Lời đầu tiên

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: The Economist.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: The Economist.
Có nhiều ý kiến xoay quanh câu hỏi muôn thuở: Việt Nam có nên “chọn phe” để được bảo vệ hay không, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới căng thẳng như hiện nay. Đặc biệt, Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra đã làm nhiều bạn đọc lo lắng về một điều tương tự liệu có khả năng xảy ra với Việt Nam, nói trắng ra là nguy cơ từ chính quyền phương Bắc và vấn đề hải đảo. Điều này vốn cũng không bất ngờ, trái lại, tôi cảm thấy khá vui khi quý độc giả quan tâm, lo lắng cho vận mệnh của Việt Nam. Trong giới hạn của bài viết này, tôi muốn làm rõ và phân tích “tyranny of geography”, hay được dịch thuật một cách thông dụng, “lời nguyền địa lí” của Việt Nam.

Phần I: Nhập đề: Chiến tranh Nga - Ukraine đã chứng minh lý luận của Chủ nghĩa hiện thực như thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: PetroTimes.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: PetroTimes.

1. Cơ sở thực tại chứng minh cho lý luận.

Trong tác phẩm “The Tragedy of Great Power Politics” (Bi kịch của chính trị cường quốc), Giáo sư, nhà Khoa học Chính trị, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế John Mearsheimer đã nhận định:
Có một thực tế đáng buồn là chính trị quốc tế luôn là một công việc tàn nhẫn và nguy hiểm, và có khả năng sẽ vẫn như vậy.
- Trích “Bi kịch của chính trị cường quốc”, Giáo sư John Mearsheimer. [1]
Thật vậy, Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra đã cho ta thấy được nhiều mặt của chính trị và quan hệ quốc tế. Các quốc gia chỉ quan tâm đến lợi ích và quyền lực hơn bao giờ hết, bất chấp cả quan hệ đồng minh, đối tác hay kẻ thù.
Chẳng hạn, giữa lúc bị bao vây cấm vận, Nga nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở châu Á để bán dầu với giá ưu đãi. Tuy nhiên, động thái này của Nga lại làm nóng cuộc cạnh tranh tại thị trường châu Á, buộc Venezuela và Iran, hai đồng minh thân cận của Moscow, phải giảm giá mạnh để cố gắng duy trì lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của mình. Kể từ khi Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, các công ty vận chuyển Nga cũng ngừng thanh toán cho PDVSA (tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela) số dầu thô mà họ bán hộ ở thị trường châu Á, khiến Venezuela mất đi nguồn thu quan trọng. Mô hình hợp tác này đã giúp Venezuela thu về 1,5 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 1/4 tổng doanh thu từ dầu mỏ của nước này. [2]
Các đồng minh thân cận khác của Moscow cũng phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng khi Nga sử dụng năng lượng như một đòn bẩy chính trị. Vừa qua, một toà án ở Moscow bất ngờ yêu cầu đường ống vận chuyển dầu thô từ Kazakhstan qua Nga đóng cửa một tháng, với lý do “vi phạm quy định về môi trường”.
Iran cũng đang cố gắng tận dụng bất đồng giữa Nga và phương Tây để thu lợi. Tehran cho rằng việc Nga bị loại khỏi thị trường năng lượng châu Âu mang đến cho Iran cơ hội giành lại khách hàng dầu phương Tây, nếu đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân có tiến triển.
Giá năng lượng tăng có thể khiến Venezuela và Iran dễ tìm thấy tiếng nói chung về lợi ích với phương Tây. Cả hai nước này đều muốn bán được nhiều dầu hơn, trong khi Mỹ và châu Âu cần nguồn năng lượng mới để giảm giá nhiên liệu trong nước.
Iran biết nỗi đau năng lượng mà các nước EU đang gánh chịu và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn. Tình thế đó rốt cuộc sẽ có lợi cho Tehran.
- Sara Vakhshouri, chuyên gia tại SBV Energy International.
Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Trong bài viết “Quan hệ Nga - Trung: Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, tôi đã đưa ra nhận định rằng: “Mặc dù đã bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có các phát ngôn ngoại giao ủng hộ Nga, Trung Quốc khó mạo hiểm với lệnh trừng phạt phương Tây. [...] Trung Quốc rất muốn tận dụng tình hình hiện nay để mua được nguồn dầu giá rẻ từ Nga và ký các hợp đồng có lợi, nhưng Bắc Kinh đồng thời cũng phải rất thận trọng trong thái độ ủng hộ Moscow, để không bị kéo vào các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây đang áp đặt với Nga. [3]
Ta càng thấy rõ điều này qua phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares vào ngày 15/03:
Trung Quốc không phải bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến chúng tôi.
- Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares vào ngày 15/03.
Phương Tây cũng không khác là bao. Các đồng minh phương Tây khó có thể thực sự đồng lòng đàm phán về kết cục của Ukraine, bởi vì NATO không thực sự là một khối thống nhất. Trong khi Ukraine tới nay không có dấu hiệu mất đoàn kết hay chấp nhận thất bại, các nước phương Tây thể hiện một bức tranh rất khác. Chi phí kinh tế đã và đang gia tăng, không chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, mà còn gần 30 tỷ USD cam kết hỗ trợ tài chính cho nước này. Giới quan sát nhận định “nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine” đang dần xuất hiện ở phương Tây. Không phải cử tri các nước hối hận vì giúp đỡ Ukraine, mà họ bắt đầu nhận thấy các vấn đề ưu tiên khác trong nước không được chú ý thích đáng. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden có thể hứng chịu tổn thất trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các lãnh đạo châu Âu khác đều phải đối mặt với những thách thức riêng trong nước. Cho đến nay, chưa lãnh đạo nào chia sẻ thẳng thắn với với cử tri của họ về những hệ quả lâu dài mà đất nước có thể phải đối mặt. Bài toán lợi ích thực sự là một vấn đề nan giải với tất cả các quốc gia.

2. Lý luận của Chủ nghĩa hiện thực.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
Như tôi đã trình bày trong các bài viết trước đây, trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa hiện thực, quốc gia có chủ quyền là chủ thể chính trong hệ thống quốc tế, đặc biệt là các cường quốc bởi vì họ có ảnh hưởng nhiều nhất trên sân trường quốc tế. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, cá nhân hay các nước lệ thuộc không có ảnh hưởng đáng kể. Các quốc gia thường hung hăng và bị ám ảnh bởi vấn đề an ninh, do đó việc bành trướng lãnh thổ chỉ bị ghìm lại bởi các quyền lực đối kháng.
Trong phạm vi một quốc gia, nhà nước, với quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, giữ nhiệm vụ ban hành luật pháp, chế tài người vi phạm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự của xã hội. Tuy nhiên, trong hệ thống quốc tế, một thiết chế đảm bảo các chức năng như nhà nước của các quốc gia không tồn tại. An ninh và sự sống còn của mỗi quốc gia do họ tự bảo đảm. Điều này được gọi là tình trạng vô chính phủ, có nghĩa là tình trạng thiếu vắng một siêu chính phủ đứng trên các quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Vì lẽ đó, mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống, thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài.
Nhìn lại Lịch sử, ta có thể thấy quan điểm đề cao quyền lực và lợi ích như một mục đích mà tất thảy mọi quốc gia muốn đạt được vốn không mới lạ gì cả. Điều này được chứng tỏ qua những luận điểm tương tự trong các tác phẩm nổi tiếng của các nhà Khoa học Chính trị, giới học giả từ châu Âu sang châu Á, tiêu biểu như Niccolò Machiavelli, Thomas Hobbes hay Hàn Phi Tử. Điều đặc biệt khiến Chủ nghĩa hiện thực trở thành một lý thuyết được giới học giả quan tâm là vì hệ quả của hai cuộc Thế chiến diễn ra cách nhau chưa đến 25 năm trong nửa đầu thế kỷ XX. Hai cuộc chiến này làm phá sản hy vọng thế giới tiến tới một thể chế siêu chính phủ toàn cầu và một nền “hòa bình vĩnh cửu” mà các nhà lý tưởng mong muốn.
Trong tác phẩm “Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace” (Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình), Hans Morgenthau đã lập luận rằng: Các nhà lý tưởng đã đi quá xa khi tin vào một thế giới hòa bình, bình đẳng được xây dựng bằng thể chế hay các tổ chức quốc tế mà bỏ quên yếu tố quyền lực. Theo đó, Morgenthau cho rằng yếu tố quyền lực đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích các sự kiện xảy ra trên sân khấu chính trị thế giới. Từ đó, Morgenthau đã có một nhận định được xem là nguyên tắc của Chủ nghĩa hiện thực:
Chính trị thế giới, giống như tất cả hình thái chính trị khác, là cuộc chiến để đạt quyền lực. Mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế, dù nằm ở đâu cũng là quyền lực.
- Hans Morgenthau.
Quyền lực, căn cứ dưới góc nhìn của Chủ nghĩa hiện thực, không chỉ là phương tiện để các quốc gia đạt đến các mục tiêu của mình, mà tự nó cũng chính là một mục tiêu, thông qua hai giả định chính. [4]
Thứ nhất, quyền lực là động lực cho các chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Câu hỏi tại sao quốc gia lựa chọn chính sách A hay chính sách B, chỉ có thể được giải thích bằng lăng kính quyền lực.
Thứ hai, quyền lực được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng và thay đổi hành vi của các quốc gia hay tổ chức khác theo lợi ích của mình. Nói cách khác, cuộc chiến giành quyền lực có thể hiểu là cuộc chiến nhằm giành khả năng gây ảnh hưởng đối với hành vi và suy nghĩ của các quốc gia khác. Trong một thế giới vô chính phủ, mục tiêu của mỗi quốc gia là trang bị cho mình càng nhiều quyền lực càng tốt để đảm bảo an ninh và sinh tồn. Tuy nhiên, cuộc chạy đua tranh giành quyền lực dẫn tới việc các quốc gia đối mặt với một “thế lưỡng nan về an ninh”. Theo đó, khi một quốc gia càng tìm cách nâng cao quyền lực của mình thì càng làm cho các quốc gia khác bất an, buộc các quốc gia thường xuyên phải chạy đua nâng cao quyền lực của mình nhằm đảm bảo an ninh của mình không bị đe dọa.
Có nhiều trường phái khác nhau của Chủ nghĩa hiện thực, như Chủ nghĩa hiện thực cổ điển (Classical Realism) và Chủ nghĩa tân hiện thực (Neo-realism), hay còn được gọi là Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (Structural Realism).
Chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhận định chính bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người đã khiến các quốc gia và các cá nhân đặt lợi ích dưới dạng quyền lực lên trên các giá trị khác. Dưới góc nhìn Xã hội học, xu hướng theo đuổi quyền lực là nguyên tắc có thể tìm thấy trong mọi kết cấu tổ chức giữa người với người. Nơi nào có các nhóm liên kết giữa các cá nhân thì nơi đó xuất hiện các cuộc chiến giành quyền lực. Giáo sư Milgram trong thí nghiệm Tâm lý học nổi tiếng của chính ông đã đưa ra kết luận:
“Các khía cạnh pháp lý và triết lý của sự vâng lời có tầm quan trọng to lớn, nhưng chúng nói rất ít về cách hầu hết mọi người cư xử trong các tình huống cụ thể. Tôi đã thiết lập một thí nghiệm đơn giản tại Đại học Yale để kiểm tra xem một công dân bình thường sẽ gây ra bao nhiêu đau đớn cho người khác chỉ đơn giản là vì anh ta được một nhà khoa học thực nghiệm ra lệnh. Chính quyền Stark đã đọ sức với những mệnh lệnh đạo đức mạnh mẽ nhất của của đối tượng [những người tham gia] chống lại việc làm tổn thương người khác, và, với đôi tai của đối tượng [những người tham gia] ù lên với tiếng la hét của các nạn nhân, chính quyền đã giành chiến thắng thường xuyên hơn không. Sự sẵn sàng cực độ của người lớn để đi đến hầu hết mọi độ dài theo lệnh của một cơ quan có thẩm quyền tạo thành phát hiện chính của nghiên cứu và thực tế đòi hỏi lời giải thích khẩn cấp nhất. Những người bình thường, chỉ đơn giản là làm công việc của họ, và không có bất kỳ sự thù địch cụ thể nào từ phía họ, có thể trở thành tác nhân trong một quá trình phá hoại khủng khiếp. Hơn nữa, ngay cả khi tác động phá hoại của công việc của họ trở nên rõ ràng và họ được yêu cầu thực hiện các hành động không tương thích với các tiêu chuẩn cơ bản của đạo đức, tương đối ít người có đủ nguồn lực cần thiết để chống lại chính quyền.” [5]
Khác với Chủ nghĩa hiện thực cổ điển nhấn mạnh cấp độ phân tích cá nhân, Chủ nghĩa tân hiện thực nhấn mạnh cấp độ phân tích hệ thống quốc tế khi phân tích nguyên nhân các quốc gia tìm cách theo đuổi quyền lực. Theo đó, trong một hệ thống vô chính phủ, sự phân bổ quyền lực tương đối giữa các quốc gia trong hệ thống chính là yếu tố then chốt đối với an ninh của mỗi quốc gia. Vì thế, các quốc gia tìm cách nâng cao quyền lực, vì càng có nhiều quyền lực thì vị trí của nước đó trong hệ thống thế giới càng cao và an ninh của quốc gia đó càng được đảm bảo.
Giáo sư John Mearsheimer là một trong những nhà Khoa học Chính trị nổi tiếng theo Chủ nghĩa tân hiện thực. Trường phái đặc trưng của ông là Chủ nghĩa hiện thực tấn công (Offensive Realism). Trái ngược với trường phái Chủ nghĩa hiện thực phòng thủ (Defensive Realism) mà nó lập luận rằng các quốc gia dù theo đuổi quyền lực nhưng chỉ ở mức độ tối thiểu, nhằm đảm bảo nhu cầu tồn tại, Chủ nghĩa hiện thực tấn công cho rằng quyền lực không có giới hạn và các quốc gia cần đạt được càng nhiều quyền lực càng tốt nhằm đảm bảo an ninh và chiếm thế áp đảo so với các quốc gia khác trong hệ thống. Để khái lược ý nghĩa của trường phái này, tôi xin phép trích dẫn một câu ngạn ngữ tâm đắc: “Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”.
Theo Mearsheimer, quốc gia chỉ có thể đảm bảo an ninh và lợi ích một cách hiệu quả nhất nếu trở thành nước mạnh nhất trong hệ thống quốc tế hay khu vực. Ông sử dụng khái niệm “bá quyền khu vực” để diễn tả lập luận này. Theo cách nhìn trên, thì với sức mạnh đang lên, không một quốc gia nào chấp nhận làm một cường quốc nguyên trạng (status quo power) mà sẽ cố gắng thay đổi trật tự quốc tế hiện hữu để trở thành bá quyền trong khu vực. Quan điểm này khiến Mearsheimer thành một lý thuyết gia đại diện cho trường phái bi quan về sự trỗi dậy của các cường quốc, đặc biệt là với trường hợp sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cấu trúc vô chính phủ của hệ thống quốc tế thúc đẩy các quốc gia tối đa hóa tỉ trọng của họ trong quyền lực thế giới nhằm nâng cao lợi thế sống sót trong cuộc đấu tranh nhằm giành giật lợi thế tương đối. Một quốc gia có lợi thế hơn so với các nước khác sẽ được bảo vệ chống lại khả năng bị đe dọa bởi một quốc gia hiếu chiến vào một ngày nào đó.
Những người lạc quan tuyên bố rằng cạnh tranh an ninh và chiến tranh giữa các cường quốc đã bị loại bỏ khỏi hệ thống là sai. Trên thực tế, tất cả các quốc gia lớn trên toàn cầu vẫn quan tâm sâu sắc đến sự cân bằng quyền lực giữa họ trong tương lai gần.
- Trích “Bi kịch của chính trị cường quốc”, Giáo sư John Mearsheimer.
Các quốc gia cũng tìm cách cân bằng quyền lực với những quốc gia mạnh hơn nhằm giảm thiểu sự chênh lệch về quyền lực, đồng nghĩa với giảm thiểu các đe dọa về an ninh. Theo đó, chiến tranh giữa các quốc gia xảy ra bắt nguồn từ cuộc chạy đua nhằm nâng cao quyền lực tương đối của mỗi quốc gia so với các quốc gia khác trong hệ thống.
Thế giới trông thật bao la rộng lớn, nhưng xét cho cùng nó chỉ là bàn cờ cho các siêu cường tranh hùng mà thôi!

3. Cân bằng quyền lực.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Modern Diplomacy.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Modern Diplomacy.
Điều vô cùng cần thiết đối với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới là đảm bảo sự cân bằng quyền lực tồn tại, trong tất cả các lĩnh vực quyền lực và cơ quan chính trị, cả trong nước cũng như quốc tế, bởi vì không có cách nào mà bất kỳ cá nhân hay chính phủ nào có thể đảm bảo sự bảo vệ bình đẳng của người dân, trong tất cả vô số các cuộc xung đột và thách thức của họ, từ rất lớn đến rất nhỏ.
Cân bằng quyền lực (Balance of Power) là một trong những thuật ngữ lâu đời nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Thuật ngữ này có ảnh hưởng quan trọng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của các quốc gia, đồng thời cũng giải thích nguyên nhân dẫn đến sự thiết lập những trật tự thế giới mới. Bản thân cân bằng quyền lực là một khái niệm hết sức phức tạp. Hans Morgenthau ban đầu đã sử dụng thuật ngữ này với bốn định nghĩa khác nhau; nhà Khoa học Chính trị Ernest B. Haas đã đưa ra tám định nghĩa khác nhau; học giả người Anh Martin Wight tìm được đến chín định nghĩa.
Việc xác định mục tiêu của cân bằng quyền lực theo đó cũng không cụ thể, tuỳ thuộc vào bối cảnh lịch sử từng giai đoạn và từng cách tiếp cận khác nhau. Nếu tiếp cận theo nghĩa là một nguyên tắc, thì cân bằng quyền lực là trạng thái của hệ thống quốc tế mà ở đó không có một quốc gia nào có sức mạnh áp đảo so với các quốc gia khác. Trạng thái này có thể được thiết lập thông qua việc tạo ra một thế đối lập với quốc gia hoặc nhóm quốc gia mạnh nhất bằng việc hình thành một đối thủ hoặc một liên minh có sức mạnh tương đương. [6]
Tuy nhiên, nếu tiếp cận theo nghĩa là một chính sách thì cân bằng quyền lực là một loạt những biện pháp nhất quán của các nhà ngoại giao, các chính khách nhằm duy trì trạng thái cân bằng của cán cân quyền lực. Theo đó, các quốc gia có thể hình thành một liên minh chống lại quốc gia có tiềm năng trở thành bá quyền hoặc thực hiện những biện pháp khác nhằm nâng cao khả năng kiềm chế những quốc gia hiếu chiến xâm lược. Bên cạnh đó, một quốc gia cũng có thể tự mình đóng vai trò cân bằng hệ thống bằng cách thay đổi liên minh khi cần thiết.
Nhìn chung, mọi hệ thống cân bằng quyền lực trong lịch sử đều có những điều kiện chung gắn liền với những giả định của lý thuyết Chủ nghĩa hiện thực. Thứ nhất, các quốc gia có chủ quyền nhưng tồn tại trong một thế giới vô chính phủ, không có một chính phủ toàn cầu hợp pháp bao trùm giúp điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Thứ hai, các quốc gia liên tục cạnh tranh với nhau nhằm giành giật các nguồn tài nguyên khan hiếm, bảo vệ lợi ích quốc gia và khuếch tán các giá trị vốn thường mâu thuẫn nhau của mình. Thứ ba, giữa các quốc gia trong hệ thống có sự chênh lệch nhau về địa vị, mức độ giàu có và sức mạnh.
Chính sách cân bằng quyền lực không chỉ là công cụ đắc lực trong tay các nước lớn, mà còn là đối sách chiến lược rất thành công của một số nước nhỏ. Chẳng hạn, vào thế kỷ XIX, trong xu thế các nước đế quốc đang tiến hành bành trướng thuộc địa sang Châu Á thì Thái Lan là một trong những quốc gia đã khéo léo tránh được thiệt hại của các cuộc chiến tranh xâm lược nhờ vào chính sách cân bằng quyền lực đối với cả Anh, Mỹ và Pháp.

Phần II: Bàn về Địa - Chính trị Việt Nam

1. Một nạn nhân của Địa lí.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Tạp Chí Tài Chính.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Tạp Chí Tài Chính.
Có một nhận định mà tôi rất tâm đắc khi lý luận về sự ảnh hưởng của các yếu tố Địa lí lên các học thuyết Chính trị, rằng:
Chính sách của một quốc gia được quyết định bởi vị trí địa lí của quốc gia đó.
Thật vậy, nhiều nhà Khoa học Chính trị, nhà phân tích, học giả trên khắp thế giới ví bản đồ địa lí nước Trung Hoa rộng lớn như một con gà trống, với bán đảo Triều Tiên là chiếc mỏ còn Việt Nam là chân. Sự ví von này mang nhiều hàm nghĩa sâu sắc. Nếu “chân” không vững, không chịu nghe lời của mình thì cả thân của con gà, tức Đế quốc Trung Hoa, sẽ ngã khụy. Nếu “mỏ” bị tổn thương, thì cả con gà sẽ không thể “vươn ra biển lớn” mà từ đó “suy dinh dưỡng”. Tầm quan trọng của Việt Nam đặc biệt chiến lược với Trung Quốc từ nghìn đời nay. Việt Nam, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, luôn gánh trên vai mình sức nặng khổng lồ của Trung Quốc. Dẫu có không muốn đi chăng nữa, Việt Nam cũng không thể làm được gì để thay đổi được thực tế này. Đó chính là “lời nguyền địa lí”, tạm dịch từ “tyranny of geography”, mà Lịch sử đã sắp đặt cho dân tộc Việt Nam.
Từ nghìn đời xưa, các nhà lãnh đạo của một Đế quốc Trung Hoa luôn tìm cách gây ảnh hưởng lên Việt Nam, chí ít là khiến Việt Nam rơi vào vòng ảnh hưởng sâu sắc của Trung Hoa để dễ bề kiểm soát, hoặc thậm chí là thôn tính Việt Nam để đảm bảo an ninh. Tương tự như Cuba đối với Mỹ, Ukraine đối với Nga, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài học cách chia sẻ số phận của mình với nước láng giềng Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử. Hoặc bị thôn tính và bị tiêu diệt nếu chống đối ra mặt, hoặc là sống chung một cách khéo léo và ôn hoà để cùng tồn tại. Đây là cách mà các vị tiền nhân của nước Việt Nam đã khéo léo khi đánh đuổi các Đế quốc Trung Hoa tấn công: Luôn sai sứ sang cầu hoà và nhận sắc phong từ các Hoàng đế Trung Hoa.
Các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam không chỉ xuất phát từ sự gần gũi về mặt địa lí mà còn từ sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Trung Quốc rộng gấp 29 lần so với Việt Nam, và dân số của Việt Nam, mặc dù đông thứ 14 thế giới, cũng chỉ tương đương với số dân một tỉnh tầm trung của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế số 2 thế giới với GDP danh nghĩa vào năm 2021 ước đạt 16,64 nghìn tỷ USD (IMF). Để so sánh, trong cùng năm này GDP của Việt Nam ước đạt 368 tỷ USD (IMF), một khoảng cách quá vượt trội.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam từ cuối những năm 1980 cũng không cho phép Việt Nam thu hẹp khoảng cách quyền lực với Trung Quốc. Trái lại, cùng với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, khoảng cách quyền lực giữa hai nước càng được nới rộng. Theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP của Trung Quốc tính theo đô-la Mỹ hiện hành đã tăng hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2009, từ 307 tỷ USD lên 4.985 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cùng thời gian trên, GDP của Việt Nam chỉ tăng 7 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 1985 lên 97 tỷ USD trong năm 2009.
Theo nhận định của tờ The Diplomat, nhờ kinh tế phát triển, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được gia tăng mạnh mẽ, đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh Việt Nam. Trong năm 2011, theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quân sự của nước này là 91,5 tỷ USD, trong khi Việt Nam được cho là chỉ chi 2,6 tỷ USD cho quốc phòng (khoảng 2,5% GDP). Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Việt Nam là chi phí quân sự gia tăng của Trung Quốc được tập trung dành cho lực lượng không quân và hải quân, giúp nước này tăng cường khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Biển Đông. [7]
Trên thực tế, sức mạnh vượt trội của một Đế quốc Trung Hoa từ lâu đã là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Việt Nam. Việt Nam đã nằm dưới ách thống trị của các triều đại Trung Quốc suốt gần một nghìn năm cho đến năm 938 sau Công nguyên, Lịch sử Việt Nam gọi khoảng thời gian này là “Nghìn năm Bắc thuộc”. Từ lúc đó cho đến khi nước Đại Nam bị Pháp biến thành thuộc địa vào nửa sau thế kỷ XIX, Trung Hoa đã tấn công và xâm lược Việt Nam một vài lần. Lần gần đây nhất là khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiến hành cuộc chiến tranh dọc theo biên giới phía Bắc của Việt Nam vào năm 1979, và cuộc đụng độ hải quân do Trung Quốc châm ngòi ở Biển Đông tháng 3 năm 1988.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế thị trường mở càng bổ sung thêm một khía cạnh khác cho “lời nguyền địa lí”, đó chính là khả năng bị tổn thương về kinh tế ngày càng gia tăng. Kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc vào cuối những năm 1980, sản xuất trong nước của Việt Nam đã từ lâu bị đe dọa bởi hàng hóa Trung Quốc, tràn vào Việt Nam thông qua đường thương mại chính thức lẫn buôn lậu.
Vào đầu những năm 1990, hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều và gây bất lợi cho sản xuất trong nước đến mức chính phủ Việt Nam đã phải áp đặt một lệnh cấm trên 17 chủng loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những năm gần đây, bất chấp khả năng cạnh tranh ngày càng cao của sản phẩm Việt Nam và ấn tượng về tình trạng kém chất lượng của hàng hóa Trung Quốc, buôn lậu từ Trung Quốc vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ tạo nên tác động tiêu cực đối với sản xuất trong nước mà còn đe dọa người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là khi nhiều mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc có nhiều chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng.
Một điểm dễ bị tổn thương khác chính là tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam với Trung Quốc, lên tới 5,4 tỷ USD trong tổng thâm hụt thương mại 7,5 tỷ USD của Việt Nam trong nửa đầu năm 2011.
Trung Quốc đã nổi lên như là một nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần tư kim ngạch nhập khẩu trong năm 2010. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho một số ngành xuất khẩu chủ yếu của mình, chẳng hạn như giày dép, dệt may, hay đồ nội thất. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết định ngưng trao đổi thương mại với Việt Nam vì lý do nào đó, thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam sẽ là rất lớn.
Việt Nam dường như có rất ít lựa chọn để xử lý tình trạng dễ bị tổn thương trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một mặt, các phản ứng nếu có sẽ bị hạn chế bởi thực tế rằng Việt Nam hiện phải tuân thủ các luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế, như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam đã là thành viên từ đầu năm 2007. Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải đề cao cảnh giác về khả năng trả đũa quy mô lớn nếu có động thái tiêu cực đối với Trung Quốc.
Những điểm dễ bị tổn thương về kinh tế khiến cho Việt Nam mang nhiều mối đe dọa khác bên cạnh quân sự vốn rõ ràng hơn. Nếu Trung Quốc quyết định phát động một cuộc chiến tranh kinh tế, Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Điểm tích cực ở đây trong mối quan hệ với Trung Quốc là Việt Nam hy vọng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, cho dù không đối xứng, cũng sẽ giúp làm giảm khả năng Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và các công ty của Việt Nam nhận thấy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc ít tốn kém và thuận tiện hơn so với hợp tác với doanh nghiệp các nước khác.

2. Ngoại giao đi dây: Liệu dây có đứt?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Như tôi đã trình bày trong mục “3. Cân bằng quyền lực” trong Phần I khi lý luận và chứng minh các học thuyết của Chủ nghĩa hiện thực, nếu cân bằng quyền lực là một chính sách thì nó là một loạt những biện pháp nhất quán của các nhà ngoại giao, các chính khách nhằm duy trì trạng thái cân bằng của cán cân quyền lực. Theo đó, các quốc gia có các lựa chọn sau đây:
(1) Hình thành một liên minh chống lại quốc gia có tiềm năng trở thành bá quyền. Một quốc gia cũng có thể tự mình đóng vai trò cân bằng hệ thống bằng cách thay đổi liên minh khi cần thiết.
(2) Thực hiện những biện pháp khác nhằm nâng cao khả năng kiềm chế những quốc gia hiếu chiến xâm lược.
Ta có thể thấy, Việt Nam đã chọn phương án thứ hai: Cân bằng quyền lực bằng thêm bạn, bớt thù, duy trì và cân bằng ảnh hưởng của cả những cường quốc có lợi ích ở Việt Nam, tiêu biểu là hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. Liệu nó có hiệu quả? Liệu dây có đứt?
Việc bình thường hóa với Trung Quốc giúp Việt Nam bước đầu phá thế bị bao vây cô lập, cho phép Việt Nam cải thiện quan hệ với ASEAN và Mỹ. Trong khi đó, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ giúp Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có quan hệ bình thường với tất cả các cường quốc trên thế giới. Các sự kiện trên cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam gia nhập vào một loạt các tổ chức và diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh những thuận lợi Việt Nam cũng gặp phải một thách thức không nhỏ: Làm sao duy trì được sự cân bằng giữa hai siêu cường vốn đang ngày càng có xu hướng mâu thuẫn lẫn nhau?
Sách trắng Quốc phòng đã nêu bốn điều Không, thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam:
(1) Không tham gia liên minh quân sự. (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia. (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác. (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Nhiều bạn đọc cho rằng chính sách như vậy là lươn lẹo, xảo trá. Nhưng lươn lẹo, xảo trá thì đã sao? Chính trị quốc tế vốn không phải là một thế giới lý tưởng nơi các nước không vì lợi ích mà nhường nhịn lẫn nhau. Thực tế, các quốc gia đều hành động vì lợi ích và quyền lực, nơi những cuộc chiến tranh xảy ra triền miên, đấu đá quyền lực, cạnh tranh ảnh hưởng để đạt được điều đó. Tôi đã lý luận điều này trong Phần I. Có thể thấy lợi ích quốc gia là tuyệt đối.
“Bậc quân vương phải dũng mãnh như sư tử, xảo quyệt như loài sói, đối với kẻ phản bội mình thì phải tàn độc như rắn rết, bọ cạp. Bậc quân chủ phải tỏ ra là người từ bi, rộng lượng, biết giữ lời hứa, chân thành, đáng tin, sùng bái thần linh. Nhưng khi cần thiết, phải biết vứt tất cả những phẩm chất đạo đức cao quý đó và thay đổi hoàn toàn thái độ. Tức là, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Mục đích luôn là cái cớ để biện hộ cho thủ đoạn. Nhưng tuyệt đối không được để mất lòng dân. Bởi vậy, bậc quân vương phải vừa là một kẻ ngụy quân tử và vừa là một tên lừa đảo chuyên nghiệp.” - Trích “Quân Vương”, Niccolò Machiavelli.
Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống đó, vẫn còn một câu hỏi cần đặt ra: Việt Nam sẽ sẵn sàng đi xa tới đâu trong mối quan hệ này? Câu trả lời khả dĩ nhất lúc này có lẽ là “Không quá xa”. Một mối quan hệ Việt - Mỹ thân thiết sẽ gây nên những căng thẳng không mong muốn trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhất là khi mà quan hệ Trung - Mỹ có khả năng xấu đi do cạnh tranh chiến lược, và Việt Nam không muốn tiếp tục trải qua những kinh nghiệm khó khăn thời kỳ những năm 1970 - 1980. [8]
Đây là bằng chứng rõ ràng về mong muốn của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ kinh tế, quân sự ổn định và bình thường với cả Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, nó cho thấy tầm quan trọng của Mỹ và Trung Quốc đối với mục tiêu hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam. Việt Nam rất lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, và cách tiếp cận mới trong chính sách ngoại giao của Việt Nam là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, về mặt ý thức hệ, Việt Nam lại thấy thoải mái với Trung Quốc hơn là Mỹ.
Việt Nam không muốn bị vướng vào cuộc chơi quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung cao độ như hiện nay. Trong trường hợp muốn khai thông bế tắc trong quan hệ song phương, các nước lớn có thể sẵn sàng thỏa hiệp trên lưng của các đồng minh nhỏ của mình. Hiệp định Geneva năm 1954 hay Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 là hai trường hợp điển hình, trong đó Việt Nam bị chính các đồng minh nước lớn của mình phản bội.
Trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ coi quan hệ với Mỹ và Trung Quốc như là một phần của chiến lược “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ đối ngoại nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục mong muốn được độc lập thì nên tránh quan hệ quá gần gũi với một nước mà buông lỏng mối quan hệ với nước kia.
Khả năng duy nhất có thể khiến Việt Nam vượt quá giới hạn và tạm thời ngả hẳn vào tay Mỹ là khi Trung Quốc có các hành động hiếu chiến chống lại Việt Nam, như xâm lược các đảo hay bãi đá Việt Nam đang nắm giữ ở Trường Sa. Có nghĩa, chúng ta sẵn sàng vứt bỏ “Bốn Không” nếu như sự tồn vong và lợi ích của quốc gia bị đe doạ, dù là từ phía Trung Quốc hay là Mỹ. Vì thế, không một bên nào muốn tiến quá trớn và vượt quá giới hạn trong quan hệ với Việt Nam.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 10/07/2022, hoàn thành vào 19/07/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] The Tragedy of Great Power Politics (2001), Chapter 1, Introduction, p. 2
[2] https://vnexpress.net/nga-ngang-chan-dong-minh-trong-cuoc-chien-dau-voi-phuong-tay-4486948.html
[4] https://nghiencuuquocte.org/2015/02/18/chu-nghia-hien-thuc/
[5] Milgram, Stanley (1974). "The Perils of Obedience". Harper's Magazine. Archived from the original on December 16, 2010. Abridged and adapted from Obedience to Authority
[6] https://nghiencuuquocte.org/2014/12/24/can-bang-quyen-luc/
[7] https://thediplomat.com/2011/07/vietnams-tyranny-of-geography/
[8] https://nghiencuuquocte.org/2014/06/16/viet-nam-giua-hai-bo-trung-my/
Ngày 19 tháng 07 năm 2022,
Trần Tuấn