- Gì?! Em định viết sách về Trần Lập ấy hả?
- Vâng…
- Thế là em phải nhập vai vào nhân vật dữ lắm!
- Sao lại nhập vai? Em viết về anh ý qua góc nhìn của em chứ!
- Là sao? Anh tưởng em viết theo kiểu “Tôi là Trần Lập”?
- Không! Em có phải anh ý đâu…
- Hửm? Anh nghĩ nếu anh là độc giả, anh sẽ cân nhắc đầu tiên em là ai, sau đó mới là nhân vật em viết thế nào.
….
Đây chính đoạn mở đầu cuốn Rong chơi về nhạc sĩ Trần Lập được mình viết vào năm 22 tuổi. 
22 tuổi xuất bản sách! 
Thú thực có nằm mơ mình cũng không nghĩ rằng vào năm 22 tuổi mình sẽ xuất bản một cuốn sách. Hơn nữa lại còn là viết một cuốn sách về cuộc đời của Trần Lập - một nhạc sĩ nổi tiếng, được coi như bức tượng đài của nền nhạc Rock Việt Nam. Và mình càng không ngờ được rằng, trong khi mình đang viết cuốn sách này thì anh Lập phát hiện bị ung thư, và sau khi cuốn sách chính thức được ra mắt được vài tuần thì anh Lập qua đời. Đột nhiên, mình trở thành nhân chứng cho câu chuyện đẹp đẽ về cuộc đời anh, đặc biệt là trong những ngày tháng cuối đời, khi mà biến cố bất ngờ này đã biến chuyển tâm thức của anh hoàn toàn, khác hẳn với những ngày đầu tiên mình được gặp anh.

Cơ duyên

Trở lại với mình của 22 tuổi, hay đúng hơn là 21 tuổi. Vì cuốn sách bắt đầu viết vào năm 21 tuổi và 6 tháng sau thì hoàn thành. Hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao mình - một kẻ chưa hề có tên tuổi - lại trở thành người chắp bút viết cuốn sách về Trần Lập? Chính mình cũng không hiểu rõ. Cuộc đời mình đã từng xảy ra nhiều điều kỳ lạ và kỳ diệu đến nỗi mình không thể tin rằng mọi thứ chỉ là ngẫu nhiên, và hẳn phải tồn tại một thứ gọi là vận mệnh. Vận mệnh đã sắp đặt để ngày đó, giờ đó, mình sẽ cần phải ở đó, gặp con người đó, chứng kiến những câu chuyện kỳ diệu đó để kể lại cho đời.
Năm 21 tuổi đó, mình chia tay người yêu cũ. Đó là một cú sốc rất lớn, cũng là một nỗi đau lớn góp một phần vào cơn trầm cảm của mình sau này. Nhưng chuyện đó cũng là một cú hích lớn ép mình phải bứt ra ngoài để tỏa sáng. Bao giờ cũng vậy, sau mỗi lần chia tay, mình đều tập trung vào công việc hơn, và có những bước phát triển nhảy vọt. Nhờ cuộc chia tay đó, lần đầu tiên mình quyết định sẽ xách balô lên và đi du lịch một mình. Mình chọn đi Huế, bị thôi thúc như vậy mà chẳng hiểu tại sao, trong tay chỉ có liên lạc của một người chị được bạn giới thiệu, mà mình còn chưa từng gặp chị ấy bao giờ. Khi đi, mình nghĩ sẽ nhân chuyến này để tìm hiểu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và làm một số radio Chân dung âm nhạc về ông. Và bất ngờ thay, người chị ấy đã gửi cho mình liên lạc của con trai của học giả Bửu Ý - một trong những người bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mình men theo những chỉ dẫn và được gặp bác Bửu Ý. 
Bác không nói chuyện với mình quá nhiều, nhưng lại lục tìm trên giá sách của bác những tư liệu, bài báo, bài viết về Trịnh Công Sơn để đưa cho mình, rồi bác lấy thêm vài cuốn sách bác viết về Huế, về Trịnh Công Sơn, về cuộc đời tặng cho mình nữa. Văn phong của bác đẹp đẽ, mượt mà, chỉn chu, đầy những từ vựng xa xưa của thế hệ trước mà thời nay chúng ta đã ít khi còn thấy. Những con chữ đầy sức nặng, mà khi đọc, dù mình nhiều lúc không hiểu nổi từng tầng nghĩa, nhưng vẫn cảm được vẻ đẹp của thanh âm. Mình - một đứa trẻ ưa viết lách, từng dành cả thời cấp 2, cấp 3 để tập tọe viết truyện ngắn, mơ ước ngày nào đó sẽ xuất bản được một cuốn sách, bỗng một ngày được gặp gỡ một cây bút lớn hơn mình gần sáu chục tuổi, và được bác trao tặng cho những cuốn sách của mình. Ngày đó, mình đã nhận sách mà chẳng nghĩ gì nhiều. Nhưng chỉ một tháng sau, khi mình đột nhiên được chị Khuyên Trần ở Alpha Books giới thiệu với nhà xuất bản 1980 Books để viết sách về nhạc sĩ Trần Lập, thì mình chợt nhận ra chuyến ghé thăm miền chữ nghĩa của học giả Bửu Ý dường như chẳng hề ngẫu nhiên một chút nào.
Vậy vì sao mình được giới thiệu ư? Trong số Majita podcast lần trước: Mình đã chạm tới giấc mơ phát thanh viên như thế nào, mình có nhắc đến chuyện: trong những năm tháng sinh viên không được nơi nào nhận làm MC, có đúng một lần mình được nhận làm cộng tác viên thu âm sách nói cho nhà xuất bản, nhưng đọc chán quá nên bị cho nghỉ, thì vâng, đó chính là Alpha Books. Tuy vậy, trong một tháng làm cộng tác viên ấy, mình đã kịp giới thiệu với chị Khuyên (lúc ấy là chị là biên tập viên ở đây) rằng: “Em có học khoa tiếng Anh và muốn được làm cộng tác viên dịch sách”. Kể từ đó mình bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, ban đầu là biên tập sách, rồi dịch sách tới tận bây giờ. Nhưng hồi đó, cái thời được chị Khuyên giới thiệu với anh Nguyễn Tuân - giám đốc NXB 1980 Books, để viết sách về nhạc sĩ Trần Lập ấy, mình mới chỉ là cộng tác viên biên tập sách, chưa từng khoe với ai rằng mình thích viết lách, từng viết truyện. Và mình cho tới tận bây giờ vẫn không hiểu vì sao chị Khuyên lại nghĩ rằng mình có thể viết sách và giới thiệu mình với anh Tuân. Trực giác làm nghề của chị mách bảo ư? Hay đó là một phần của vận mệnh?
Bất kể lý do là gì thì cơ hội đã đến, và mình quyết định bắt lấy. Khác với nghề phát thanh, mình luôn sống trong mặc cảm tự ti là mình kém cỏi; mình với nghề viết, chẳng hiểu sao lại có cảm giác rất rõ ràng rằng: mình có thể làm được. Dù sau này đến khi thực sự bắt tay vào viết cuốn Rong chơi, mình mới thấy: 
“Ôi không, viết sách thực sự không đơn giản. Nhất là viết về nhân vật này, và đặc biệt là câu chuyện này.”
* * *
Rồi mình và anh Nguyễn Tuân hẹn gặp anh Trần Lập. Mình giới thiệu bản thân, bày tỏ những lo lắng của mình về việc mình chẳng có tên tuổi gì lại muốn viết về anh. Anh gạt vấn đề đó đi, tỏ ra chẳng quan tâm, nhưng lại hỏi về động lực viết sách của mình là gì. Mình thẳng thắn nói với anh rằng, có một điều mình rất tự tin khi viết đó là mình làm việc có tâm, và mình mong muốn được là người kể ra những câu chuyện đẹp cho đời. Rồi hai anh em bàn về sự trung thực trong khi viết sách. Anh nói thẳng: 
“Đã có những bài báo, bài viết tung hô bọn anh lên mây, nhưng anh không thích và không chia sẻ nó. Em cứ viết đúng góc nhìn của một người yêu nhạc muốn tìm hiểu đi, có điểm mù thông tin nào thì cứ hỏi.”
Với một người cả cuộc đời bị ám ảnh với Sự chân thật như mình, lời này đã là quá đủ. Viết chân dung về một con người chẳng phải chính mình là một việc quá khó, mình chỉ có thể viết thật nhất về cảm nhận của mình về người đó mà thôi.

Bắt tay vào viết sách

Vậy là mình bắt đầu có những cuộc hẹn cà phê trò chuyện cùng Trần Lập để tìm hiểu về anh, cũng như các góc nhìn của anh về cuộc sống. Lúc mới đầu, bên NXB muốn khai thác khía cạnh thú chơi moto, đi phượt của anh. Mình cũng được anh Lập sắp xếp tham gia một chuyến đi ngắn trong ngày để hiểu hơn về khía cạnh này. Nhưng thú thực, suốt 3 tháng đầu viết sách, mình viết cực kỳ trầy trật. Có gì đó thiếu thiếu ở đây. Mình không cảm được, mình không phải là dân chơi moto để cảm nó. Và giả như mình có cảm được nó, thì đó là cái cảm của mình về nó chứ đâu phải của Trần Lập. Mà nếu viết về cái cảm của Trần Lập về thú chơi mô tô, đi phượt này, thì thà đọc bài anh viết trên Facebook còn hay hơn. Mình cứ vật vã lên xuống, viết viết gõ gõ mà vẫn thấy bế tắc cực kỳ. Trong khoảng thời gian đó, có đôi lúc mình áp lực, đầu mình lại văng vẳng lời anh Tuân nói về việc cuốn sách này chẳng ảnh hưởng đến danh tiếng của cả nhà xuất bản và anh Lập, chứ chẳng ảnh hưởng đến mình mấy đâu. Thì đúng rồi, có ai biết mình là ai đâu mà ảnh hưởng, huhu…    
Ngày 4/11/2015, cuốn sách đã viết được hơn 100 trang, mình đã gửi bản thảo cho anh Lập và hẹn anh ở quán cà phê để nói chuyện về cuốn sách. Đó là một cuộc nói chuyện rất dài phân tích về từng trang sách, và toàn bộ câu chuyện là những chia sẻ ý nhị của anh rằng thì mà là… sách dở. Ừ, tất nhiên anh không nói thế đâu, nhưng mình hiểu được điều đó. Chính mình cũng cảm thấy nó nông choèn và cạn cợt. Ngày hôm đó anh bảo với mình rằng anh có lịch khám ở bệnh viện. Và tối hôm ấy anh thông báo trên Facebook rằng anh bị ung thư. 
Cuộc đời anh lật nhào sang một trang khác. Cuốn sách cũng lật nhào sang một trang khác. 
Và cuộc đời mình cũng lật nhào sang một trang khác. Vì ngay sau đó một thời gian ngắn, mẹ mình bị đột quỵ…
Mình ngày đó đã mơ màng đi qua một quãng thời gian đầy khó khăn và kỳ lạ trong đời. Và về sau này, khi cuộc đời xảy ra thêm vài biến cố nữa, thì mình mới dần dần quen với cái sự khó khăn đính kèm kỳ lạ ấy. Ngày ấy, mẹ bị đột quỵ, phải nằm trong khoa cấp cứu suốt 2 tuần, cả người trương phềnh vì truyền thuốc. Bố ngày ngày túc trực, ngủ ngoài hành lang bệnh viện, ngay sát phòng cấp cứu để trông mẹ. Còn hai chị em thì thay phiên vào viện với bố. Sau hai tuần, mẹ được ra viện, mình theo bố mẹ về quê. Mình vừa ở nhà với bố mẹ, phụ bố chăm mẹ, vừa tiếp tục viết sách. 
Hồi đó, bố thấy mình viết sách về Trần Lập thì tỏ ý ngờ vực, nói: đừng tưởng viết sách dễ như thế. Mình biết không dễ, mình mệt chết đi ấy. Có những lúc vừa viết mình vừa than trời rằng sao không dưng lại đâm đầu vào cái việc này, khó quá đi. Mình cảm thấy mình đã đặt ra cho bản thân một thử thách vượt quá sức của chính mình. Nhìn một trăm trang bản thảo hời hợt đã viết, mình biết sẽ chẳng ra được cái gì nếu cứ đâm đầu vào viết về hướng thú vui đi phượt với mô tô này. Đến một điểm bế tắc quá, mình quyết định: một trăm trang này mình bỏ tất, giữ lại đúng chương đầu. Mình vẫn giữ nguyên tên sách như ý định ban đầu là Rong chơi. Nhưng mình quyết định sẽ viết chủ yếu về thú chơi lớn nhất của cuộc đời Trần Lập, cũng là điều khiến mình được truyền cảm hứng nhất ở anh. Và dĩ nhiên đó chính là - âm nhạc. 
Suốt những ngày kế tiếp, mình đâm đầu vào nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của làng nhạc Rock Việt Nam, về tầm ảnh hưởng của Bức Tường và Trần Lập đối với Rock Việt. Mình viết về Trần Lập, về Bức Tường, nhưng viết về anh và ban nhạc trong một bối cảnh bao quát. Mình lùng sục thông tin trên cõi Internet, đọc hết những bài báo viết về các liveshow nhạc Rock, đọc hết câu chuyện, những chia sẻ của người yêu nhạc Rock. Mình liên hệ những người có liên quan để có thêm tư liệu. Mình điểm lại toàn bộ những sự kiện quan trọng của Bức Tường, phân tích ảnh hưởng của ban nhạc đối với nền nhạc Rock. Mình phân tích những được và mất, những thăng và trầm mà Trần Lập và Bức Tường đã đi qua. Trong suốt những ngày tháng đó, nhiều ngày liền mình thức trắng đêm. Mẹ mình thấy mình hốc hác, xót con gái liền bảo: 
“Nếu viết khó quá thì bỏ đi, mẹ cho tiền để con đền bù hợp đồng.”
Mình đáp lại: “Phần khó nhất đã qua rồi. Con viết được.”
Mình viết được hai phần ba cuốn sách thì gửi bản thảo cho Trần Lập. Anh đọc hết, trả lời tin nhắn:
“Anh rất bất ngờ vì thấy em quyết đoán viết lại toàn bộ như vậy.”
Cũng trong quãng thời gian ấy, Trần Lập cùng ban nhạc quyết định tổ chức liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Anh Lập đề nghị mình làm tình nguyện viên đứng sau hậu trường để có thêm trải nghiệm viết sách. Mình đồng ý ngay, quay lại Hà Nội, hẹn gặp nói chuyện với anh và sau đó có mặt ở liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Hồi đó, khi mình quyết định không ở nhà với mẹ nữa để lên Hà Nội làm công việc này, có người không hiểu từng trách mình là con mà không ở nhà chăm sóc mẹ, dù lúc đó sức khỏe của mẹ đã khá hơn. Mình tủi thân vì không được thông cảm, nhưng vẫn quyết định làm việc muốn làm. Trong mình lúc đó có một hối thúc là cần phải viết cuốn này nhanh lên kẻo không kịp. Mình không biết là không kịp cái gì, vì hồi đó không ai nghĩ anh Lập sẽ ra đi nhanh như vậy. Mình chỉ biết rằng ngày đó, giờ đó, mình sẽ cần ở đó, và hoàn thành công việc đó.
* * *
Cuộc hẹn cà phê lần này với Trần Lập cho mình cảm giác hoàn toàn khác với lần gặp trước. Khác về cách anh đón nhận cuốn sách, anh ghi nhận nội dung mới của cuốn sách, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên vì mình đã ghi lại được chính xác những sự kiện từng xảy ra trong quá khứ. Và cuộc gặp này cũng cho mình cảm giác khác về chính con người anh. Trần Lập sau biến cố đã thay đổi hoàn toàn thái độ với cuộc đời. Trước đó, khi mình gặp anh, mình thấy rõ nỗi buồn của một người nghệ sĩ đã cống hiến cả đời mà không được công nhận, cả về tiền bạc lẫn giải thưởng danh giá. Nhưng Trần Lập bây giờ chỉ muốn được tiếp tục hát và cống hiến. Anh đã nhìn thẳng vào mắt mình và nói:
“Hãy cứ cống hiến hết mình đi và đừng tính toán thiệt hơn gì cả.”
Và rồi mình có mặt ở liveshow Đôi bàn tay thắp lửa. Đó có lẽ là liveshow hay nhất mình được có mặt trong đời. Trần Lập của ngày hôm đấy cũng là Trần Lập thăng hoa nhất. Đó là liveshow của tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn, tình anh em, tình người với người. Mình ở sau cánh gà, nhìn hàng ngàn ánh đèn flash rực sáng, khóc như mưa. 
* * *
Rồi cuốn sách được hoàn thành, anh Lập đọc bản thảo, nhắn tin ngắn gọn: “Sách xuất bản được rồi.” Lúc này sức khỏe anh đã yếu đi nhiều. Cuốn sách được biên tập, đăng ký xuất bản, in ấn một cách gấp rút. Sách chính thức được xuất bản 2 tuần thì Trần Lập qua đời. Vì tính chất tế nhị của sự kiện này, nên cuốn sách cũng không hề có buổi ra mắt sách như thông lệ. Cuốn sách đã xuất bản, đến với ai cần đến. 
Công việc của mình đã hoàn thành, dù mình đánh giá bản thân viết cũng thường thôi, nhưng đó là thành quả tốt nhất mà mình có vào thời điểm bấy giờ. 

Chiêm nghiệm sau 8 năm

Mình của 22 tuổi, khi viết cuốn sách đầu tay về Trần Lập và thú chơi âm nhạc, đã từng viết: 
“Với anh, âm nhạc dĩ nhiên không chỉ là một thú chơi, cũng không chỉ là một nghề làm hay không cũng được. Âm nhạc là nơi tâm hồn anh được cứu rỗi, con người anh được lớn lên. Âm nhạc cho anh những mối quan hệ quý giá, những tình bạn, tình anh em rất đỗi chân thành. Âm nhạc đẩy anh tới những cánh cửa lớn lao của cuộc đời, và thách thức anh phải bước qua. Âm nhạc, với Trần Lập, đã trở thành mạch sống.”
Mình của 22 tuổi, khi viết cuốn sách đầu tay về Trần Lập, là một con bé vừa ra trường, chỉ vô tình bước chân vào con đường văn chương. Mình từng nghĩ văn chương nghệ thuật là một thú chơi, làm hay không cũng được. Nhưng sau 8 năm, mình mới nhận ra rằng nghệ thuật cũng là nơi mình được cứu rỗi, con người mình được lớn lên. Mỗi một lần xảy ra biến cố, mình lại phải trở về với mạch nguồn sáng tạo thì mới có thể vượt qua. Và nghệ thuật với mình của bây giờ cũng chính là mạch sống. 
Mình của 22 tuổi, khi viết cuốn sách đầu tay về Trần Lập, đã đặt tên cuốn sách là Rong chơi, và đã viết: 
“Suy cho cùng, ai chẳng thích được chơi và làm những điều mình thích. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng đủ can đảm theo đuổi điều mình đam mê, cũng chẳng phải ai cũng dám chơi đến tận cùng. Và nếu đã lựa chọn sống một đời rong chơi, thì phải chơi thế nào cho có giá trị? Sống thế nào cho ý nghĩa? Tất cả những câu hỏi đó đều cần có tháng năm trải nghiệm để tìm ra câu trả lời.” 
Mình đã đánh dấu cột mốc vào đời bằng việc viết một cuốn sách về một dân chơi thực thụ, một người chơi trọn đời. Và suốt 8 năm nay, chính mình cũng đã sống một cách đầy lông bông rong ruổi với những giấc mơ, những thú chơi của bản thân như thế. Mình sau 8 năm, tiền không có, chỉ có những giấc mơ đã và đang trên con đường thành hiện thực, và một tâm hồn đã có thêm rất nhiều trải nghiệm sướng khổ buồn vui đủ cả. 
Mình của bây giờ vẫn tiếp tục chọn hành trình Rong chơi này. Và mình vẫn giữ tâm niệm được anh Lập gửi gắm từ ngày đó, rằng “Cứ cống hiến hết mình đi”. Nhưng mình không phải là không suy tính gì cả, mà sẽ tính toán sao cho với mỗi điều mình cho đi đều không cảm thấy bản thân phải chịu chút thiệt thòi nào. Để bản thân: đã cho thì không tiếc, mà đã tiếc thì đừng cho, kiểu vậy. 
Bài học hẳn vẫn còn dài, và câu trả lời cho những câu hỏi mình đặt ra trong cuốn sách chắc chắn vẫn đang đợi năm tháng trải nghiệm để trả lời.
Majita. 5.1.2024
------------------
Bài viết nằm trong Series Chuyện mơ trên Majita Podcast đang phát sóng vào 8h tối thứ Bảy hằng tuần trên kênh Youtube Majita House và kênh Spotify Majita Podcast.
Để lắng nghe số podcast này, mời bạn click dzô đơiii:
- Youtube:
- Spotify:
https://open.spotify.com/episode/1wCBuKHOIhNZ6Oh6VLYgc7?si=HgD0NascRBCgB0c5LkD4Bw
Xin chào, mình là Majita - một tác giả, dịch giả, một podcaster tự do và là một đứa trẻ đang chơi đùa với đủ môn nghệ thuật trên đời.... * Và nếu bạn cũng có những tâm sự hay giấc mơ của riêng mình muốn được lên sóng Majita Podcast, hãy inbox trên fanpageFB Majita House hoặc gửi thư cho mình vào hòm thư [email protected] nhớ! * Nếu như podcast và các tác phẩm của mình khiến bạn cảm thấy ấm lòng, và có nhã ý nuôi tác giả, thì đâyyyy là số tài khoản của mình nhaaaaa. Mình là podcaster, rất mộng mơ, nhưng không hề chê tiền nhé, hihi: Tên tài khoản: Lê Thu Thủy Số tài khoản: 0080111063005 Ngân hàng MB – Chi nhánh: PGD Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội Cám ơn bạn rứt nhèo!!!