Trường tôi hồi trước có một hàng bán truyện. Sáng một cô bày đồ ra trước cổng, chiều chất hết lên xe chở về. Cứ đều đặn như vậy, gặp bữa mưa thì phủ tấm nilon che sách, hiếm hoi lắm mới nghỉ bán một ngày. Ngoài truyện tranh thì có vài ba tạp chí học trò, mấy bộ đề thi Olympic. Tôi nhớ mang máng còn có bán cà phê sữa đem đi (?) Và nếu không lầm thì lần đầu tiên tôi ghé vào là để mua một cuốn tạp chí 4AM, đương ra số thứ 2 (gọi là 4AM “bộ mới”, dĩ nhiên để phân biệt với bộ 4AM cũ khổ bự). Cũng là cuốn 4AM đầu tiên của tôi, có lẽ vì vậy mà ấn tượng còn lưu đôi chút.
Rất tuyệt vời cho một người mới bước vào thế giới anime, số tạp chí ấy có vẻ ưu ái Ghibli: một bài tiểu sử Miyazaki Hayao, và hai bài liên quan đến một tác phẩm của hãng mới ra lúc bấy giờ – Iblard Jikan (2007). Riêng bài giới thiệu Iblard Jikan thôi đã chiếm tới 4 trang màu quý giá. Hẳn là vì phía tạp chí tự tin hình ảnh của “thế giới thần tiên Iblard” sẽ đẹp hớp hồn.
Iblard Jikan không phải anime thông thường, mà đúng ra là một dự án tổng hợp các hình nền  đẹp mắt của một thế giới gọi là Iblard, kèm âm nhạc và chút chuyển động đây đó của nước, người, xe điện… cho có sinh khí. Tưởng tượng giống như loạt screensavers cao cấp lấy chủ đề Iblard, mà có công đầu tư của Ghibli. Kể ra là một dự án khá phù phiếm, nhưng cũng nhờ Ghibli rộng lượng nên mới tài trợ cho một họa sĩ bên ngoài được tự do làm phim toàn bằng hình nền như vậy.
Họa sĩ Inoue Naohisa, tác giả đằng sau Iblard, được liệt vào mục mangaka, xếp ngay sau bài về Miyazaki. (Nhưng Inoue xuất hiện ở đây có phải vì là mangaka? Phía tạp chí oái oăm là đã lập ra chuyên mục “mangaka” để rồi giới thiệu những Miyazaki hay Inoue trong vai trò nhân sự làm phim, hơn là họa sĩ truyện tranh. Dù vậy, độc giả chân ướt chân ráo như tôi không quan tâm chuyện này lắm. Cuốn 4AM bấy giờ đã cung cấp nhiều thông tin thú vị chưa từng thấy.)
Thế là tôi muốn xem Iblard Jikan. Tôi không biết làm sao xem, nhưng đó là một nhiệm vụ tôi đã ghi khắc vào đầu. Khoảng thời gian sau đó, hết cấp 3 và đại học, tôi gần như không đụng gì anime, nên đến khi coi được cái Iblard Jikan này, cũng đã 7 năm trôi qua.
Cái phim nhạt phèo, như rất nhiều người đã bình luận.
Và cũng đẹp lung linh, như tôi đã kỳ vọng.
Cộng tác viên của 4AM thời ấy dừng ở mức mô tả “[Inoue] là một họa sĩ nổi tiếng theo chủ nghĩa siêu hiện thực, xoay quanh những yếu tố siêu nhiên, huyền thoại, và đưa chúng lồng vào khung tranh, gây bất ngờ, gợi trí tò mò cho người xem.” Mà xem thử tấm hình trên thì có hẳn là mang yếu tố siêu nhiên, huyền thoại? Một thuật ngữ để mô tả phong cách Iblard mà fan anime cùi bắp chúng tôi thời ấy không biết, chính là “ấn tượng”.
Nhiều năm đã trôi qua, giờ tôi đã biết tra cứu vừa phải và thêm đường thêm muối để bày đặt viết bài về nghệ thuật, ai thấy tin được bao nhiêu thì tin. (Và ai thấy nói bậy chỗ nào thì xin chỉ giáo.)
Trường phái ấn tượng ra đời khoảng nửa sau thế kỷ 19, cái tên của nó rút ra từ một tác phẩm phá cách bấy giờ của Claude Monet: Impression, soleil levant / Ấn tượng, mặt trời mọc.
Ấn tượng, mặt trời mọc – Claude Monet, 1872
Ấn tượng, mặt trời mọc – Claude Monet, 1872
Thử phân tích từng chữ thì “ấn tượng” tức là hình dáng (tượng) được in dấu (ấn). (Ở VN khi nói “một màn trình diễn ấn tượng”, ngụ ý ở đây thực ra là “một màn trình diễn gây ấn tượng mạnh”, cũng như nói một người “có ngoại hình”, người ta ngụ ý người đó “có ngoại hình đẹp”. Từ “ấn tượng” trong trường phái Ấn tượng không có ngụ ý đó.)  Mấy họa sĩ đi ra ngoài trời vẽ, thấy cảnh đẹp thì chớp lấy ngay cái ấn tượng trong khoảnh khắc đó mà họa lại lên toan. Thành ra một tấm hình đường nét lỏng lẻo, dấu cọ đứt gãy, mờ ảo như người chụp hình run tay. Các nhà phê bình bĩu môi phán không nghệ thuật bằng hàng kinh viện cổ điển. Thời đó, “ấn tượng” là tên gọi để chê chung cho cái thứ trường phái tranh vẽ nhòe nhoẹt kiểu này.
Nhưng nó mờ nhòe vì họa sĩ người ta thích thử nghiệm với ánh sáng, trong một giây mà đôi mắt bắt lấy được một cảnh, có khi còn chưa kịp định rõ từng chi tiết, khác với mấy bác vẽ chân dung trong xưởng nhiều ngày liền chỉ chăm chăm “lấy nét” cho một đối tượng. Những tranh trường phái ấn tượng không trình bày sự vật như nó chân xác là gì, mà trình bày cái cách sự vật đó hiện ra. Và thường là nó lung linh dưới nắng.
Phải chờ mấy năm thử nghiệm thành công thì Ấn tượng mới thành mốt mới thay đổi nền hội họa, để phái Ấn tượng rồi sẽ được liên hệ với các tranh vẽ đầy sắc màu ồ ạt tuôn ra trong một tích tắc, hơn là bị đánh đồng với thói vẽ ẩu.
La Manneporte (Étretat) – Claude Monet, 1883
La Manneporte (Étretat) – Claude Monet, 1883
Mười năm sau Monet vẫn vẽ biển, nhưng màu sắc tinh tế hơn nhiều, dù vẫn giữ những đặc điểm lỏng lẻo, đứt gãy, mơ hồ. Trong tấm vẽ vách đá ở Étretat, màu sắc không chuyển tiếp dần dần từ trắng sang xanh, mà lộ rõ những dấu cọ xanh nhạt, đè lên chỗ xanh đậm, chen vào nét trắng, kế bên là mấy lằn màu nâu ngang ngược. Phóng to tấm hình để soi chất liệu đá hay chi tiết giọt nước là một thao tác vô ích, đứng xa xa ra nhìn để thưởng thức hiệu ứng quang học của phong cảnh nghe còn có lý hơn. Màu này chen chúc với màu kia, còn công việc pha trộn các màu thì sẽ chừa lại cho con mắt người nhìn. Họa sĩ ấn tượng đã có công phá cho màu mè vỡ vụn ra.
Inoue Naohisa là họa sĩ thế kỷ 21 thì đã lệch thời với cái trào lưu này, nhưng ông vẫn cho thấy dấu vết của một phong cách vẽ màu sắc nhảy nhót sinh động.
Màu sắc xanh đỏ tím vàng ngoài đồng trong tranh Inoue cũng hấp háy tựa hồi Monet vẽ ụ cỏ khô bên dưới.
Ụ cỏ khô – Claude Monet, 1890
Ụ cỏ khô – Claude Monet, 1890
Có đồng nghiệp còn thuật lại là Monet thèm sinh ra bị mù rồi đột ngột nhìn thấy đường, để sao cho ông có thể vẽ mà không biết rõ những đối tượng gì hiện ra trước mắt. Đó là một cái nhìn ban sơ, không phân định đường viền rạch ròi giữa các vật thể. Như một đứa bé lần đầu thấy thế giới không phân biệt được đâu là nơi tán cây kết thúc và bầu trời bắt đầu, mà tất cả đều như liền với nhau trong một bức hình lung linh in vào mắt.
Iblard cũng được dựng lên từ một cái nhìn trong trẻo như vậy, cái nhìn thích thú với muôn vàn màu sắc.
Màu mè ảo diệu của Inoue đến từ chủ trương rẩy đủ cả chục sắc cầu vồng lên bảng vẽ, rồi sau đó mới nương theo các hình thù mà lôi cái thế giới Iblard từ cõi ảo tưởng ra tranh. Nó như đã nằm sẵn lẩn sau các đốm màu, mỗi lần điểm thêm màu mới, nó cố định thêm một chút, và sau đó lần đầu hiện ra trước đôi mắt người họa sĩ. Inoue vừa là người sáng tạo, mà cũng vừa là một người khám phá vùng đất mới – thế giới này có công ông quệt màu, nhưng dường như nó cũng đã tồn tại vô hình từ trước và tự dẫn đường cho các nét cọ của ông.
Với ý tưởng về một thế giới tự biết lôi cuốn cọ vẽ của họa sĩ như vậy, hẳn nhiên Inoue hết sức tâm huyết với Iblard. Bản phim Iblard Jikan chẳng khác gì một gallery trưng bày tranh cho ông, và hoàn toàn có đủ tranh để khoe, vì gần như cả sự nghiệp của Inoue đều xoay quanh vẽ những cảnh vật của thế giới kỳ ảo này. Thậm chí có cả một manga Iblard Monogatari để ông giải thích rõ hơn những đặc tính lạ thường của thế giới (vd: cầu thang hiện ra khi người ta muốn tiến, cầu thang mất đi khi người ta muốn về). Và website Iblard được lập ra để hướng dẫn khán giả đắm chìm vào một utopia luôn luôn thay đổi, không thiếu điều kỳ diệu, đến nỗi trang web còn khuyên khán giả hãy nhìn thế giới hiện tại bằng lối nhìn Iblard, hãy nhìn một tòa nhà cao tầng ngoài đời và thấy nó ngập trong màu sắc thiên nhiên, chẳng hạn.
Tôi (bắt chước wiki trắng trợn) chỉnh lại câu giới thiệu của 4AM: Inoue Naohisa là họa sĩ chịu ảnh hưởng của phong cách siêu thực và ấn tượng. Ông chuyên vẽ những ấn tượng muôn màu về cảnh vật ngoài trời và cuộc sống sinh hoạt thường nhật trong một thế giới giả tưởng gọi là Iblard.
Iblard được nhập vào Ghibli qua trung gian Miyazaki Hayao, cụ thể là Miyazaki đi xem một buổi trưng bày bộ tranh Iblard xong thì nhất quyết muốn đem thế giới này vào phim. Và cũng rất phù hợp: Miyazaki là người thường không lên kế hoạch rõ ràng cho các phim của ông mà dựng phim đến đâu mới sáng tác kịch bản đến đó; Miyazaki thích vẽ lâu đài bay trong Laputa, vẽ rừng rậm trong Mononoke Hime, vẽ máy bay tàu lửa trong Kaze Tachinu; rồi cũng Miyazaki là cái ông già vào cuối phim tài liệu The Kingdom of Dream and Madness, đã ngoắt người quay phim lại và chỉ vào các tòa nhà, bảo: “Hãy tưởng tượng nếu anh nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác thì sẽ ra sao… Sẽ có một thước phim thần kỳ trong thị trấn buồn tẻ của anh. Nhìn sự vật như vậy chẳng phải rất là vui?” Tầm nhìn sáng tạo của Inoue và Miyazaki có vẻ giao hòa với nhau.
Vậy nên trước khi làm vai chính trong OVA Iblard Jikan, thì thế giới Iblard đã được chọn đóng vai hình nền trong loạt cảnh kỳ ảo của Mimi wo sumaseba / Whisper of the Heart (1995) – Kondou Yoshifumi đạo diễn, Miyazaki Hayao biên kịch & vẽ bảng phân cảnh.
Đây là Iblard Jikan 2007:
Còn đây là Mimi wo sumaseba 1995:
Mimi wo sumaseba giờ là đồ cổ rồi, nhưng những tấm hình thế này dù có phải so với các phim Ghibli về sau thì vẫn quá sức đặc sắc. Nó có sự ken dày màu sắc li ti trong những đường nét uốn lượn tự nhiên tùy hứng. Ở chỗ này thì Mimi wo sumaseba được lợi thế mà khó anime nào cạnh tranh nổi, vì đã mượn được các nghệ phẩm từ một dự án cả đời của họa sĩ Inoue Naohisa.
Iblard Jikan là một OVA chẳng giống ai. Nó xuất hiện rực rỡ trong một khoảnh khắc, rồi cũng chìm lắng theo thời gian (vì ai biết nói gì về một tập phim không hề có nội dung?). Tôi quay lại với OVA này vì chính tôi cũng không hiểu tại sao nó cần thiết có mặt trên đời. Câu trả lời cuối bài, có lẽ là do phía nhà sản xuất đồng cảm rất sâu sắc với dự án Iblard. Vì Iblard không chỉ là những tấm hình trong một bộ sưu tập, mà còn lấn ra nhiều sân khác, và đi kèm với nó là một ấn tượng, một triết lý sáng tác mà Ghibli, đặc biệt là Miyazaki, hẳn rất sẵn sàng ủng hộ.