Tính đến nay cũng đã gần 15 năm ngày Đối thoại 06 ra đời, nhưng có lẽ chưa có bất kì nghệ sĩ mainstream nào phát hành được album có chất liệu giống như thế này, một album kinh điển, độc nhất từng được xuất hiện ở Việt Nam. 



Nhìn lại bối cảnh thời điểm năm 2006, âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến có thể coi là đột phá. Ta không thể quên được sự ra đời của Nhật Thực, của Khu vườn yên tĩnh đã lần đầu tiên đưa khái niệm concept album vào Việt Nam. Ta không thể quên được Ngày không mưa, Đường xa vạn dặm đã đưa khái niệm world music lần đầu tiên đến với công chúng yêu nhạc cả nước. Sao Mai Điểm Hẹn, Bài Hát Việt ra đời và là cái nôi của hàng loạt những nghệ sĩ xuất sắc sau này: Tùng Dương, Ngọc Khuê, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Cát Trọng Lý,... Giải thưởng âm nhạc Cống Hiến xuất hiện như là một tiếng nói bảo chứng chất lượng đầu tiên của giới phê bình,... Hiếm có thời đại nào mà có nhiêu cột mốc chứng minh nhạc Việt được chuyên nghiệp hóa mạnh đến như thế. 
Đến lúc này, những thứ được coi là đột phá đòi hỏi nhiều hơn giai đoạn trước. Thu Minh có Địa Đàng cũng rất đột phá, nhưng lại chưa đủ mạnh để gây chấn động trong giai đoạn này (khá đáng tiếc cho cô). Tùng Dương, Ngọc Khuê vẫn là những cái tên mới và sự xuất hiện của họ gắn khá nhiều tới một cái tên khác là Lê Minh Sơn. Họ có thể gây chấn động vào thời điểm khác, nhưng chưa phải lúc này.
Vậy ai là người có đủ khả năng tạo nên cuộc địa chấn tiếp theo cho nhạc Việt đương đại trong thời điểm đó? Còn có thể là ai ngoài 1 trong 4 diva nhạc Việt Trần Thu Hà. Sự nghiệp của Hà Trần tính đến trước Đối Thoại 06 đã đủ lẫy lừng để cô mãi mãi lưu danh sử sách cùng 3 đàn chị còn lại trong bộ tứ: Thể hiện thành công và nâng tầm cho âm nhạc của Trần Tiến, Quốc Bảo, tạo nên cuộc cách mạng triệt để cho nhạc Việt với siêu phẩm Nhật Thực, khẳng định một lần nữa địa vị không thể suy suyển trong nền pop đại chúng với album mà bài nào cũng nổi tiếng như một tuyển tập greatest hits Hà Trần 9803. Sau đó, cô sang Mỹ kết hôn và sinh sống. Cứ ngỡ sự nghiệp, sự sáng tạo của cô sẽ dừng lại ở đây, bảo toàn địa vị bởi ở hải ngoại nói chung, sự sáng tạo trong âm nhạc khá hạn chế. 
Nhưng vì Hà Trần là Hà Trần, một người có tham vọng cực kì lớn trong âm nhạc chứ không phải bất kì một nghệ sĩ thường thường nào khác, cô khát khao xây dựng nên một đỉnh cao khác ngang tầm Nhật Thực một thời. Việc sang Mỹ sinh sống không phải là thứ khiến sự sáng tạo của cô tàn lụi, mà chỉ khiến sự tìm tòi, khai phá của cô càng thêm mãnh liệt. Bên cạnh người chồng Binh Doan khiến cô học hỏi thêm rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc, cô gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô, và từ đây, ý tưởng thực hiện Đối thoại 06 ra đời. 

Là một người con xa xứ, cô cùng Nguyễn Xinh Xô quyết định đưa luôn chất liệu ấy vào trong album mới. Nhưng đó không phải là những chất liệu Tây hóa hoàn toàn. Thứ họ đưa vào ở đây là những nỗi nhớ, những hoài niệm về quê hương và sử dụng ngôn ngữ âm nhạc của phương Tây: nhạc điện tử. Để cho chất liệu quê hương được đậm đà, sắc sảo nhất có thể, Hà Trần lựa chọn xen kẽ bên những tác phẩm của Nguyễn Xinh Xô là những sáng tác của Trần Tiến. Và sự đột phá bắt nguồn chính từ đây: Điện tử hóa các sáng tác của Trần Tiến và đẩy lùi giọng ca của một diva dưới sâu lớp âm thanh. 
Một lần nữa phải khẳng định: Hà Trần dư sức làm một album với những cái tên hoàn toàn mới, chưa từng được công chúng biết đến (Vi sinh, Bản nguyên). Nhưng ở đây, cô vẫn lựa chọn những bài hát của một cây đại thụ của nhạc Việt khiến nhiều người cho rằng cô đang chơi một chiêu bài an toàn. Nhưng không hề! Nếu đã nghe Đối thoại 06 thì có lẽ, chỉ rất rất ít những khoảnh khắc trong đó mà ta có thể sử dụng từ “an toàn” để miêu tả. Hà Trần đã đưa vào album, đưa vào những sáng tác của cả một nhạc sĩ chưa từng ai biết đến lẫn cả một đại thụ của nhạc Việt, một không gian của điện tử, cụ thể là nhánh trip hop và ambient, để tạo nên một cuộc đối thoại giữa Đông và Tây, giữa Xưa và Nay, giữa Nỗi nhớ thăm thẳm và Hiện thực hiển hiện, và điểm mấu chốt kết nối chúng chính là Trần Thu Hà. 

Mở đầu với Giấc mơ lạ, cuộc đối thoại không tưởng ấy bắt đầu như thế: một giấc mơ cũng không tưởng. Nguyễn Xinh Xô và Trần Thu Hà mở màn với một khát khao, một ước mơ được trở lại với những thứ rất xưa cũ mà rất gần gũi: Về đây khi mưa gió gào, về đây khi cơn lũ dâng, ùa về một chút hơi ấm. Họ giữ nguyên bầu không gian của trip hop này để về lại với những khoảnh khắc chập chờn, những khoảnh khắc gần gũi mà cũng gì đó xa lạ ở Ra ngõ mà yêuBình Nguyên Xa Vắng. Ra Ngõ như một cuốn phim tua nhanh một câu chuyện tình yêu quen thuộc của những con người nơi làng quê cũ: yêu nhau say đắm - nỗi nhớ nhung khi chia xa - cuộc tình kết thúc mà chẳng thể đến với nhau. Câu chuyện quen thuộc nhưng khi nó được kể bằng một ngôn ngữ âm thanh khác, câu chuyện lại như sống động, hiển hiện trở lại. Trần Thu Hà lựa chọn lối hát nửa pop, nửa dân gian với những luyến láy đậm chất dân ca Bắc bộ, phía sau được phối với tiếng hát đồng dao của trẻ em, vẽ ra một bức tranh trọn vẹn.
Chuyến đi của Trần Thu Hà lúc này vẫn còn mờ ảo, vẫn chưa rõ nét. Và một Nước sâu đã đóng vai trò như một bước chuyển hoàn hảo để cô có thể thực sự trở về quê hương. Đây cũng chính là cái điểm để Trần Thu Hà cùng ekip phô diễn toàn bộ những ngôn ngữ âm nhạc đẹp nhất của xứ sở phương Tây. Nước sâu chất chứa đầy những âm thanh điện tử hạng nặng chưa từng xuất hiện trước đó tại Việt Nam. Và một điều shock hơn nữa, Trần Thu Hà dìm chính giọng hát của mình dưới sâu lớp âm thanh để tạo nên hiệu ứng thính giác hoàn hảo. Trong một bối cảnh mà giọng hát vẫn là thứ quan trọng nhất, được chú ý nhất của một bản nhạc (cho đến tận ngày hôm nay điều đó vẫn chưa thay đổi là bao) thì nước đi của Hà Trần phải nói là cực kì táo bạo. Nhưng, bất cứ người yêu nhạc nào cũng phải thán phục màn dàn dựng vocal đỉnh cao ở Nước sâu: Những lớp vocal bị dìm sâu nhưng vẫn vang vọng như một sự bứt phá, sự nổi loạn muốn đạt đến những điều không tưởng: giống như cuộc đối thoại giữa Đông và Tây này, giống như tham vọng xây dựng đỉnh cao trong âm nhạc của cô. 
Sau bước nối The Calling, quê hương của Trần Thu Hà đã hiện ra rõ nét với Lữ Khách sông HồngMưa bay tháp cổ. Đây cũng là nơi để Hà Trần tạo ra một đột phá khác: điện tử hóa âm nhạc của Trần Tiến. Âm nhạc của Trần Tiến đã được hát đi hát lại suốt bao nhiêu năm qua với những chất liệu cũ, sự làm mới này của Hà Trần rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng có lẽ tất cả đều phải công nhận: cô làm mọi thứ cực kì chỉn chu và chặt chẽ với không gian đặt ra từ đầu. Đây cũng là 2 sáng tác rất mới của Trần Tiến nên cũng loại bỏ hoàn toàn những sự so sánh không cần thiết. Từ đây, những hình ảnh của quê hương lần lượt được nhìn thông qua lăng kính của một người con xa xứ: Còn nước non người áo vải xưa/còn chiếu Tao Đàn bóng đổ thơ, Mưa bay tháp cổ/mưa bay trên đá/trăm năm bước phù du,... Những hình ảnh được xây dựng trên nền của ambient được làm một cách cẩn thận, thông minh và không quên thêm những yếu tố quen thuộc (tiếng hát đồng dao của trẻ em, tiếng trống dồn dập như tụng kinh,...). Giọng ca Trần Thu Hà ở đây lại biến hóa như tắc kè hoa: lúc thì đắm say, da diết, lúc lại ngân cao, ma mị. Không có bất cứ điều nào làm khó được cô, cô hiểu rõ bài hát, hiểu rõ không gian âm thanh và luôn lựa chọn được cách thể hiện cực kì hài hóa để tôn vinh trọn vẹn cả 3 yếu tố: sáng tác, thể hiện và phối khí. 
Và chuyến đi xa, cuộc đối thoại cũng phải đi đến hồi kết, “giấc mơ lạ” ban đầu kia có lẽ đã chấm dứt, mọi thứ còn lại trong lòng người con xa xứ là nỗi nhớ day dứt khôn nguôi. Trần Thu Hà nắm bắt trọn vẹn cái cảm xúc ấy, loại bỏ toàn bộ những âm thanh điện tử và dành tặng cho ta bản acoustic Quê Nhà cực kì xuất sắc. Vẫn còn đâu đó những ảnh hưởng của ambient qua tiếng ve kêu xào xạc xuyên suốt, nhưng đến cuối cùng, điều đọng lại là những tâm sự thật đến thắt lòng: À ơi hoa bay lên trời/À ơi hoa cải bay đi/Rau răm thôi đành/Ở lại. Chẳng ai thể hiện nỗi nhớ quê nhà da diết hơn những đứa con xa xứ, và chẳng ai có được cái tinh tế để thể hiện chúng lên tới đỉnh cao ngoài Trần Thu Hà. 
Tuy nhiên, cuộc đối thoại không dừng lại ở đó, nỗi nhớ quê nhà không phải là điểm kết thúc. Quê nhà outro với những âm thanh điện tử quay trở lại và bản ambient Without mới là điểm kết thúc cuối cùng. Với những người khác, nỗi nhớ quê nhà trong họ vẫn mãi ở đó. Nhưng đối với Trần Thu Hà và Nguyễn Xinh Xô, họ không rời quê hương để rồi mãi mãi nhung nhớ. Họ mang được nỗi nhớ trong họ ra, hòa quyện với những tinh hoa xứ sở phương Tây để tôn vinh chúng, để đạt đến những tham vọng không bao giờ tắt trong họ. Without với những âm thanh rất đẹp phối hợp với những tiếng ngân nga đậm chất dân tộc chính là minh chứng lớn nhất cho những điều đó: sự vượt trội ở tài năng phối hợp với những tham vọng to lớn có thể đem tới một kết quả đỉnh cao như thế. 

Ở năm 2020 nhìn lại, Đối Thoại 06 vẫn là một album xuất sắc với những mảng âm thanh không hề lỗi thời. Trái lại, chúng nghe vẫn rất tiên phong, dẫn đầu xu hướng ngay cả đặt trong bối cảnh bây giờ. Bởi, sau Đối Thoại 06, chẳng có nghệ sĩ mainstream nào dám chơi ván bài liều lĩnh và đặt được nhiều tâm huyết lẫn tham vọng vào đó như thế. Một cú địa chấn rung chuyển một lần và dư âm mãi về sau. Dù không làm nên một cuộc cách mạng triệt để như Nhật Thực, Đối Thoại 06 lại là một đỉnh cao vời vợi mà chưa ai có thể đặt chân đến để đứng ngang hàng.