5 cm/s - bi kịch tình yêu bất tử
5 cm/s luôn luôn là số 1 Nếu để mà nói về phim của Makoto sensei ( tôi hay nói thế ) thì không thể nào cho hết....
5 cm/s luôn luôn là số 1
Nếu để mà nói về phim của Makoto sensei ( tôi hay nói thế ) thì không thể nào cho hết. Có thể nói ông là một Hayao Miyazaki thứ 2, với tuổi đời năm nay mới chỉ 45 tuổi. Trẻ hơn rất nhiều so với Miyazaki lúc thời kì đỉnh cao với Spirit Away. Tuổi đời trẻ hơn là vậy mà ông đã có hàng loạt các tác phẩm để đời vừa được fan yêu thích, vừa được đánh giá cao đến từ các nhà phê bình và vô vàn giải thưởng giành được. Gần đây nhất chính là Your Name, bộ phim đã làm khuynh đảo phòng vé cũng như tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới phê bình và hội đồng bầu chọn, rất đáng tiếc khi bộ phim vuột mất Oscar tuy nhiên không sao, Makoto sensei vẫn còn rất nhiều thời gian, với độ tuổi 45 là độ tuổi có thể coi là chín nhất trong sự nghiệp của một đạo diễn thì khả năng ông giành giải Oscar tiếp theo về cho nước Nhật là hoàn toàn khả thi.
Đọc thêm:
Nhưng như tiêu đề thì đây không phải bài viết cho Your Name
Vâng không những không phải bài viết cho Your Name, đây còn là bài viết “không khen” Your Name. Thú thực khi xem Your Name tôi không hề thấy nó quá xuất sắc, vì sao ư? Vì sao thì hãy đón đọc bài viết tiếp theo về Your Name của tôi. Còn bây giờ là nhân vật chính của bài viết: 5 cm/s.
Bi kịch tình yêu
Một bi kịch thời hiện đại, một kịch bản không quá lạ lẫm trong tình yêu đó là chia cách vì khoảng cách địa lí. Một đôi bạn không thể nói là thanh mai trúc mã vì thời gian bên nhau lúc nhỏ không nhiều, nhưng theo tôi đó là thanh mai trúc mã vì cách mà họ sống đồng điệu một cách lạ kì, từ sở thích, cách nói chuyện, suy nghĩ cho đến cách mà họ từ từ rời xa nhau.
Tại sao 5 cm/s với kịch bản không quá độc đáo lại hay đến vậy, sau không biết bao nhiêu lần xem đi xem lại. Cuối cùng thì tôi, một thằng không có mấy trải nghiệm về tình yêu cũng có thể kể ra một vài điều.
Đọc thêm:
Hình ảnh
Từng frame hình đều là tuyệt tác về màu sắc và ánh sáng, có thể thấy rõ từng tia sáng chạy trên chiếc tàu điện buổi đêm, khung cảnh mờ ảo xa xăm chuyển động theo chú chim đang bay vút lên không trung, sự tráng lệ của vũ trụ chia cách Takaki và Akari mặc cho hai người họ đang ngồi cạnh nhau trong tâm tưởng. Đẹp nhất phải kể đến những cảnh có hoa anh đào, tất nhiên rồi, tựa đề của phim là tốc độ của cánh hoa rơi, nó đẹp như thế nào chắc không cần phải nói quá nhiều. Khi mà qua thời gian, các cảnh trong 5 cm/s đều là tư liệu để làm thành các video fanmade, lồng ghép vào đó là rất nhiều bài nhạc thuộc nhiều thể loại, phổ biến như bài Sakura anata. Hay được ít người biết đến hơn đó là dòng nhạc lofi hiphop với những bài nhạc đa phần là của các producer trẻ.
Âm nhạc
Soundtrack được soạn bởi Tenmon một nhà soạn nhạc không mấy nổi tiếng với những người ngoại đạo như mình nhưng nếu để ý thì gần như tất cả các phim của Makoto Shinkai đều là do Tenmon soạn. Mình không biết liệu giữa hai người có liên hệ nào không nhưng rõ ràng là 2 người làm việc rất ăn ý. Từng bản nhạc được lồng ghép vô cùng tuyệt vời và ăn khớp với khung cảnh, mạch truyện của phim. Bản nhạc chính của phim One More Time One More Chance phải nói tuyệt hay, da diết đầy tiếc nuối, chắc hẳn ai nghe qua một lần đều cảm thấy nổi buồn ẩn hiện trong chất giọng của Yamazaki Masayoshi. Khi bài hát được chơi cùng với đoạn B-Roll mình đã nổi hết cả da gà khi đến đoạn tên lửa bay lên trời cao. Tên lửa đó cũng giống như ước mơ được bay vút lên, thật cao thật xa để đến bên nhau của 2 người nhưng giấc mơ của con người là nguy hiểm, không ai biết điều gì chờ đợi ngoài kia.
Lối kể chuyện
Ở phase 1 của phim chúng ta được thấy cách kể chuyện thông qua 2 giọng đọc của 2 nhân vật chính. Cách kể chuyện chậm rãi và đầy cảm xúc, phase 1 của phim kết thúc với khung cảnh chuyến tàu dần đưa Takaki rời xa Akari khi mà bức thư của cậu đã bị thổi bay mất còn Akari thì không đưa bức thư của mình cho cậu bé.
Phase 2 bắt đầu, lần này chúng ta được nghe câu chuyện thông qua lời kể của Sumida Kanae. Kanae đã yêu Tohno ngay từ khi cậu mới chuyển đến, nhưng cậu ta chỉ luôn nhìn về một hướng xa xăm nào đó và cố tình không nhận ra tình cảm của Kanae.
Phase 3 của phim, lúc này Tohno đã lớn và trở lại Tokyo để làm việc. Sau một thời gian cô đơn quá lâu thì Tohno cũng đã trải qua quan hệ với vài cô gái tuy nhiên sự ám ảnh của anh về Akari vẫn quá lớn, anh không thể nào quên được cô và đều khiến cho những cô gái yêu thương anh phải nhận lấy sự đau khổ.
Sau cùng thì bộ phim kết thúc với cảnh hai người gặp lại nhau nhưng lại lướt qua nhau rất vội ngay tại đường tàu năm xưa. Hai người nhận ra nhau, nhưng lại lướt qua nhau, đoàn tàu tiếp tục cắt ngang hai người họ, nhưng lần này Akari đã tiếp tục bước đi, như muốn nói lại với Tohno lần nữa rằng anh rồi sẽ ổn thôi, cuộc sống này không đến nỗi quá tệ và anh nên mở lòng ra với những cô gái khác.
Bộ phim kết thúc với cảnh hoa anh đào rơi tuyệt đẹp trên đường ray xe lửa, với Tohno đang đứng nhìn sang bên kia đường, nơi mà Akari không còn đứng chờ anh nữa, anh mỉm cười bước đi và khung cảnh trở nên trống vắng đến nao lòng, lúc này tim tôi hẫng lại một nhịp, có cái gì đó bị đục rỗng bên trong tôi vậy.
Cốt truyện
Cốt truyện của 5 cm/s giây không có nhiều nổi bật. Vẫn là một kịch bản quen thuộc, rất đời thường, mang đậm tình cảm ngây thơ của tuổi học trò nhưng cũng rất trưởng thành. Vì sợ sau này không thể gặp lại được Akari nữa nên Takaki mới không ngại đường xa, bắt tàu điện đến thăm cô bé lần cuối. Cũng vì sợ sẽ không thể gặp lại Takaki nữa nên Akari mới không dám đưa lá thư mình viết cho cậu, cô không muốn Takaki phải sống mãi trong nỗi nhớ về cô, cô còn dặn Takaki trước khi chia tay: “từ giờ cậu sẽ ổn thôi, nhất định thế”.
Điểm thú vị là có một vài hình ảnh ẩn giấu và ẩn dụ trong phim tôi chợt nhận ra vô cùng hay. Như cảnh lúc đầu phim chỉ có một chú chim lẻ loi bay trên bầu trời, lúc mà hai người chưa bị chia cắt hoàn toàn, nhưng đến cảnh B-Roll cuối phim thì lúc này chú chim đã có bạn đồng hành cùng bay trong bầu trời đầy tuyết trắng lạnh lẽo, còn hai nhân vật của chúng ta lúc này đã cùng ở chung một thành phố nhưng tuyệt nhiên không gặp lại nhau.
Có một cảnh trong đoạn teaser hoặc trailer gì đó tôi cũng không nhớ rõ, lúc Takaki và Akari còn nhỏ hai người đi sang một đường ray tàu điện, lúc này hai người cũng bị chia cắt bởi đoàn tàu nhưng Akari đã đứng lại chờ Takaki. Nhưng vào đoạn cuối phim cô quyết định sẽ không chờ anh nữa. nhưng chúng ta không thể trách được cô, trong đoạn B-roll của phim có vài khung hình lướt qua cho thấy cô đã đi tìm Takaki đến vài lần và cô cũng rất mong chờ thư liên lạc từ anh.
Chuyện tình chỉ đẹp khi đó là một chuyện tình buồn.
Thật vậy, tôi khắc khe với Your Name cũng chỉ vì cái kết có hậu của nó khi mà hai nhân vật chính đã gặp lại được nhau, tôi cảm thấy bất công cho Takaki và Akari. Vì khi xưa tôi cũng có một người bạn gái, lúc đó cả 2 cũng chỉ mới học tiểu học như 2 nhân vật chính, nhưng rồi đến cấp 2 hai người bị chia cách, không đến nổi người Bắc người Nam nhưng lại khác trường, cả 2 có những người bạn mới, những mối quan hệ đều mới và rồi dần dần rời xa nhau mặc dù vẫn thỉnh thoảng gặp nhau. Đến cấp 3 thì cả 2 bị chia cách thật sự, một người Sài Gòn 1 người ở tỉnh, đại học thì một người ở tỉnh một người SG. Số phận trêu ngươi là thế đấy. Có thể vì đồng cảm mà tôi mới cảm thấy 5 cm/s hay đến như vậy.
----------
Mình là Châu Chấu love all <3
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất