* * *
Sau hai năm học thể dục môn bơi, cuối cùng thì tôi cũng đã từ một đứa sợ nước đến mức không dám xuống hồ bơi người lớn, trở thành một đứa biết thả tay đạp nước bủm bủm đôi chút. Đó là nhờ tụi bạn đã nhấn đầu tôi xuống nước liên tục như nhồi bóng rổ. Nếu không có lần nhấn nước chết đi sống lại đó, có lẽ đến giờ tôi cũng vẫn chỉ dám lội gối bì bõm ở hồ trẻ em. Nhưng nghĩ theo một hướng khác, nếu lần đó bạn tôi nhấn đầu tôi thêm một, hai lần nữa, chắc tôi đã thả bụng lềnh bềnh trên mặt nước để sau đó được nắm tóc kéo lên bờ rồi.
* * *
Chị tôi hay nói rằng chị rất ngưỡng mộ những người thuộc cộng đồng LGBT vì họ thường rất giỏi. Tôi cũng hay nói với chị, đó là vì thường thì LGBT phải giỏi lắm mới có thể ngoi đầu lên nhìn thiên hạ được, còn những đứa không đủ giỏi đã bị nhấn chìm hết rồi. Mà không chỉ có LGBT, chuyện này cũng đầy ra ở những người có hoàn cảnh sống cực khổ, không may mắn. Sự khắc nghiệt của hoàn cảnh có thể giúp người ta mạnh mẽ đến mức vượt lên trên mức trung bình. Nhưng mặt khác, nếu không đủ nội lực để vượt lên, họ sẽ bị nhấn chìm xuống đáy. Người ngoài thì khó mà thấy được số đông ở tầng đáy và họ ca tụng hoàn cảnh khổ cực vì nhờ đó mà những siêu nhân bất đắc dĩ mới được ra đời.
* * * * *
Thỉnh thoảng tôi cần một khoảng trầm tĩnh, lánh khỏi tất cả mọi người. Lúc đó tôi thả trôi mình vào cơn buồn thảm để rồi sau đó tôi cảm thấy như mình lấy lại được năng lượng. Một lần trong buổi cà phê cùng đám bạn không thân lắm, một đứa bạn của tôi kể về một người bạn cũng thỉnh thoảng lánh đi để trầm lặng như tôi. Nó nói rằng, là một người bạn, trước việc bạn mình lánh đi như thế, cần lập tức lôi nó quay lại xã hội và cuộc sống nhộn nhịp thường ngày bởi nếu nó đang chìm mà không ai đến kéo thì nó sẽ chết luôn. Nhưng tôi lại không nghĩ thế. Không phải trận buồn nào cũng là tiêu cực, và đôi khi cũng cần phải đối mặt với nỗi buồn của chính mình để có thể hiểu rõ vấn đề mà vượt qua chứ không nên cố khỏa lấp cơn buồn bằng những chuyện tích cực ngoài lề nào đó. Chợt nhớ một người bạn khác của tôi từng nói: "Khi có ai đó khóc, tao ghét nhất cái kiểu dỗ "nín đi, đừng khóc". Câu đó chỉ làm người ta khóc lớn hơn thôi. Phải nói: "khóc đi, khóc cho hết đi", còn nếu không nói được thì tốt nhất là im luôn đi."
* * *
Đợt đó bạn tôi gặp đôi chút khó khăn. Giữa nhóm bạn, tôi bâng quơ triết lý: "what doesn't kill you makes you stronger. or else, kills you later". Bạn tôi gật gù: "Ừ, có lẽ khó khăn đợt này sẽ giúp tao mạnh mẽ hơn." Tôi lại đáp: "Ý tao không phải thế. Ý tao là nếu đợt này mày không đập ch*t m* khó khăn, thì sau này nó sẽ tiếp tục quay trở lại quật mày."
* * *
Tinh thần Phật giáo thường dẫn người ta giải quyết khó khăn bằng con đường hướng nội, rằng nếu bất lực trước sự cay nghiệt của hoàn cảnh thì hãy xoa dịu nỗi đau bằng cách thay đổi cách đón nhận của chính mình. Nhưng với tôi, tinh thần này nếu đụng đâu cũng áp dụng thì lại dẫn đến thái độ chạy trốn như thể con cáo và chùm nho. Bởi, không phải chùm nho nào cũng treo trên đỉnh Himalaya chót vót, không phải khó khăn nào cũng không thể vượt qua đến mức phải quay đầu. Tôi hay nhớ đến Freud, rằng một nhu cầu nếu không được giải quyết mà bị kiềm hãm, thì một cách vô thức sẽ lại xuất hiện dưới một hình thức khác. Khó khăn cũng vậy. Hoặc là đập chết vấn đề gây khó khăn ngay tức khắc, hoặc là tạm né đi rồi cố luyện tập nâng sức gồng, để một khi khó khăn đó quay lại thì đã đủ sức để giải quyết bằng một cái búng tay.
* * *
Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố. Cúi một cái là chìm chết luôn.
* * *