Năm tôi cấp 3, anh đến cây xăng sát bên nhà tôi làm.
Anh là nhân viên đổ xăng, anh xa nhà đi làm để bố mẹ dưới quê bớt khổ.
Dang dở việc học, anh mang gánh nặng cuộc đời.
Cơ mà, hiếm có ai có cái tên đúng với vẻ bề ngoài như anh. Anh phong trần, dáng không cao nhưng cơ thể rất chắc khỏe, da anh ngăm đen. Gương mặt anh hiền thấy mụ nội luôn, anh hay cười, cái quần gì cũng cười được. Thói tiền cho khách anh cũng cười. Nhờ vậy mà khách quên bẵng đi cái mệt nhọc chát chúa của nắng Tây Ninh...
...gay gắt,
ngang tàng,
khắc nghiệt.
“Bi, đi học có gì vui không?”.
“Vui chứ, anh để dành tiền đi học đi”.
“Ăn không biết đủ ăn không mà đi học”.
Tôi phì cười. Lần nào qua anh cũng đổ ngót nghét có hai chục, vậy mà đứng lâu ơi là lâu, nói đủ thứ chuyện với anh.
Ngày tôi chuẩn bị lên Sài Gòn học đại học,
tranh thủ lòng vòng, tôi lại ghé ngang đổ xăng. Nắng trưa khiến da anh phủ lên một lớp bóng bẩy là lạ, tự dưng có cảm giác anh từng trải qua nhiều sóng gió vậy đó. Nếu mà đổi lại cho anh làn da trắng thì trông dị lắm, phải đúng cái làn da này thì mới đúng cái tên của anh: Phong!
“Lên đó học, chắc vui lắm hén, ra trường làm kiến trúc sư hả?”.
“Dạ”.
“Là xây nhà hả Bi?”.
“Đại loại vậy đó anh, mốt lấy vợ xây nhà nhớ hú thằng em này nhé!”.
“Chơi luôn mày”.
Tôi tạm biệt anh. Nghe mẹ tôi kể, chủ cây xăng thích anh lắm. Anh thật thà, chân chất.
Cái chân chất của một người đàn ông ở quê, khó tìm lắm…
Năm 3 đại học,
tôi về Tây Ninh, lại ghé sang đổ xăng. Anh vẫn là nhân viên, nhìn tôi anh cười:
“Khỏe không? Lâu quá không thấy”.
“Em ít về mà”.
“Khi nào ra trường Bi, học trên đó vui không?”.
“2 năm lận nữa anh. Học cái mình thích cũng vui lắm”.
“Tao đang ráng để dành tiền đi học, thấy người ta học mà ham quá”.
Khao khát cái gì đó mãnh liệt cũng hay hay. Những khao khát đó cứ ấp ủ, ngày qua ngày, cũng không biết có thành hay không? Phía con đường nhựa trước mặt anh, phủ đầy nắng trưa, nắng làm cho lòng người tự dưng thấy cái đó xa vời lắm, không biết đến khi nào nữa? Mặt anh chùng xuống, vội thối tiền cho tôi rồi ghé sang xe khác...
Ngày tốt nghiệp đại học,
tôi lại ghé cây xăng.
Anh Phong không đứng đổ xăng nữa, giờ anh ngồi tít trong kia, đếm tiền và ghi sổ sách giúp bà chủ. Anh cần cù chịu khó, lại thạo việc nên chủ tin tưởng đưa anh lên làm quản lí, giao hết việc sổ sách cho anh, xem anh như con cháu trong nhà.
Tôi nhìn anh, dáng cúi gầm, ghi ghi chép chép chăm chú. Chẳng có dịp trò chuyện đôi ba câu với anh như mấy đợt trước nữa. Đổ xăng xong, tôi định gọi anh, nhưng lại thôi. Tôi mừng thầm, phong trần sương gió nay phong độ rồi.
Vài hôm cách đây...
...nghe mẹ tôi kể anh đã trốn sang Campuchia. Anh ôm toàn bộ số tiền sang bên đó đánh bạc rồi trắng tay. Bà chủ giận lắm, kiên quyết bắt và kiện anh để anh ở tù.
Ba mẹ nghèo khổ nghe tin, vội bán hết mọi thứ, chạy từ dưới quê lên trả nợ cho anh. Mà đâu thấm tháp gì so với số tiền hơn trăm triệu anh mang đi. Họ nài nỉ ông bà chủ đừng bắt con họ ở tù, rồi ghi giấy nợ để trả hàng tháng. Mẹ tôi nói ba mẹ anh nói chuyện hiền lành, dễ thương và đàng hoàng lắm. Họ xin lỗi rối rít trong nước mắt ngắn dài. Gánh nặng giờ đây, 2 ông bà già cùng nhau gánh lấy. Họ vẫn ở đấy, vừa chống chọi với cuộc sống mưu sinh, vừa ôm lấy tội lỗi của đứa con hoang đàng vào lòng.
Thương con…khóc sao cho hết…
Đâu phải ai cũng chịu khó như anh để có được ngày hôm nay, để được người ta tin tưởng và mến thương. Vậy mà giờ đây, nước mắt ba mẹ lại đổ thêm lần nữa, hằn lên nỗi muộn phiền nặng nề đến nao lòng!
Thương con…đếm sao cho vừa…
Giờ họ chỉ biết chờ ngày thằng con về, để biết con mình vẫn bình an vô sự. Nghe mẹ kể, tôi và Ộp nặng lòng khó tả.
Hồi đó anh hứng chí phấn đấu lắm mà.
Nắng Tây Ninh gắt gỏng đến độ anh chẳng muốn ở đây nữa rồi.
Phong, anh về nhanh đi anh!
Viết vào 11/10/2015