Afterschool Charisma: cái Tôi thượng đẳng dưới mái trường nhân bản vô tính
Đã bao giờ bạn ví mình như một món hàng được sản xuất đại trà bởi nhà trường và kiểm định bởi nhà nước, trước khi được rao bán trên...
Đã bao giờ bạn ví mình như một món hàng được sản xuất đại trà bởi nhà trường và kiểm định bởi nhà nước, trước khi được rao bán trên thị trường lao động và phục vụ đến chết cho các cuộc cạnh tranh tiêu dùng? Đã bao giờ bạn hoài nghi về nhân tính của mình và những người xung quanh, khi thấy con người bị đẽo gọt cho khớp với các máy móc ở chỗ làm và các cơ chế của xã hội? Đã bao giờ bạn hoài nghi về cái Tôi của bạn, khi thấy nó được nhào nặn bởi các kỳ thi, các bảng xếp hạng, các xu hướng tiêu dùng, cùng những lời khen chê của người khác; và nó đang nhốt bạn trong những công việc hoặc mối quan hệ mà bạn muốn bứt ra?
Nếu bạn đã từng như vậy, thì bạn có thể thông cảm với các nhân vật trong bộ truyện tranh Afterschool Charisma. Lấy bối cảnh ở một trường học chuyên nhân bản vô tính các vĩ nhân trong quá khứ để rao bán trên thị trường, Afterschool Charisma là câu truyện giả tưởng thú vị về cách các hệ thống kiểm soát con người thông qua cái Tôi, và những lựa chọn khác nhau của con người trong cuộc hành trình nhằm thay đổi định mệnh mà hệ thống áp lên họ.
(Lưu ý: Bài viết có ảnh minh họa là một số trang trong Afterschool Charisma. Xin đọc truyện này theo chiều từ phải sang trái.)
1. Công xưởng trường học, công nhân học sinh, hàng hóa danh tiếng
Afterschool Charisma lấy bối cảnh ở nước Mỹ trong tương lai gần, khi trật tự toàn cầu của khối dân chủ đang rơi vào khủng hoảng. Để chấm dứt tình trạng khủng bố, bạo động do khủng hoảng tài chính và cách biệt giàu nghèo, một nhóm chính khách và tài phiệt quyết định nhân bản vô tính các vĩ nhân đã qua đời, nhằm hồi sinh tầng lớp “lãnh đạo ưu tú” có khả năng “tái thiết thế giới”. Với viễn kiến mang màu sắc tinh hoa trị (aristocracy) đó, họ góp vốn xây dựng học viện tư thục St. Kleio – một lâu đài biệt lập được dùng để nghiên cứu, nhân bản và nuôi dưỡng các vĩ nhân cho đến tuổi trưởng thành. Tại đây, 3 thế hệ bản sao của những người nổi tiếng như Kenedy, Napoleon, Hitler, Freud, Mozart, Marie Curie, Elizabeth I… đã được sinh ra và giáo dục trong “những điều kiện tốt nhất”, để “kế thừa và phát triển những thành tựu của nguyên bản”.
Trên tinh thần đó, học sinh trường St. Kleio được dạy rằng họ là những cá nhân thượng đẳng, vượt lên đám đông ngu dốt, và được “tái sinh” để mở ra một tương lai khác cho loài người. Cái Tôi thượng đẳng mà nhà trường áp đặt từ lúc lọt lòng đã biến cuộc sống của mỗi học sinh thành một cuộc cạnh tranh căng thẳng không hồi kết. Họ phải cạnh tranh với các bạn học, để giữ thứ hạng cao trong chuyên môn của bản gốc, nhằm chứng tỏ mình thật sự là bản sao của vĩ nhân. Họ phải cạnh tranh với bản gốc, để chứng tỏ mình vượt qua quá khứ thay vì lặp lại quá khứ, và vì thế có lý do để tồn tại. Trên hết, họ phải chống lại con người thật của mình, để tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp của bản gốc, thay vì theo đuổi đam mê và hoài bão mới của bản thân. Bởi những bản sao đi lệch khỏi con đường của bản gốc sẽ bị xem là “sản phẩm hỏng”, bị bạn học tẩy chay, thậm chí bị nhà trường “tiêu hủy”.
Như vậy, học sinh St. Kleio càng cạnh tranh trong xã hội thì càng tụt lại trong đời sống cá nhân, và càng khẳng định cái Tôi xã hội thì càng đánh mất con người thật của mình. Nghịch lý này thể hiện rõ khi bản sao Mozart Khóa 3 – người luôn tự xưng là thần đồng và khinh miệt số đông tầm thường – bất ngờ treo cổ tự vẫn vì không thể vượt qua phong cách nhạc của Mozart nguyên bản. Nhưng nghịch lý của sự hạ giá và vong bản này xuất phát từ đâu? Từ một thực tế mỉa mai: dù trường tư thục St. Kleio được xây dựng để làm phao cứu sinh cho hệ thống đang gặp khủng hoảng, nó cũng chỉ là một doanh nghiệp cổ phần trong hệ thống, và phải tuân theo quy luật thị trường tự do của hệ thống.
Do các bản sao vĩ nhân được tạo ra theo một khuôn mẫu định sẵn, nhằm phục vụ cho một mục đích định sẵn, họ được coi như những công cụ thay vì như những con người. Và do các công cụ này có thể được sản xuất hàng loạt bằng phương pháp nhân bản vô tính, họ nhanh chóng trở thành hàng hóa được rao bán trên thị trường thương mại. Cái Tôi thượng đẳng của các bản sao bị chất vấn ngay trong ngày lễ tốt nghiệp của họ, khi họ bị rao bán như những món hàng trong phiên đấu giá, và nhận ra mình chỉ là những con “gia súc” đang rời khỏi “trại chăn nuôi”.
Cái Tôi này tiếp tục bị vỡ vụn trong những năm tiếp theo, khi họ được dùng cho những mục đích hoàn toàn đối nghịch với nguyên bản. Chẳng hạn, trong lứa học sinh Khóa 2, bản sao Napoleon được bổ nhiệm làm giám đốc một tập đoàn, nhưng thực ra chỉ làm một diễn viên bù nhìn để hút khách, tăng doanh số. Tương tự, bản sao Florence Nightingale được dùng để thu hút khách hàng cho một bệnh viện tử thần, chuyên ban “cái chết êm ái” cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y, dù cô chỉ muốn dùng năng lực thống kê mới phát lộ của mình để cứu những bệnh nhân đó. Bản sao Hitler, người muốn cống hiến năng lực hội họa của mình cho hòa bình, đã bị một tu viện mua về để đầu độc, nhằm khiến cậu chết trong khi cầu nguyện và trở thành biểu tượng của sự chuộc lỗi thông qua hy sinh. Ngay cả bản sao Marie Curie, người thành công nhất trong chuyên môn, cũng được dùng để chế tạo vũ khí cho quân đội, và làm việc đến suy kiệt trong nỗ lực bắt chước nguyên bản. Bản sao Einstein, một người thành công khác, nhận ra rằng bản sao càng được sản xuất nhiều thì giá trị của mình càng hạ, và mình không có tư cách của một cá nhân do thị trường sẵn có “hàng thay thế”. Những bản sao không được mua bị nhốt lại dưới danh nghĩa “hàng tồn kho”, trong khi những bản sao phạm sai lầm trong nghề nghiệp bị trừ khử dưới danh nghĩa “hàng hỏng”, bởi bàn tay của chính các bản sao quản lý dây chuyền.
Nhưng vì sao các khách hàng, và chính “nông trại” St. Kleio, lại không trân trọng tài năng và nhân cách của những vĩ nhân mà họ sản xuất?
Lý do rất giản dị: mặt hàng của St. Kleio không phải là con người sống động, mà là danh tiếng. Khách hàng mua bản sao vì cái danh, bản sao lao động đến kiệt quệ vì cái danh, và trường St. Kleio trừ khử những bản sao lỗi cũng để giữ danh. Trong tiếng Hy Lạp cổ, “Kleio” có nghĩa là “làm nổi tiếng”; và đây cũng là tên của muse phụ trách lịch sử trong thần thoại Hy Lạp. Hóa ra trường chuyên St. Kleio là một doanh nghiệp sản xuất hư danh, nơi học sinh là lao động cưỡng bức.
