Cách đây 120 năm , vào thời đại Cất cánh (Gilded Age) của nước Mỹ, nhà xã hội học Thorstein Veblen đã đặt ra thuật ngữ “tiêu xài xa xỉ”. Ông dùng từ này để chỉ những người giàu đốt tiền vào những thứ tiêu xài lãng phí. Tại sao phải mua một bộ quần áo hàng nghìn đô khi bạn có thể mua một cái khác với giá 100 đô mà có chức năng giống hệt? Veblen nói rằng câu trả lời cho câu hỏi này đó chính là quyền lực. Những người giàu khẳng định quyền thống trị của mình bằng cách biểu hiện ra ngoài số tiền họ đốt vào những thứ mà họ không cần.
Là một người cấp tiến vào thời đó, quan sát của Veblen dường như lại là điều hiển nhiên vào thời đại này. Trong những thập kỉ gần đây, tiêu xài xa xỉ đã gắn bó sâu sắc trong kết cấu của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Ngày nay các lãnh đạo cấp cao của nhiều tập đoàn công nghiệp công khai địa vị xã hội của họ bằng các hòn đảo tư nhân và siêu du thuyền trong khi tổng thống Mỹ muốn mọi thứ mà ông sở hữu phải được phủ vàng.


Nhưng việc mua sắm những món đồ dùng siêu đắt tiền không phải là cách duy nhất mà giới tinh hoa hiện đại thiết lập quyền lực của họ. Gần đây, một dạng khác của việc biểu thị địa vị xã hội đã nổi lên. Trong thời đại mới, việc xác nhận một người là thành viên của tầng lớp thống trị không chỉ còn là việc tiêu xài xa xỉ, mà nó còn yêu cầu cả việc lao động cần cù
Nếu tiêu xài lãng phí liên quan tới việc tôn thờ các thứ xa hoa, thì lao động cần cù tôn thờ việc cày cuốc. Vấn đề không nằm ở việc bạn tiêu bao nhiêu tiền. Đó là về bạn làm việc chăm chỉ như thế nào.

Tim Cook nói  rằng ngày của ông bắt đầu từ lúc 3h45 sáng, Marissa Mayer nói rằng bà đã từng làm việc 130 giờ mỗi tuần.
“Giáo phái” làm việc chăm chỉ không đâu rõ ràng hơn các CEO của nước Mỹ. Ngày nay các giám đốc điều hành thờ phụng sự làm việc tận tụy, tới mức gần như tàn bạo. CEO của Apple, Tim Cook nói với tạp chí Time rằng ngày làm việc của ông bắt đầu từ lúc 3h45 sáng. CEO của hãng General Electric, Jeff Immelt nói rằng ông đã làm việc 100 giờ mỗi tuần trong vòng 24 năm. Chưa hết, CEO Yahoo, Marissa Mayer kể với tờ Bloomberg News rằng bà đã từng làm việc 130 giờ mỗi tuần, và còn nhiều người khác cũng như thế.
Điều trớ trêu là việc cày cuốc mệt nhọc cả tuần như vậy không chỉ là biểu hiện của những người thuộc tầng lớp tinh hoa. Rất nhiều người Mỹ không giàu có như thế cũng thể hiện năng suất kinh khủng tương tự, mặc dù họ có ít cơ hội để quảng cáo điều này. Một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Kinh tế đã chỉ ra rằng người làm công ở Mỹ làm việc nhiều giờ đồng hồ hơn rõ ràng so với cách đây vài chục năm - đặc biệt là phụ nữ, người da đen và người nghèo. Một người phụ nữ da đen nằm ở tầng đáy mức thu nhập của những người làm công phải làm việc hơn 349 giờ vào năm 2015 so với năm 1979. Lí do rất đơn giản: Tiền lương hầu như không tăng so với những năm 1970, tức là người làm công ngày nay phải làm việc chăm chỉ hơn để kiếm sống.
Hãy so sánh một người phụ nữ làm việc trong nhiều giờ với mức lương tối thiểu với một người phụ nữ làm việc với thời lượng tương tự và kiếm được 30 triệu USD mỗi năm. Một người cố gắng để không bị chết đói và đuổi khỏi phòng trọ; người còn lại thì đang truyền thông cho cả thế giới biết về quyền lực và uy danh của mình. Một người lao động bình thường không cần phải làm như người phụ nữ thứ hai kia - và cũng chẳng cần tới cái túi xách giá 10.000 USD. Nếu tiêu xài xa xỉ ca ngợi sự chi tiêu lãng phí, việc “cày cuốc hơn trâu” lại tôn vinh lao động ngoài giờ. Cả hai đều truyền đạt sự thống trị bằng cách tạo ra một cảnh tượng thừa mứa, về tiền hoặc về mặt lao động.

Trong thời đại Cất cánh đầu tiên, sự dư thừa thể hiện như việc một người phụ nữ đeo ngọc trai đi cạnh một người phụ nữ mặc một đám giẻ rách. Trong thời đại này, nó thể hiện ở chỗ một người phụ nữ làm việc cả trăm giờ đồng hồ mỗi tuần nhưng không cần tiền, bên cạnh đó là một người phụ nữ làm việc cũng chăm chỉ như vậy nhưng thậm chí còn khó có thể giữ nổi một mái ấm che đầu.
Việc “cày cuốc như trâu” thể hiện ở rất nhiều hình dạng khác nhau. Nhiều người thậm chí không thể rút lui khỏi công việc vào ngày mai vẫn có thể dính dáng đến nó và tận hưởng một phần cảm giác ưu việt của giới tinh hoa mà nó mang lại. Luận điểm khiêu khích nhất mà Veblen đưa ra là sự lãng phí của người giàu truyền cảm hứng ngưỡng mộ chứ không phải phẫn nộ của người khác. Các tầng lớp khác cố gắng thi đua bắt chước người giàu càng giống càng tốt: tầng lớp trung lưu thì không thể sống như một lãnh chúa, nhưng họ có thể thưởng thức những thứ xa xỉ để có thể có vị trí cao hơn trong xã hội. Quy tắc tương tự cũng áp dụng với việc lao động chăm chỉ. Hầu hết người Mỹ sẽ không bao giờ đạt được tới vị trí cao như các CEO, nhưng họ vẫn sùng bái lao động.

Bỏ tiền ra để được "lao động thêm"?
Một trong những cách biến sự giải trí của bạn thành lao động là “làm việc vì chính mình”. Ví dụ rõ nhất là việc tập thể dục, nó yêu cầu một đặc điểm đặc biệt của tầng lớp dân cư đô thị. Ở lân cận các khu dân cư là rải rác các phòng gym và yoga như Elite Fitness hay California Fitness. Đây là những nơi người ta phải trả tiền để được lao động, với quảng cáo là cải thiện bản thân và thanh lọc cuộc sống, và nó vẫn tiếp tục ngay cả khi người ta đã lao động để trả đủ các loại hóa đơn. Và chúng tồn tại bên cạnh một hệ sinh thái khác của thực dưỡng và các loại thực phẩm hữu cơ, nơi mà người ta tiếp thêm nhiên liệu để tiếp tục tăng năng suất lao động.
Lí do đặt ra cho tất cả những điều này là vì “sức khỏe”. Nhưng thời gian mà những người này bỏ ra để tập thể dục đã vượt qua rất nhiều thời gian cần để trở nên khỏe mạnh. Đó là bởi vì các yêu cầu phức tạp và nghiêm ngặt ngày nay về chế độ dinh dưỡng không phải nhằm mục đích khỏe mạnh. Chúng được thiết kế để thể hiện quyền lực của tầng lớp cao cấp. Trong thời đại ngày nay, bạn có thể cơ bản dự đoán được thu nhập của một người dựa vào thể hình của họ - biểu hiện của tầng lớp đã gắn chặt vào cơ thể. Thể hình của người giàu không chỉ gầy hơn mà còn cơ bắp hơn ở đúng chỗ cần cơ bắp. Chúng phản ánh một khoản chi tiêu khổng lồ và một chế độ tập luyện nghiêm ngặt không cần thiết. Chúng thể hiện việc chúng ta lao động vượt quá mức, thể hiện sự giàu có thông qua sự lãng phí và biện minh cho tài sản của một người dựa vào năng suất mà họ thể hiện ra.
Nhưng bạn không cần phải là một CEO hay một chuyên gia giàu có để có thể làm việc cật lực. Công nghệ đã giúp mọi người có thể dễ dàng biến mọi lúc trở thành cơ hội để làm việc. Bạn có thể tính giờ ngủ, lượng thức ăn và số bước chạy của bạn bằng Fitbit (một loại đồng hồ thông minh đo sức khỏe), sự quyến rũ của bạn với Tinder, sự hóm hỉnh của bạn với Twitter và sự nổi tiếng của bạn với Facebook. Bạn có thể biến nhân cách của mình thành một bảng dữ liệu có thể kiểm soát, phân tích và tối ưu hóa như một chu trình sản xuất công nghiệp. Bạn có thể biến cuộc đời mình thành một cái nhà máy - theo đúng nghĩa đen không có chút ẩn dụ nào. Trong công cuộc sản xuất bản thân, bạn tạo ra các giá trị kinh tế cho những người khác. Những giờ bạn tiêu tốn vào những thứ như thế có lẽ sẽ không được tính lương, nhưng chúng sẽ tạo ra lợi nhuận thật cho các công ty sở hữu chúng.
Các thước đo của chính bạn.
Đây mới chính là bản chất của việc cày cuốc. Nó không chỉ đề cao một văn hóa làm việc thêm giờ, nó còn làm giảm thời gian giải trí của chúng ta để phục vụ mục đích kinh tế. Không có lối thoát nào cho chúng ta: nếu chúng ta không làm việc vì công ty, thì chúng ta cũng làm việc vì chính mình. “Tám tiếng để làm việc, tám tiếng để nghỉ ngơi, tám tiếng để làm những gì mình muốn” là bài thánh ca của người làm công khi họ đòi hỏi 8h làm việc mỗi ngày cách đây hơn 100 năm. Những khác biệt đó bây giờ chẳng còn ý nghĩa nữa. Ngay cả giấc ngủ của chúng ta cũng bị cho điểm theo năng suất - người doanh-nhân-chúng-ta không bao giờ hết giờ làm việc.
Ngày nay, câu khẩu hiệu “Tám giờ làm việc” của người lao động nghe như một thế giới khoa học viễn tưởng. Hãy tưởng tượng ra một xã hội cần chúng ta lao động rất ít. Hãy tưởng tượng ra một thế giới mà người nghèo không phải làm việc tới kiệt sức để tồn tại, và người giàu không cần phải làm việc hết sức để thể hiện rằng mình đáng giá với sự giàu có của mình, bởi vì giàu và nghèo nơi đó không tồn tại.
Bài đọc thêm:
Theo The Guardian
M.Đ