Hôm nay mình đi làm lại thẻ phòng  đọc bên thư viện Hà Nội, sau đâu đó 10 tháng vắng bóng.
Chắc thư viện này là của nhà nước, không bị áp chỉ tiêu nên 4-5 năm nay chả thấy đối khác gì. Vẫn ghế đấy, bàn đấy. Kệ sách với chỗ để quạt cũng chẳng nhích gì luôn. Cả màu sơn tường, cái cầu thang máy xập xệ kém sáng sủa, phòng làm thẻ u ám như tiếc tiền mùa cái bóng led mới, tủ gửi đồ xầm xì như hậm hực, cái cửa kính đục đục như sương mù Hà Nội mấy bữa nay ô nhiễm bậc nhất thiên hạ, đoạn cầu thang rỉ sét nâu hết cả ngoài trời của công trình kế bên, bao năm chẳng ai đoái hoài, có thể nhìn qua cửa kính lối cầu thang lên thư viện.
Thay đổi cũng tốt, mà không thay đổi cũng tốt. Đường lên thư viện vẫn đáng cưng như ngày nào. Nhà mình Giải Phóng đi lên, qua Lê Duẩn đoạn công viên Thống Nhất xanh muốn xỉu, từ đó đi lên có 3 chỗ rẽ, nó cứ bị mềm mại sao ấy (chắc do rẽ không phải dừng). Chắc vì ở mỗi góc rẽ đều có một công trình đẹp đáng để mình đá mắt liếc vào. Một góc là booth vàng chuối màu cảnh sát giao thông, sát sít mạn đường. Mình hay liếc xem các chú đang lấp hay làm gì. Rồi ngay đó là góc rẽ thứ 2. Góc này đắc địa (3 mặt đường cơ mà) nhưng chắc phong thủy không ổn nên thấy đổi chủ thường xuyên lắm, năm thì áo cưới, năm lại áo dài, năm nay là trung tâm thiết kế Việt Hàn gì đó. Góc rẽ thứ 3 thì có cung hữu nghị Việt Xô (hoặc cung có tên bằng một ngày đánh dấu sự kiện lịch sử gì đấy). Lần nào qua cũng ngó xem đang có triển lãm hội chợ gì, mấy tấm áp phích quảng cáo show concert ca sĩ diễn viên chi…

Đường Bà Triệu chẳng khác gì, vẫn xanh, lắm cây, và nhỏ, chẳng quá đông nhưng cũng không quá heo hút. Chỉ là cảm giác chẳng ai vội, mà có thì cũng muốn “Quẳng gánh lo đi mà sống”. Đi đường cứ bị “lãng mạn”, “ung dung”, đúng mấy tính từ người ta hay mang ra tả Hà Nội.
À, một thứ thư viện Hà Nội quyết không đổi là chú bảo vệ. Trời ơi, từ hồi mình hay đạp xe lên đó học cấp 3 đã là chú ấy rồi. Ngày xưa chú hay đọc báo nghe đài. Có đợt mình dở chứng làm dự án “On the pavement” (ý là nói chuyên với bất kì ai bên đường), cũng ngồi đó buôn với chú ấy. Chẳng nhớ nói những gì, chỉ nhớ lương chú đâu đó 2 triệu, và người tới thư viện ngày càng ít, mở vậy để duy trì thôi chứ chả biết nó đi đến đâu. Lúc nãy gửi xe thấy chú ghi số xe xong ngồi quay mặt vào trong, không có báo. Chắc chú đang buồn không có việc gì làm. Lại giống bố mình hay nằm dài xem tivi, chán lại tháo gỡ mấy cái máy móc cửa kiếc ra, khám phá, rồi lại xếp vào.
Mặc kệ 5 năm hay mấy chục năm, ngoài kia người ta phát minh ra trăm ngàn thứ vĩ đại, cái góc phố này với toà nhà cũ kĩ ấy cứ chềnh ềnh ra đó, chẳng chịu đi, cũng chẳng chịu tân trang cho hợp thời. Và mình mong nó mãi thế. 
10 tháng hay 5  năm, bước chân vô thư viện Hà Nội lại thấy bình yên lạ. Vì nó “trước sau như một”, “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Vì nó giống như ông, như bà, cũ cũ đấy nhưng chẳng muốn rời. Từ lúc ôn thi đại học đạp xe lóc cóc mang đề lên đây cày (hồi đó có xe điện nhưng mình vẫn hay đi xe đạp với như cầu tập thể dục dưới hàng cây xanh:)), hay giờ là đã sắp ra trường rồi, bước chân vô đây vẫn tự nghĩ mình còn bé bỏng lắm.
Ai cũng cần một chỗ để tới lui, nhỉ? Một chốn như là chứng nhân lịch sử, cho chính mình. Tự nhiên nghĩ làm nhà nước cũng tốt, cũ kĩ cũng tốt, nhân viên làm đó tới khi về hưu, chỉ cần ghé lui thường xuyên là quen nhau hết, đâu cũng là nhà, và ai cũng có thể làm người thân.


🌿Góc của mình: https://nalinhblog.wordpress.com/
🌿Ảnh: nguồn Pinterest