Ai cũng đi tìm hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? (Phần 1)
Những suy nghĩ, quan điểm về các yếu tố tạo nên hạnh phúc. Bài viết có sự tham khảo từ sách Sapiens (Yuval Noah Harari) và các nghiên cứu về hạnh phúc.
Giống như những đứa trẻ đang dần bước chân vào thế giới người lớn, tôi bắt đầu băn khoăn với những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống, về sứ mệnh của mình trong cuộc đời. Hay đúng hơn là về cách sống một cuộc đời hạnh phúc. Thế nhưng tôi chưa từng ngẫm nghĩ hạnh phúc thực sự là gì. Đến khi đọc chương cuối "Happines throughout history" trong cuốn sách Sapiens của Yuval Noah Harari, tôi bị cuốn vào góc nhìn đa chiều của tác giả về hạnh phúc. Bài viết là nơi tôi tổng hợp những khám phá của tác giả về vấn đề này cũng như đưa ra góc nhìn của bản thân. Trong phần 1, tôi muốn đề cập đến những phát hiện từ những nghiên cứu về hạnh phúc và yếu tố tạo nên hạnh phúc.
Về tài sản, nghiên cứu chỉ ra rằng tiền bạc thực sự mang lại hạnh phúc nhưng chỉ đến một mức nào đó và vượt qua mức đó, nó lại gần như mất giá trị. Phát hiện này lý giải cho mâu thuẫn khi người nghèo nhìn lên tầng lớp thượng lưu và ao ước một cuộc sống dễ dàng, thoải mái trong nhung lụa, tuy nhiên đồng thời, chúng ta cũng nghe hàng ngàn câu chuyện về "những người giàu không hạnh phúc" và vội vàng kết luận rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc.
Về sức khỏe, tác giả chỉ ra bệnh tật chỉ làm vơi đi hạnh phúc trong thời gian ngắn vì con người sẽ nhanh chóng thích nghi với nó, tuy nhiên, bệnh tật sẽ là nguồn gốc đau khổ lâu dài nếu tình trạng của một người không ngừng xấu đi. Nhận định này dựa trên cơ chế thích nghi của cơ thể con người. Giống như việc mua một chiếc áo mới, chúng ta sẽ nhanh chóng thích nghi với cái mới và cảm giác thích thú sẽ giảm dần theo thời gian. Tương tự với những điều tiêu cực, chúng ta sẽ dần thích nghi với tình trạng cơ thể mình nếu bệnh tật không thay đổi, chúng ta sẽ dần quen với một chiếc chân đau, dần chấp nhận đó là một phần của cuộc sống và thôi suy nghĩa về nó. Thế nhưng, nếu bệnh tật cứ chuyển biến xấu dần, chúng ta sẽ khó thích nghi mà cảm thấy đau khổ.
Về các mối quan hệ, gia đình và cộng đồng có tác động đối với hạnh phúc của chúng ta nhiều hơn là tiền bạc, sức khỏe. Giáo sư Waldinger đã chia sẻ kết quả của một nghiên cứu kéo dài 80 năm của đại học Harvard trong bài Tedtalk của mình. Kết quả chỉ ra bí quyết của hạnh phúc nằm ở những mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định mối quan hệ tốt đẹp không có nghĩa là nó luôn hoàn hảo, lúc nào cũng êm xuôi. "Miễn là bạn cảm thấy mình thực sự có thể tin tưởng, nhờ cậy người kia vào các thời điểm khó khăn, thì những tranh cãi, bất đồng không ảnh hưởng tới ký ức của bạn", ông giải thích.
Phát hiện quan trọng nhất về hạnh phúc theo Harari, đó là: Hạnh phúc không thực sự phụ thuộc vào các điều kiện khách quan của sự giàu có, sức khỏe hay cộng đồng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tương quan giữa điều kiện khách quan và mong đợi chủ quan. Một người kiếm được $1000 sống trong một cộng đồng với mức thu nhập trung bình là $1200 sẽ kém hài lòng hơn một người kiếm được $800 sống trong một cộng đồng với mức thu nhập trung bình $600. Nếu dựa trên phát hiện này thì điều kiện khách quan xung quanh và việc chúng ta đặt mục tiêu cho bản thân đóng vai trò quan trọng hơn những gì chúng ta đạt được về tiền bạc, sức khỏe hay các mối quan hệ. Ở vế điều kiện khách quan, tôi thấy phát hiện này một phần dựa trên thuyết tương đối khi con người luôn vô ý hoặc cố ý so sánh bản thân với mọi người, mọi sự kiện xung quanh. Về mong đợi chủ quan, để đạt được hạnh phúc, ta cần cẩn trọng trong việc đặt ra những mục tiêu với bản thân. Điều này có sự tương đồng với lời khuyên của các triết gia Khắc kỷ - những người theo đuổi lối sống bình thản. Chia mọi thứ theo thuyết lưỡng phân trong quyền kiểm soát, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ tránh việc đặt những mục tiêu mà họ chỉ quyết định một phần mà sẽ đặt mục tiêu cho những thứ họ có thể hoàn toàn quyết định để tránh kết quả không như ý muốn phá vỡ sự bình thản trong họ. Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu chiến thắng trong một cuộc thi - việc họ chỉ có thể quyết định một phần bởi lẽ sự chăm chỉ luyện tập đúng là tăng khả năng chiến thắng nhưng không hề đảm bảo chắc chắn cho chiến thắng đó, các nhà Khắc kỷ sẽ hướng đến mục tiêu cố gắng hết sức mình trong cuộc thi - việc họ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất