Adolescence: 4 tập phim – 4 cái tát vào sự tự tin của người lớn
Kịch bản phim đơn giản được triển khai một cách không đơn giản: zoom vào những nơi mà hiếm có bộ phim nào khác đặt ống kính vào.

Adolescence (2025) là một bộ phim có kịch bản đơn giản, một cậu trai 13 tuổi giết chết một cô gái 13 tuổi bằng dao. Không có plot-twist, không có cài cắm các thuyết âm mưu, ít có những chi tiết éo le hay giựt gân hay những phân cảnh bùng nổ cảm xúc dữ dội, không có các triết lý sâu sắc khiến người ta bị khủng hoảng hiện sinh… Nhưng kịch bản đơn giản này được triển khai một cách không đơn giản chút nào. Có thể nói đây là một lối khai thác phim mới tinh: zoom vào những nơi mà hiếm có bộ phim đặt ống kính vào.
Bởi vì thích cách diễn đạt theo kiểu so sánh, nên tôi sẽ so sánh bộ phim với cách người ta vẽ một bức tranh toàn cảnh.
Tập 1: nét vẽ phác thảo

chúng ta nhìn thấy sơ bộ về nhân vật Jamie, bối cảnh của câu chuyện: Jamie, một cậu trai 13 tuổi, bị cảnh sát vũ trang bắt ngay tại giường ngủ của mình vào một buổi sáng u ám với tội danh giết người nghiêm trọng. Gia đình cậu có 4 người: bố, mẹ và chị gái, họ không biết chuyện gì xảy ra và bị cuốn đến sở cảnh sát với niềm tin mãnh liệt rằng đó là sự nhầm lẫn và Jamie không thể nào giết người nghiêm trọng như trong cáo buộc được.
Nét chấm phá đầu tiên của bức tranh là việc Jamie nhất định phủ nhận việc giết người của mình, bất kỳ ai hỏi, cậu cũng lắc đầu và khẳng định mình không giết người. Bố cậu cũng tin rằng cậu không giết người. Cho đến khi cảnh sát đưa ra cái video bằng chứng rõ ràng rành mạch là Jamie dùng dao đâm nhiều lần vào nạn nhân, Jamie vẫn phủ nhận.
Sự bám víu của Jamie vào một điều không thật như vậy vừa thể hiện sự ngây thơ - không thừa nhận thì chẳng ai làm gì được mình, vừa thể hiện sự tổn thương sâu sắc, rằng một khi nó chấp nhận mình là thủ phạm, nghĩa là nó thừa nhận bản thân đã sai trái, và thế là nó sẽ không xứng đáng được yêu thương.

Ở tập 3, điều này thể hiện vô cùng rõ ràng.
Và sự bám chấp này cũng đại diện cho một thứ lớn lao hơn ở 2 tập sau: khủng hoảng danh tính vị thành niên.
Tập 2

bức vẽ tiếp tục phác họa môi trường sống của Jamie, cụ thể là trường học và cách các 'đồng loại' của nó đang cư xử. So với người lớn - cụ thể là 2 cảnh sát và các thầy cô, nhóm vị-thành-niên này nói một ngôn ngữ khác và hành xử theo một kiểu khác, cứ như thể vị-thành-niên và người-lớn không phải cùng một chủng loài. Là một người trưởng thành xuất thân Á Đông, thật khó để tôi xem tập này mà không nổi cơn thịnh nộ ngắn với sự bất kính và những hành động được cấu thành từ 95% cảm xúc và 5% lý trí của những đứa trẻ vị thành niên ở đây. Nhưng khi nghĩ kỹ, thì sự tức giận đó chẳng qua là cảm giác bất lực khi chứng kiến những con người đang tự bóp méo nhân cách mình để vừa vặn với một hệ thống văn hóa mà chính chúng cũng không hiểu nổi. Với vỏ não trước trán chưa hoàn chỉnh và đang vơ vét thông tin để hình thành, kỷ luật và logic thì thấp, mà bản năng thì sục sôi, trẻ vị thành niên là phiên bản thể hiện sự mâu thuẫn khủng khiếp nhất của con người – loài sinh vật xã hội nhưng lại có cái tôi riêng biệt: chúng ta loay hoay đi tìm danh tính từ môi trường ngoài, thèm khát được công nhận - nhưng lại phủ nhận chuyện mình thèm khát được công nhận đó. Và mạng xã hội khuếch đại mâu thuẫn này gấp ngàn lần so với thời đại trước.
Nhìn thấy cách cư xử của những đứa trẻ trong trường, cười cợt cảnh sát và người lớn vì cho rằng đó là ‘cool’, cảm thấy chẳng ai hiểu mình và mình là nạn nhân của tất cả mọi người lớn… thì tôi nhận ra rằng, Jamie không chỉ là một đứa trẻ tổn thương, nó là biểu tượng của một thế hệ bị bỏ rơi giữa hai thế giới:
· Thế giới kết nối dữ dội nhưng cô lập cực độ
· Thế giới chạy theo tự do cá nhân nhưng lại đánh giá nhau từng milimet
Sự khủng hoảng danh tính trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết. Đứa trẻ bị kẹp giữa một bên là việc sự nổi tiếng là rất quan trọng, một bên là việc nó lại không biết làm thế nào để được nổi tiếng VÀ nó phải tỏ ra là mình không quan tâm lắm đến sự nổi tiếng đó. Nó không biết bản thân mình là ai, giá trị của mình nằm ở đâu, nó chỉ vơ vét cách người ta đánh giá về nó và gom lại làm giá trị của chính mình. Vì giá trị đến từ bên ngoài và từ những đứa trẻ cũng không có gì là chắc chắn và lý trí, cái giá trị đó mỏng manh như một tòa nhà chọc trời mỏng lét và làm bằng vật liệu rẻ tiền, một cơn gió lớn cũng đủ để làm nó ngã lăn ra, vỡ nát.
Ở tập 2 còn dẫn chúng ta đến hệ thống ngôn ngữ emoji và tác động tiêu cực của các cộng đồng trực tuyến độc hại, như "manosphere", đến tâm lý của Jamie. Emoji là hệ thống ngôn ngữ của trẻ vị thành niên mà người lớn nhìn vào chỉ cảm thấy đó là những biểu tượng vô hại. Emoji đã trở thành một ‘quy ước liên chủ thể’ khi biểu tượng bom nổ có ý nghĩa a, biểu tượng mặt ói có ý nghĩa b. Nhưng, tại sao lại là emoji? Bởi vì cái quy ước liên chủ thể về ý nghĩa của emoji dễ dàng bị gạt bỏ khi mọi chuyện trầm trọng. Khi đối tượng bị tấn công phản ứng lại, thì người tấn công chỉ cần nhún vai bảo: chỉ là một cái emoji, lý giải nó như thế nào là việc của cậu chứ, tôi vô tội. Một đòn đánh lén cảm xúc phối hợp hoàn hảo giữa gaslight và đổ lỗi cho nạn nhân. Nhưng tạo ra hậu quả còn kinh khủng hơn việc bị tấn công bằng từ ngữ trực tiếp, vì chí ít, khi bị tấn công bằng từ ngữ, người ta biết rõ mình đang bị tấn công, còn khi bị ném emoji vào, người ta sẽ biết rõ mình bị tấn công nhưng lại không thể chất vấn. Tình huống này giống như bị mắng thẳng vào mặt và nhìn thấy một đám người vừa nhìn về phía mình vừa khúc khích cười cợt với nhau mà mình không biết họ nói cái gì. Với vị thành niên, điều này dẫn đến tâm lý bất an và bất lực cực độ.
Khi tôi xem tới đoạn nguyên tắc 80/20 được lý giải theo kiểu 80% phụ nữ chọn 20% đàn ông thì tôi chỉ cảm thấy cách lý giải này nhảm nhí vô nghĩa, không có thống kê đi kèm và mang tính độc hại rõ ràng. Nhưng với bọn trẻ thì không như thế. Khi chúng vẫn đang loay hoay tìm lý giải cho sự bất bình đẳng của cuộc đời: tại sao bạn A lại được yêu thích còn bạn B thì không, thì những lý giải 80/20 vừa đủ dễ hiểu lại nghe-có-vẻ sang trọng khiến bọn trẻ dễ tiếp thu và xem là kim chỉ nam trong việc định hình danh tính và lý giải tình huống.
Tập 3

Những nét vẽ rõ ràng và sắc sảo nhất cho nội tâm của Jamie. Đối với tôi thì nó 10/10, là tập phim xuất sắc đến mức không có gì để bổ sung và cần cải thiện. Cách mà Briony – nhà tâm lý, tiếp cận, bóc tách và vạch trần toàn bộ bức tranh tâm lý của Jamie, cách mà cô ấy lấy lại bình tĩnh khi Jamie nổi nóng, khi Jamie xúc phạm cô, và những giọt nước mắt cuối cùng của Briony khi Jamie bị áp giải đi, được quy theo ly chocolate nóng với nhiều kẹo dẻo bị hất đi: đó chính là con đường đi từ lý thuyết đến thực tế của ngành tâm lý học. Việc Briony đem đồ ăn thức uống đến cho Jamie và cách cô chia sẻ bản thân mình trước rất “sách vở”, nhằm tạo một môi trường thân thiện về mặt lý thuyết cho đối tượng nghiên cứu tâm lý giãi bày, nhưng Jamie nhanh chóng lật đổ cái lý thuyết đó như cậu hất đổ ly chocolate nóng. Trẻ vị thành niên thông minh hơn những người trưởng thành nghĩ rất nhiều, Jamie cực kỳ phòng thủ. Thay vì trả lời, cậu liên tục đoán ý nghĩa của các câu hỏi và cân nhắc nó. Tính đề phòng của cậu dâng cao với những câu hỏi về bố cậu và về sự nam tính (masculine), nó khác với buổi nói chuyện trước khi Briony nói về mẹ và chị gái cậu, cậu rất thoải mái và không hề phát cáu. Nhưng khi nói về bố, cậu xù lông và giơ móng vuốt đầy đề phòng. Jamie không nhận ra, rằng hành động đó của cậu bộc lộ sự bất an nhất trong lòng cậu: mối quan hệ của cậu và bố là một mối quan hệ vừa phụ thuộc lại vừa áp lực, cậu vừa sợ vừa ngưỡng mộ bố mình. Việc một người bố thất vọng khi con mình chơi thể thao dở thực ra không là gì cả, ông ấy có thể tự hào về những điều khác, nhưng trong trường hợp này, đây là những cọng rơm cuối cùng đè lên con lạc đà khủng hoảng danh tính của Jamie: bố giỏi thể thao, bố to lớn và mạnh mẽ, bố là định nghĩa của sự nam tính, và cậu – thì không có sự nam tính đó, bố thất vọng về cậu – điều này kết hợp với việc bạn bè vị thành niên của cậu chê bai cậu, ép cậu vào cái danh tính ‘độc thân không tự nguyện’ trở thành một đòn chí mạng. Sự thất vọng của bố hôm đó không khác nào một lời khẳng định cho nhận định của bạn bè cậu: cậu thuộc về nhóm những người đàn ông không có phụ nữ nào muốn.
Jamie không chỉ muốn được thích, nó muốn được xác nhận rằng nó có tồn tại, có ý nghĩa, và trong trường hợp của Jamie, đó là một danh tính chưa thành hình, bị nuốt chửng giữa những nhãn dán xã hội: nam giới phải mạnh mẽ, không được yếu đuối, phải "biết mình là ai" từ rất sớm.
Có hai đoạn đối thoại trong tập này làm tôi suy nghĩ rất nhiều:
(a) Briony không an ủi Jamie khi nó nói mình xấu xí và không được bố yêu
Phản ứng này của Briony tàn nhẫn theo chuẩn mực xã hội – vì người ta tin rằng "khi ai đó khổ, việc tử tế là phủ nhận nỗi khổ đó". Nhưng đó là một loại tử tế giả tạo, kiểu như: “Đừng buồn mà”, “Không sao đâu”, “Cậu không xấu đâu”. Những câu sáo rỗng chỉ khiến người đau khổ cảm thấy bị bỏ rơi trong sự thật của chính mình. Trong suy nghĩ của Jamie, người lớn xung quanh nó có nghĩa vụ phải yêu thương và an ủi nó khi nó nói những điều đau khổ như vậy, nhưng bởi vì đó là ‘nghĩa vụ’, nên những lời nói đó với Jamie không có giá trị về mặt ‘sự thật’. Việc bố mẹ hay giáo viên của nó nói rằng ‘con không xấu xí’ không làm cho nó cảm thấy nó không xấu xí, bởi vì – tâm lý thông thường của con người: chúng ta luôn coi trọng tính “thật” trong lời nói của những người qua-đường và đối thủ hơn so với những người yêu thương mình.
Briony là người-lớn, và Briony đã khá là quan tâm tới nó (theo suy nghĩ của nó với những buổi nói chuyện trước), nên khi Briony không phủ nhận, cô công nhận thực tại của Jamie, dù thực tại đó là một ảo tưởng đầy tổn thương, thì Jamie bị choáng váng.
Có thể đây chính là tính chuyên nghiệp của Briony, có thể đây là sự trả đũa của Briony (cô biết điều này làm nó đau và cô cố tình như thế để nó đau), và đây cũng có thể là sự giúp đỡ của Briony với Jamie: sự công nhận đau đớn ấy lại là bước đầu để chữa lành, nhằm dạy cho nó biết rằng việc người khác nghĩ gì về nó không hề quan trọng như thế, rằng nó không cần sự phủ định từ người lớn để trám vào cái vết thương tâm lý do bị gọi là xấu xí gây nên, mà vốn dĩ là chính nó đừng nên để mình bị thương bởi việc bị gọi là xấu xí.
(b) Briony không trả lời câu hỏi “chị có thích tôi không?”
Đoạn này khiến tôi nhớ đến đoạn đối thoại cuối cùng của Howard Roark và Ellsworth Toohey (Suối Nguồn -Ayn Rand), khi Toohey hỏi Roark (sau khi đã ‘hại’ Roark rất nhiều lần): ‘anh nghĩ gì về tôi’, và Roark trả lời: ‘tôi không nghĩ về anh.’
Sự liên tưởng này có hơi khập khiễng thật. Nhưng việc Briony không trả lời, đối với Jamie, là một cú đánh còn đau hơn việc Briony trả lời là “không.” Vì nếu Briony trả lời “không”, nó sẽ tự có cách lý giải theo kiểu nam tính độc hại của nó: “cái não bé tí của cô làm sao hiểu được”… Còn nếu Briony không trả lời, nó sẽ cảm thấy giá trị của nó mất hết, rằng nó không là gì quan trọng đủ để Briony chi ra một chút tình cảm, dù là thích hay ghét. Điều này khủng khiếp hơn tất cả.
Nhưng vẫn có thể hiểu theo hướng tích cực hơn: Briony không trả lời vì cô ấy biết – dù nói gì cũng sẽ tiếp tục cuốn Jamie vào vòng xoáy nhận thức lệch lạc của nó. Một câu “có” sẽ là xác nhận giả, một câu “không” sẽ là vết chém sâu hơn nữa, và cả hai đều khiến Jamie lấy người khác làm thước đo giá trị bản thân – điều mà Briony đang cố tránh.
Cô im lặng vì muốn giữ nguyên sự thật khốc liệt mà Jamie cần đối diện: “Không ai có nghĩa vụ phải thích em. Và việc em có giá trị hay không không hề nằm trong tay họ.”
Cái đau nằm ở đó. Jamie không bị từ chối, nó bị vô hiệu hóa, không có phản hồi để bám vào, không có hướng để ngụy biện, không có nơi trốn chạy. Và nó sụp đổ. Vì từ nhỏ tới giờ, nó chưa từng sống trong thế giới không có phản ứng từ người khác. Đứa trẻ ấy không biết cách để tồn tại nếu không được người khác định nghĩa.
Và những giọt nước mắt cuối cùng của Briony đã gần như là xác nhận cách hiểu này. Nó có thể là những giọt nước mắt của sự bất lực, cô không thể làm gì hơn cho nó. Dù bạn là một nhà trị liệu tâm lý giỏi đến mức nào thì việc trị liệu tâm lý cũng đều là hành trình mà người bệnh cần phải tự mình đi qua. Đôi khi, bạn chỉ là không thể giúp được, việc thừa nhận điều đó cũng là một sự đau đớn.
Hoặc, những phản ứng mang tính nam tính độc hại toát ra từ Jamie khiến Briony – một NỮ chuyên viên tâm lý, gợi lại những vết thương quá khứ: đã có những người đàn ông cư xử với cô như thế.
Tôi luôn đặt ra hơn một giả thuyết để lý giải phản ứng của Briony và Jamie trong cuộc hội thoại của họ, vì cuộc đời luôn có nhiều hơn một đáp án. Việc chọn đáp án nào thể hiện cách mỗi người nhìn nhận cuộc đời chứ không phải thể hiện bản chất cuộc đời. Như Berkeley nói: to be is to be perceived, hoặc phiên bản dễ hiểu hơn: cuộc đời đầy hoa hồng và phân bón, nhìn vào cái nào là lựa chọn của bạn.
Tập 4

Để hoàn thiện bức tranh thì dĩ nhiên là không thể thiếu gia đình. Để lý giải tâm tính và hành vi con người thì luôn cần hai yếu tố: bản chất tự nhiên (nature) gồm gene nói chung, và môi trường phát triển của người đó (nurture). Một phần môi trường là trường học đã giới thiệu trong tập 2, phần còn lại là gia đình, được đào sâu trong tập 4 để bức tranh này được trọn vẹn hơn.
Ở tập trước, Jamie đã giới thiệu sơ bố mình là một người nóng tính (đập bể cả nhà kho). Nhưng cậu không cho rằng bố mình là người xấu.
Tập này hay nhất ở lối dựng phim: chỉ một giờ đồng hồ vào buổi sáng ngày sinh nhật bố Jamie, chúng ta đã nhìn thấy được: tính cách của bố mẹ Jamie và chị gái Lisa, cách họ giải quyết vấn đề bình thường và cách họ đang cố gắng giải quyết vấn đề của Jamie. Bố Jamie là kiểu người nóng tính, lớn lên trong roi vọt nhưng ông đã cố gắng thay đổi bản thân mình và yêu thương con cái theo cách của mình, ông ghét việc mình bị đánh nên ông không bao giờ đánh con, ông nóng tính, dễ cáu giận và khó kiểm soát hành vi khi cáu nhưng ông không trút nó lên gia đình. Mẹ Jamie thì hiền lành và nhún nhường mỗi khi chồng nóng giận. Bà muốn trốn chạy, muốn rời đi đến nơi không-ai-biết-mình-là-ai để làm lại, nhưng bố Jamie thì không muốn, ông gồng mình đối diện với vấn đề và cố tỏ ra mình ổn. Giống y như cách ông bị kẹp giữa niềm tin về sự vô tội của con trai và cái video bằng chứng rành rành về việc con mình đã giết người.
Đoạn sự kiện tiếp theo mang nặng tính hình tượng: chiếc xe van yêu thích của bố bị bọn trẻ trâu xịt sơn lên chữ ‘nonse’ – quân ấu dâm, ông cọ rửa mãi mà không sạch, và kiên quyết phải đến siêu thị để tìm thứ gì đó để xử lý vết sơn, trên đường đi, mẹ Jamie cố gắng làm ông vui lại một chút, và chính bản thân ông cũng cố gắng gồng lên để vui hơn một chút – vì hôm nay là sinh nhật của ông mà, và vì đứa con gái đang ngồi ở giữa hai người nữa. Nhưng, người ta không bán thứ gì có thể chùi sạch vết sơn đó, ông thì lại cần gấp, nên ông mua một thùng sơn màu xanh để phủ lên dòng chữ đó, nhân viên tư vấn cho ông vô tình nhận ra ông là ai – và anh ta bày tỏ quan điểm của mình về việc ủng hộ con trai ông, lập luận nhảm nhí vơ vét từ những dòng thông tin không chính thống trên mạng nhắc ông nhớ về tình trạng nghẹt thở của mình – ông cũng muốn tin con trai mình vô tội – nhưng ông đã xem đoạn video bằng chứng đó. Đến khi ra khỏi siêu thị và gặp lại 2 tên trẻ trâu đã xịt sơn xe mình thì sức ép đè lên ông khiến ông bùng nổ, sau khi đe dọa và gào thét vào 2 tên đó, ông tạt thùng sơn lên xe một cách phẫn nộ, yêu cầu con gái và vợ lên xe và chạy về. Cái vệt sơn phủ lem nhem trên xe đó che đi dòng chữ ác độc ngu ngốc và vô lý đó là một hình tượng không thể hợp lý hơn để mô tả cái cách mà cả gia đình đang đối mặt với việc con trai út của họ giết người: họ cố gắng lờ đi, cố gắng quên đi và như lời của nhà tâm lý – giải quyết vấn đề của hôm nay thôi. Nhưng nó lem nhem, không che hết dòng chữ, khiến cho chiếc xe xấu xí và kì cục. Và quan trọng là ai cũng biết bên dưới cái vết sơn nhem đó là cái gì.
Đoạn hội thoại của bố mẹ Jamie vạch trần tất cả những đau đớn nhất của họ. Họ không biết mình đã sai ở đâu. Bố Jamie ám ảnh về việc mình đã không nhìn con khi thằng bé nhìn mình lúc nó phát bóng lỗi. Ông đã thất vọng về nó, và ông cảm thấy tội lỗi về điều đó. Họ cũng cảm thấy tội lỗi về việc mua cho Jamie dàn máy tính và họ không hiểu tại sao một thằng bé cứ đi về nhà là lên phòng với dàn máy tính lại có thể giết người. Đâu phải họ không quan tâm con mình hay đối xử tồi tệ với nó, do đó, họ hoàn toàn không biết lỗi sai này ở đâu.
Và Lisa.
Nếu Jamie là cái hộp pandora bị mở ra, thì Lisa chính là Hy Vọng còn sót lại ở đáy hộp.
Lisa nói: con mặc đồ đẹp vì hôm nay là sinh nhật bố. Lisa nói: chúng ta sẽ không đi đâu cả, vì sớm muộn thì người ta cũng biết thôi, một người biết thì mọi người biết. Lisa còn nói: vì Jamie là người thân của mình mà.
Con bé thực sự là một liều thuốc chữa lành. Con bé vừa là minh chứng cho việc lỗi của Jamie không hoàn toàn đại diện cho sự thất bại trong việc dạy con của bố mẹ Jamie, vừa là hy vọng sống và gần như là ánh sáng chỉ đường cho gia đình. Con bé kéo cái nỗi đau bị cả nhà đè nén cất giấu đến biến dạng đau đớn ra, chấp nhận sự tồn tại của nó, và vuốt ve chữa lành cho nó, vẫn đau đấy, nhưng ít nhất, không phải giấu diếm hay chạy trốn nữa. Con bé vừa vỗ về bố mẹ nó, vừa đơn giản là định hướng cho suy nghĩ của cả nhà: dù Jamie đã làm gì, Jamie là người thân của mình. Và thế là đủ, mình chịu đựng vì đó là người thân của mình, mình yêu thương nó vì nó là người thân của mình.
Kết phim này không phải là ‘và họ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau’ hay ‘cái ác đã phải trả giá’ hay ‘chúng ta đã có thứ mà chúng ta xứng đáng’, đơn giản là, cuộc sống này dù có thế nào cũng phải tiếp tục, ‘dù sao thì trái đất vẫn quay’. Nhưng với câu nói của Lisa, chúng ta rõ ràng đã nhìn thấy một điều gì đó nhen nhóm, sáng hơn một chút ở phía cuối đường.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất