#2 Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau
Mượn Kiều để bình về một lá thư tay vô tình bắt gặp
Mấy nay tôi tìm được thú vui mới, đi vào trong chiếc link full không che của Truyện Kiều, bấm Ctrl+F, và tìm một chữ gì đó chợt nhảy ra trong đầu...
Hôm nay, tôi tìm "chữ".
Gõ thêm một dấu space thì sẽ bớt được một tá kết quả, nhưng vẫn còn mấy chữ như "chủ" lẫn vào. Có điều, đọc cũng được.
Tóm được câu này, thấy cũng hay, đi double check thì thấy có dị bản "Nước non để chữ trùng phùng kiếp sau". Đọc kiến giải theo như bối cảnh của Kiều thì đúng đấy, nhưng thôi, câu trên hợp với ý cảnh của mình hơn...
Chuyện chữ nghĩa trên lá thư tay...
Hôm qua tôi đi thăm thầy, cũng không phải là thầy giáo rất rất đặc biệt, nhưng mà thích thì có thích. Là do hôm trước thầy gặp bố tôi, nhắc đến tôi, mà tôi lại thấy, bằng tuổi này rồi, có thể gặp được một năm, thì hay một năm vậy...
Dù sao, hiện tại chỉ có Tết mới thăm được, 20/11 đã đi làm rồi, còn ngày khác mà mò tới cửa, không khéo lại bị nghi ngờ là tới mời cưới nữa thì chết mất...
Thầy cũng vừa nghỉ hưu, thuận tiện nhắc đến đám học trò của mình.
Thầy nói, sao nghỉ hưu mà toàn giáo viên tự tỏ bày lẫn nhau nhỉ? Sao không cho học sinh nói đôi lời?
Ừ nhỉ? Tôi nhủ thầm.
Thầy nói, đám học trò của thầy cũng làm cho thầy một cái clip, một album ảnh đẹp lắm, em xem không?
Xem chứ, lẽ nào không xem?
Clip khá hay, album cũng ổn, nói chung không tránh được chụp lén và sử dụng điện thoại sẽ khiến chất lượng ảnh không được tốt. Nhưng nhìn vào cái tình, thì tất cả đều là mây khói.
Tôi lật đến cuối quyển album, có vài trang trống. Các bé còn cẩn thận viết, thầy có thể lấp đầy những chỗ trống này bằng những kỷ niệm trong suốt 40 năm đứng lớp đã qua của thầy. Quả thật, bằng vào tôi, ở thời điểm đó, lớp 8, như các em, chưa chắc đã chu đáo được như vậy...
Nhưng trọng điểm nằm ở lá thư tay mà em gái (có lẽ là lớp trưởng) viết cho thầy.
Tôi sẽ không trích một phần, hoặc nguyên lá thư đó ở đây. Vì tôi không chụp lại, mà cũng không nghĩ là nó cần thiết. Một phần không biểu đạt được nhiều, mà nguyên lá thì cũng tuyệt không kinh diễm, cao xa, chỉ là đã hớp hồn tôi mà thôi...
Phải nói rằng đó là một bức thư tốt, văn khá hay, chữ khá đẹp, bố cục mạch lạc, câu chữ gãy gọn, dùng từ tốt, toàn bộ tình cảm có thể sống động như một bức chạm nổi, hiện rõ trên bề mặt, cảm nhận được, sờ thấu được...
Tôi thán phục em, vì thông qua nét chữ, tôi biết em đã lựa chọn phóng bút trực tiếp trên giấy, và viết... Có lẽ, khi em viết một đoạn đầu hỏng, đã đổi một tờ khác, như thế chẳng hạn. Hoặc có lẽ, như tôi, vào một lúc nào đó tìm được linh cảm, thế là ghé vào bàn, phóng một loạt câu chữ thi từ lên giấy thôi...
Nhưng tôi sẽ viết lên giấy nháp.
Ưu điểm của tôi là chữ đẹp. Khuyết điểm là viết chậm.
Không khi nào tay chân chữ nghĩa của tôi theo kịp mạch cảm xúc của tôi cả.
Tôi cũng sẽ không chấp thuận đưa bản viết đầu tiên đến tay thầy, hoặc người đọc khác. Với tôi, bản đầu tiên, luôn tồn tại thiếu sót. Đối với loại hình thư tay và tính chất biểu đạt tình cảm này, có lẽ tôi sẽ sửa rất ít, chỉ một hai mà thôi, một vài chữ đắt hơn, một vài kết cấu điệp, nhưng chung quy, là phải sửa. Nhưng dù sao đi nữa, sửa - cũng nghĩa là đã làm mất đi tính nguyên bản của cảm xúc mất rồi, không giống như bản này.
Sau đó, tôi sẽ thật bình tâm, cẩn thận chép từng câu chữ một, với lòng trân quý, với sự kính ngưỡng, nhưng tất cả thứ đó, dường như không bì nổi với đoạn chữ xô xô đẩy đẩy, từng bước lên đỉnh của sự phun trào, rồi gục ngã trong niềm tiếc thương của em. Chữ nghĩa của em, hẳn là không đẹp bằng tôi, nhưng đứng trong bối cảnh này, nó đẹp một cách lạ thường, một vẻ đẹp không thể miêu tả bằng lời, một vẻ đẹp chỉ có thể xuyên qua câu chữ, nhìn thấy nhau...
Sự chân thành trong câu chữ của em làm tôi thoáng nhìn lại mình. Trong những đoạn "văn" gần nhất của mình, tôi thường giấu đi một số thứ không nên có. Phải, so với tình thầy trò thuần khiết, thế gian có rất nhiều thứ tình cảm, quan hệ, và dạng tồn tại khác, không hề thuần khiết như vậy, thật ra, cũng không hẳn là xấu xa, chẳng qua là cũng như rượu, cất càng lâu, có khi lại càng tốt hơn mà thôi...
Ví như có mối quan hệ kia, tôi dùng câu hát trong đoạn thứ nhất để diễn giải, nhưng tôi biết, lời thật lòng là câu hát tương ứng trong đoạn thứ hai.
Và một lần khác nữa, lời thật lòng không phải là câu văn tôi trích dẫn, mà là câu liền sau đó. Tất nhiên, những tác phẩm này đều không quá nổi tiếng, đủ để có đăng đàn, có bàn tán xôn xao, cũng khó lòng đoán định được.
Nhưng thế, vừa hao tâm tổn sức, vừa quá không chân thật, không phải sao?
Nước bèo tương phùng, phải, tôi không định gặp em, chỉ thấy thế thôi cũng đủ rồi, vì dù sao, có thể, cũng có liên quan gì đâu, thứ tôi theo đuổi cũng không thể giống như em được, cứ để khoảng cách, làm cầu nối cho chúng ta đi...
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất