Ta hỏi mọi thứ ta muốn biết. Ta thắc mắc những điều khó hiểu ấy với ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè, thầy cô và nhiều khi là với chính ta.
      Mục đích của ta tồn tại trên cõi đời này là gì? Cuộc sống của ta có ý nghĩa gì? Liệu ta có chỉ là những thể xác trong vòng trầm luân, sinh ra và mất đi như một quy luật, hay còn hơn thế? Hay có lẽ nào ta lại chính là những trường năng lực mạnh mẽ, quyền năng, ẩn dưới lớp vỏ bọc nhục thân tầm thường để, như là một công cuộc trải nghiệm, tích lũy những thứ kinh nghiệm, những tinh tú của cái gọi là "SỰ SỐNG"?
       Không chỉ những nhà khoa học, những bậc vĩ nhân mới đặt ra những câu hỏi. Chúng ta - những con người của nếp thường nhật, cũng thường tự vấn chính mình bằng những nghi hoặc ấy, vào một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng không chỉ đơn thuần là những cấu trúc câu được kết thúc bởi dấu chấm hỏi - mà còn là sự điều hướng, định hình chính chúng ta, rằng ta đang ở đâu, chúng ta là gì, hay ta cần điều gì từ "SỰ SỐNG" và những trải nghiệm hình thành lên nó. Thiếu nó, ta lạc lối. Thiếu đi câu hỏi, ta không thể có được câu trả lời. Thiếu đi sự nghi hoặc, ta khó mà có thể thực sự tin vào một "lẽ dĩ nhiên" nào đó.
      Tôi chắc rằng, nếu vài trăm năm trước, nếu không có câu hỏi "Trái Đất hình gì?" có lẽ hình vẽ SGK Địa của chúng ta hiện nay sẽ là một mặt phẳng xanh xanh nằm ở trung tâm vũ trụ mất(?!) Giả sử anh em nhà Wright không đặt ra cái dấu chấm hỏi rằng: "Liệu có cách nào để con người có thể bay?", thì chắc ngành hàng không, hoặc thậm chí cái ý niệm "vươn tầm vũ trụ" cũng khó mà tồn tại, và chúng ta, ngày nay, có chăng cách thoải mái dịch chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác một cách thuận tiện và an toàn nhất? Và quan trọng nhất, sau khi phát minh ra "10.000 cách để không tạo ra bóng đèn", nếu Edison không giữ trong tâm trí một câu hỏi lớn: "Làm thế quái nào để tạo ra 1 cái bóng đèn sáng đủ lâu bây giờ nhỉ?", liệu ta còn có thể học và làm việc dưới ánh sáng của những chiếc đèn điện - hay những bóng đèn được cải tiến sau rất nhiều thế hệ, tiếp nối cha đẻ của chúng "Bóng đèn dây tóc"?
     Đôi khi, những câu hỏi không giúp ta tìm ra câu trả lời, mà ngược lại, làm ta đau đớn, mệt mỏi, lạc lõng, và làm tổn thương những người ta yêu thương, quan tâm nhất. Hãy gọi chúng là câu hỏi dạng "Tại sao em lại chia tay tôi?" - vẩn vơ những điều đã đi qua, quá khứ sau lưng, với một ánh nhìn rầu rĩ, hay thậm chí tức giận. Rõ ràng, có hai điều, thứ nhất: những câu hỏi kiểu này không dành cho những thành phần trong cộng đồng FA(đùa tí!). Thứ hai, chúng hầu như không giúp giải quyết được điều gì, như chúng ta thường thấy. Nhưng thật thú vị, tôi lại là một người chuyên "đào sâu" vào hướng ngược lại với những "lối suy nghĩ thường thấy" này, như một ông thợ ảnh thích chụp những tấm mà ít có người nào để ý. 
       Lại một câu hỏi. Tại sao chúng ta ngã? Không liên quan đến anh Dơi đâu nhé (mà có lẽ là chút ít thoi:D) Chắc ai cũng biết câu trả lời là gì đúng không nào. "Ta ngã để học cách đứng lên" - Đó. Những câu hỏi dạng vớ vẩn như trên không chỉ là....vớ vẩn. Nỗi đau là có thật. Khi ta mất đi một nửa mà bản thân đã đinh ninh rằng là sinh ra để dành cho mình - "The one", ta thường có xu hướng trách người, trách hoàn cảnh trước, sau đó lại là tự trách mình, tự dày vò mình. Ta hỏi những câu hỏi vớ vẩn để học cách nhìn nhận một cách đúng đắn những gì mình đã trải qua, khách quan chứ không phải chủ quan. Từ những nỗi đau và vấp ngã, ta dần hồi phục, ta học cách chấp nhận thất bại, ta đương đầu với mặc cảm thất bại bằng "la bàn định hướng" - câu hỏi, ta tìm ra câu trả lời cho chính mình bằng những câu hỏi ấy, và rồi ta trỗi dậy mạnh mẽ, sau khi đã tìm được câu trả lời (hay đúng hơn là câu hỏi) thích hợp. Thế là. Vút một cái.       Ta sải cách bay xa             Ngoái đầu nhìn lại. Ta trở về với những quá khứ, những "Tại sao em lại chia tay tôi?" đã định hình lên một "Ta" như hiện tại.           Bầu trời mênh mông       Ta ngại ngùng nhìn lại những hồi ức ấy, nhưng chốc lát, ta lại cười xòa. Tràn đầy hạnh phúc, ta lại cất cánh bay xa mãi. Lòng hạnh phúc bởi chính ta đã sống thật trọn vẹn cuộc sống của mình. Và không phút giây nào là hoài phí. Như ba mẹ đã nói. "Sống trọn từng phút giây"
Vậy thì sao nữa nào? Bạn đang bay đấy. Đừng hỏi tôi, mà nếu thích thì cứ hỏi, rồi thì tự đi mà trả lời. Bởi sẽ có những lúc ta phải tự tìm ra câu trả lời thỏa mãn chính cái mệnh đề câu hỏi mà bản thân ta đặt ra. Hơn nữa là đừng đắm chìm trong đống "Tại sao em lại chia tay tôi?". Đúng vậy, chắc chắn bạn sẽ thắc mắc "Nhưng ông vừa bảo bọn tôi là học cách hỏi mấy câu đấy để mà blah blah ......?" Gớm. Đọc kĩ thế. Đúng là tôi đã nói vậy. Nhưng cái gì nhiều quá cũng là không tốt, hãy nhớ những điều mà bạn đã học được sau lần đầu tiên sai lầm của mình, để đến khi gặp lại nó, bạn có thể học cách nghĩ khác đi, hay là đặt một dấu chấm hỏi đúng chẳng hạn.
     P/s: Okay, trước khi viết bài này, tôi cũng đã đặt ra khá nhiều dấu chấm hỏi. Đây thực sự là một trong những bài "quái" nhất mà thằng này từng viết (Cứ trông cái tiêu đề thì biết nghen). Nên dù là có ý kiến gì, đồng tình hay không, cũng cứ comment xuống dưới nhá. Tôi đây xin giải đáp khúc mắc của các bạn. Vậy nên hãy cứ đọc và thưởng thức. Nhưng hãy nhớ là trong một buổi chiều ngẫu hứng, thì cái gì cũng là có thể. Nhé?