Tôi vừa về đến nhà sau một ngày làm tổng kết giấy tờ, hoá đơn cho mấy cái sự kiện vừa diễn ra. Hôm nay đúng là một ngày xù đầu và uể oải của một người đàn ông đã có tuổi nhưng vì miếng cơm manh áo mà bươn chải thì một tin nhắn của thằng bạn 40 tuổi đến với chỉ một câu ngắn gọn : “Tôi vừa bị công ty cắt”. Thế là tôi đã biết bạn chuẩn bị “chia tay” nơi đang làm việc đã gắn bó 9 năm.
Thấp nghiệp tuổi trung niên
Thấp nghiệp tuổi trung niên
Chủ nhật tuần trước, 2 đứa còn đang ngồi cà phê nói chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình và những trăn trở của người đàn ông trung niên 40 tuổi. Ai cũng biết tình hình kinh tế năm 2024 bi đát và thê thảm ra sao, giờ có việc làm thì cũng gọi là “ổn” chứ sống thì không nổi và hụt hơi.
Tôi nhớ câu chuyện bạn tôi tâm sự, bạn kể rằng bạn đã làm ở đây 9 năm, cùng trải qua những giây phút từ những ngày đầu ở công ty cho đến tận hôm nay. Bạn đã cùng tổ chức ấy làm ra bao nhiêu việc, hoàn thành rất nhiều hợp động, có lần bạn cũng sang công tác Hàn Quốc tận 2 tháng để làm dự án công ty mẹ bên đấy. Bạn đã ở công ty 9 năm, cũng có chút thành tựu và góp phần vào sự phát triển vào công ty ấy nhưng do tình hình kinh tế thì “cựu thần” như bạn cũng phải “bắt buộc rời đi”.
Tàn ngày để lại rồi “lãng quên” cuộc đời
Sài Gòn mấy hôm nay nắng gay gắt, từ câu chuyện của bạn khiến tôi lại nhớ đến nhân vật Stevens trong tác phẩm “Tàn ngày để lại” nhà văn Kazuo Ishiguro. Ông dành cả cuộc đời mình (35 năm) để làm quản gia trong một dinh thự, ông bỏ qua hết tất cả mọi thứ từ tình yêu, cảm xúc, lý tưởng…..để làm một người quản gia tận tuỵ, một đời cung phụng cho chủ của ông ấy. 35 năm thanh xuân chỉ làm một việc duy nhất nhưng rồi cuối cùng thì ông cũng “bơ vơ” và "cô đơn" khi về già.
Còn bạn tôi đã mất 9 năm thanh xuân chỉ để ngồi máy tính để vẽ và cũng không làm cái gì khác. Bạn tận tuỵ, cố gắng vì công ty nhưng có một điều là không ai có thể làm cả đời hay mấy chục năm cho một tổ chức hay đoàn thể nào được trong thời đại này.
Mọi người đều bị thay thế, nếu bạn không bị thay thế thì công ty phá sản hoặc bị bán cho một tổ chức khác . Một điều sẽ xảy ra là những người lớn tuổi như bạn và tôi sẽ là những cái tên “ra đi trong lặng lẽ”.
Diễn viên Anthony Hopkins trong vai Stevens - Tàn ngày để lại
Diễn viên Anthony Hopkins trong vai Stevens - Tàn ngày để lại
Tôi nhớ ra hình ảnh của diễn viên Anthony Hopkins - vai chính Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Tàn ngày để lại - The Remains of the Day phiên bản điện ảnh gần như trung thành tuyệt đối với tác phẩm gốc. Hình ảnh người diễn viên ấy cũng như bạn tôi vậy. Chỉ khác là Stevens làm việc mà không bị thay thế, còn tôi và bạn đã, đang, sẽ bị thay thế thôi
Diễn xuất tài tình của bộ đôi Anthony Hopkins (Stevens – quản gia) và Emma Thompson (Kenton – nội quản) giúp người xem hiểu hơn về những giằng xé nội tâm của nhân vật này trước những thay đổi của thời cuộc và tình cảm riêng tư của cá nhân họ. Stevens đã thốt lên :
“Cả đời tôi chỉ làm việc, làm việc rồi làm việc. Giờ, tôi vẫn làm việc… “
Nhưng ngoài đời thực, ở cái xã hội ngày nay thì không ai có thể làm việc cho một công ty, tổ chức từ năm này qua năm khác, tính bằng nhiều năm được.
Thất nghiệp tuổi trung niên
Thất nghiệp ở tuổi 40 cũng không làm gì quá ghê gớm, quan trọng chúng ta sẽ làm gì ở những ngày tiếp theo để có tiền. Những năm tháng thanh xuân, để tồn tại ở đất Sài Gòn tôi cũng phải bôn ba cả vài chục nơi, làm cả vài chục nghề vì tôi nghĩ chẳng có nghề gì ổn định, chỉ có khả năng kiếm tiền là “ổn định” nhưng muốn kiếm tiền thì đòi hỏi bạn phải nhanh nhẹn, phải học một lúc nhiều nghề.
Tuổi trung niên hay tuổi già thì chẳng ai có thể tránh khỏi nhưng làm cách gì để kiếm tiền mới là vấn đề đau đầu nhất. Tôi nhớ về hình ảnh nhân vật Biện Dung Đại trong tác phẩm “Hễ sướng thì hét lên” của tác giả Trì Lợi.
Tác phẩm Hễ sướng thì hét lên (nguồn ảnh: reviewsach.net)
Tác phẩm Hễ sướng thì hét lên (nguồn ảnh: reviewsach.net)
Ở tuổi 41, khi anh đang làm tổng thư ký và giám đốc cho một hiệp hội sản xuất thuỷ tinh, anh đã công tác ở đây 19 năm. Nhưng một ngày đẹp trời, hiệp hội thuỷ tinh giải thể, anh lại bơ vơ. Mỗi ngày anh vẫn mặc áo vét ra đường đi làm như mọi ngày và chẳng báo cho vợ biết nhưng công ty cũng chẳng còn nên anh lại đi lang thang khắp các ngôn cùng ngõ hẻm. Lúc thì anh ở trong siêu thị, lúc thì ở quán cà phê…anh cứ lang thang vô định nghĩ về cuộc đời ở tuổi 40 mà thất nghiệp thì sẽ làm gì.
Cuộc sống không giống cuộc đời, trong thời buổi kinh tế khó khăn và suy thoái thế này, để tồn tại và sống thôi cũng mệt nhoài. Huống chi nữa, trên vai một người đàn ông còn gánh vác cả gia đình, con thì còn quá nhỏ.
Như Biện Dung Đại từng nói trong tác phẩm “Hễ sướng thì hét lên” 
Tầm quan trọng của sinh tồn vượt lên trên tất cả. Bởi vì không chỉ sinh tồn vì sự sinh tồn của chính bản thân, anh ta còn phải sinh tồn vì những người thân thích và có quan hệ huyết thống với mình.
--------------