ACCA, Kế toán quản trị và 1 hướng đi mới
Xin chào tất cả các bạn, lại là mình đây với series về ACCA và tài chính - kế toán - kiểm toán. Dưới đây là bài viết mới của mình...
Xin chào tất cả các bạn, lại là mình đây với series về ACCA và tài chính - kế toán - kiểm toán.
Dưới đây là bài viết mới của mình trên blog cá nhân về 1 mảng rất hay trong thực tiễn cũng như trong chương trình học ACCA: Kế toán quản trị
Hôm nay tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi buổi chiều, mình tổng kết một số điểm đáng chú ý liên quan tới bộ môn Kế toán quản trị (“KTQT”) trong chương trình ACCA. Nội dung gồm 4 phần chi tiết như sau:
Nội dung tổng quát về KTQT trong chương trình ACCA
Những điểm chung và riêng giữa 2 môn học về KTQT (F2,F5) trong chương trình ACCA
Yêu cầu cho người học sau khi học xong KTQT
Kết bài
Đọc thêm:
***
Kế toán quản trị là một xu thế mới gần đây ở Việt Nam. Qua quá trình được tiếp xúc với các DN lớn như Vingroup, Sungroup, Soc&Brothers…mình nhận thấy các doanh nghiệp này đều dành cho KTQT một vai trò rất lớn như là:
- Lập kế hoạch (ngân sách) kết quả kinh doanh, dòng tiền cho 1 khoảng thời gian nhất định, 3-5 năm và 1 năm
- Quản trị thực tế triển khai (đối chiếu, giải thích những chênh lệch so với ngân sách)
- Phân tích các thông tin về điểm hòa vốn, báo cáo bán hàng theo từng loại sản phẩm……
Đọc thêm:
Đây đều là những nội dung rất quan trọng trong 1 báo cáo quản trị, qua đó có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí, đưa ra những quyết định chính xác hơn nhằm đạt được mục đích cuối cùng là GIA TĂNG LỢI NHUẬN.
Gắn liền với thực tiễn, chương trình học ACCA cũng đặt 1 trọng tâm khá lớn liên quan KTQT khi dành cho KTQT 3 môn học trong tổng số 15 môn (chỉ có KTQT và Kế toán tài chính là có số lượng 3 môn, các môn khác như kiểm toán (2), quản trị tài chính (2), thuế (2), luật (1), kinh doanh (2) đều có số lượng thấp hơn).
3 môn học về KTQT trong chương trình ACCA bao gồm:
1. F2 – Management Accounting:
Management accounting (MA) aims to develop knowledge and understanding of management accounting techniques to support management in planning, controlling and monitoring business performance
2. F5 – Performance Management: dựa trên các kiến thức nền của môn F2, F5 có mục tiêu như sau:
Performance Management provides you with the skills required to apply management accounting techniques to information for planning, decision-making, performance evaluation and control.
3. P5 – Advanced Performance Management – dựa trên kiến thức nền của F5 và một số môn khác, P5 có mục tiêu như sau:
Use strategic planning and control modelsAssess the impact of risk and uncertaintyIdentify and evaluate design features of performance management systemsApply appropriate strategic performance measurement techniquesAdvise clients on strategic business performance evaluation
Chúng ta có thể thấy một số điều từ các nội dung mà mình vừa trích xuất từ trang web của ACCA như sau:
(i) – Các môn học có tính kế thừa nhau rất cao. Cả F2 và F5 đều tập trung vào 3 điểm: planning (lập kế hoạch), decision making (ra quyết định) và control (kiểm soát). Đây đều là những mục tiêu chính của KTQT mà mình đang nói ở đầu bài viết
(ii) – Nếu như F2 và F5 tập trung vào việc tính toán, đo lường thì P5 tập trung nhiều hơn vào 2 điểm: những gì mang tính chiến lược, lâu dài hơn cho 1 doanh nghiệp, và tập trung vào việc tư vấn để thiết kế 1 hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả nhất, phù hợp với DN nhất. Ví dụ như để đánh giá sức khỏe tài chính của DN, có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá như thanh khoản, đòn bẩy, tỷ lệ lãi gộp….Nếu chỉ tính và đánh giá thì đó là việc của người học F2, F5. Với người học P5, người ta kỳ vọng cần đưa ra được chỉ tiêu nào là hợp lý ở mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Ở trong phạm vi bài viết này, mình sẽ nói nhiều hơn về F2, F5. 2 môn này vẫn thuộc Basic và Skill level. P5 là môn ở Professional Level.
***
Về nôi dung học, do có tính kế thừa nên F2 và F5 sẽ có những điểm chung như sau:
1. Cấu trúc chi phí và các phương pháp tính giá cho 1 sản phẩm:
Thử tưởng tượng 1 DN ví dụ như Honda với sản phẩm là những chiếc xe máy. Cấu trúc chi phí gồm:
CP nguyên vật liệu như nhựa, sắt, thép….CP nhân công: ví dụ nhân công lắp ráp trực tiếpCP chung: thuê nhà, máy móc…
Trong môn F2, người học sẽ được học về các cách thức để quản lý, tối ưu từng loại chi phí. Ví dụ: hàng hóa nguyên liệu mua về càng nhiều thì mất phí lưu kho, ứ đọng vốn, mà mua ít thì lại không có hàng để sản xuất, rồi mất nhiều chi phí để gọi hàng. Vậy mua bao nhiêu là tối ưu?
Với môn F5, khi đã biết cấu trúc chi phí rồi, người học sẽ học về cách thức phân bổ các CP một cách công bằng nếu DN sản xuất nhiều SP, rồi ưu tiên sản xuất SP gì nếu nguồn lực giới hạn (ví dụ năng lực SX của máy móc, hoặc chỉ thuê được nhân công tay nghề cao với số lượng có hạn)
Đọc thêm:
2. Lập kế hoạch ngân sách (budget) và phân tích biến động kế hoạch – thực tế
Một ví dụ mình hay lấy cho người học như sau:
Giả sử bạn đi chợ mua thịt về làm nem đãi khách. Kế hoạch là gói 50 cái, mỗi cái 0,2 lạng thịt, như vậy cần mua 1kg. Bạn dự kiến mua thịt 180k/kg. Như vậy CP dự kiến để gói 50 cái nem là 180k
Khi đi chợ và nấu xong bạn tổng kết lại thì: 50 cái bạn cần có 900g (chắc là nhân có thêm cả nấm/tôm…=))), nhưng mà đi chợ mua thịt thì lại đến 190k/kg. Vậy CP thực tế để gói 50 cái nem là 171k. 9k chênh lệch rõ ràng đến từ nguyên nhân: mua đắt hơn kế hoạch và dùng NVL tiết kiệm hơn so với kế hoạch.
Trong DN cũng thế và chênh lệch nó đến từ nhiều loại: nguyên vật liệu, nhân công, bán hàng…Học xong F2 sẽ cần tính toán và tổng kết được các chênh lệch này. F5 ngoài ra còn học thêm nhiều loại chênh lệch khác, ví dụ như 1 SP cần nhiều NVL và trong quá trình làm, tỷ lệ pha trộn trái với tiêu chuẩn (ví dụ cafe sữa pha sữa:cafe theo tỷ lệ 1:2 thì lại pha nhầm thành 2:1 (ra luôn bạc sỉu)) khi đó sẽ phát sinh thành nhiều loại chênh lệch khác nhau giữa thực tế và kế hoạch và do đó cần phân tích chi tiết hơn nữa phần này.
Đọc thêm:
3. Đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau 1 năm tài chính
Cả 2 môn F2 và F5 đều học cách đánh giá tình hình hoạt động của 1 DN bằng các chỉ số tài chính (như sinh lời, thanh khoản, hiệu quả…) và các chỉ số phi tài chính (như khách hàng có hài lòng không, chất lượng, tốc độ giao hàng…), nếu F2 chỉ chủ yếu là tính thì F5 bắt người học phải đánh giá, liên kết với dữ liệu nhiều hơn.
Ngoài 3 mục chính nêu trên, cái gì có ở F2 mà không có ở F5 và ngược lại?
Đối với F2: do mang tính nhập môn nên sẽ học nhiều kiến thức liên quan tới tính toán như phân bổ chi phí sản xuất chung, dùng hồi quy tuyến tính để dự báo, lập dự toán chung cho cả DNĐối với F5: có nhiều học phần khó hơn, đòi hỏi tư duy quản trị như: ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn (risk and uncertainty), tối ưu nhiều điều kiện (maximize profit when multi limiting factors), giao dịch nội bộ (transfer pricing) và nhiều cái khó hơn nữa
***
Với 1 lượng kiến thức khá là lớn cũng như đòi hỏi tư duy của 1 người quản trị, ngoài việc nắm chắc các kiến thức/dạng bài, người học F2, F5 ra kỳ vọng sẽ có được những kiến thức/kỹ năng gì để vượt qua bài thi:
Phân tích, nhìn được câu chuyện về chỉ số tài chính và phi tài chính có ý nghĩa như nào trong mỗi DN. DN nhà nước sẽ khác DN tư nhân, DN sản xuất sẽ khác DN dịch vụ…Mỗi DN ở mỗi thời kỳ cũng có ưu tiên khác nhau, ví dụ Spiderum năm nay, năm nữa thì lượng người dùng thường xuyên là quan trọng nhất, hơn cả lợi nhuận nhỉ phải không @pleaseKhông chỉ tính toán mà cần có khả năng phân tích ảnh hưởng của vấn đề đó, kết nối lại để ra 1 bức tranh chung (nguyên văn ACCA: The ability to perform management accounting calculations is important, and being able to determine the implications of those calculations is also essential for an accountant.)Sử dụng “common sense” hay còn gọi là tư duy thông thường hoặc tư duy kinh doanh. Lấy ví dụ: khách hàng muốn mua 100kg NVL A. Ngày xưa doanh nghiệp đã mua 100kg A với giá là 10 đồng, hiện tại giá thị trường của A chỉ là 7 đồng. Rõ ràng giá tối thiểu mà DN có thể ra giá với khách hàng là 100 x 7 chứ không thể khăng khăng tôi đã bỏ ra 10đ/kg. Giá đó là giá quá khứ và DN đang cần ra 1 quyết định cho tương lai, như vậy cần tập trung vào giá trị hiện tại của A chỉ là 7 thôi.
***
Kết:
Với vai trò to lớn của mình thì KTQT sẽ ngày 1 quan trọng hơn nữa trong hoạt động của bất kỳ DN nào, trong bất kỳ lĩnh vực (sản xuất/dịch vụ…) hoặc loại hình (nhà nước/tư nhân). Sự phát triển của CNTT như các phần mềm quản trị doanh nghiệp (SAP, Oracle…) hoặc trực quan hình ảnh (Power BI, Tableau…) cũng góp phần giúp Báo cáo quản trị nhanh hơn, dễ hiểu hơn nữa. Người học ACCA chắc chắn sẽ có 1 lợi thế rất quan trọng để đón đầu xu thế mới về quản trị này. Đó chắc chắn là 1 hướng đi mà bạn đáng cân nhắc, phải không 🙂
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất