu những năm 2000, Andrew Bird tách nhóm Squirrel Nut Zippers và Bowl of Fire để sáng tác và trình diễn solo hoàn toàn, và từ đó đến nay sáng tác tất cả 13 album phòng thu, bên cạnh nhiều dự án liên quan đến âm nhạc khác, các hợp tác, trình diễn live và nghệ sĩ khách mời làm con số này lên đến tròm trèm 50.
Nằm trong con số 50 nêu trên, Echolocations của Andrew Bird là một dự án âm nhạc thể nghiệm (echo-) thực địa (-location), bắt đầu từ 2015 với Grand Canyon (Coyote Gulch ở Utah), còn mới đây nhất, River - phát hành tháng 10/2017 - với “nàng thơ” là dòng Los Angeles. Cảm hứng của anh đến từ âm thanh ngay dưới cầu Hyperion Glendale, một cây cầu cạn xây dựng năm 1927 và hoàn thành 1929, bắc ngang qua sông với những cánh cung tạo thành những hỏm ánh sáng xuyên qua nền trời tuyệt đẹp.
Dự án khởi nguồn từ một thói quen từ bé, khi chơi violin và bị ám ảnh đặc biệt với tone (chủ âm hoặc giọng), đến nỗi ở mỗi nơi đặt chân đến, anh chỉ chơi duy nhất một nốt nhạc. Có những lúc anh bỏ ra hàng giờ liền, trong khán phòng trường học, một mình, và thử nghe xem căn phòng có ưa thích âm thanh đó hay không. Andrew còn có một ám ảnh với bản đồ địa lý. Echolocations đến nay đã có bốn phần, dù mới phát hành chỉ có hai. Phần tiếp theo, đã thu âm, sẽ là một đường hầm ở bán đảo tại cực nam hạt Marin, Marin Headlands, nằm sát thành phố San Francisco về phía Bắc, có thể nhìn từ Cầu Cổng Vàng, tiểu bang California. Sau đó? Một công trình dẫn nước cổ.
Khán giả Châu Âu (Bỉ) từng lạnh lùng và khô khan với nhạc của anh, điều này đã được tái hiện trong bản nhạc Give It Away từ trải nghiệm “trận mạc” của Andrew khi lưu diễn, mặc sức cho ban nhạc đã nỗ lực hết mình trên sân khấu. Khi trở về, nhìn thấy những đám mây có hình dáng như những ngọn núi dưới ánh trăng, anh cười phá lên, tự hỏi liệu năng lượng mà mỗi chúng ta trao cho một người nào đó hay cho khán giả có hữu hạn hay không.
Với album Are You Serious, anh đối diện với sự e dè của bản thân, nhưng bộc trực và yếu đuối hơn, như ở bài hát Puma về giai đọa hóa trị của người vợ hay Valleys of the Young về cảm giác của anh khi có con trẻ, cách anh dung hòa và trân trọng sự kiện này như một người cha, so với trước đó trong vai trò một nghệ sĩ cống hiến cho sáng tạo. “Khi cuộc sống trở nên thật và nặng nề, ta cảm thấy ngôn ngữ sử dụng cũng phải thẳng thắn, giản dị, nếu không ta vẫn chưa thể hiện được cuộc sống trọn vẹn” anh nói. Album Are You Serious cho thấy rõ sự cởi mở của anh trong vai trò một nghệ sĩ và một con người, theo những cách chưa từng xảy ra.
Ở tuổi 43, nghệ sĩ indie, folk rock Andrew Bird dường như ở trong giai đoạn sáng tạo sung mãn, bên cạnh cái tiếng cầu kỳ tỉ mẫn trong quá trình sáng tạo. Bên cạnh Echolocations, bắt đầu từ 2016, Live From The Great Room là chuỗi hợp tác biểu diễn giữa Andrew với một loạt khách mời đến từ nhiều thể loại âm nhạc, sở trường, phong cách âm nhạc khác nhau, trình diễn các sáng tác của Andrew và những bản cover tôn vinh các nghệ sĩ họ yêu thích, tất cả được ghi hình và phát hành trực tuyến trên Youtube… Tuy vậy, anh cũng không gọi mình là người sáng tác nhạc, một cách khô cứng, mà chỉ là người tạo ra các bản nhạc, như từ bé.
 
BOX
Cách setup trên sân khấu cho phép tôi loop (tức đáo lại một đoạn ghi âm) và cho phép diễn nhiều nhạc cụ cùng lúc với nhau. Giống trò chơi thăng bằng, đầu tiên là loop đoạn gẩy dây violin để làm khung nhịp, dùng pedal octave (tạo hiệu ứng nhân đôi nốt nhạc khi chơi ở quãng tám) cho tiếng bass và cello, rồi xếp tiếng dàn dây lên.
Khi đã xong, tôi sẽ chơi guitar và huýt sáo, hoặc hát và huýt sáo và đồng thời chơi glockenspiel (đàn chuông). Thông thường khán giả sẽ nghe thấy tiếng cấu tạo của bài hát từ đoạn intro, sau đó tôi sẽ điều chỉnh loop suốt bài hát, hoặc ở đoạn điệp khúc hoặc đoạn verse (lời), và hoặc hát hoặc huýt sáo hoặc chơi nhạc cụ.
Tôi vẫn hay nhầm lẫn chỗ này, vì cả ba đều là cách tạo ra âm thanh, gần như theo cảm tính hơn là tạo ra một ban nhạc hoàn chỉnh bằng những thứ đã có trong tay. Có lúc, tôi thậm chí còn mơ màng, nhắm mắt như lạc vào một thế giới âm thanh nào đó trên sân khấu, và sực tỉnh ba bài hát sau đó. Đặc tính của loop dễ tạo ra cảm giác mê hoặc, thôi miên.
Tồn tại một cuộc đấu tranh giữa thôi thúc muốn bộc lộ, mở rộng bằng âm thanh, ngôn ngữ và âm nhạc, và mong muốn của bản thân chỉ truyền đạt theo một cách khá là trực tiếp – là điều khó khăn hơn cả.