Tư cách lao động cưỡng bức của các học sinh St. Kleio có thể xuất phát từ một lý do tế nhị: trường này có thể có bản sao của Hitler, nhưng không thể có bản sao của… Marx. Trong “Bản thảo kinh tế - triêt học năm 1844”, Karl Marx đã dùng khái niệm “tha hóa” (alienation) để giải thích hiện tượng vong bản và phá giá nêu trên. Theo cách hiểu của Marx, khi công nhân (1) sử dụng những phương tiện mà mình không có, để (2) làm những công việc mà mình không muốn, nhằm (3) sản xuất những mặt hàng mà mình không giữ, dưới sự chỉ đạo của (4) những ông chủ không phải là mình; họ sẽ dần biến thành kẻ xa lạ với công việc, đồng nghiệp, ông chủ, nhân tính, và chính bản thân mình. Họ xa lạ với công việc vì họ không thích công việc, không học được kỹ năng tự tồn hoặc tìm thấy ý nghĩa trong những công việc ngày càng dây chuyền hóa hoặc chuyên môn hóa. Thêm nữa, họ làm việc càng nhiều thì giá lao động càng hạ, khiến lương của họ càng giảm. Tình trạng bần cùng hóa này khiến họ xa lạ với đồng nghiệp do cạnh tranh, và xa lạ với ông chủ do chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch quyền lực. Họ xa lạ với nhân tính, vì phải dành hầu hết cuộc đời cho nỗ lực duy trì những chức năng sống ở cấp động vật, như ăn uống và sinh sản. Sau cùng, họ xa lạ với bản thân, vì chỉ làm những việc xa lạ với sự tồn tại tự nhiên của mình, và phải làm thêm đến suy kiệt vốn thể chất và tinh thần sẵn có.
Theo Marx, nguyên nhân của hiện tượng “tha hóa” là việc người lao động không sở hữu tư liệu sản xuất. Cách giải thích này có thể áp dụng cho trường hợp St. Kleio. Ở Chương 47, để trừng phạt bản sao Leonard Darwin (cựu học sinh kiêm cựu thành viên Hội đồng Quản trị), trường St. Kleio chỉ việc cắt đứt quan hệ và ném ông ta ra đường. Không còn được nhà trường xác nhận danh tính Darwin, bản sao này lập tức trở thành con số 0 trong xã hội, và phải ăn xin để kiếm sống. Như vậy, hư danh không chỉ là mặt hàng, mà còn là phương tiện để doanh nghiệp St. Kleio kiểm soát “người lao động”, thông qua việc định hình cái Tôi của họ.
2. Công thức sản xuất cái Tôi thượng đẳng, và thuốc giải
Trong Afterschool Charisma, tác giả đã xây dựng một thế giới giả tưởng rất chi tiết và có nhiều liên hệ với hiện thực. Chẳng hạn, phương thức mà trường St. Kleio áp dụng để sản xuất cái Tôi thượng đẳng của học sinh đã được xây dựng một cách rất tinh vi và logic. Ta có thể thấy sự tương đồng giữa nó và những phương thức tương tự đang được áp dụng bởi một số định chế xã hội trong đời thực – như các trường chuyên, các nhóm “quý tộc”, các dòng họ có truyền thống đỗ đạt, hay hệ thống kiểm soát Internet và chấm điểm công dân ở những quốc gia cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nếu nhìn qua lăng kính chính trị, bạn sẽ thấy công thức sản xuất cái Tôi thượng đẳng của trường St. Kleio bao gồm 7 biện pháp kiểm soát tâm trí: (1) Ám thị bằng ngôn ngữ, (2) Ám thị bằng hình ảnh, (3) Tuyên truyền lặp đi lặp lại, (4) Thẩm định, (5) Kiểm duyệt, (6) Giám sát ngang hàng, (7) Độc quyền phương tiện. Dù vậy, cốt truyện của Afterschool Charisma vẫn phát sinh, khi học sinh lần lượt cắt từng sợi dây điều khiển rối của nhà trường, trong hành trình khám phá những ham muốn và tiềm năng thật của chính họ:
Tổng kết lại, khi bị nhà trường áp đặt cái Tôi, các học sinh St. Kleio đã phát sinh 3 kiểu hành vi phản kháng:
Thứ nhất, một số bản sao đã mượn phương tiện từ các thế lực khác (như các thành viên Hội đồng Quản trị, truyền thông đại chúng, đám đông, chính phủ…) để theo đuổi ước mơ của riêng mình, hoặc để “lật đổ” nhà trường.
Thứ hai, một số bản sao đã phát triển những năng lực mà bản gốc không có – như tài năng hội họa của Hitler Khóa 2, tài năng âm nhạc của Marie Curie Khóa 3, hoặc khả năng hack máy tính của Freud Khóa 3. Dù hệ thống không những không coi trọng các năng lực này, mà còn xem chúng như những điểm dị biệt cần loại trừ, họ đã theo đuổi chúng như những đam mê, và dùng chúng để đào thoát khỏi cái Tôi và số phận bị nhà trường định sẵn.
Thứ ba, một số bản sao đã từ chối cái Tôi vĩ nhân mà hệ thống ban cho mình, cùng mọi danh phận và đặc quyền gắn liền với nó, để trở lại làm một con người nhỏ bé và vô danh. Dù họ phải đối mặt với một tương lai bất định, đó cũng là tương lai tự do, mở ra vô số khả năng để khám phá, vô số cái Tôi mới để định hình.
Cả 3 kiểu phản kháng này đều là điều kiện cần để tạo ra kết quả cuối truyện, là sự sụp đổ của trường St. Kleio. Tuy nhiên, chính kiểu phản kháng thứ 3 mới là sợi chỉ xuyên suốt câu truyện, và là điều kiện đủ để các bản sao sống như con người, dù họ đang ở trong trường hay trong tay những hệ thống khác.
3. Những hành trình đào thoát của cái Tôi cá nhân
Dưới tác động của 7 biện pháp kiểm soát tâm trí, đa số học sinh St. Kleio đã chấp nhận trọn vẹn cái Tôi nhân tạo mà nhà trường gán cho họ, cùng những phận vị xã hội liên quan, để rồi sống như những công cụ sản xuất hư danh. Tuy nhiên, vẫn có một thiểu số hoài nghi cái Tôi này, để rồi tìm cách vùng thoát khỏi trật tự và vận mệnh. Chính họ đã lần lượt chất vấn cả trật tự êm đềm của “người thường” lẫn những cuộc nổi dậy sóng gió do các bản sao phát động, để từ đó dệt nên cốt truyện đa tuyến của Afterschool Charisma.
Nếu phân loại họ dựa trên mức độ chấp nhận thông điệp của nhà trường, ta sẽ thấy họ gồm 3 nhóm – là nhóm “Tự hủy”, nhóm “Cách mạng”, và nhóm “Tự định nghĩa”:
Nhóm “Tự hủy” bao gồm các cựu học sinh Khóa 2. Như đã kể trong Mục 1, sau khi ra trường, họ dần hiểu rằng cái danh “vĩ nhân” không giúp họ thực hiện ước vọng. Thay vào đó, nó chỉ biến họ thành món hàng được sản xuất đại trà, thành phương tiện có thể thay thế, thành con bù nhìn để hút khách cho các tôn giáo, chính phủ và tập đoàn. Vì vậy, họ họp thành một nhóm khủng bố, và lập kế hoạch trả thù cái Tôi vĩ nhân mà họ vừa căm ghét, vừa không thể vứt bỏ. Trong 2 tập truyện đầu tiên, nhóm cựu học sinh này đã ám sát bản sao Kennedy đang tranh cử Tổng thống Mỹ, trước khi đột nhập vào trường để giết các bản sao giống mình rồi tự tử, nhằm đánh động dư luận về sự phi nhân tính của trường St. Kleio. Dù họ biện minh rằng đây là việc cần thiết để thuyết phục xã hội từ bỏ thị trường nhân bản vô tính, nhằm chấm dứt vĩnh viễn số phận bất hạnh lặp đi lặp lại của các thế hệ bản sao giống mình; việc họ không giết hiệu trưởng và khách hàng, mà chỉ giết các bản sao, cho thấy họ đang trả thù chính cái Tôi mà họ căm ghét.
Kẻ tập hợp các cựu học sinh Khóa 2 và hướng họ vào con đường khủng bố chính là Kai sẹo – một trong những bản sao của Kai (người sáng lập trường St. Kleio). Kai sẹo đại diện cho sự tuyệt vọng của thế hệ mình, vì anh chính là học sinh Khóa 2 đầu tiên thất vọng. Khác với các bạn cùng lứa, Kai sẹo rơi vào khủng hoảng căn cước từ tuổi dậy thì, khi một bản sao Kai khác bất ngờ chuyển đến St. Kleio để học chung lớp với anh. Anh hoài nghi sự tồn tại của mình khi những người xung quanh, kể cả cô bạn gái Elizabeth I, đều không thể nhận ra sự khác biệt giữa Kai cũ và Kai “thay thế”. Để khẳng định sự tồn tại duy nhất của mình, Kai cũ lao vào cuộc cạnh tranh với Kai mới trong chuyện học hành, thể thao, cãi nhau... Nhưng trong buổi lễ ra trường, khi Kai cũ thấy 3 bản sao “Kai” nữa xuất hiện, còn bạn bè vĩ nhân của mình thì bị bán đấu giá như những món hàng, hy vọng của anh đã chuyển thành tuyệt vọng, và động lực sống bị dồn nén lâu nay đã chuyển thành động lực tự hủy. Anh bắt đầu tự hủy diệt mình, khi dùng dao cắt lên mặt, để tạo vết sẹo chứng minh rằng anh là đặc biệt và duy nhất. Anh cũng hủy diệt những thân phận bản sao giống mình, khi mượn cương vị người quản lý St. Kleio để “tiêu hủy” các bản sao bị xem là “hàng hỏng”. Chuỗi hành vi tự hủy của Kai sẹo đạt đến đỉnh điểm trong 2 tập truyện đầu, khi anh dẫn dắt các cựu học sinh cùng khóa trong vụ ám sát bản sao Kennedy và đánh bom tự sát ở trường St. Kleio. Những bể máu này phát sinh chỉ vì một lý do: Kai sẹo căm ghét chính bản thân, do ghen tị với bản sao Kai có gương mặt giống hệt mình, và do tự đánh đồng mình với tư cách “bản sao” mà anh căm ghét.
Tuy nhiên, vòng xoáy bạo lực trong Afterschool Charisma không được hóa giải bằng việc tiêu diệt Kai sẹo. Thay vào đó, nó được hóa giải bằng việc chữa trị chấn thương tâm lý của anh. Cuối truyện, Kai sẹo nhận ra cái Tôi bản sao chỉ là một ảo tưởng, bởi các bản sao của cùng một vĩ nhân có thể có tính cách khác nhau, và tự chọn con đường cho riêng mình. Bởi thay vì rơi vào vòng xoáy hủy diệt như anh, Kai “thay thế” đã có tính cách đối nghịch, và đứng vào chiến tuyến đối nghịch để bảo vệ những người nhân bản vô tính. Căn nguyên của xung đột được hóa giải khi Kai “thay thế” tình nguyện hoán đổi thân phận với Kai sẹo, để mình bị bắt với tư cách khủng bố, còn Kai sẹo trở về đoàn tụ với Elizabeth I (mà cả 2 Kai cùng yêu). Mạch truyện của tên khủng bố khép lại khi người yêu cũ nhận ra anh mà không cần vết sẹo, và tha thứ cho việc anh nhốt cô suốt 15 năm trong ngôi trường mà cô muốn trốn khỏi.
Đại diện tiêu biểu nhất của nhóm “Cách mạng” là bản sao của một nhà cách mạng trong thế kỷ XX: Hitler. Tiếng xấu của Hitler tạo nên mặc cảm mà hai bản sao của ông phải mang từ lúc đầu đời, và khiến họ tự ám thị mình thành kẻ cô đơn trong trường lớp. Dù được bạn bè ngưỡng mộ về tài năng hội họa, bản sao Hitler Khóa 2 vẫn tin rằng mình “hồi sinh chỉ để chuộc tội cho kiếp trước”, và buồn bã nói rằng Hitler Khóa 3 “là đồng minh duy nhất của tôi trong thế giới này”. Tương tự, mặc cảm tội lỗi ngăn Hitler Khóa 3 tiếp cận các bạn bè bản sao khác trong trường, đồng thời khiến cậu kết bạn với “người thường” Kamiya Shirou, vì nghĩ rằng cả hai đều là kẻ bị tẩy chay, phải sống bên lề của hệ thống.
Sự cô đơn cũng tạo thành một động lực định hướng mọi hành động của Hitler Khóa 3: muốn được có bạn. Nó thôi thúc cậu tham gia tôn giáo thờ cừu Dolly, với niềm tin rằng thần Dolly sẽ giúp mình vượt qua định mệnh bị căm ghét của bản gốc. Nhưng khi 2 bản sao Jeanne d’Arc – biểu tượng của khát vọng thay đổi định mệnh – bị nhóm khủng bố bắt giữ và thiêu sống để gửi thông điệp về số phận tuyệt vọng của các bản sao, Hitler Khóa 3 chuyển sang chấp nhận cái Tôi vĩ nhân mà nhà trường định sẵn cho mình. Cậu đứng giữa phòng, và tuyên bố rằng mình sẽ “sống như Hitler”, vì hy vọng thay đổi số phận đã chết theo Jeanne d’Arc.
Tuy nhiên, thay vì chấp nhận toàn bộ cách diễn giải cái Tôi của nhà trường, Hitler Khóa 3 đã gán cho tư cách vĩ nhân của mình một cách diễn giải mới. Cậu nghĩ các bản sao phải trở thành tầng lớp ưu tú lãnh đạo xã hội, thay vì làm hàng hóa của đám “người thường” thấp kém hơn. Việc nhóm khủng bố dễ dàng phá hoại trường St. Kleio – biểu tượng của cả cách diễn giải “chính thống” lẫn hệ thống buôn bán bản sao – có lẽ là lý do chính khiến bản sao Hitler mạnh dạn sửa cách diễn giải theo ý mình. Không lâu sau tuyên bố trên, Hitler Khóa 3 cùng nhóm khủng bố trốn khỏi trường, tiếp xúc với truyền thông đại chúng, kích động đám đông làm một cuộc cách mạng lật đổ trường St. Kleio, với niềm tin rằng mình là người anh hùng cứu rỗi Shirou và những người nhân bản vô tính khác.
Như vậy, động lực sống ban đầu của bản sao Hitler Khóa 3 cũng chuyển thành động lực hủy diệt. Nhưng thay vì hủy diệt bản thân, cậu hướng sự hủy diệt vào hệ thống xã hội từng đàn áp động lực sống ấy. Cậu muốn kết liễu đường dây buôn bán vĩ nhân của trường St. Kleio, trước khi kết liễu hệ thống dân chủ tư sản, để thay thế nó bằng một hệ thống tinh hoa trị do các bản sao vĩ nhân đứng đầu. Những cố gắng dài dòng này thực ra chỉ vì một mục đích, được thể hiện qua nhiều đoạn thoại của Hitler Khóa 3: cậu muốn được Shirou và những người khác trong trường công nhận.
Nhưng trong lúc bản sao Hitler bận khoác ý nghĩa cao cả cho các ham muốn của mình thông qua hoạt động chính trị, hoặc tạm thỏa mãn nó bằng màn tự luyến trong các buổi diễn thuyết, thì con người cá nhân của cậu cũng dần bị vai diễn trong xã hội nuốt chửng. Từ một người muốn giải phóng các bản sao vĩ nhân, cậu trở thành công cụ của những thành viên Hội đồng Quản trị muốn tiếm quyền ở St. Kleio, hay thế lực muốn giết hại hoặc chiếm đoạt những người nhân bản vô tính. Khi Hitler Khóa 3 vận động để Luật Bảo hộ Bản sao được thông qua, và đưa quân đội của chính phủ dân chủ đến “bảo hộ” trường St. Kleio nhân danh nhân quyền, cậu không ngờ quân đội chỉ muốn lùng giết hiệu trưởng để cướp quyền sử dụng các bản sao. Cậu cũng không ngờ người đồng đội của mình, là bản sao Einstein Khóa 2, lại nhân cơ hội này để tàn sát các học sinh khóa sau, để giảm lượng vĩ nhân cạnh tranh với mình trong xã hội. Vậy là sau mọi nỗ lực, Hitler Khóa 3 vẫn lặp lại số phận của bản gốc, khi trở thành con rối trên sân khấu lịch sử, và đứng giữa bể máu của những người mà mình muốn bảo vệ. Con người thật, ước vọng thật của cậu chỉ bùng cháy lần cuối ở đoạn kết của cuộc lật đổ, khi cậu đứng trước họng súng của Einstein Khóa 2 để bảo vệ người bạn Shirou.
Sau mọi xáo trộn đẫm máu, cuộc cách mạng của Hitler Khóa 2 đã khiến đường dây nhân bản người phải ngừng hoạt động. Các bản sao còn sống cũng có một cuộc đời dễ chịu hơn, khi được tự do lựa chọn công việc của mình, dù vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Nhưng thay vì thụ hưởng sự tự do đó, người khởi đầu cuộc cách mạng đã bị kẹt lại trong cái Tôi Hitler của mình. Cậu trở lại nhốt mình trong mặc cảm tội lỗi, và không về gặp bạn bè ở St. Kleio, dù Kai “thay thế” đã khuyên cậu “hãy sống theo ý mình”, và dù Shirou mong gặp cậu ở lễ tốt nghiệp.
Sau cùng, nhóm “Tự định nghĩa” là những người chấp nhận vứt bỏ cái Tôi vĩ nhân, cùng mọi danh dự và đặc quyền kèm theo nó, để tự do theo đuổi ý thích của mình. Chính họ đã tạo nên những khoảnh khắc đẹp nhất trong Afterschool Charisma, nơi độc giả cảm nhận được cả tính người lẫn sự kỳ vĩ. Đó là khi bản sao Hitler Khóa 2 bước qua mặc cảm để trở thành một họa sĩ giỏi, bất chấp định mệnh bất hạnh đang chờ đón cậu. Đó là khi bản sao Elizabeth I Khóa 2 bỏ trốn bất thành, sau đó tìm kiếm thế giới bên ngoài và bản thân suốt 15 năm qua những cuốn sách. Đó là khi bản sao Jeanne d’Arc tình nguyện bước lên giàn thiêu, đem sinh mệnh bản thân ra cá cược để chứng minh rằng mình có thể vượt qua định mệnh. Đó là khi bản sao Mozart Khóa 3 tự treo cổ để giết cái Tôi vĩ nhân, rồi tuyên bố rằng “Mozart đã chết”, và mình là một con người mới. Bản nhạc mà Mozart Khóa 3 viết bằng cảm xúc của chính mình trước cái chết của Jeanne, thay vì bằng ham muốn được hệ thống công nhận, đã vượt qua mọi tác phẩm trước đó của cậu, và trở thành một kiệt tác để đời. Tiếp đó, là khoảnh khắc tên khủng bố Mozart Khóa 2 rơi nước mắt trước bản nhạc của đàn em Khóa 3, để rồi công nhận đàn em mới là “Mozart thật”, và quay súng tự giết mình trong nụ cười mãn nguyện. Những khoảnh khắc này nói lên thông điệp của Afterschool Charisma: ta là Thật khi lắng nghe lòng mình và mạnh dạn bước vào cõi sống bất định, thay vì nhốt mình trong mặt nạ xã hội hoặc bắt chước những hình mẫu vô cơ. Và một vụ tự sát chân thật còn để lại nhiều cảm xúc – dấu hiệu của sự sống trong lòng người – hơn là một đời dài giả dối.
Câu truyện về các bản sao của Kai, nhà khoa học điên sáng lập trường St. Kleio, có lẽ là lời giải thích rõ ràng nhất về những lựa chọn của nhóm “Tự định nghĩa”. Khi biết Kai sắp sản xuất 5 bản sao khác để thay thế cho mình, Kai Khóa 1, tức bản sao đầu tiên, đã rơi vào khủng hoảng căn cước. Để tìm hiểu ý nghĩa tồn tại của mình với tư cách bản sao của người khác, Kai Khóa 1 đã giết bản gốc rồi lắng nghe những biến chuyển trong nội tâm. Nhưng nội tâm anh không thay đổi, cho đến khi anh làm một thí nghiệm theo chiều ngược lại: rời khỏi trường St. Kleio, sống một cuộc sống mới, và nuôi dưỡng bản sao Kai Khóa 3 như một đứa trẻ bình thường trong xã hội. Tình thương mà Kai Khóa 1 dành cho Kai Khóa 3 – cậu bé lớn lên dưới cái tên Kamiya Shirou – đã khiến Shirou trở thành một thiếu niên biết trân trọng phẩm giá và quyền tự do lựa chọn của những người xung quanh mình. Khi Shirou nhập học trường St. Kleio dưới tư cách một “người thường” (do là con giáo viên ^^), cậu đã trở thành một chất xúc tác mới mẻ, giúp duy trì nhân tính của các học sinh khác. Chính Shirou đã giúp bản sao Marie Curie được theo đuổi ước mơ học nhạc, đánh thức cảm xúc thật của bản sao Mozart, và nhắc bản sao Jeanne d’Arc rằng con người có thể tạo ra một tương lai mới thay vì chấp nhận định mệnh được áp đặt, rằng sống là trải nghiệm tương lai bất định thay vì diễn xuất theo một kịch bản an toàn. Sau này, cũng chính Shirou đã khiến Kai Khóa 1 và các cán bộ khác của trường thay đổi cách nhìn, dần chuyển sang bảo vệ quyền lợi của các bản sao, thay vì hoàn toàn tuân phục cỗ máy kiếm tiền mà chính họ cũng khinh bỉ. Dù Shirou và bản sao Hitler đứng ở 2 chiến tuyến đối nghịch; một bên muốn bảo vệ, một bên muốn lật đổ trường St. Kleio; chính Shirou đã giúp học sinh và giáo viên ở St. Kleio sẵn sàng cho một tương lai mới, trong khi bản sao Hitler chỉ khép lại quá khứ của ngôi trường.
Nếu coi Shirou như một thí nghiệm nhằm khám phá cái Tôi của Kai Khóa 1, thì mó là một thí nghiệm thành công. Nó dạy rằng mỗi người là một cá thể khác nhau, vì trong từng khoảnh khắc, họ có thể có cảm xúc, lựa chọn và ký ức khác biệt. Để khẳng định sự tồn tại của mình, chúng ta cần chấp nhận những rung cảm và lựa chọn đầy rủi ro đó, thay vì đổi chúng lấy danh phận xã hội hoặc một tương lai soạn sẵn, an toàn. Và tự do không đến từ việc lật đổ hoặc tuân phục hệ thống, phủ định hoặc khẳng định bản thân: tự do đến từ việc hiểu hệ thống và bản thân, đồng thời hiểu rằng cả hệ thống lẫn bản thân đều có thể thay đổi.
Nguyễn Vũ Hiệp
(đã đăng trên TheNewViet)
Chú thích:
[1] Khi viết phần phân tích này, tôi đã tham khảo mô hình cấu trúc tâm trí mà Sigmund Freud đưa ra trong cuốn “Cái Tôi và cái Nó” (1923). Vì 2 bản sao Freud có một trọng lượng đáng kể trong cốt truyện của Afterschool Charisma, có lẽ tác giả Suekane Kumiko đã đọc Freud, thậm chí dùng lý thuyết của ông để phát triển tâm lý của một số nhân vật.
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất