Bài viết là tổng hợp các post với hashtag #mono20years, nhìn lại 20 năm đã qua của MONO, với những sáng tác nổi bật và tâm tư của ba thành viên Takaakira "Taka" Goto, Hideki "Yoda" Suematsu và Tamaki Kunishi.
#1 The Kidnapper Bell
The Kidnapper Bell thuộc album đầu tay Under the Pipal Tree (2001). Bản nhạc là sự hòa trộn giữa âm nhạc tối giản và guitar noise, và bạn có thể nói đây chính là âm thanh cơ bản của MONO. Nghe lại bản nhạc làm tôi nhớ tới những chuyến lưu diễn bão táp đầu tiên tại Mỹ. Tôi nhớ bản nhạc này ồn tới mức amp guitar lúc nào cũng phụt khói vì quá tải. / Taka
#2 Error #9
Đây là bản nhạc đã dạy cho tôi biết rằng cây bass cũng có thể khắc họa đa dạng cảm xúc. Tôi khi ấy vẫn chưa quen với các trình diễn bass giàu giai điệu, và giờ đây cũng vậy, điều đó khiến tôi nhận ra một lần nữa, rằng bass có thể khắc họa được bất cứ sắc độ âm thanh nào từ sự thinh lặng, các biên độ cao thấp của âm thanh, cho tới cảm xúc. Khi nghe bản nhạc, tôi cũng nhớ lại chuyến lưu diễn đầu tiên của nhóm tại Thụy Điển. Ngày ngắn hơn, không khí lạnh lẽo hơn, bầu trời tươi đẹp, và tất cả mọi thứ về chuyến lưu diễn đều hoàn toàn không có. Nếu lúc này tôi lại trình diễn nó, bản nhạc sẽ trở thành một Error #9 hoàn toàn khác so với những ngày trước đây khi tôi hoàn toàn bị cuốn vào thời khắc nó cất lên. / Tamaki
#3 L'America
L’America được viết, lấy cảm hứng từ kiệt tác Spiegel im Spiegel của Arvo Part. Tôi thích nhịp ba/chất waltz vì chúng có một tâm trạng đặc trưng, một nhân sinh quan đặc trưng. Tôi sử dụng nhịp ba trong nhiều bản nhạc như HalcyonMoonlight. Tôi còn nhớ đã viết bản nhạc này khi ngẩng nhìn bầu trời hoàng hôn ngả sang màu cam./ Taka
#4 Human Highway
Sáng tác này tạo ra những cao trào âm thanh mà không cần dùng tới pedal hiệu ứng. Với tôi, đó là một thách thức thật sự và tôi nghĩ sử dụng tứ tấu thay cho hiệu ứng khiến cho âm thanh sâu hơn. Khi chúng tôi ghi âm đoạn kết của 2 cây guitar, tôi còn nhớ tay đang cầm phím không thể nào ngừng run rẩy. / Yoda
#5 Where Am I
Bản nhạc mở đầu của album thứ 2, One Step More and You Die (2002). Đây là bản nhạc đầu tiên chúng tôi sử dụng chiếc Glockenspiel, và cũng là lần chúng tôi tự dạy nhau phối khí cho dàn dây một cách nghiêm túc. Bản thu này được thực hiện tại Nhật. Where Am I mang theo sự cô đơn khi bị ném vào thế gian, thế nhưng bản nhạc lại bọc bởi một cái gì đó ấm áp, hiền hòa. Thậm chí vào lúc này, hết lần này tới lần khác tôi lại nghĩ “mình đang tìm kiếm cái gì, mình đang đi tới đâu đây?” ./ Taka
#6 Com(?)
Bản nhạc mà tôi trình diễn trong lúc mường tượng ra cái bạo liệt tăm tối, uy dũng nhất. Bản nhạc này làm đứt dây bass của tôi hai lần khi diễn, và đây là hai lần duy nhất từng xảy ra trong sự nghiệp trình diễn dài hơi của tôi với bass. Đây là một bài hát thích hợp để cái tôi trẻ trung của tôi trút cơn giận, phiền não và kém thành thật vào đó. Nó khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn mỗi khi diễn xong. Người ta nói rằng âm nhạc cứu vớt con tim con người, nhưng tôi có thể làm an dịu con tim mình chỉ bằng cách trình diễn bản nhạc này. / Tamaki
#7 Sabbath
Tôi nhớ rõ lần thu âm bản nhạc này. Khi hoàn tất thu âm sau nhiều sự cố như cúp điện phòng thu, Taka bất chợt quyết định sử dụng nhạc cụ trong studio làm đoạn mở đầu. Chúng tôi trở nên hào hứng và bắt đầu nghe những khúc playback với nhau. Khi đoạn mở đầu phát ra loa, chúng tôi nghe thấy những âm thanh huyền bí như trời đất quay cuồng. Ngay lập tức, quan điểm chung về Sabbath đã thế là hình thành. / Yoda.
#8 Halo
Mỗi khi nghe bản nhạc này, tôi lại nhớ 3 show diễn ở New York hồi 2002. Chúng tôi hãy còn nông nổi, chẳng có mấy kinh nghiệm hay biết quái gì. Thậm chí còn chẳng có gì đảm bảo cho tương lai, tôi vẫn chẳng cảm thấy sợ hãi mỗi khi quật thật lớn vào guitar. / Taka
#9 16.12
16/12. Tên bản nhạc xuất phát từ ngày sinh của Beethoven. Tôi khi đó đang tìm kiếm một phong cách sáng tác mới cảm xúc và điện ảnh hơn. Album này được thu tại Chicago năm 2003, và thực tế là, đây chính là bản nhạc đầu tiên chúng tôi hợp tác với Steve Albini. Đó là những thời khắc xúc động nhất trong những album thu âm của chúng tôi. Trong nhiều sự kiện diễn ra sau đó, đây cũng là album đầu tiên được ký với hãng đĩa ưa thích thâm niên Temporary Residence, do đó theo cách nào đó, đây chính là bước ngoặt của chúng tôi. / Taka‬
#10 Mere Your Pathetique Light
Guitar và dàn dây âu yếm, ve vuốt tiếng piano đang lịm dần, đơn điệu, tất cả đều riêng lẻ nhưng gắn kết, và rồi bất thình lình, chúng lại oằn lên, đan kết rồi lại ứa tan. Cái mà tôi muốn khắc họa trong số nhiều sự việc đan xen lẫn nhau chính là sức mạnh của việc “tôi hiện hữu ngay lại đây”. Trình diễn piano trên dàn dây mỗi lúc một gia tăng cũng giống như đặt ta vào “hư vô”, và tự nó đã chẳng phải là điều dễ dàng thực hiện. / Tamaki
#11 Halcyon (Beautiful Days)
Đây chính là bản “ode to joy” và cũng là “requiem” (ND: Ode to Joy và Requiem là tên 2 tác phẩm của Beethoven và Mozart, đồng thời có nghĩa "(đường về) hạnh phúc" và "cầu siêu") cho sự nghiệp của MONO. Trong một thời gian dài, chúng tôi không thể nào tìm thấy chỗ đứng của mình trên thế giới. Chúng tôi ắp đầy tức giận và phiền lo, nhưng sau các chuyến lưu diễn kéo dài, chúng tôi đã có người hâm mộ và những đồng nghiệp. Bản nhạc này được viết để bày tỏ cảm xúc nhận lấy hy vọng và ước mơ, cùng sự trân trọng những gì chúng tôi đã nỗ lực. / Taka
#12 A Thousand Paper Cranes
Sau khi bắt đầu trình diễn live khắp trên thế giới, âm nhạc của MONO bắt đầu dần dần được đón nhận. Vào thời gian đó, tất cả những người chúng tôi gặp gỡ trên thế giới đều trao cho chúng tôi những trải nghiệm thật sự đáng kinh ngạc. Tất cả chúng tôi trong ban nhạc cảm thấy ngay vào lúc đó chính là “chúng ta muốn thế giới được hòa bình.” Đây chính là bản nhạc của khúc nguyện cầu đó. / Yoda
#13 The Flames Beyond the Cold Mountain
Bản nhạc mở đầu album thứ 4 You Are There (2006). Với album này, tôi muốn sáng tác một bản nhạc giàu chất điện ảnh, do đó trước tiên tôi viết ra câu chuyện, ngắn thành chương rồi mới bắt đầu sáng tác chúng. 
Album bắt đầu với The Flames Beyond the Cold Mountain, về một người phụ nữ mất đi người chồng yêu thương, nhìn đăm đăm vào núi tuyết để tìm một chốn quyên sinh. Cô hồi tưởng lại tất cả những ngày tươi đẹp trong quá khứ, là lúc bản nhạc thứ hai, A Heart Has Asked for the Pleasure, xuất hiện. Từ bi kịch cái chết đột ngột của người chồng và mất đi tất cả, bản nhạc thứ ba Yearning xuất hiện, là lúc cô đối diện với sự tuyệt vọng, u sầu, đầy oán hận khi không biết phải tìm tới nơi đâu. Chỉ nghĩ đến một nơi để tự kết liễu đời mình, cô bước về một ngọn núi tuyết và tìm thấy một nhà thờ vốn không nên tồn tại ở đó. "Are You There?" Anh có ở đó không?. Bản nhạc thứ 4 là cảm giác về sự hiện diện của người chồng bên trong nhà thờ. Với The Remains of the Days, bản nhạc thứ 5, cô nhận ra rằng linh hồn sẽ không bao giờ tan biến kể cả khi thân xác đã rữa tan, và cô bỗng bọc quanh bởi một luồng ánh sáng ấm áp, khẽ khàng. Trong cảnh cuối Moonlight, cô dần dần tan biến bên dưới ánh trăng, như tuyết, để đến bên người chồng. / Taka
#14 Yearning
Cái ngột ngạt khi nín thở - như sự thinh lặng cực độ chưa hề suy suyễn trong bản nhạc này, kể cả tận bây giờ. Thậm chí ở những đoạn nhạc ồn ã ở nửa sau, tôi vẫn luôn tìm cách thể hiện nó trong lúc diễn, không chỉ mãnh liệt hết mực, mà từ đó bạn có thể hình dung một bóng đêm khổng lồ, huyễn hão. Trong bản thu, tôi cũng trình diễn trên cây Mellotron nhưng âm thanh của nó bị hụt, hoặc cao độ của nốt bị lu đi ở những chỗ không kiểm soát được. Điều này làm cho bản nhạc hay hơn nhưng tôi nhớ mình đã phải vật lộn nhiều hơn dự định ban đầu. / Tamaki.
#15 Are You There?
Phần trình diễn khó quên nhất của bản nhạc này chính là show diễn ở New York, nơi fan của chúng tôi tham dự đêm nhạc kỷ niệm 10 năm MONO thành lập. Địa điểm diễn ra hòa nhạc chính là nơi Einstein đã từng trình bày. Trình diễn với một dàn nhạc và thu âm trực tiếp khiến tôi thật sự lo lắng, nhưng trái lại với nỗi sợ ban đầu, tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra một tiếng nói khác thường của chính mình ngay từ khúc intro. / Yoda
#16 Moonlight
Đây là một bản nhạc rất đặc biệt với riêng tôi, do đó tôi sáng tác về ba thứ đã tồn trong tâm trí.
Cứ mỗi 10 năm một lần, Tamaki lại bảo tôi, “Mình muốn bản nhạc này được chơi tại đám tang của mình.” Câu nói này khiến cho tôi hoang mang; tôi không muốn nghĩ những sự kiện buồn bã dường ấy nhưng đồng thời, tôi cũng cảm thấy vinh hạnh. Moonlight với tôi là một trong những bản nhạc quan trọng nhất mang chứa trong đó ý nghĩa như vậy.
Bản nhạc này thình lình đến với tôi một buổi chiều mùa hè trong chuyến lưu diễn ở Mỹ năm 2004. Không chỉ thế, tôi bắt đầu nghe thấy tất cả thật rõ, từ giai điệu, hợp âm, nhịp, tâm trạng, và âm thanh. Ngay trước show diễn, và vào lúc đó, bọn tôi làm gì có smartphone để ghi âm nhanh ý tưởng thoáng qua, do đó tôi vội nhờ Yoda ghi nhớ phần của cậu ấy và bắt đầu dợt qua giai điệu với cậu, như “Mình sẽ không bao giờ quên được.” Không có gì bảo đảm, nhưng tôi hóa ra đã nhớ trọn vẹn kể cả khi chúng tôi đã về lại Nhật, và cố sức thể hiện lại mọi dấu tích cảm hứng vào thời khắc ấy.
Một thời gian trước trong một phỏng vấn trên tạp chí, tôi từng trả lời rằng “điều này có thể gây ra một vài hiểu lầm, nhưng Moonlight chính thực là sáng tác gốc đầu tiên của tôi.” Tôi muốn nói rằng bản nhạc này chính là cái giống nhất với con người tôi trong số hàng ngàn bản nhạc mà tôi đã sáng tác, kể từ lúc tôi nhặt cây guitar đầu tiên của mình lên và viết nhạc, năm 14 tuổi. 
Cuối cùng, tôi chủ đích cho nó cùng cái tên với bản Sonata Ánh trăng của Beethoven, vì tôi cảm thấy đây chính là sáng tác quan trọng nhất đối với mình. / Taka
#17 Ashes In The Snow
Bản nhạc mở đầu cho album thứ 5 Hymn To The Immortal Wind (phát hành tháng 3/2009). Với album này, tôi muốn tạo ra một âm thanh dữ dội, đậm giao hưởng, tinh tuyền bằng cách kết hợp sức mạnh tàn hủy của chúng tôi trong vai trò một ban nhạc, với tính tâm linh của nhạc cổ điển, theo một cách mới lạ. Đây cũng là album thứ 3 chúng tôi cộng tác với Steve Albini, và chúng tôi cảm thấy hai bên đã thành công trong việc tao ra một âm thanh lý tưởng. Bọn tôi ghi âm ở Chicago cùng 22 nghệ sĩ chơi bộ dây và 2 flute. Trong các sáng tác, chúng tôi nhờ một người bạn vốn là một người viết kịch bản viết ra giúp một câu chuyện, và tôi viết nhạc dựa trên đó. Câu chuyện kể về sự hồi sinh của một chàng trai và một cô gái.
Tôi sử dụng Glocksenspiels ở đầu, bên trái đại diện cho cô gái và bên phải cho chàng trai, để khắc họa linh hồn của họ tìm kiếm nhau theo dòng thời gian (như vang vọng để nhau nghe thấy). Đây là một trong những bản nhạc quan trọng nhất của MONO thậm chí đến ngày hôm nay. / Taka
#18 Silent Flight, Sleeping Dawn
Chúng tôi có trình diễn live kết hợp đầu tiên với dàn nhạc Wordless Music ở New York năm 2009, và về sau với nhiều dàn nhạc khác ở Anh, Úc, và Nhật. Theo đúng tempo của piano chỉ căn cứ vào tiếng nức nở của flute ở nửa đầu sáng tác khiến tôi thật sự muốn phát khóc. Vì tôi đã quen chơi trong ban nhạc, trình diễn với một chỉ huy càng khiến tôi lo lắng. Cuối cùng, khi âm thanh cuối cùng tạo ra mộtthứ ánh sáng thật mỏng manh, chúng tôi đã cảm nhận được sự tựu thành của nhau. Đó là khoảnh khắc chúng tôi trở thành một ban nhạc lớn. / Tamaki
(còn tiếp...)
..
“Chúng ta không bị bó buộc bởi dòng chảy của thời gian. Bên dưới mỗi lớp của thứ mang chứa mà ta gọi là thân xác, vẫn tồn tại duy nhất một linh hồn, nơi ký ức vẫn trường tồn.”
Dịch bởi Space Monkies