Bạn sẽ làm gì nếu phải thuyết phục một người rằng định kiến của họ là sai? Nghe qua là biết là đâm đầu vào tường rồi, và đa số chúng ta sẽ vui vẻ bỏ cuộc với rất nhiều lý do xác đáng. Nhưng nếu đó là để quyết định xem có nên tử hình một con người hay không, thì lại là vấn đề khác. Khi đó, dù gian nan đến mấy cũng phải thuyết phục họ cho bằng được. 
Bộ phim "12 người đàn ông giận dữ" sẽ lột tả được rất nhiều vấn đề mà bất cứ ai đang cần phải thuyết phục người khác sẽ thấy đồng cảm, từ thái độ, định kiến, thuyết phục, đến gây hấn, nghe theo số đông, và lòng vị tha. Tất cả những điểm mình vừa liệt kê đều là những chủ đề quan trọng trong tâm lý học xã hội, và đó chính là lý do mà những ai quan tâm đến tâm lý học không nên bỏ qua. 
Trên trang Psychmovies.com, bộ phim này đứng hàng đầu trong danh sách các phim về tâm lý học xã hội.

Thông tin từ Wikipedia

12 Angry Men là một phim thể loại tòa án kể về một bồi thẩm đoàn có 12 người đàn ông đang bàn thảo về tội trạng của một bị cáo. Tại Hoa Kỳ, trong hầu hết các phiên xử hình sự qua bồi thẩm đoàn, tất cả các bồi thẩm viên phải nhất trí khi kết luận bị cáo có tội hay vô tội. Bộ phim đặc biệt ở điểm gần như chỉ dùng một bối cảnh: trừ một đoạn mở đầu xảy ra trước tòa án và một đoạn ngắn ở trong phòng vệ sinh, toàn bộ bộ phim diễn ra trong một phòng họp bồi thẩm. Trong toàn bộ 96 phút của bộ phim, chỉ 3 phút diễn ra ngoài phòng này. 
Bộ phim miêu tả những phương pháp đi đến sự đồng thuận, cũng như những sự khó khăn trong quá trình này, trong một nhóm người có nhiều cá tính khác nhau cộng thêm cá tính mạnh và mâu thuẫn lẫn nhau. Trừ hai bồi thẩm trao đổi tên trước khi rời tòa án ở cuối phim, trong phim không sử dụng tên nhân vật nào: bị cáo được gọi là "thằng nhỏ" và các nhân chứng được gọi là "ông già", và "bà ở bên kia đường". 
Vào đoạn đầu phim, các máy quay hình được đặt ở vị trí cao và dùng ống kính góc rộng để tạo cảm giác khoảng cách giữa các nhân vật, như càng về sau thì tiêu cự của các ống kính càng giảm dần. Đến cuối phim, hầu như mỗi nhân vật đều được quay gần bằng ống kính telephoto từ một góc độ thấp hơn, làm giảm độ sâu trường ảnh. Lumet vốn là một đạo diễn nhiếp ảnh, cho biết rằng ông có ý định làm như vậy để tạo một cảm giác chứng sợ không gian hẹp (claustrophobia).

👉 Link xem phim

(Bài gốc đăng trên Quảcầu.com. Nếu có gì thay đổi sẽ cập nhật trên đó trước.)