Nỗi đau và sự hối tiếc là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi người. Nhưng thay vì bỏ qua và bước tiếp về phía trước thì Nora Seed lại chìm đắm cơn tuyệt vọng dẫn đến sự suy kiệt về mặt tinh thần.
“Thư viện nửa đêm” là cuốn tiểu thuyết giả tưởng kể về hành trình tìm lại ý nghĩa cuộc sống của nhân vật Nora Seed trong quá trình cô đối mặt với chứng trầm cảm, nỗi tuyệt vọng và sự hối tiếc.
Trước đây, mình từng có viết một bài review về cuốn sách này. Tuy nhiên gần đây, sau khi đọc lại, mình cảm thấy “Thư viện nửa đêm”  là cuốn sách chứa đựng nhiều bài học sâu sắc có thể tiếp tục bàn luận. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, mình muốn chia sẻ một vài góc nhìn về vài chi tiết thú vị cùng những bài học mà mình rút ra từ câu chuyện của nhân vật Nora Seed.
Lưu ý bài viết này có spoil nội dung. Bạn nào chưa đọc “Thư viện nửa đêm” có thể cân nhắc xem có nên đọc bài viết của mình nhé.

Câu chuyện của Nora

Nora Seed, một phụ nữ 40 tuổi, sống một mình, mắc chứng trầm cảm nặng. Gần đây, cô vừa bị sa thải (bao gồm công việc chính thức và công việc dạy đàn piano parttime); trong một đêm mưa, chú mèo cô yêu quý nhất cũng ra đi. 
Hình minh họa
Hình minh họa
Nỗi đau trong Nora ngày càng trở nên nặng nề hơn bởi những chuyện trong quá khứ. Cô hối hận vì đã từ bỏ giấc mơ trở thành vận động viên bơi lội, không chăm chỉ tập luyện để trở thành ca sĩ nhạc Rock, cãi nhau với anh trai dẫn đến việc hai người từ mặt nhau. Thậm chí, cô còn không ngừng trách bản thân vì đã bỏ chồng chưa cưới trước đám cưới ba ngày.
Vì không thể tìm thấy lối thoát, vào một đêm, sau khi viết một lá thư tuyệt mệnh, Nora quyết định kết thúc cuộc đời bằng việc sử dụng thuốc quá liều.
Nhưng khi vừa mở mắt, cô nhận ra mình đang đứng trong một nơi rất lạ. Đây không phải căn phòng quen thuộc cô đang sống, cũng chẳng phải chốn thiên đường hay địa ngục nơi mà một người chết sẽ đến. Thực tế, Nora đang đứng ở trong một thư viện.
Tại thư viện, cô gặp bà Elm, một thủ thư ở trường phổ thông. Bà Elm giải thích cho Nora về cách thư viện hoạt động: “Mỗi cuốn sách trên kệ đại diện cho một phiên bản cuộc đời của Nora. Bằng cách chọn mở một cuốn sách, Nora có thể chọn sống trong phiên bản cuộc đời, và trong cuộc đời Nora sẽ có thời gian nhìn nhận lại lỗi lầm, xem xét liệu đó có phải là cuộc sống mà cô thực sự mong muốn hay không. Nếu Nora không tìm thấy phiên bản cuộc đời mà cô khao khát có được, cô sẽ trở lại thư viện, chọn một cuốn sách khác để trải nghiệm một cuộc đời mới.”
Nhờ hiệu ứng lạ kỳ của thư viện, Nora được sống trong nhiều phiên bản cuộc đời mà ở đời thực cô không có được.
Cô trở thành một nhà nghiên cứu địa chất, người chăm sóc thú cưng, một ca sĩ nhạc rock nổi tiếng, một vận động viên bơi lội, một nhà văn có người chồng hoàn mĩ, cô là mẹ của một cô con gái đáng yêu, cô cưới Dan (chồng chưa cưới mà cô từng từ bỏ đám cưới), hẹn hò Ash người hàng xóm cô từng ước sẽ không bỏ lỡ buổi hẹn cafe với anh…
Những phiên bản Nora đi qua đều mang đến cho cô niềm hạnh phúc, nhưng Nora mơ hồ nhận ra tất cả đều không phải cuộc đời mà cô mong đợi, thậm chí chúng chẳng hoàn hảo như trong trí tưởng tượng của cô bấy lâu nay.
Việc du hành qua các phiên bản cuộc sống khác nhau, giúp Nora hiểu, nhiều ước mơ cô khao khát có được, thực chất không phải của bản thân cô mà chúng bị ảnh hưởng bởi ý kiến và mong đợi của những người xung quanh.
Ví dụ, việc trở thành nhà nghiên cứu địa chất là một ước mơ mà cô dựa vào lời khuyên của bà Elm, chỉ vì trong quá khứ cô đã từng chia sẻ với bà rằng cô thích những viên đá. Thích những viên đá chưa hẳn là lý do cô nên trở thành một nhà địa chất. Tương tự, ước mơ trở thành vận động viên bơi lội thực ra là ước mơ của bố, không phải của Nora.

Thành công của tác giả

Tác giả Matt Haig đã thành công trong việc lồng ghép một thông điệp quan trọng trong tác phẩm: “Những thứ mà chúng ta đã bỏ lỡ không đảm bảo mang lại hạnh phúc và sự mãn nguyện cho chúng ta. Đôi khi, nguồn gốc của nỗi đau và bất hạnh trong đời sống là do cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá sự kiện xảy đến với mình.”
Viktor Frankl, một nhà tâm lý học nổi tiếng, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ con người đối với vấn đề: “Vấn đề không phải là vấn đề. Thái độ của chúng ta về vấn đề mới là vấn đề” (“The problem is not the problem.  The problem is your attitude about the problem”, Viktor Frankl).
Chính cách nhìn nhận, tiếp cận của chúng ta sẽ quyết định cuộc đời mình mang màu sắc như thế nào, là đen tối hay tươi sáng.

Hệ lụy nghiêm trọng

Câu chuyện của Nora tiết lộ cho chúng ta hệ lụy nghiêm trọng của vòng lặp suy nghĩ. Nora vì quá mải mê trong những giả thuyết đã tạo nên những niềm tin sai lầm trong cô. Niềm tin sai lầm tiếp tục tạo đà cho những hành động tiêu cực sau đó.
Hình minh họa
Hình minh họa
Cô tự trách mình về việc rời khỏi đám cưới, đổ hết lỗi cho bản thân trong mối quan hệ với anh trai. Tuy nhiên, cô có bao giờ tự đặt câu hỏi liệu việc rời khỏi đám cưới có phải là một lựa chọn đúng đắn hay không? Mâu thuẫn với anh trai có thể là do mình cô, hay có thể cả hai đều đóng góp vào những vấn đề đó?
Nếu Nora Seed là một nhân vật có thật, chắc chắn cô ấy sẽ thuộc về hành tinh của những kẻ nghĩ nhiều, một người luôn tìm cách đổ lỗi cho bản thân, cuối cùng tự mắc kẹt trong mê cung của chính mình.
Khi đọc về Nora, mình cảm thấy hình ảnh mình ở trong đó. Vì mình cũng người có xu hướng overthinking, điều này khiến cho cuộc sống của mình trở nên mệt mỏi. Mặc dù đời sống thực tế của mình không hề tồi tệ như cái cách tâm trí của mình hay tự suy diễn.

Chi tiết đắt giá

Chi tiết đắt giá nhất trong cuốn sách, là cuộc trò chuyện giữa Nora và Hugo. Hugo cũng giống Nora, anh là một người dịch chuyển qua nhiều cuộc đời khác nhau.
Trong buổi trò chuyện của họ, ta biết rằng sự dịch chuyển kỳ diệu đang diễn ra thực chất là hình ảnh ẩn dụ về biểu tượng tinh thần. Với Nora, biểu tượng tinh thần của cô là một thư viện, còn những người khác đó có thể là một cửa hàng băng đĩa, phòng tranh, sòng bạc, nhà hàng..
Với Hugo biểu tượng tinh thần của anh là cửa hàng băng đĩa và anh rất thích được làm một người xê dịch. Bởi với anh, đi qua các cuộc sống khác nhau cho phép anh trải nghiệm từng phiên bản cuộc sống mà không quá ám ảnh bởi chúng. 
Còn với Nora, dù trải qua nhiều phiên bản cuộc sống mơ ước, cô vẫn không hài lòng. Điều này cho thấy vấn đề không nằm trong từng phiên bản cuộc đời mà nằm ở chính Nora, vấn đề trong nhận thức của cô.
Một chi tiết nhỏ nhưng theo mình chúng mang ý nghĩa rất lớn, đó là chi tiết những cuốn sách trong thư viện bốc cháy. Chi tiết này cho thấy, đôi khi để sống một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phải đốt cháy những ý tưởng về những cuộc đời tốt đẹp hơn (đặc biệt là những điều chúng ta đã bỏ lỡ hoặc không có được). 
Dù chúng ta không hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của những sự kiện đã bỏ lỡ, nhưng nếu chọn cho bản thân một góc nhìn rộng lớn hơn để hiểu rằng tất cả các sự kiện đó đã đóng góp vào việc xây dựng con người ta ở hiện tại. Sự chấp nhận này sẽ giúp chúng ta mở lòng với sự mơ hồ và bất như ý của đời sống.
Điều này cũng được ứng dụng trong bốn lời dạy thiền ngữ Ấn Độ:
"Bất kể bạn gặp ai, đó đều là người bạn cần gặp.
Bất kể xảy ra chuyện gì, đó đều là chuyện nhất định phải xảy ra.
Bất kể chuyện bắt đầu từ đâu, đó đều là thời điểm thích hợp.
Bất kể là chuyện gì, đã qua chính là đã qua.”

3 bài học từ câu chuyện Nora Seed

Bài học số 1: Kiểm soát và làm chủ suy nghĩ bản thân

Một bài học quan trọng có thể rút ra là khả năng kiểm soát và làm chủ suy nghĩ của bản thân. Đặc biệt là một người có xu hướng suy nghĩ quá nhiều như Nora.
Nora cần nhận ra xu hướng ám ảnh quá đà trong suy nghĩ của mình, là tác nhân tạo nên những niềm tin lệch lạc trong cô.
Vì thế trong cuộc sống, Nora cần liên tục rà soát toàn thể quan điểm của bản thân. Thay vì tập trung vào những điều đã bỏ lỡ, Nora nên nhìn vào đời sống thực tế - một Nora bình thường, độc thân, 40 tuổi, là giáo viên dạy piano, nuôi một chú mèo nhỏ, cô hoàn toàn có thể hạnh phúc từ việc trân trọng những điều tốt đẹp mình có.

Bài học số 2: Hiểu về bản chất cuộc sống và nhận thức từ sự bỏ lỡ và sai lầm

Trong câu chuyện, chúng ta có thể rút ra một bài học quan trọng về bản chất sự nuối tiếc. Trong trường hợp của Nora, những sai lầm và sự bỏ lỡ đã giúp cô nhận thức được rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, điều quan trọng là cần học hỏi từ lỗi lầm, sau đó bỏ qua, cho phép bản thân tiến về phía trước.
Như điều mà nhạc sĩ người Mỹ Johnny Cash đã nhấn mạnh: “Học từ sai lầm của bản thân rất quan trọng. Đó là cách rất đau đớn để học hỏi, nhưng không có đau đớn thì không có thu hoạch”.

Bài học số 3: Nhận ra giá trị của niềm tin và sự tự do cá nhân

Bài học cuối cùng mà chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện Nora, là bài học về giá trị của niềm tin và sự tự do cá nhân. Trước khi trải qua các phiên bản cuộc đời khác nhau, Nora đã sống trong sự hạn chế, thiếu tin tưởng vào khả năng của bản thân.
Tuy nhiên, qua các trải nghiệm Nora cần nhận ra rằng niềm tin, sự tự do cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và hạnh phúc. Cô đã học cách tin tưởng vào khả năng của mình, đưa ra những lựa chọn dựa trên giá trị cá nhân, không để người khác quyết định cuộc sống của mình.
Nora cũng hiểu được không nhất thiết phải theo đuổi danh vọng và sự nổi tiếng. Thay vào đó, cô có thể tìm được niềm vui, đam mê trong việc theo đuổi âm nhạc, trở thành một giáo viên dạy piano chuyên nghiệp hơn. Cô cũng nhận thức rằng không cần phải gắn bó cả đời với một nghề như bơi lội, nhưng trải nghiệm đó đã dạy cho cô sự kiên nhẫn và giúp cô rèn luyện thể chất.
Thêm vào đó, Nora nhận ra rằng yêu thương một người không nhất thiết phải làm theo ý nguyện của họ. Điều quan trọng nhất cô cần làm là yêu thương và trân trọng bản thân, sống cuộc đời mà cô mong muốn.
Cuối cùng, trải qua những trải nghiệm trầm cảm, Nora cũng hiểu ra khi chạm đáy cảm xúc, con người có thể học được cách trân trọng vẻ đẹp cuộc sống mà đôi khi trong những giây phút êm đềm chúng ta thường lướt qua và bỏ lỡ.
“Những bông hoa trước đây đối với cô dường như không có ý nghĩa gì thì nay lại khiến cô ngây ngất với sắc tím đẹp nhất cô từng thấy. Như thể hoa không chỉ là màu sắc mà là một phần của ngôn ngữ, những nốt nhạc của một giai điệu hoa tuyệt vời, mạnh mẽ như Chopin, âm thầm truyền đạt sự huy hoàng vĩ đại của chính cuộc đời.”
Hình minh họa
Hình minh họa

Lời kết

Nora sẽ luôn là Nora, nhưng trước chạm vào ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, thì đó chỉ là một Nora tồn tại yếu ớt trong đời sống. Nhưng nhờ chuyến du hành “đốt cháy niềm tin sai lầm” Nora đã tìm lại chính mình, Nora đã trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, biết yêu thương, trân trọng bản thân, học được cách tận hưởng cuộc sống. 
Cuối cùng để kết lại bài viết, mình muốn dành tặng bạn cũng như bản thân mình một lời nhắn nhủ quan trọng mà mình đúc kết được từ câu chuyện Nora Seed: “Mỗi chúng ta hãy tự do sống đúng với bản chất, mong muốn của bản thân, sự tự do quan trọng nhất chúng ta cần nuôi dưỡng là khả năng lựa chọn thái độ trong mọi tình huống. Hãy luôn đứng lên từ sai lầm, cho mình một cơ hội để sống tốt và làm lại cuộc đời. Tất cả chúng ta đều xứng đáng với hạnh phúc, thêm một lần nữa hay nhiều lần nữa trong cuộc đời."
Chỉ cần chúng ta còn SỐNG