Không có mô tả ảnh.


       Một trong những nguyên nhân được cho rằng suốt 1000 năm Bắc thuộc dân Việt không bị mất đi những giá trị văn hoá bản địa là bởi tính tự trị cao trong làng xã Việt Nam. Nôm na như một số người hay nói "Việt Nam có thể mất nước, nhưng không thể mất làng" ngụ ý là sự ám chỉ về cái hình thái đặc biệt của làng xã Việt Nam và cả sức sống mãnh liệt trong cái cộng đồng nhỏ mà đặc biệt ấy nữa.
Vạn Vĩ là một làng của khu vực Kinh Đạo. Đây là địa bàn tập trung sinh sống của người Kinh, vốn là tộc người đa số ở Việt Nam di cư đến và trở thành một tộc người thiểu số của Trung Quốc. Theo các tài liệu ( thành văn và truyền miệng) thì người Kinh ở Vạn Vĩ chính là những ngư dân ở các vùng biển phía Bắc Trung Bộ và Đông Bắc của Việt Nam di cư theo đường biển đến định cư ở Vạn Vĩ vào thời Hậu Lê, cuối thế kỉ XVI. Hương ước của làng bị đốt trong Cách mạng văn hóa nhưng 1 phần bản Hương ước vẫn được ghi lại trong vài cuốn sách của các nhà dân tộc học Trung Quốc như cuốn "Giản sử kinh tộc"[1] hay "Ghi chép về phong tục của người Kinh"[2] đều ghi: "Năm 1953 tìm thấy Hương ước của làng. Hương ước làng còn ghi: Thừa thiên Tổ phụ Hồng thuận tam niên, quán tại Đồ Sơn, lưu lạc xuất đáo...lập cơ hương ấp nhất xã nhị thôn, các hữu đình từ..." [3]
        Văn sớ hiện tồn và các bài ca truyền miệng về lịch sử làng, về các vị thần thánh được thờ trong làng cũng nói đến thời điểm di cư đến đảo này như đã được ghi trong sách. Gia phả dòng họ lớn nhất ở Vạn Vĩ là họ Tô cũng ghi rằng ông tổ họ Tô đến đảo này vào khoảng thế kỉ XVI. Người dân bản địa gọi những người dân di cư đến đây là "An Nam nhân" hoặc "Giao Chỉ nhân". Sách “Lịch sử văn học dân tộc Kinh” cũng ghi "người Kinh ở Phòng Thành có 30 họ..... các họ đến từ Đồ Sơn, Hoa Phong, Nghệ An, Thanh Hoá, Thuỵ Khê, Vạn Trụ, Giáp Bạch, Móng Cái.."
        Các hòn đảo mà người Kinh từ các vùng biển miền Trung cả miền Bắc Việt Nam đặt chân khai phá thường xuyên bị đặt vào trong sự tranh chấp biên giới giữa hai nướcc Việt - Tung. Khiến cho hòn đảo này khi thuộc về Việt Nam, khi thuộc về Trung Quốc. Đến 6-5-1887, khi đó Pháp đại diện cho Việt Nam ký với nhà Thanh Hiệp định hoạch định biên giới Việt- Trung. Theo đó lấy sông Bắc Luân làm biên giới Việt- Trung, khu vực Vạn Vĩ, Giang Bình thuộc về Trung Quốc[4]. Dân ở Vạn Vĩ cho đến nay[5] vẫn lưu truyền phổ biến câu ca:
                                    "Trước kia ta ở Việt Nam
                        Vì thằng giặc Pháp phải sang bên Tàu"
        Hiện nay, dân ở đây, đặc biệt là người lớn tuổi vẫn hay nói tiếng Việt với nhau. (trẻ con thì ít hơn). Người Kinh gọi chung người Hán ở Vạn Vĩ là khách với ngụ ý họ là người nơi khác đến mảnh đất của mình ngụ cư. Người Kinh ở Vạn Vĩ vẫn giữ thói quen chấm nước mắm và một số món ăn truyền thống của người Kinh như nem, bánh cuốn, phở,v.v… Cho đến tận những năm 50 của thế kỉ XX, phụ nữ ở đây vẫn ăn trầu và trong nhà thường trông cau và giầu.[6],[7]; còn đàn ông thì thì ưa hút thuốc lào (bằng cả điếu cày và điếu bát)
        Đời sống tinh thần của người Kinh ở Vạn Vĩ gắn bó với ngôi đình- một biểu tượng đặc trưng của làng Việt Bắc Bộ. Các vị thần thờ trong đình là những vị thần mà họ mang theo từ cố hương : Bạch Long trấn hài Đại Vương, Đức thánh Trần, Tản Viên Sơn thánh, Mẫu Liễu Hạnh, Thần Điểm Tước. Trong lễ hội của làng, chỉ dân chính cư của làng mới được tham gia hội đình, người các tộc khác, thậm chí người Kinh nhưng không phải dân chính cư cũng không được tham gia. Các câu truyện Nôm như Truyện Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ cũng được người dân ở đây hát kể truyện .
Trải qua mấy trăm năm định cư và sinh sống ở Vạn Vĩ, những người Kinh ở đây đã không ngừng sáng tạo những nét văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới. Dẫu cho sau này nhiều tộc người khác có đến sinh sống thì những nguời Kinh ở vùng đất này vẫn luôn cố gắng giữ gìn và duy trì được những phong tục bản sắc riêng vốn có của mình. Họ luôn ý thức được nguồn cội và việc giáo dục truyền thống đối với con cháu. Sức sống mãnh liệt của cả một cộng đồng tuy nhỏ nhưng đã làm nên những giá trị lớn, làm nên cái đặc tính riêng biệt của dân tộc Việt suốt mấy nghìn năm qua.

[1] “京 族 简 史” 编 写 组 ,京 族 简 史. 广 西 民 族 出 版 社, 1984. Tổ biên soạn Lịch sử, giản sử kinh tộc, Nxb Quảng Tây.
[2] 符 达 开, 过 韦, 京 族 风 俗 的 记 载, 国 家 大 学 出 版 社, 1993. Tô Duy Quang, Qua Vĩ, Vĩ Kiên Bình, Lịch sử văn học dân tộc Kinh, Nxb Giáo Dục Quảng Tây
[3] Hồng Thuận tam niên tương ứng với đời Vũ Tông Chính Đức thứ 6, đời Minh ở Trung Quốc và thời Hậu Lê ở Việt Nam, năm 1511.
[4]Ngô Văn Hòa, “Việc hoạch định biên giới Việt Nam- Trung Quốc hồi cuối thế kỉ XIX”, Tạp chí Xưa và Nay
[5] 2012
[6]广西 京 族 仕 会 历 史 调 查 (1960), 广 西 人 民 出 版 社 , 1987. Nxb Dân tộc Quảng Tây (1987), Điều tra Lịch sử xã hội dân tộc Kinh, Quảng Tây (Điều tra năm 1960)
[7] 符 达 井,过 竹,韦 监 平,苏 维 光,过 韦, 京 族 风 俗志, 中 央 民 族 大 学 出 版 社 1993. Phù Đạt Thăng, Qua Vĩ, Tô Duy Quang, Vi Kiên Bình, Qua Trúc (1993), Kinh tộc phong tục chí, Nxb Học viện Dân tộc Trung ương Bắc Kinh

Dẫn theo: Làm dâu nơi đất khách...- Nguyễn Thị Phương Châm, Nxb Lao Động, 2012

P/s: Đoạn kết viết hơi cảm tính vì tạm thời chưa nghĩ ra được kết nào khác =((