10 tác động mà công việc truyền thông về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến tôi
Tác giả bài viết là Blogger viết về chủ đề sức khỏe tâm thần, và là một người truyền thông về sức khỏe tâm thần, với mong muốn giúp...
Tác giả bài viết là Blogger viết về chủ đề sức khỏe tâm thần, và là một người truyền thông về sức khỏe tâm thần, với mong muốn giúp mọi người có hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần, đồng thời trợ giúp những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Dưới đây là phần chia sẻ của tác giả nhằm giúp mọi người hiểu hơn về công việc này.
Tôi sẽ không "tô hồng" cho việc làm truyền thông về sức khỏe tâm thần: "tuyên truyền, cổ động" có mặt tiêu cực của riêng nó. Gần đây, tôi đã thấy quá nhiều tiêu cực và ghét bỏ đối với những người ủng hộ, làm truyền thông về sức khỏe tâm thần trên phương tiện truyền thông xã hội, điều này khiến tôi suy nghĩ về những cách mà cá nhân tôi bị ảnh hưởng.
1. Trở thành người làm truyền thông về sức khỏe tâm thần không phải là một "công việc"- nó trở thành "danh tính" của tôi.
Điều này có thể đáng sợ. Nếu ai đó tìm kiếm tôi trên Google (chẳng hạn như một nhà tuyển dụng tiềm năng), phần lớn các kết quả tôi có dính dáng đến chẩn đoán rằng tôi gặp rối loạn lưỡng cực. Mặc dù tôi tự hào là một nhà văn và Vlogger về chủ đề này (và hy vọng có ích cho những người khác), nhưng có thể mang đến hậu quả tiềm tàng bị "xa lánh", bị kỳ thị vì có tên tuổi là một người rối loạn lưỡng cực loại 1. Quả thật là đáng sợ.
2. Ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân có thể bị mờ nhạt. Mệt mỏi đuối sức là chuyện như cơm bữa.
Tôi liên tục đọc các câu chuyện, tin tức mới nhất và các bài báo nghiên cứu về rối loạn tâm lý. Tôi nỗ lực tham gia với những người ủng hộ, làm truyền thông về sức khỏe tâm thần khác trên phương tiện truyền thông xã hội, ngay cả khi tôi mệt mỏi. Tôi cố gắng phản hồi với mọi người, nắm bắt mọi cơ hội mới (viết cho các trang web/blog mới, lên sóng phát thanh, các chiến dịch sức khỏe tâm thần trên Instagram) và nắm bắt các phương pháp/xu hướng làm truyền thông, vận động mới nhất. Luôn tay luôn chân với các hoạt động làm truyền thông về sức khỏe tâm thần, tôi đôi khi khó có thể được "xả hơi". Sự mệt mỏi về tâm lý của riêng tôi cũng có thể là vấn đề, chẳng hạn như mỗi khi trầm cảm làm tôi cạn kiệt năng lượng trong nhiều tuần.
3. Được người khác xem như là một nhà trị liệu tự do.
Tôi không thể nhấn mạnh điều này sao cho đủ: Tôi không phải là một nhà tâm lý học, nhà tham vấn, nhà trị liệu, bác sĩ tâm thần, nhân viên y tế cộng đồng hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tôi có thể cố gắng cung cấp một danh sách các nguồn tài liệu hữu ích về sức khỏe tâm thần, nhưng tôi không phải là người được phép thực hiện một buổi trị liệu. Tôi có thể cố gắng lắng nghe như một người bạn, nhưng tôi không biết cách chẩn đoán hoặc điều trị. Đó không phải là vai trò của tôi.
4. Ngay cả với tất cả nỗ lực, thời gian và sức lực để làm truyền thông về sức khỏe tâm thần, đôi khi người khác làm tôi tổn thương sâu sắc.
Từ những kẻ xúc phạm trên mạng "bình loạn" tan nát những bài viết về sức khỏe tâm thần của tôi cho đến một anh chàng ngẫu nhiên gửi tin nhắn cho tôi rằng: "Tôi đang suy sụp tinh thần. Cô có thể giúp tôi không? Hãy "cởi đồ" để chữa cơn suy sụp của tôi đi"). Điều đó thật sự làm tôi nản lòng và khiến tôi muốn bỏ cuộc. Có phải tôi đang xem tất cả mọi thứ quá nghiêm trọng hay tất cả chỉ là một trò đùa vớ vẩn?
5. Cảm giác mình luôn luôn vẫn chưa làm đủ.
Làm truyền thông về sức khỏe tâm thần có thể có nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như: YouTube, bài thu thanh, viết blog, bài viết, sách điện tử, sách, phim, bài phát biểu, bài giảng... có rất nhiều việc phải làm! Các hình thức làm truyền thông là vô tận, có thể làm tôi choáng ngộp. Tôi đã làm đủ chưa? Làm sao tôi biết được điều đó?
6. Chấp nhặt về tác động của tôi.
Khi tôi mới bắt đầu viết blog, tôi đã khá câu nệ, chấp nhặt với số liệu thống kê của blog của mình. Tôi có nhận được đủ lượt xem, bình luận và tương tác không? Tôi có đang tạo ra một tác động nào không? Tôi nhìn vào những người khác - những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với hàng ngàn người theo dõi - và tự hỏi tôi đang làm gì sai không. Thật khó để tránh so sánh với người khác khi các tài khoản của người dùng nào "thành công hơn" tự động luôn được ưu tiên hiển thị.
7. Cảm giác như một kẻ mạo danh, không "đủ bệnh hoạn", hay không "đủ cảm hứng".
Nếu tôi đang có một khoảng thời gian tốt đẹp, điều đó khiến tôi đặt câu hỏi liệu tôi có thực sự "gặp khó khăn" đến thế không. Có những người khác mắc bệnh "tệ hơn tôi nhiều", những người đó có những chứng bệnh nghiêm trọng hơn hoặc không có mạng lưới hỗ trợ hoặc không tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Có những người khác thì cực kỳ thành công, là luật sư, giáo sư hay nhà tâm lý học hàng đầu. Tôi không phải là người "truyền cảm hứng" giống như những người này, vậy tôi có thuộc về nhóm người cổ động, làm truyền thông về sức khỏe tâm thần được hay không?
8. Liên tục gặp rất nhiều thông tin sai lệch xung quanh bệnh tâm thần và sai sót trong hệ thống chăm sóc sức khỏe liên quan đến bệnh tâm thần, và không có cây đũa thần để hô biến chữa lành tất cả.
Thật là bực bội khi bị dội bom bởi những câu chuyện đau đớn của người khác và không thể nào khắc phục mọi thứ. Tôi muốn có thể tạo ra một cách thức kỳ diệu để chẩn đoán và điều trị chính xác cho mọi người, nhưng tôi không thể. Tôi muốn có thể loại bỏ hoàn toàn sự kỳ thị, nhưng tôi không thể. Tôi muốn tiếp cận mọi người khi họ cảm thấy cô đơn và mang đến cho họ hy vọng, nhưng tôi không thể. Tôi phải chấp nhận những hạn chế của mình. Tôi chỉ là một người bình thường.
9. Không biết tất cả các câu trả lời.
Khi ai đó hỏi tôi họ nên làm gì, tôi cảm thấy không chắc chắn. Hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. Tôi cảm thấy như mình đã làm sai bét nhè mọi thứ, vậy làm sao tôi có thể chắc chắn mình là người đủ tốt để đưa ra lời khuyên cho người khác?
10. Bị soi 360 độ.
Với bài viết còn thô sơ của tôi, tôi hy vọng sẽ soi sáng về sự tuyệt vọng của trầm cảm, bản chất hỗn loạn thuần khiết của sự hưng cảm và bản chất độc hại của sự lo lắng. Đó là một vị trí dễ bị tổn thương mà tôi đã đặt bản thân mình vào, nhưng tôi hy vọng nó sẽ giúp đỡ người khác.
Nhiều người ủng hộ, làm truyền thông về sức khỏe tâm thần đã dành vô số giờ để giáo dục cho người khác về sức khỏe tâm thần thông qua bài viết, nghệ thuật, phương tiện truyền thông xã hội, vlogging và các nền tảng khác. Hãy thể hiện sự trân trọng hơn là ghét bỏ!
Thông tin bài đăng:
Người dịch: Anh Đào Lê
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing
Về Compassion: www.compassion.vn/about
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất