Nguồn ảnh: Netflix
Trong phim, chúng ta sẽ theo chân cô nàng Emily Cooper (do Lily Collins thủ vai), một marketing executive từ Chicago đến thành phố Paris để làm việc cho Savoir – công ty marketing của Pháp chuyên về các thương hiệu cao cấp. Hành trình cho người xem thấy được một cuộc sống nhiều niềm vui và không ít thách thức với Emily khi đến sống tại một thành phố mới, va chạm với sự khác biệt văn hóa cũng như cách cô sử dụng kiến thức, kỹ năng trong social media marketing để hoàn thành tốt công việc.
Mặc dù “Emlily in Paris” nhận được nhiều ý kiến trái chiều, khen ngợi có mà chê bai cũng không ít (chủ yếu ở nội dung còn thiếu logic), bài viết này không đánh giá hay dở mà chỉ xem xét bộ phim dưới góc nhìn marketing để đưa ra 7 bài học mà các marketer có thể tham khảo khi xem.
*Lưu ý: bài viết sẽ spoil khá nhiều chi tiết trong phim nên mình khuyến khích bạn nào đã xem phim rồi thì hãy đọc nhé.

1. Luôn tìm hiểu kỹ về văn hóa ở nơi mình sẽ làm việc

Trong phim, Gilbert Group – một tập đoàn lớn có trụ sở tại Chicago đã mua lại một công ty marketing ở Paris và muốn cử một nhân viên của họ đến đó làm một năm để mang đến góc nhìn của người Mỹ cho các khách hàng Pháp. Đáng lẽ người được đi là sếp của Emily, đã có bằng thạc sĩ tiếng Pháp, do bất cẩn mang thai nên Emily được cử đi thay.
Nhưng vấn đề ở đây là tiếng Pháp của Emily ở mức “một chữ bẻ đôi cũng không biết”. Không chỉ ngôn ngữ, cô cũng hoàn toàn mù mờ trước văn hóa nơi đây. Trong khi, làm việc ở bộ phận marketing, công việc chính của cô là tham gia vào các cuộc họp của công ty để đưa ra ý tưởng cho chiến lược truyền thông, tham gia pitching (trình bày ý tưởng dựa trên bản brief) cho khách hàng… Công việc sẽ khó có thể trơn tru nếu cô không thể nói được ngôn ngữ bản xứ để giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng.
Nguồn ảnh: Netflix
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Emily bị sếp và đồng nghiệp xem là “một thảm họa” trong những ngày đầu cô đến làm việc. Ý tưởng của cô cũng không được sếp thông qua vì chưa hiểu rõ thị trường và cách tiếp thị các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp.
Vì vậy, bài học đầu tiên ở đây là khi bạn làm việc với một khách hàng mới hay vào một công ty mới, hãy dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về họ để biết đối tượng khách hàng của mình là ai và cách để tiếp thị hiệu quả các sản phẩm của họ.
Một điều nữa là về ngoại ngữ. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng trên toàn cầu nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn học ngôn ngữ bản địa khi có cơ hội đến làm việc tại địa phương đó. Học một ngôn ngữ cùng đồng nghĩa hiểu về văn hóa nước người. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng hiểu và thâm nhập vào thị trường địa phương.

2. Tận dụng mọi cơ hội để quảng bá thương hiệu

Mặc dù Emily còn nhiều khiếm khuyết nhưng không thể phủ nhận năng lực và tinh thần làm việc của cô. Emily có rất nhiều ý tưởng sáng tạo trong đầu và luôn tận dụng mọi cơ hội mà cô “chớp” được để khai thác và áp dụng vào công việc của mình.
Nguồn ảnh: Netflix
Khi Emily được giao phụ trách một nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ sang Pháp để quảng bá sản phẩm, cô đã nhanh trí gợi ý cho nghệ sĩ ấy mặc trang phục của một thương hiệu thời trang – vốn đang là khách hàng của công ty cô. Nhờ đó mà Emily có thể quảng cáo chéo trên cả hai tài khoản mạng xã hội, thu hút lượng tương tác đáng kể. Một mũi tên bắn trúng hai chim.
Và khi trang phục ấy bị nữ nghệ sĩ để trên sàn khách sạn cùng giày cao gót, rượu và thuốc lá, Emily đã nhanh chóng chụp lại hình ảnh chiếc váy và đăng lên tài khoản Instagram của khách hàng. Kết quả, bài đăng nhận được gần 200.000 lượt thích, được khách hàng đánh giá cao vì đem đến cảm giác “relevant and sexy” cho thương hiệu, thu hút người dùng trẻ tuổi.
Có ra đa nhanh nhạy, nắm bắt được cơ hội marketing trong mọi tình huống cũng chính là yếu tố cần có ở một người làm truyền thông.

3. Ý tưởng luôn có ở mọi nơi, chỉ cần bạn biết cách kết nối

Bạn đưa ra ý tưởng cho chiến dịch nhưng khách hàng muốn một cái gì đó khác hơn, mới mẻ hơn? Bạn vò đầu bứt tóc cắn bút nhưng đầu vẫn chưa nảy ra được ý gì hay ho? Hãy học Emily cách cô ấy nhìn ra được cảm hứng, ý tưởng ở mọi nơi cô ấy đi, từ những cuộc trò chuyện, dạo chơi với bạn bè cho đến những lần tình cờ lướt mạng xã hội.
Chẳng hạn, Emily cùng bạn đến tham quan một bảo tàng nghệ thuật, trong đó có tác phẩm “The Starry Night” của Van Gogh. Khung cảnh rất đẹp và huyền ảo. Người bạn đã thốt lên rằng “Tôi thích ngủ dưới bầu trời đầy sao”.
Nguồn ảnh: Netflix
Nhờ chuyến đi bảo tàng này mà Emily đã có ý tưởng cho chiến dịch truyền thông một thương hiệu về chăn ga gối đệm. Thay vì quảng cáo chiếc giường trong phòng ngủ với hai người mẫu – một hình ảnh thường thấy không có gì đặc biệt, Emily đề xuất đặt chiếc giường trên con đường đẹp nhất ở Paris và kêu gọi mọi người cùng đến trải nghiệm giấc ngủ trên chính chiếc giường ấy với slogan “To sleep under the stars”.
Chất lượng vượt trội của giường cho ta mơ giấc mơ đẹp nhất, nhưng tại sao chỉ trong phòng ngủ? Sao không ở dưới các vì sao? Ta có thể ngủ ở bất cứ đâu mới đúng. Hãy tận dụng mạng xã hội và kêu gọi mọi người đến ngủ cùng. Đặt giường ở nơi có thể đăng lên Instagram và đăng ảnh người thật, không chỉ là người mẫu. Say giấc và mơ. Tất cả là nhờ Hastens.
Và tất nhiên, khách hàng rất thích và duyệt ý tưởng này.
Xuyên suốt bộ phim, bạn sẽ thấy Emily luôn “nhặt nhạnh” mọi thứ xung quanh, tìm kiếm bên trong chúng những khả năng có thể biến thành ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông. Những ý tưởng đều rất sáng tạo và độc đáo, gây được ấn tượng cho các khách hàng của mình.
Vậy nếu những khi bị bí ý tưởng, bạn hãy mạnh dạn bước ra khỏi bốn bức tường ngột ngạt; gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè; để ý những thứ xung quanh bằng đôi mắt chăm chú hơn, học cách thay đổi góc nhìn để tìm ra cơ hội ngay cả trong tình huống xấu nhất.

4. Networking là điều rất quan trọng trong marketing

Networking là kỹ năng xây dựng mạng lưới các mối quan hệ và duy trì, nuôi dưỡng thông qua các hoạt động có tính gắn kết. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng đối với các marketer nói riêng để phát triển sự nghiệp. Trong phim, networking đã được Emily tận dụng rất tốt để cứu vãn nguy cơ mất một khách hàng.
Nguồn ảnh: Netflix
Cô đến Paris một thân một mình, thời gian đầu lại không nhận được cảm tình từ đồng nghiệp và sếp. Nhưng cô vẫn kết bạn được với những người Pháp cô tình cờ gặp trên đường. Một trong số đó mời cô đến dự buổi triển lãm tranh. Trong triển lãm, cô có cơ hội gặp gỡ một chủ của chuỗi khách sạn nổi tiếng người Mỹ.
Người này sẽ mở một khách sạn ở Paris. Emily đã khéo léo gợi ý người chủ sử dụng sản phẩm của một khách hàng của công ty. Kết quả, cô đã thuyết phục được người chủ khách sạn đến công ty, mở ra cơ hội hợp tác giữa khách hàng và người chủ. Nhờ đó, công ty đã giữ được vị khách hàng này.
“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Trong thời đại ngày nay, để thành công, bạn không chỉ cần kiến thức, năng lực hay kỹ năng mà còn phải có các mối quan hệ như: những mentor, coacher, những người dày dạn kinh nghiệm hay bạn đồng hành. Họ sẽ giúp bạn trau dồi thêm kiến thức cũng như mở ra nhiều cơ hội mới.

5. Bài học về cách sử dụng influencer trong marketing

Influencer marketing là một trong những cách doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thông qua các influencer (người có ảnh hưởng). Người dùng hiện nay có xu hướng tin vào đánh giá của một bên thứ ba như người thân, bạn bè, feedback từ khách hàng khác hoặc người mà họ mến mộ, tin tưởng. Nên sử dụng tiếng nói của influencer sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả hơn.
Nhưng không phải cứ sử dụng influencer là sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Và “Emily in Paris” đã nêu lên một bài học cơ bản trong influencer marketing.
Emily cũng có một tài khoản Instagram là @EmilyInParis với hơn 20k người theo dõi. Cô được mời đến tham dự một sự kiện influencer của Durée – một thương hiệu mỹ phẩm lớn. Trong khi các influencer khác chỉ đăng ảnh tự sướng và quảng cáo về bản thân (thay vì về sản phẩm hoặc thương hiệu đang tổ chức sự kiện), Emily thật sự yêu thích sản phẩm của Durée nên đã tạo bài đăng tập trung vào ưu điểm của sản phẩm.
Nguồn ảnh: Netflix
Chính điều này đã giúp cô tạo ấn tượng tốt với giám đốc marketing của Durée. Trong cuộc nói chuyện, Emily đã thẳng thắn nói rằng các influencer ở sự kiện vừa rồi không quan tâm đến Durée mà chỉ nhắm đến việc quảng bá bản thân và quà tặng.
Điều này cũng nói lên một bài học cơ bản về cách sử dụng influencer trong marketing. Không phải cứ mời càng nhiều influencer càng tốt mà phải xét xem influencer ấy có phù hợp với hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp hay không, có thật sự quan tâm đến sản phẩm không. Mời ít influencer nhưng được lựa chọn cẩn thận có thể mang đến thành công cho chiến dịch hơn là mời nhiều nhưng “chất” không được bao nhiêu.

6. Đem người dùng thành một phần trong chiến dịch truyền thông

“To build a brand, you must create social media engagement. It’s about content, trust, interest, and engagement”.
Ngay từ tập đầu tiên, Emily đã nêu lên các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng thương hiệu. Và khi nói đến sự tương tác (engagement), cô luôn tập trung vào người tiêu dùng, đứng ở góc nhìn của họ và không ngần ngại muốn họ trở thành một phần trong chiến dịch truyền thông.
Nguồn ảnh: Netflix
Chẳng hạn trong quảng cáo nước hoa Pháp, một người phụ nữ khỏa thân đi dọc cầu Pont Alexandre III trong sự ngắm nhìn của những người đàn ông mặc vest đầy lịch lãm. Với khách hàng – người chủ thương hiệu nước hoa, được đàn ông ngắm nhìn và ao ước là niềm khao khát của phụ nữ. Nhưng với Emily, cô cho rằng điều đó thể hiện sự phân biệt giới tính khi áp đặt quan điểm của đàn ông lên phụ nữ.
“Sexy or Sexist?”
Khi khách hàng hỏi Emily về mẩu quảng cáo, cô trả lời rằng ý kiến của cô không quan trọng mà nằm ở người tiêu dùng nghĩ gì. Vì vậy cô đã gợi ý thực hiện một cuộc thăm dò trên Twitter để hỏi người dùng xem đó là “sexy or sexist”.
“Hãy để cả thế giới quyết định và biến nó thành một phần trong chiến dịch”.
Emily trao quyền cho người tiêu dùng bằng cách cho họ tự do thảo luận, tăng mức độ tương tác, từ đó xây dựng mối quan hệ giữa người dùng và thương hiệu.
Và bài học cuối cùng là đừng ngần ngại nêu lên ý tưởng. Emily là một nhân viên đầy nhiệt huyết, mang trong mình vô vàn ý tưởng mới mẻ, thú vị. Bất chấp sự thiếu thiện cảm của đồng nghiệp hay bất đồng văn hóa, Emily luôn không ngần ngại đưa ra quan điểm và các ý tưởng của mình. Tuy có cái hiệu quả, có cái không nhưng nếu không nói ra, bạn làm sao biết ý tưởng ấy sẽ như thế nào? Đây cũng là cách giúp bạn phát triển và kiểm tra giới hạn bản thân cũng như khả năng sáng tạo của mình.
.Ngưn.