Thời gian ghê gớm thật - nó tặc lưỡi nói! Tính đến hôm cũng đã 1 năm 3 tháng rồi nó không viết gì trên Spiderum. Hôm nay, nhân lúc hoàng hôn còn neo trên mái ngói, lúc nắng chiều còn rớt từng giọt lên vai, lúc ngọn gió còn thổi bay chiếc lá vàng đẫm mùi nắng cháy. Bỗng dưng, cái tâm hồn “thi sĩ” nhỏ bé trong nó trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hò hét và biểu tình dữ dội, chúng trách sao bản ngã của nó lại ích kỷ đến thế, đã chôn vùi nó sâu một góc phòng và cuộn tròn nó lại bằng những bộn bề, vội vàng của cuộc sống lâu đến vậy? Tại sao? Nó cũng chẳng biết? Chỉ duy nhất một điều chắc chắn lúc này-nó muốn đòi lại cuộc sống của nó. Cũng đúng thôi! Nó cần một nơi để gửi gắm “bản ngã” của mình. Vừa hay, nhân vật nó trong câu chuyện vừa chén xong cuốn “Tôi quyết định sống cho chính tôi” của Kim Suhyun do dịch giả Đỗ Phương Nhung dịch. Thôi thì dành tặng các bác vài trích dẫn của cuốn sách vậy.                    
       Thú thật thì trước giờ nó không ưng thể loại seo-hép lắm, nhưng vì mỗi giai đoạn sẽ có những chông chênh khác nhau, nó cũng đang trong giai đoạn mất phương hướng trên “quản lộ cuộc đời” của nó. Thật may, lại gặp đúng bản đồ nó cần tìm và liều thuốc hữu hiệu xoa dịu tâm hồn héo mòn ngay lúc này của nó. Cuốn sách là một thể loại tản văn nên không quá hô hào và sâu sắc như của Dale Carnegie hay Hạt giống tâm hồn, mà giọng văn khá nhẹ nhàng và an ủi. Một lời khuyên chân thành cho những bạn (đặc biệt là nữ) đang thiếu nội lực và mất phương hướng với bản thân mình, nên tìm đọc quyển sách này một lần. Thật!
1. Việc tồn tại một cách bình thường là: Không đố kị với những gì không thuộc về mình. Chịu đựng những ánh nhìn lạnh lùng để sống một cuộc đời của chính mình.
2. Để giữ tôn nghiêm của bản thân trước những con người hèn hạ thì chúng ta cũng cần sự phản kháng tối thiểu.
3. Trong một cuốn sách có nhan đề "Tự chuốc khổ vào thân" có viết rằng: cách dễ nhất để tự chuốc khổ vào thân là ngó nghiêng cuộc sống của người khác và so sánh với cuộc sống của mình.
4. Dù Âu lo, đau đớn rên rỉ hay ghét bỏ thì “họ” cũng chỉ là những người đi ngang qua cuộc đời ta mà thôi.
5. Chúng ta có vẻ rất thích định lượng bất kể điều gì bằng con số nên cũng vui vẻ tự trói mình vào các thước đo. Tuổi tác-chiều cao-thành tích học tập-cân nặng-điểm số-lương bổng-diện tích căn nhà. Xoá đi những con số thì bạn là ai?
6. Tôi cam đoan rằng bất cứ ai làm tổn thương người khác trong thế giới này đều không thể hạnh phúc.
7. Trái nghĩa với yêu thương không phải là căm ghét hay phẫn nộ mà là thờ ơ. Trái nghĩa với sinh không phải là tử hay trở lại mà là “ý thức phòng ngự”. Ý thức phòng ngự luôn đẩy người ta ra bên lề cuộc sống của chính họ.
8. Định luật xa gần của tổn thương: Bạn đứng gần tổn thương thì bạn sẽ thấy nó to lớn. Bạn đứng xa tổn thương thì bạn sẽ thấy nó nhỏ bé.
9. Người mà bạn cần tôn trọng trước nhất chính là BẢN THÂN.
10. Chúng ta cần tôn trọng cuộc sống của mọi người và có quyền tôn trọng cuộc sống của bản thân. Cái giá của việc miệt thị cuộc sống bình thường của người khác là nỗi bất an cho con cái của chính mình.
11. Bản chất của lòng tự trọng là niềm tin tưởng vào bản thân. Việc tạo dựng lòng tự trọng thông qua việc thử thách người khác chính là từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống của bản thân. Sống theo kì vọng của cha mẹ không phải là tình yêu mà là nỗi ám ảnh ép buộc và nợ nần.
12. Nếu bạn chỉ sống và theo đuổi những giá trị bên ngoài mà không nhìn lại nội tâm thì bạn chỉ sống trong sự so sánh mà thôi. Và kết quả là bạn không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống mà chính mình đã chọn. Chúng ta không cần trở thành bất cứ điều gì ngoại trừ CHÍNH MÌNH.
13. Thế nào là học sinh giỏi? - Có nhiều cách định nghĩa.
Thế nào là sống tốt? - Cũng có nhiều lựa chọn.
Chúng ta có quyền đưa ra câu trả lời riêng. Chúng ta không trả lời sai chỉ là trả lời khác thôi.

14. Sự đồng hoá trải nghiệm có thể khiến bạn ngộ nhận về bản thân và sau đó, thấu hiểu về bản thân.
15. Lựa chọn, chịu trách nhiệm, tin tưởng - ba hoạt động này đan xen như các bánh răng ăn khớp với nhau. Khi đó, chúng ta mới có thể sống tự chủ. Và cách sống được thể hiện qua lòng tự trọng. Dù “Gia Cát Dự”* có sống này cạnh nhà bạn thì bạn cũng không thể nhờ ông ấy quyết định hộ cuộc đời bạn.
16. Những gì chúng ta cần không phải là một sở thích hợp lí để điền vào phần tự giới thiệu trong sơ yếu lí lịch tự thuật mà là một sở thích cá nhân thực sự. Vẻ đẹp và sự lãng mạn của cuộc sống nằm ở đó.
17. Nếu bạn không thực sự hiểu mình thì bạn không thể làm chủ được mình. Vì vậy, để thế giới nội tâm của chúng ta yên bình hơn, chúng ta cần phải biết tiếp thu và tự nhận thức được khiếm khuyết của bản thân. Khi bạn thấu hiểu chính mình, bạn sẽ thiết lập được một ngưỡng cho phép, chấp nhận và báo dung với những ham muốn tiềm ẩn của mình. Từ đó, bạn có thể thông cảm với người khác như với chính mình. Khoảng khắc bạn đối diện với chính mình, chấp nhận cả điều mình thích và không thích, lúc đó bạn không trở nên ngạo mạn mà đang sống như một con người. Không ai hoàn hảo nên chúng ta không việc gì phải chối bỏ điều đó. Bạn sẽ chán ngấy việc kiêu ngạo mà giả vờ hoàn hảo.
18. Bi kịch lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là tài năng không được hoán đổi thanh tiền và dần dần trở nên vô giá trị.
19. Ai cũng tin lời thầy bối thay vì tin vào sức mạnh của chính mình. Cách nói dối đơn giản nhất là gắn thêm trạng từ “mãi mãi”.
20. Trên thế giới này không có nỗi bất hạnh nào là ngoại lệ. Khi một việc không mong muốn xảy ra, người này coi đó là điều không may nhưng biết đâu người khác lại coi đó là chuyện thường tình. Hạnh phúc được quyết định ở điểm này.
21. Chỉ khi nào đưa ra cách giải quyết thực sự, chúng ta mới có thể tự do. Khi nhìn lại con đường phía sau, việc bạn cần làm không phải hối tiếc mà là đánh giá. Khi nhìn về con đường phía trước, việc bạn cần làm không phải là lo lắng mà là phán đoán.
22. Để thấy được vấn đề thực sự, không phải suy nghĩ nhiều thế nào mà là suy nghĩ sâu sắc đến đâu.
23. Nếu chúng ta cứ yên vị một chỗ thì thế giới có thể đào thải chúng ta bất cứ lúc nào, dù làm gì chúng ta cũng phải chăm chỉ thì mới cảm thấy an tâm. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm bây giờ là sống một cuộc đời trọn vẹn.
24. “Tôi đã suy nghĩ điều này khi người khác đổ lỗi và chửi bới tôi. Mọi người chửi bới tôi thì tôi cũng không vì thế mà tổn thương, mọi người khen ngợi tôi thì tôi cũng không vì thế mà trở thành thánh thần. Vì vậy, mọi người làm gì thì làm, tôi sẽ không vì thế mà tổn thương hay trở thành thánh thần. Tôi sẽ sống cuộc sống của tôi.” - Kim kyung.
25. Mối quan hệ không tìm được sự cân bằng chẳng thể tránh khỏi sự sụp đổ.
26. Không tổn thương người khác là một đức tính rất quan trọng nhưng tự bảo vệ mình cũng là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Tấn công trước là có lỗi, tự vệ không có lỗi.
(*) mình nghĩ là Da Cát Lượng chứ nhỉ? Hay Da Cát Dự là một hình thức mỉa mai chăng?
#2 điều mình không thích ở quyển sách này:
1. Sách in canh lề, viết hoa, và bố cục không rõ ràng, xuống dòng cục bộ nên giọng văn lúc đọc bị ngắt quãng liên tục.
2. Tác giả viết hơi dài dòng và đôi khi trùng ý, thiếu chú thích câu nói hay trích dẫn trong bài viết.

P/S: Dù sao thì nội dung sách vẫn rất đáng để đọc, tác giả chia thành nhiều phần nhỏ nên trích dẫn cũng hơn 40 câu, nếu các bác hứng thú thì sẽ có cóm-mìn son cho phát 2 nha! ^^
Đọc thêm: