Gần đây, hòa theo xu hướng khó lường của nhiều vấn đề vĩ mô, thị trường việc làm trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mình chứng kiến bạn bè, đồng nghiệp chủ động hoặc bị động rời khỏi nơi từng gắn bó khi các tổ chức phải chuyển mình để sống sót trước những con sóng dữ hăm he "nhấn chìm tất cả".
Vốn từng "tự nguyện" thất nghiệp gần một năm, mình hiểu cảm giác khi đứng bên lề guồng quay "sáng đi làm, chiều tan ca" căng thẳng đến mức nào.
Không áp lực sao được khi "chỗ ngồi" tạm ổn định bỗng dưng vỡ vụn khiến bản thân lạc lõng vì không có một nơi thuộc về?
Không lo lắng sao được khi hồ sơ bị từ chối hết công ty này đến doanh nghiệp nọ đến mức tự ti về năng lực bản thân?
Không suy nghĩ sao được khi bỗng nhiên cảm thấy vô dụng và lo sợ cái nhìn dò xét của những người xung quanh?
Không suy sụp sao được khi đã từ lâu, chúng ta dùng "công việc" để khẳng định bản thân đến khi mất đi thì hoài nghi về chính con người mình?
Hẳn nhiên, chẳng ai muốn phải gánh chịu những cảm giác mệt mỏi khi không có việc làm. Thế nhưng, nếu nhìn khác đi, chúng ta có thể thấy rất nhiều cơ hội có thể nắm bắt để phát triển giai đoạn sự nghiệp tiếp theo muôn phần rực rỡ.
1. "THẤT NGHIỆP" LÀ ĐỂ NHÌN LẠI
Khi đi làm, chúng ta để tâm nhiều đến việc hoàn thành yêu cầu công việc và thỏa mãn đánh giá của người khác như sếp, đồng nghiệp hay khách hàng. Điều này cũng chẳng có gì sai vì đóng góp giá trị mới nhận lại phúc lợi tương xứng. Thế nhưng, nhiều người trong đó có mình trước đây lại chạy theo những kỳ vọng bên ngoài đến mức chẳng nghĩ đến việc ngồi lại để đúc kết và hệ thống một cách rõ nét năng lực bản thân. 
Đến khi phải quăng mình vào một môi trường hay cơ hội mới, chúng ta ngỡ ngàng nhận ra đã "phụ thuộc" và mong cầu vào sự công nhận của người khác đến mức mất đi định hướng phát triển của riêng mình. Cái gì cũng biết nhưng chẳng có gì sâu để trở thành "lợi thế cạnh tranh" làm nhà tuyển dụng phải ấn tượng trong một cuộc cạnh tranh với hàng chục ứng viên đang hăm hở "xung trận".
Sau một hành trình "lăn lê bò trườn", mình hay nói với các em đồng nghiệp một điều đúc kết được là
"Phải tự đánh giá được năng lực và mức đãi ngộ tương xứng tại thị trường các bạn lựa chọn. Nếu không tự định giá thì sẽ bị đánh giá".
Lúc còn đi làm, chúng ta thiếu thời gian và tinh thần để soi chiếu năng lực thì giai đoạn "chưa có việc" là thời điểm lý tưởng để tìm cách hiểu mình, bên cạnh việc ngủ bù những ngày "đi sớm về hôm mà đồng lương vẫn không khi đủ".
Theo mình, "lợi thế cạnh tranh" xuất phát từ hai yếu tố là thiên hướng bẩm sinh và định hướng phát triển. Hiểu đơn giản là khi mới đi làm, bạn như một quặng kim loại còn thô. Qua quá trình học hỏi, va chạm và gọt giũa, bạn sẽ nhận ra bằng lý trí hoặc cảm nhận được điều mình thích (con số hay con người,…), thứ mình giỏi (phát triển hệ thống hay chăm sóc khách hàng,…) và định hướng muốn theo đuổi trong ngành nghề mình đã lựa chọn (quản lý hay chuyên gia,...).
Một ví dụ của riêng mình là khi tiếp cận môi trường hoặc lĩnh vực mới, mình sẽ có phần tự ti vì sự chậm mà chắc và không thể hiện nhiều khi chưa hiểu rõ. Hẳn nhiên, trong môi trường công sở, tính cách này sẽ khiến bản thân bị đánh giá thấp và không được lòng người khác như những bạn hoạt ngôn, xởi lởi và tích cực đóng góp ý kiến.
Nhưng qua thời gian, chính cái chậm - chắc - kỹ - sâu giúp mình tạo được niềm tin và sự ảnh hưởng nhờ tận dụng để xây dựng quy trình, hệ thống hóa những bước làm tự phát thành một phương pháp dễ áp dụng cho cả những người mới làm và đồng nhất trong cả nhóm. Bên cạnh cải thiện khả năng giao tiếp, khả năng tư duy hệ thống một lợi thế cạnh tranh mình tìm ra và nỗ lực mài giũa để nâng cao giá trị bản thân trong tập thể.
Thế nên, hãy ngồi xuống, nhìn sâu vào chính mình và chặng hành trình đã đi qua để xây dựng nên "tuyệt chiêu tất sát" chỉ riêng bạn có dựa trên ưu thế bẩm sinh và mục tiêu phát triển. Để khi trao đổi với nhà tuyển dụng cho một cơ hội mới, hãy trả lời một cách tự tin về giá trị độc nhất mà bạn có thể đóng góp cho tổ chức.
2. "THẤT NGHIỆP" NHƯNG KHÔNG DỪNG LẠI
Một điều mình quan sát thấy là chúng ta để công việc chiếm dụng quá nhiều thời gian một ngày. Dù có thể tan ca đúng giờ, những áp lực, lo toan cùng trách nhiệm vẫn ám ảnh những "nhân công" chăm chỉ vào giấc ngủ cho đến khi thức dậy. Lối sống này khiến chúng ta bị "nghiện" công việc, xem việc hoàn thành đầu mục như một biện pháp thỏa mãn nhất thời rồi nhanh chóng lao vào những mục tiêu lớn hơn, nhiều hơn cho đến vô cùng.
Và khi đã lệ thuộc vào công việc, chúng ta lập tức hoảng loạn khi "thất nghiệp" và cuống cuồng đi tìm một sự thay thế để không thấy bản thân thảm hại. Thế nhưng, mình cho rằng, "thất nghiệp" không có nghĩa là bạn không làm gì. Như mình từng viết, một trong những niềm vui bền vững khi đi làm là được thấy mình giỏi hơn qua thời gian (BE).
Hơn cả thế, thấy mình phát triển giúp mỗi người cảm thấy được sống. Và bạn chẳng cần một công việc làm công ăn lương để đạt được trạng thái đó. Bạn có thể học kỹ năng từng dự tính, khởi đầu kế hoạch đã ấp ủ từ lâu, thực hiện dự án vẫn hằng ao ước hay đơn giản là vận động đều đặn để cơ thể tiết ra các hóc-môn hạnh phúc.
Nếu dừng lại và trông chờ một công việc để giải thoát chính mình, "thất nghiệp" như một tù giam khiến mỗi người dần chán nản, tiêu cực rồi trầm cảm. Ngược lại, nếu tận dụng quãng thời gian để thỏa sức làm những điều yêu thích, sự tích cực, hồ hởi và hào hứng sẽ tự đến và khiến chúng ta muốn mày mò nhiều điều mới để được mở rộng vùng hiểu biết và chuẩn bị cho những cơ hội tốt hơn trong tương lai.
Như bản thân mình đã tham gia khóa học Giám Đốc Nhân Sự (CHRO) của trường PACE trước khi có được việc mới. Quá trình học giúp mình được mở mang rất nhiều so với quãng thời gian tự lần mò trong công việc đầu tiên. Tất nhiên, học thì chỉ biết được kiến thức nhưng mình cũng hình dung một cách có hệ thống và bài bản về những chức năng của người làm nhân sự. Nhờ vậy, khi bước chân vào môi trường mới, mình có thể nhận biết những điều được truyền tải là cảm tính hay có nghiên cứu rõ ràng nên đỡ bị áp đặt và có thể phản biện mà không lâm vào tranh cãi trên quan điểm cá nhân.
Trong cuộc đời mình, bạn sẽ luôn có quãng thời gian "tích lũy nội lực" trước khi "vươn mình tỏa sáng". Và những nỗ lực cặm cụi, thầm lặng và bền bỉ sẽ là nền tảng để bạn thỏa sức thể hiện và nâng tầm nội lực trên hành trình sự nghiệp.
3. "THẤT NGHIỆP" VỐN CHẲNG TỒN TẠI
Mình nghĩ, chúng ta chẳng có ai "thất nghiệp" cả. Bởi lẽ, nếu hiểu từ nghiệp theo quan điểm Phật Pháp là những hành động chúng ta làm sẽ mang lại điều tốt lành (nghiệp tốt) hay làm khổ đau (nghiệp xấu). Bên cạnh công việc, mỗi người vẫn không ngừng tạo nghiệp qua cuộc sống, mối quan hệ và với chính bản thân mình. Đơn giản, bạn học hỏi để tăng trưởng kiến thức cho bản thân là một hành động (nghiệp) tốt có thể mang lại thu nhập tốt hơn trong tương lai (quả ngọt).
Chúng ta quen với cách nhìn, cái gì làm ra tiền thì mới được gọi là có giá trị. Thế nhưng, có được điều gì đó (HAVE) là niềm vui mất nhiều thời gian để đạt được nhất nhưng lại kéo dài ngắn nhất khi đi làm. Bên cạnh tiền bạc hay chức vụ, chúng ta vẫn có thể hạnh phúc nhanh hơn và bền vững hơn khi mang lại giá trị cho người khác (GIVE).
Với chuyên môn đang theo đuổi, bạn có thể chủ động chia sẻ cùng những người bạn, đồng nghiệp cũ hay bạn học để cùng nhau mở rộng góc nhìn và hiểu biết trong thời gian chưa bị cuốn vào "vòng xoáy mưu sinh". Hay để làm những điều ý nghĩa như chăm sóc gia đình, hoạt động thiện nguyện hay kết nối bạn bè. Dù nhỏ bé thì những hành động như vậy sẽ làm cuộc đời thêm ý nghĩa và có động lực sống.
Như trong video mới đây mình có xem, cô Bùi Trân Phương (cựu hiệu trưởng của Đại Học Hoa Sen) có chia sẻ là đời sống tinh thần phong phú là một điều thiết yếu để giúp bệnh nhân ung thư đối diện với nghịch cảnh nghiệt ngã của cuộc đời. Dẫu chẳng khó khăn như vậy, "không có việc làm" giữa một xã hội quá nhiều trách nhiệm cũng là một loại nghịch cảnh cần những trải nghiệm tinh thần sâu sắc mới có thể bình tâm đối diện.
Và điều thú vị nữa là, khi cho đi hay tạo nghiệp tốt, bạn sẽ tăng trưởng sự tự tin và niềm tin vào sự tốt đẹp của chính mình. Điều này tỏa ra một nguồn năng lực tích cực khiến người khác muốn kết nối sâu sắc, tạo nên những mối quan hệ chất lượng cũng như khiến nhà tuyển dụng có thiện cảm khi trao đổi. Trái lại, nếu mãi dằn vặt và chìm đắm vào tình trạng bế tắc, bạn có cố gồng đến mấy cũng không giữ được một trạng thái tốt nhất để thể hiện bản thân.
Cũng là câu chuyện đi học lớp Giám Đốc Nhân Sự, mình được chọn làm lớp phó dù có nhiều anh, chị chẳng hay biết. Khi đó, mình phối hợp cùng lớp trưởng để tổ chức những hoạt động giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa những anh, chị học viên dày dạn kinh nghiệm trong lớp. Trước nhất là mình vui vì được làm, được hiện thực hóa những suy nghĩ. Kế đến, mình được tiếp thu nhiều góc nhìn mới mẻ từ những anh, chị có thâm niên hàng chục năm. Đến cuối khóa, mình còn được cả lớp tặng một món quá vì những đóng góp dù chẳng biết mình cũng có "chức danh". Điều này khiến mình nhớ mãi và tự tin hơn xíu về khả năng tổ chức của mình.
Mỗi suy nghĩ, hành động và lời nói đều là một "nghiệp" bạn gieo cho chính mình, mọi người xung quanh. Những lựa chọn nho nhỏ sẽ quyết định hướng đi lâu dài cả cuộc đời, tiến lên hay xuống dốc. Thế nên, dù chưa có được một công việc ra tiền, bạn vẫn có thể lan tỏa những giá trị tích cực dù nhỏ bé để trở nên đặc biệt và hạnh phúc hơn khi cho đi một cách chân thành.
---
Hòa cùng không khí ra khơi tìm kho báu "ngàn tỷ" của đông đảo bà con, mình nghĩ sự nghiệp đi làm cũng giống như một chuyến viễn chinh để tìm ra "kho báu" của riêng mỗi người. Trên hành trình đó, có những ngày sóng yên biển lặng, căng buồm đón gió mà lướt đi nhẹ nhàng. Nhưng cũng không tránh được những lúc bão táp mưa giông đòi hỏi một tinh thần vững vàng, trái tim nhiệt huyết và đôi tay chăm chỉ để không bị nhấn chìm. Đến khi vượt qua được, chúng ta sẽ là một con người mới, hiểu biết, vững tin và kiên cường hơn trên con đường đã lựa chọn.
Dẫu đang nhẹ nhàng bình an hay sấp mặt vì giông bão, cầu chúc bạn sẽ thong dong và trọn đầy với cái SỰ tạo NGHIỆP của mình!
Nguồn: Ghibli
Nguồn: Ghibli