I. Người đứng ngoài

Đọc tin về bạn nam sinh tự tử, mình thấy buồn. Nhưng...không ngạc nhiên lắm. Mà đây cũng không phải là lần đầu đọc những bài báo, những vụ việc như vậy. Thật vậy, đọc bài báo về bạn nam sinh xấu số (cùng tuổi với mình), mình có cảm giác...quen. Mình đã gặp những việc như thế ở đâu rồi ấy nhỉ?
Một bài báo, thêm một bài báo, lại một bài báo nữa
Một bài báo, thêm một bài báo, lại một bài báo nữa
À, việc này cũng từng xảy ra rồi. Nhiều lần. Một nam sinh trường chuyên khác, cũng lao mình từ tầng 8 một tòa chung cư (1). Một nữ sinh nơi tỉnh lẻ, uống thuốc trừ sâu Paraquat tác động lên nội tạng nhưng không tác động lên hệ thần kinh, chết dần mà cảm nhận rõ ràng sự đau đớn của mình, trăng trối một câu: "Trời cao sẽ thấy". (2) Một học sinh khác thắt cổ tự vẫn bằng khăn quàng đỏ. (3) Đó, nhiều lần, cứ sau mỗi vụ lại là vô số bài báo, hằng hà sa số bài phỏng vấn phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia tâm lí, lại chỉ ra những thay đổi trong tâm sinh lí tuổi dậy thì, lại khơi lên sự thiếu thấu cảm giữa cha mẹ và con cái, lại áp lực học hành. Nhưng...chẳng có gì thay đổi cả. Vấn đề nóng lên rồi lại nguội xuống, hết vụ nhảy lầu này đên vụ thắt cổ kia cứ lần lượt nối đuôi nhau mà hiện lên Google Search, rồi lui xuống nhường chỗ cho những bài báo khác mới hơn.
Vậy thì tại sao mình vẫn muốn viết thêm một bài nữa?
Nếu như phải tóm gọn câu trả lời vào một từ, thì đó hẳn là "hi vọng". Mình không thể nào mong chờ tất cả những ai đọc bài đều sẽ ngay lập tức soi chiếu vào chính bản thân mình, không thể mong chờ những bạn học sinh khác, đọc bài, sẽ thấu hiểu điều mình muốn nói, và càng không thể mong chờ mọi bậc phụ huynh, đọc bài, sẽ quay ngoắt 180 độ, nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, thấu hiểu con mình, và ngăn chặn những vụ tự tử, như cái chết của bạn học sinh lớp 10 Ams kia, khỏi việc tái diễn. Bởi mình biết chắc chắn, cũng như một cộng một bằng hai, rằng trong tương lai, sự việc ấy sẽ còn được lặp lại. Và lặp lại nhiều lần.
Nhưng mình hi vọng, rằng một bậc phụ huynh ở một nơi xa xăm nào đó sẽ đọc bài viết này, và, có thể thôi, sẽ là một trong số ít người thay đổi. Một bạn học sinh nào đó sẽ đọc bài viết này, và, có thể thôi, sẽ ngăn cản chính mình khỏi việc để một vụ việc bi thương nữa lên mặt báo. Không phải tất cả mọi người. Một người, một người thôi, cứ như vây, từng chút, từng chút một, còn hơn không có gì.
Vậy, với tư cách là người ngoài cuộc, mình viết về người trong cuộc. Nhìn phản ứng của những người khác, bày tỏ sự thương cảm, có, mong cầu bình an, có, trách cứ người phụ huynh, có, thậm chí có cả trách người quá cố vì đã làm điều dại dột. Mình không muốn phân định ai đúng, ai sai. Mình muốn viết câu trả lời cho câu hỏi mà hình như không ai đặt ra: Người trong cuộc nghĩ gì?

II. Người quá cố

Việc quyết định tự tử của bạn chắc chắn không phải là sự bồng bột nhất thời, mà hẳn đã âm ỉ từ suốt một thời gian dài trước đó. Tích tụ lại qua năm tháng, rồi sẽ đến lúc giọt nước tràn ly. Suốt một thời gian quá dài, bạn ấy đã phải chịu bao nhiêu vết cắt, bao nhiêu áp lực. Đầu tiên là từ phía trường học. Thi vào trường chuyên danh tiếng nhất Hà Nội đã không dễ, để theo học trong môi trường khắc nghiệt như vậy còn khó hơn. Không ai nói ra, không ai hé răng nửa lời, nhưng làm gì có ai không biết kì vọng lớn lao của thầy cô, áp lực mang về giải học sinh giỏi, tham gia kì thi quốc gia quốc tế, mang lại vinh quang cho nhà trường; áp lực cạnh tranh giữa các học sinh cùng lớp, để vươn lên dẫn đầu, hoàn hảo trong mọi môn học; áp lực với gia đình, để làm rạng danh cho ba mẹ, xứng danh "con nhà người ta" - cái hư danh đã gây tổn thương tâm lí cho biết bao thế hệ học sinh vô tội, đến mức phải học bài tới tận 2-3 giờ sáng, bao nhiêu thứ áp lực ấn xuống đầu học sinh, để rồi mang theo đến vẹo cột sống, thâm quầng quanh mắt vì học suốt đêm, suy dinh dưỡng vì ăn không đủ chất, bận đi học thêm tối ngày? Rồi khi sức khỏe tâm lí dần vỡ vụn, đâu có ai quan tâm, đâu có ai để ý? Đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc sống, bạn ấy còn không thể nói lời trăng trối với bố mình mà phải viết ra giấy, không thể trải lòng ngay cả khi sắp giã từ cõi đời? Đứng trên ban công, điều bạn tiếc, sợi dây mong manh cuối cùng kết nối bạn với ham muốn sống là những thứ tưởng chừng đơn giản, thậm chí vụn vặt - game chưa được chơi, nhạc chưa nghe hết, và là nỗi lo cho người em gái ở lại - quan hệ của bạn với bố mẹ, đã đi tới mức không còn thể là lí do để bạn sống tiếp.
Cắt từng sợi, từng sợi một, đến sợi cuối cùng. Đứt.
Cắt từng sợi, từng sợi một, đến sợi cuối cùng. Đứt.
Khi nhảy xuống, gió rít bên tai, bạn nghĩ gì? Liệu bạn có thấy cuộc đời mình, giống như cảnh phim quay chậm, đi qua trước mắt? Và trong thước phim đó, cảnh nổi bật nhất là gì? Bạn có đang cười không, có hạnh phúc không? Hay cả bộ phim chỉ là một bức tranh nhạt nhòa với ánh đèn bàn mờ, bởi lẽ hai mắt đã long lanh, thiếu ngủ trường kì hay long lanh nước mắt của sự trầm cảm đã chôn kín bấy lâu trong lòng, cùng với người bố ngồi đằng sau lướt điện thoại, đe dọa không làm xong bài thì không được đi ngủ?
Mình không phải là người duy tâm, song nếu như bạn vẫn còn có thể nhận thức được thế giới, liệu bây giờ bạn có thể cảm thấy yên lòng? Đứng từ trên nhìn xuống, bạn có thấy thanh thản vì đã trút bỏ được hết gánh nặng của bản thân? Hay chỉ cười buồn vì những bài báo, những câu chuyện, những lời bình luận của người đời về bạn, về một vụ tự tử nữa dần đi vào quên lãng, không phải vì nó không còn đáng báo động, mà vì công chúng có những thứ mới để quan tâm? Cũng như bao người học sinh đi trước?

III. Vậy bài học là gì?

Chắc chắn không phải là "Đừng tự tử, sẽ thấy hối hận...thế còn gia đình, bạn bè thì sao...thế còn tương lai, cơ hội...", bởi lẽ đó chính là vấn đề đã đẩy một con người đến quyết định tự kết thúc cuộc sống, không thể nào là động lực để níu giữ sự sống được. Với cả, bài học dành cho những người ở lại, không phải dành cho người đã đi xa.
Có lẽ điều tốt nhất có thể rút ra được từ việc đọc những câu chuyện như vậy là...thay đổi. Mỗi bên, cả những người con và người làm cha mẹ, đều cần thay đổi. Từng chút, từng chút một. Đơn giản là dành nhiều thời gian để quan sát nhau hơn, không phải nhìn, mà là quan sát, không phải nghe, mà là lắng nghe. Đó là bước đi đầu tiên trong việc dần tìm lại tiếng nói chung, dần gắn kết giữa hai con người đáng ra phải thân thiết hơn bất kì ai khác trên thế giới. Bước tiếp theo là tôn trọng những giới hạn của nhau và thành thật với đối phương về khuyết điểm của mình. Có lẽ vậy. Rồi thêm một bước nữa...một bước nữa...
Bởi vì ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhiều khi cũng chỉ cách nhau có một bước.
Không xa. Nhưng không gần như ta vẫn tưởng.

(*) Đọc thêm:

(1):
(2):
(3):