Thiết kế của quán cà phê tôi thường đến không có chỗ cho niềm hoài nhớ, nostalgia: Không có bảng hiệu vẽ tay, không có những chiếc tivi hay radio cũ – chỉ để chưng chứ chẳng để dùng, không có đồng hồ quả lắc, không có điện thoại để bàn, không bán xí muội bông mai, cũng không phát những bản nhạc tiền chiến.
Nó không phải là một nơi để đắm chìm trong niềm hoài nhớ.
Nhưng nó lại chính là nơi tạo ra niềm hoài nhớ.
Vì nó, trước hết, là một căn nhà, rất contemporary, hoàn toàn sẵn sàng để là nơi khởi sinh ra những điều, những sự mà sau này sẽ trở thành ký ức. Và vì là một căn nhà, nên nó cũng là nơi để, một lúc nào đó, người ra rời đi.
Chính đó, là sự bắt đầu của nostalgia, như nóstos + álgos.
Nostalgia là một chứng tật cố hữu của người thành phố. Thành phố, với những chuyển biến quá nhanh, hôm qua đi đường còn thấy, nay đã mất, sự mất đi đột ngột và liên tục nuôi dưỡng chứng nostalgia mãn tính. Triệu chứng có thể thấy ngay là trào lưu retro hay cơn sốt boléro.
Nhưng nostalgia là câu chuyện của những người ra đi. Còn câu chuyện của người chưa đi là gì? Là melancholy.
Hôm nay, tôi đã trải qua một khoảnh khắc melancholy hiếm hoi, khi ở quán cà phê quen thuộc, màn đã buông, không gian im lắng, và cậu bạn trẻ nói về bộ phim sắp chiếu, rằng nó cũng giống thời thanh xuân của chúng ta, “với những lầm lỡ nhưng mà…”‘.
Melancholy là sự chấp nhận một bản chất đáng buồn, không thể khác, như cái bản chất cuộc sống vốn là liên tục những hội ngộ và chia ly. Trong những sự đang mất đi của hôm nay, có những thứ chưa hề trọn vẹn: Những suy tư chưa được thành nói, những nỗi buồn chưa được thành khóc, những niềm vui chưa được thành cười và những cơn giận chưa được thành hét lớn.
“Trong cái phút giây chớp mắt của mùa lên đường, cánh bích đào ngày này năm này đã có đủ cái nhợt phai của đào năm trước.”
Nhưng trên đời, có cuộc vui nào mà không tàn? Sự khép lại của những hẹn hò, những đêm vui là một phần cần để lớn lên mà, phải không?
Huyền Vũ