60 LƯU Ý KHI MỞ QUÁN TRÊN APP GỌI ĐỒ ĂN
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm mở quán và bán hàng hiệu quả trên các app gọi đồ ăn như Grabfood, Shopeefood, Baemin, Gojek
Bài viết này liệt kê ra các ý tưởng và lưu ý lướt qua trong đầu, không theo một thứ tự nào hết. Dành cho ai đang bán hàng trên các #FoodApps hoặc định bán trên kênh này… Tuy rằng những lưu ý trên được đúc kết từ rất nhiều gian hàng top seller mà mình có quan sát đủ sâu hoặc trực tiếp làm, nhưng thị trường rộng lớn, vậy nên những lưu ý trong bài này mang đậm tính chất cá nhân và có những thứ có thể đã lỗi thời
1. Combo: Nên có Combo để lên đầu. Combo nên là 1 món BEST SELLER + 1 đồ uống. Lưu ý cách đặt tên Combo sao cho hấp dẫn và đương nhiên Giá combo phải thấp hơn giá lẻ của từng món gộp vào
2. Card/Voucher: Luôn nên có kèm voucher hoặc namecard cùng lời cảm ơn gửi kèm với đồ ăn. Có thêm những tagline hoặc #hastag thì càng tốt. Mục đích: 1. Giữ cho khách hàng tiếp tục mua và 2. Có kênh để khách hàng liên lạc nếu có lỗi
3. Note: Luôn để ý những lưu ý của khách. Chuẩn bị món nhanh là tốt nhưng luôn nên kiểm tra cẩn thận, nhất là hay quên phần dụng cụ ăn uống hay một số đồ rau cỏ kèm cùng…
4. CRM: Nên chăm khách bằng sms sau đó đưa khách về nhóm Zalo để tiện có thêm kênh liên lạc và giữ data khách hàng thành “của mình”… Có phần mềm CRM thì càng tốt
5. Món chủ lực: Quán kiểu gì cũng phải có 1 món chủ lực, có khả năng gây thương nhớ mạnh. Món đủ tốt để gây ấn tượng cho khách hàng. Voucher hay ưu đãi là để mời gọi khách hàng đặt lại.
6. Chuẩn bị: Những cái nào chuẩn bị được thì chuẩn bị trước. Cố gắng làm nhanh nhất có thể khi nhận đơn. Nhắc giục shipper là đơn sẽ xong trong bn phút tránh nhiều khi có shipper lề mề nghĩ mình làm đồ lâu
7. Phản hồi: Khen chê thôi cũng ráng nín nhịn. Nên phản hồi lại all đánh giá của khách hàng. Có lỗi sai thì hứa sửa. Mà không phải lỗi của mình thì cũng nói rõ. Viết ra dễ, làm ko dễ, mình cũng sân si lắm.
8. Menu: Menu nên chia làm 3-4 phần, bao gồm Combo – Món chính – Món phụ - Đồ uống. Quán mới thì 20-30 món là đẹp. Nên cập nhật mô tả rõ ràng
9. Hình ảnh: Cái gì tiết kiệm chứ hình ảnh trên menu phải đẹp nhưng cũng phải chân thật. Khách trên App ăn bằng mắt trước khi đặt hàng. Dĩ nhiên phải cân đối giữa Đẹp và Thật
10. Brand: Tên brand đừng chung chung. Cũng không cần phải quá cầu kỳ nhiều ẩn ý. Nên là Tên thương hiệu + Sản phẩm chủ đạo của quán. Keep it simple
11. Bao bì: Cái này cũng không tiết kiệm được, phải đầu tư. Quán nhỏ khách đến ăn offline biết ngay, nhưng đầu tư bao bì tốt thì quán nhỏ trông cũng thành chuyên nghiệp.
12. Vệ sinh: Độ “ngon” thì mỗi mồm mỗi khác như chiến thần Hà Linh rivew cũng đã nói. Cơ mà sạch thì kiểm soát được nhé.
13. Tên món: Nên đặt tên chuẩn SEO, đúng theo từ khóa khách hàng tìm. Đừng ham mấy kiểu Rau muống = Thanh Long Quá Hải hay Ếch xào xả ớt = Vũ nữ chân dài nóng bỏng. Tên kiểu bay bướm phù hợp viral offline hơn
14. Món mũi nhọn: Nên thiết kế đủ bộ các mũi nhọn là món ăn tạo ra chuyên để hút khách hay tham gia khuyến mãi như: sản phẩm mồi, sản phẩm phễu, sản phẩm khuyến mãi
15. Quán mới: Chiếu mới nên tham gia all các chương trình nhằm hút lấy traffic. Tổng động viên bà con khối phố, họ hàng gần xa đặt hàng mà lấy sao số. Nên có budget dự trù cho khoản này. Đừng nghĩ cứ lên App là sẽ có đơn
16. Up sale: Tăng giá trị đơn hàng bằng cách đưa ra các sản phẩm bán thêm hoặc bán kèm. Topping cũng là cách hay
17. Traffic: Các nguồn traffic như Facebook, Youtube, Tiktok điều hướng đổ về App. Livestream đổ về gian hàng kèm cũng các voucher. Again, đừng nghĩ cứ lên App là sẽ có đơn
18. Quảng cáo: Các app đều có quảng cáo để thúc đẩy hiển thị hay từ khóa cho gian hàng. Cân đối tham gia
19. Tương tác: Nên có (ít nhất là) kênh fanpage để thêm kênh tương tác với khách hàng. Chủ động thêm bằng sms… Chứ còn khách đã review rồi thì xấu hay tốt thôi thì cứ đi nhẹ nói khẽ cười duyên
20. Chéo traffic: Có điều kiện thì tham gia các sự kiện liên quan đến ẩm thực để quảng bá thương hiệu của quán. Như vừa rồi có hội chợ F&B tại Hà Nội, gửi voucher và namecard vào gian hàng có sẵn trong đó kéo cũng được ối traffic
21. Món hót: Đôi khi trên thị trường bùng lên một vài món hot. Nếu nó tương thích với sản phẩm lõi của quán, thì chơi đi sợ gì.
22. Sự kiện: Tạo các sự kiện trên fanpage, tặng voucher, khuyến khích khách hàng đánh giá sao. Nên làm định kỳ và liên tục để kéo traffic
23. Group: Các group vẫn là nơi seeding hàng quán hiệu quả. Điều kiện là món của bạn phải độc và đảm bảo trải nghiệm món phải tốt. Không ăn quả phốt thì của đáng tội
24. Nguồn khách: Tốt nhất nên đa dạng hóa nguồn khách, không nên dựa vào 1 mình bố con thằng nào hết. Thỉnh thoảng các app nói sẽ ưu tiên hiển thị khi bạn tắt gian hàng ở các app còn lại đi… well, tùy cân nhắc nhé
25. Phần mềm: Nên tìm hiểu và sử dụng các công cụ quản lý đơn hàng, dùng được cái nào là nhàn đầu cái đó: KiotViet, iPOS, Sapa whatever …
26. Vị trí: Tuy là bán online trên App nhưng vị trí vẫn cực kỳ quan trọng nhé. Có thể không cần là mặt phố đắt đỏ nhưng ít nhất phải nằm ở chỗ có traffic đông bao gồm 1. Dân văn phòng đông và 2. Dân cư đông.
27. Email: Nên kiểm tra email thường xuyên vì ngoài việc tham gia các chương trình trên AppMerchant thì các App còn thường xuyên gửi qua email mời tham gia. Đừng bỏ lỡ info và lựa chọn chương trình phù hợp
28. Khuyến mãi: Time ban đầu dù bán lỗ (ít thôi) hay bán lãi mỏng dính thì vẫn cần duy trì chạy khuyến mãi liên tục để duy trì hiển thị và thu hút khách mới đồng thời giữ khách quen quay lại ăn… Khuyến nghị tầm 3 tháng tối thiểu
29. Giá cost: Món lựa chọn đưa lên App nên là những món có cost ổn định, đặc biệt là món sử dụng để tham gia khuyến mãi hay combo
30. Tặng tiền: Tặng voucher cho khách khi khách đánh giá đôi khi chưa đủ ép phê. Nếu máu quá, tặng thủ tiền mặt luôn xem 😊
31. Tặng món: Đừng tặng khách hàng những món vớ vỉn, không tặng thì thôi, đã tặng thì tặng món best seller…
32. Giá bán: Nên để giá cao hơn giá bán offline. Vì bạn phải chi 20-25% chiết khấu cho app, thêm vài % cho KM tự tạo hoặc đồng tài trợ, thêm (sắp tới) % cho thuế nữa… Không bán giá cao hơn thì còn cái nịt. Anyway, giải thích là đó là tiền hộp, chi phí extra, fair mà
33. Hiệu ứng giá: Những hiệu ứng giá kiểu món 39K, 49K có thể vẫn có hiệu quả… Mình thì ko áp dụng nhưng thấy một số bên bán khá tốt vẫn đang dùng
34. Món đặc thù: Với những món đặc thù kiểu như đồ chay, đồ healthy, món ăn cần ăn kiểu đặc biệt (món Ấn) thì nên có hướng dẫn đi kèm hoặc in thẳng lên bao bì hoặc lượng calori với món ăn kiêng. Pizza nên có phần hướng dẫn khách làm nóng bánh lại nếu ăn ko hết
35. Đơn ghép: Nếu thấy shipper ghép đơn => Phải kẹp số order đơn của mình ra ngoài bao bì tránh shipper nhầm nhọt sang trồng trọt thì toi
36. On tốt = Off tốt: Kinh nghiệm thì mình thấy những quán bán online tốt thường bán offline cũng tốt (trong trường hợp họ bán cả offline). Còn offline bán tốt thì chưa chắc lên online đã tốt. => Làm nuột được phần on, sẽ hỗ trợ vận hành phần off tương đối.
37. Danh hiệu: Một số app sẽ có danh hiệu đối với quán bán tốt hoặc vận hành tốt, như Shop Yêu Thích hay Shop Bạch Kim chẳng hạn. Ngoài việc quán đạt danh hiệu vậy sẽ được 0tăng hiển thị và tương tác thì người mua cũng sẽ dễ mua hàng ở quán có danh hiệu từ app hơn. Vậy nên hãy cố gắng cày và giữ các danh hiệu.
38. Marketing: Đã mất công làm marketing thì nên làm cho cả off và on. Traffic ban đầu có thể kéo về gian hàng trên App nhưng sau đó có thể dùng thêm các KM ưu đãi để khách hàng có thể ăn tại quán hoặc qua thẳng quán lấy đồ (nếu quán chỉ bán mang đi)
39. Rì viu: Chắt chiu từng rì viu. Khách hàng trên App tương đối củ chuối về phần đánh giá. Các quán tầm hơn 500 sao mà vẫn đạt trên mức 4.5 thì từ sản phẩm đến vận hành đều ở mức tốt. Cố gắng lắng nghe ý kiến khách hàng và phản hồi nhanh chóng cũng như mồi để được nhận đánh giá
40. Quà bất ngờ: Thỉnh thoảng hãy tặng kèm phần nước hay món quà nhỏ hay thiệp ghi tay tri ân khách hàng. Nên có định hướng để khách hàng hoặc viral hộ quán trên FB, hoặc review sao cho quán trên App
41. Chất lượng món: Đừng chơi hệ tâm linh. Làm ra công thức món rõ ràng. Cái nào là bí quyết thì giữ riêng. Còn không công thức công bố rộng rãi. Nhân viên đúng công thức mà làm.
42. Công cụ làm việc: Một số công cụ có thể giúp nhân viên nhàn hơn, hiệu suất tốt hơn thì cân nhắc nên dùng. Ví dụ như bên mình là máy cán bột, máy đánh bột v.v… Cung cấp đồ và dụng cụ tốt cho nhân viên để giữ được chất lượng món ăn và giảm vất vả cho nhân sự.
43. Nội quy: Nên có nội quy ngắn nhưng rõ ràng. Bắt nhân viên đọc trước khi vào làm. Đàm phán rõ ràng và phân công công việc theo nội quy. Có nhắc nhở những lần đầu còn sau đó đúng theo nội quy mà phạt để giữ kỷ luật
44. Nhân sự: Nhân sự làm từ 1 năm trở lên nên được coi là vốn quý của quán. Tạo môi trường làm việc tốt để giữ nhân viên lâu dài. Chủ yếu là Lương đủ tốt + Sự tôn trọng + Môi trường vui vẻ.
45. Review menu: Nên review tầm 6 tháng 1 lần. Review các món, xem nguyên liệu có gối đầu với nhau ko, món nào nên thêm vào, món nào lên loại ra. Luôn luôn có món hot để khuyến mãi và hút phễu.
46. Khuyến mãi trên App: Có 2 dạng KM, hoặc là quán chịu 100%, hoặc là chia sẻ theo tỷ lệ % với bên App. Thời gian ban đầu nên tham gia all chương trình của bên App và lựa chọn 1 số chương trình quán tự tạo để hút traffic. Không lỗ hay lãi mỏng tý cũng được. Traffic ban đầu là cần nhất
48. Đánh giá quản lý: Với chuỗi nhiều điểm bán thì khách quan nhất trong việc đánh giá quán lý tại điểm hay người mua NQ tại điểm chính là đánh giá sao từ khách hàng tại địa điểm đó. Sao cũng là chỉ số để đánh giá vận hành quán khi mình không có mặt. Nên có KPI thưởng dựa trên sao
49. Tập trung giải pháp: Bán hàng tập trung trên các App giao đồ ăn khiến việc vận hành được tối ưu hơn quán thông thường khá nhiều, tuy nhiên, sẽ luôn thỉnh thoảng có vấn đề phát sinh. Để nhàn đưuọc, mỗi khi phát sinh, hãy tập trung vào giải pháp và giải quyết xong hãy viết quy trình cho nó để lần sau sự việc xảy ra thì đã có quy trình giải quyết
50. Quán nhiều món: Bài trước nói tên quán nên đặt theo món chính và tên brand. Anyway có trường hợp xảy ra là món phụ bán cũng khá ư là tốt. Thậm chí là đồ uống bán kèm có khi cũng rất tốt. Trong trường hợp này, hãy cân nhắc tách quán, để menu tập trung vào từng món nhằm tối đa hóa dòng tiền và khách hàng.
51. Loyalty: Bài trước đã nói đến CRM bằng cách xin sđt của khách hàng để đẩy về Zalo… Tiếp theo hàng tuần hãy gửi thông tin khuyến mãi, tin tức mới nhất đến khách hàng trong nhóm. Làm được chương trình Loyalty thì tốt nhất. Tạo chương trình tích điểm hoặc thẻ thành viên để khách hàng quen thuộc có thêm lợi ích.
52. COGS: Nắm rõ giá vốn hàng bán của từng món ăn, các chi phí nguyên liệu và chi phí vận hành. Từ đó định mức được lãi thu về và mức KM sâu nhất có thể làm là bao nhiêu. Đây là nên tảng để tung ra các chương trình KM riêng, tham gia các KM với App hay tặng voucher loyalty
53. Hiện diện: Đừng mơ hão về automation hay tự động hóa (ít nhất trong thời gian đầu). Hãy đồng hành làm việc, tiếp lửa, trò chuyện và động viên nhân sự. Sự hiện diện là tối cần thiết trước khi quán có thể vào đà và tự chạy được. Đừng bao giờ vắng mặt hoàn toàn trong time dài.
54. Traffic ngoài: Kết hợp quảng cáo online và offline cùng lúc để tăng hiệu quả. Nên thuê các bạn KOL chạy quảng cáo trên các nền tảng Facebook và Tiktok. Đừng chỉ trông chờ vào traffic từ app, phải chủ động đổ traffic ngoài vào
55. Nâng tải: Tham gia các chương trình sale có thể khiến quán bị ùn đơn. Hãy chuẩn bị kỹ và nâng tải phục vụ dần dần lên. Bên mình một buổi trưa từng 100 đơn là quá tải. Sau này có những đợt cao điểm nhất là 1600 đơn trên cả chuỗi mà vẫn chạy … hơi nuột, vẫn có lỗi nhưng ko quá nghiêm trọng, Nâng tải xong thì tự tin vận hành, chỉ sợ ko đủ khách
56. Kênh liên lạc: Luôn có các kênh liên lạc như điện thoại, chat qua fanpage, zalo => Được thể hiện qua bao bì đồ ăn, bao bì đũa thìa, voucher/tờ rơi đính kèm để khách hàng có thể phản hồi tránh khách ko phản hồi được lại ăn sao xấu oan uổng
57. Giá cả: Nguyên tắc của các App là đồng bộ giá cả và chất lượng món ăn trên App và trực tiếp tại quán. Cũng có khách hàng thấy món trên App cao hơn thì phàn nàn. Anyway mặc kệ đi, 20-25% cắt máu cho app thì nên để giá cao hơn tầm 10-15%, tránh bị thiệt thòi bán máu quá (quan điểm cá nhân)
58. Chuẩn bị: Món trên app cần chuẩn bị nhanh, làm nhanh, shipper đến nhanh và giao đến cho khách hàng thật nhanh. Có phần shipper đến khách là ko kiểm soát được. Làm món có thể kiểm soát được phần lớn. 100% có thể kiểm soát được là chuẩn bị, ví dụ đóng gói sẵn nguyên liệu đi kèm như mì, đũa, muỗng, nước chấm trước giờ cao điểm để tiết kiệm thời gian.
59. Quá tải: Thỉnh thoảng nếu đông quá không phục vụ nổi thì đừng cố, kẻo ăn sao xấu hoặc đơn hàng nhầm lẫn còn khổ hơn. Có thể bật chế độ quán bận khi quá tải để tránh tình trạng nhầm lẫn. Tuy nhiên ko nên lạm dụng. Quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực vận hành phần 55. Nâng tải
60. Ví/thanh toán online: Tốt nhất là ko dùng tiền mặt. Nên online hóa thanh toán hết. Vừa tiện kiểm soát, vừa tránh tình trạng trả đi trả lại thừa thiếu hoặc lúc đông có khi lại gây ùn tắt và sai sót. Qua ví có điểm nhiều bạn cho là “dở”, đó là thuế sau này… Với mình thì đó là điểm hay, minh bạch
Nhiều thứ mình quan sát thấy bên khác làm nhưng mình chưa làm (do ko phù hợp hoặc do mình chưa đủ năng lực), anyway bởi mình thấy nó hay nên vẫn note ra. Hơn nữa, KD trên #FoodApps là mảng mới, mình viết trên trải nghiệm rất cá nhân. Bạn chỉ nên lấy làm nguồn tham khảo. Còn lại, hãy test và tự rút ra công thức của riêng mình
#HoangTung #MrPizza #FnBShare #FoodApps
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất