nhớ thương chuyển thành hờn dỗi, hờn dỗi biến thành bất cần, bất cần thành oán hận, oán hận mà vẫn ngấm ngầm mong mỏi.
Có vẻ những quầy bán vé số và bàn ghi số đề  len lỏi khắp phố xá ngõ ngách vẫn chưa đủ, dạo này phố nó ở mọc thêm mấy cái cửa hàng Lotto đèn xanh đỏ nhấp nháy, chiều chiều đông nghịt người mua. Kênh thời sự giờ phát cả tin trúng giải Lotto vào giờ vàng, báo mạng ngày nào cũng đăng tin người này trúng số gần 70 tỷ, người kia trúng số 31 tỷ. Nó chờ xe trước cửa quầy Lotto, nghe chị bán vé đang tán chuyện với một khách hàng trẻ: “Này nhé, mỗi ngày em chỉ mất có 20 nghìn đồng, mà cả ngày có thêm niềm hi vọng. Nếu mất, thì cũng chẳng đáng gì, coi như ăn thêm cái bánh ngọt. Còn nếu trúng độc đắc á, thì đời lên tiên luôn!” Nó chỉ muốn hét lên, “Nhưng đó không phải chỉ một ngày và chỉ một cái bánh, mà khả năng cao là cả đời cô gái kia sẽ không bao giờ trúng số.”
Nó bỗng nhớ đến người hàng xóm thường gặp  cạnh quầy vé số đầu ngõ mỗi chiều đi làm về.  Anh lái xe ôm, chị bán hàng rau chạy. Gọi là rau chạy vì chị không có chỗ bán cố định, thường ngồi tạm vỉa hè người ta đuổi thì lại chạy. Thi thoảng thấy anh hớn hở khuân dăm bọc thức ăn to kềnh cho lũ con, thi thoảng lại thấy anh uống rượu đánh vợ con ầm ĩ cả xóm. Tiền học cho con anh dùng mua vé số, tiền mua áo cho con anh cũng bỏ vào mấy con đề. Những đồng tiền anh chị cặm cụi kiếm từ sức lực đã nhiều phần suy kiệt được dùng để mua những niềm hy vọng giết người rằng sẽ có ngày anh trúng độc đắc và mua được nhà, tậu được cửa hàng cho vợ con anh. Bà vợ chịu hết nổi bỏ anh đi, chỉ tội bọn trẻ không biết đi đâu đành ở lại chịu đòn đau những ngày anh thua lô chán đời uống rượu. Người đàn ông ấy bắt đầu bằng hy vọng và đang tự đi vào con đường không lối thoát.
Hai năm trở lại đây, báo chí, tivi và vô khối các vị lãnh đạo hào hứng gào thét kêu gọi giới trẻ khởi nghiệp khi mà chính họ còn không thể phân biệt nổi giữa entrepreneurship và startup, cũng chưa từng thực sự đứng ra tự doanh hay khởi nghiệp trên ý tưởng và công nghệ mới. Nếu nghe họ, ai cũng nghĩ mình có thể và chắc chắn sẽ là một Bill Gates hay Jack Ma nhanh thôi. Chẳng ai bảo cho những người trẻ rằng ở Việt Nam chỉ có 3% người khởi nghiệp thành công và số những công ty bị phá sản, cửa  hàng làm ăn thua lỗ thì nhiều vô số kể. Cũng chẳng ai bảo cho họ biết để có thể  thành công cần những gì và cái giá phải trả đắt thế nào. Khu phố mình cứ dăm tháng lại thấy một cửa hàng thời trang, một quán cà phê, một trung tâm ngoại ngữ hay một nhà hàng mới mở. Cũng chỉ dăm tháng sau, ông bà chủ của những cửa hàng ấy đau khổ ủ rũ bán tháo đồ đạc đóng cửa hàng. Nhiều người trong số họ rời bỏ ước mơ với đống nợ to đùng và những cuộc cãi vã không dứt  đến vỡ nhà tan cửa.
Nhớ lần nó đi ăn tối chia tay sau ngày tốt nghiệp với thầy, vị giáo sư không chỉ nó mà rất nhiều người yêu kính. Nó hỏi, “Thầy ơi, nếu có điều gì đó thầy học được từ cuộc đời làm việc của mình và muốn dạy cho em, đó sẽ là gì?”. Thầy mỉm cười, “Bài học lớn nhất thầy học được là không có thành công nào mà không cần nỗ lực. Hãy thực tế và chăm chỉ kiên trì em nhé!”. Hy vọng giúp người ta có lý do để  nỗ lực cố gắng tiếp tục hành trình đang hồi gian khó. Hy vọng giành được thứ mình muốn mà không phải lao động là tham lam vô lý. Vì tham lam mà bám vào hy vọng hão huyền giống như dùng ma túy, nó làm cho ta yên vui sung sướng phút chốc để rồi đẩy ta sâu vào bóng tối tuyệt vọng của những ngày sau. Ngày nào cũng bỏ tiền thật để mua hy vọng hão huyền, thì hoặc là vì tham lam muốn dễ dàng có thứ vượt ngoài tầm với của mình, hoặc là đang tuyệt vọng, hoặc là rất ngốc, mà cũng có thể vì cả ba. Ngay cạnh mấy quầy Lotto là những tiệm cầm đồ biển hiệu đỏ rực to như tấm phản, bên trong có mỗi cái bàn và dăm cái ghế, thêm cái tủ kính đựng đầy đồ được mang đi thế chấp. Mấy thanh niên cổ đeo xích bạc, tay đeo đồng hồ vàng, xăm trổ rồng phượng ngồi trực. Dăm bữa lại thấy họ dựng một lô xe máy xe đạp ngay trước cửa, treo biển “bán xe”. Có ai đó lại vừa đánh mất thứ mình đang có vì thứ mình không thể có.
Bạn nó yêu một người. “Anh ấy rất tuyệt vời” nàng bảo, “và em không thể nào chạy trốn khỏi tình cảm dành cho anh ấy. Có điều anh ấy chỉ coi em là bạn tình không phải người yêu, càng không có ý định thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc đời anh ấy vì em.” “Anh ấy có ở bên em khi em cần không?” nó hỏi. “Không, anh ấy chỉ đến những lúc muốn ngủ với em” nàng trả lời buồn rầu. “Vậy thâm tâm em biết là anh ấy muốn gì ở em và em thực chất là gì của anh ấy đúng không?” nó hỏi tiếp. “Vâng, chỉ là em hy vọng tình cảm của em có thể lay chuyển con người anh ấy”. Nó ôm nàng an ủi. Trong mỗi người đàn bà đều có một con ngốc. Con ngốc trong nó có thể chẳng khác gì con ngốc của em, chỉ là nó chưa từng phải đối mặt. Nó kể cho nàng câu chuyện của người đàn ông mua vé số, về những cửa hàng Lotto cạnh tiệm cầm đồ và cái giá của niềm hy vọng dối trá. Nàng khóc cay đắng “Giá em có đủ dũng cảm để bỏ mối quan hệ này lại phía sau”. Có chứ, ngày mai là một ngày mới, chỉ cần kéo từng tế bào thần kinh của mình lại và bắt đầu thực tế về những gì em có thể tự mình gây dựng cho mình, không phải thứ hy vọng hão huyền dối trá.
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xaTại sao cây táo lại nở hoaSao rãnh nước trong veo đến thế?Con chim sẻ tóc xù ơiBác thợ mộc nói sai rồi…”– Thơ Lưu Quang Vũ
Nàng tự cho mình là kẻ ngốc, là kẻ duy tình vô dụng chẳng thể kiểm soát được chính cuộc đời mình.
Nàng vẫn tin là tình yêu tồn tại, rằng nó không đơn giản chỉ là ảo ảnh được xây dựng lên từ tình dục và nhu cầu sinh tồn. Nàng vẫn có thể vì yêu mà làm những điều điên rồ, những việc khi nghĩ lại vừa xấu hổ vừa buồn cười vì thấy mình ngốc quá sức tưởng tượng. Nàng khi rụt rè, lúc mãnh liệt, khi dằn vặt lúc căng mọng niềm vui. Lý trí nàng bị xếp ngồi ghế sau khi tình cảm lên ngồi ghế trước và cầm tay lái. Nàng yêu vô điều kiện và hồn nhiên như một cô bé mới yêu lần đầu, đặt tình cảm lên trước trong mọi cân nhắc hay quyết định cá nhân, trân trọng tình yêu như món quà vô giá mà con người trao được cho nhau.
Nàng biết yêu là tự đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương. Nàng biết tình yêu hữu hạn và mong manh. Nàng biết không chắc người nàng yêu cũng đến với nàng vì yêu. Nàng biết sẽ có lúc nàng vấp ngã và bị đau. Nhưng nàng bảo “Nếu em không bước tiếp, em sợ sẽ có lúc ân hận vì đã không dám đến với người em yêu.” Tôi ôm vai nàng thì thầm “Chỉ người dũng cảm mới dám yêu thương chân thật và chấp nhận những gì đến cùng với nó. Em đang có thứ mà nhiều người cả đời không có được. Chỉ có điều, sẽ có lúc nào đó em hiểu được, tình yêu không chỉ là chuyện giữa hai người.”
Nàng không nói, mắt đỏ hoe nhìn những giọt cà phê nâu sánh nhỏ xuống cốc thủy tinh buồn bã. Nàng còn trẻ, hãy cứ yêu, cứ sống trong thế giới chỉ có hai người, hãy cứ bước chân lên những nốt thăng trầm nhiều như nàng còn có thể. Tôi ngắm khuôn mặt của nàng, như nhìn quá khứ xa xôi của mình quay lại.
***
Con trai đi học xa. Mẹ hỏi có nhớ nhà không, con cười mỉm gật gật đầu. Mẹ hỏi con nhớ gì nhất, con ngửa mặt, giấu mắt đang chớp chớp rồi cười “Con nhớ nhất cơm bà và mẹ nấu.” Con về nhà nghỉ Đông, cả nhà ríu rít. Mẹ và bà lật đật nấu nướng đủ món Việt con thèm. Bố và ông hỏi han đủ chuyện học hành, bạn bè, ăn ở. Em gái bám anh từ sáng tới tối, cứ rúc rích nói cười. Tối muộn mẹ xuống phòng con trai, thấy anh nằm còng kheo như con tôm, em rúc mặt vào lưng anh ngủ.
Tết năm nay, mẹ cùng anh chị và các cháu ra chơi Hà Nội. Cả gia đình em trai út cũng ra, nhưng em dâu tôi theo chồng vào Sài Gòn sống, mỗi năm chỉ được ra ăn Tết với gia đình khoảng 2 tuần ở Bắc Giang, nên các chị và mẹ bảo em ở cùng vợ con dưới Bắc Giang dịp Tết. Cả nhà đón nhau ríu rít, rồi rồng rắn đi thăm bà con họ hàng, về quê ngoại, đi chơi chỗ này chỗ khác. Cả năm mới có dịp ở cùng mẹ, anh chị cho trọn vẹn vài ngày, được ngồi tâm sự với chị gái những chuyện chị em gái thường tâm sự với nhau, được nhìn bọn trẻ cõng nhau chạy ào ào lên dốc gió và ngắm hoàng hôn đổ xuống lưng những ngọn núi xanh thẫm bảng lảng khói chiều. Vì yêu nhau, những người trong gia đình tôi chẳng ngại đường xa tìm về với nhau trong những ngày đầu năm mới. Cũng vì yêu nhau, mà mỗi người mang phần ấm áp nhất, giàu có nhất, lương thiện nhất của mình chia sẻ với nhau. Và nhờ thế, mỗi người trong gia đình tôi đều trở lên giàu có hơn, ấm áp hơn, an ổn hơn.
***
“Trên mái nhà, cao vút rừng câyTrên rừng cây, những đám mây xô dạtTrên ngày tháng, trên cả niềm cay đắngThơ tôi là mây trắng của đời tôi”–Thơ Lưu Quang Vũ
Bố bảo “Mai tròn 50 năm bố nhập ngũ, cũng là ngày bố mẹ bén duyên nhau. Nhà mình liên hoan rau dưa con nhé, bố mời cả cô chú sang cùng vui.” Bố chồng tôi là lính, gần như suốt cuộc đời công tác bố sống xa nhà. Bố mẹ chồng tôi tính tình khác biệt, sở thích, quê quán cũng nhiều cái khác. Nhưng vì yêu thương nhau, mà bà ở nhà vời vợi chờ chồng nuôi con, bố tôi đi lính lương gửi cả về nhà, mỗi lần về phép đều tranh thủ vào ra giúp vợ. Cô chú tôi thường đùa ông kính vợ nhất họ. Nhưng tôi biết, chỉ là ông thương bà suốt bao năm tháng đã cùng ông đi qua sóng gió, sống chết, nghèo khổ của cả thời chiến lẫn thời bình nên nhường nhịn. Bữa cơm kỷ niệm, ông bà nâng chén chúc nhau, bà đọc thơ tặng chồng. Bài thơ viết trên mặt sau của tờ lịch ngày 14 tháng 2, ngày mà 50 năm trước ông nhập ngũ và nhận ra ông đã phải lòng bà.
***
Cô bạn kiệm lời của tôi yêu một người có vợ, bất chấp sự can ngăn của lý trí và những giá trị đạo đức cô đã tuân thủ bao năm. Một lần, anh buột miệng kể chuyện người vợ đã chờ anh những năm đi xa và phải bỏ dạy để chăm ba đứa con trong khi anh lo sự nghiệp ra sao. Mỗi khi nhìn anh, cô lại nghĩ đến người phụ nữ đã chọn đứng bên cạnh anh qua những năm tháng khi anh chưa là ai và chưa có gì, đã cùng anh leo dốc vượt thác, cùng anh già đi, bỏ mặc cuộc đời mình để lo cho anh và lũ trẻ. Cô không nhìn thấy cô bên anh trong đoạn đường cay đắng và hạnh phúc ấy, cô thấy mình như kẻ đang cố tình ăn trộm thứ người đàn bà kia đã nhọc nhằn vun vén cả đời mình. Tôi nhìn cô vừa khóc vừa kể chuyện, không biết an ủi sao cho đủ. Cả hai người đàn bà và người đàn ông của họ, kẻ trong người ngoài vòng tròn hôn nhân đều đáng thương như nhau, bởi họ đều đã vì yêu mà phản bội chính bản thân và cả lòng tự trọng của mình. Tôi cũng là đàn bà, cũng có trái tim mạnh hơn lý lẽ, tôi có thể cũng là một trong số họ.
***
Chiều ngày Valentine, con trai vừa đi xem phim và ăn trưa cùng bạn gái về, cười toe toét khoác vai em gái kể chuyện. Con trai tôi 19 tuổi và hôm nay là ngày lễ Tình Nhân đầu tiên của cậu. Mừng con đã yêu! Hãy học để biết yêu con nhé!
” Be part of the solution, not part of the problem.”
Lần này vào Sài Gòn, mình có vài việc phải làm.
Một là đi dự một hội thảo về đổi mới giáo dục đại học của nhóm các giáo sư Việt ở nước ngoài về tổ chức, nhiệm vụ là nghe để lấy thông tin đầu vào cho một dự án đào tạo. Người ta đã cố tình tổ chức hội thảo trong một lãnh sự quán để đảm bảo tự do ngôn luận, người ta đã nhắc trong lời khai mạc rằng đây là chỗ để các nhà khoa học nói thẳng nói thật, hiến kế cho giáo dục nước nhà, là chỗ các quan chức cởi cái áo khoác chính trị của mình mà đối thoại thẳng thắn. Thiện chí là tạo ra một cuộc đối thoại thành thật, là chia sẻ và học hỏi, là giải trình cho rõ ràng nguồn ngọn để người nghe người nói hiểu rõ cái khó mà cùng nhau gỡ.
Cả người nói và người nghe đều đã nói bằng sự thành thật nhất có thể về điều mình biết, nghĩ, mong giúp người trong cuộc tìm ra lời giải cho chính vấn đề của mình, hệ thống của mình. Họ chỉ ra cái xấu cái dở với niềm tin là điều họ nói sẽ được lắng nghe, và người nghe sẽ làm điều gì đó để thay đổi.  Người mình thán phục nhất trong hội thảo lần này, không phải là nhóm giáo sư tài giỏi nhiệt huyết, đã bỏ tiền của thời gian chất xám của mình làm ra một hội thảo thế này, mà chính là mấy vị quan chức đã đến, kiên nhẫn ngồi nghe, trả lời bằng những gì họ biết và đối mặt với cả núi những lời chỉ trích từ nhiều phía. Mình tự hỏi họ sẽ phải nhận bao nhiêu cú điện thoại, bao nhiêu câu hỏi sặc mùi chính trị khi trở về phòng làm việc sau hội thảo này vì đã dám đến, vì những điều họ nói.
Hội thảo hôm trước, hôm sau các báo đồng loạt giật tít đăng ảnh mấy vị chủ tọa mặt mũi nghiêm trọng, còn trích dẫn phát ngôn theo kiểu sặc mùi đấu tố. Nếu không có mặt ở hội thảo, hẳn ai cũng nghĩ họ đang có cuộc chiến mà bên này là diễn giả gươm kiếm chĩa thẳng, mặt mũi hằm hằm kéo theo một bầy đại biểu từ các trường đại học quyết giết cho bằng chết mấy ông quan lớn đầu ngành. Họ giật tít bán báo câu view, không nghĩ đến chút mỏng manh thiện chí mà họ đã phá vỡ giữa những người trong cuộc, không đếm xỉa đến những phiền toái rắc rối mà mấy vị giáo sư nọ có thể gặp phải trong những nỗ lực giúp đỡ người Việt trẻ. Báo chí làm việc họ muốn làm để kiếm điều họ muốn, kệ chút lòng tin le lói vừa được nhóm lên bị dìm chết chìm ngay trước mặt.
Mình thích phần vị giáo sư trưởng nhóm nói ở cuối buổi còn hơn cả phần trình bày chính của anh, bởi anh đã nói với sự chua xót và thất vọng của một bác sĩ đang tìm mọi cách cứu chữa cho con bệnh mà bệnh nhân lại lại khủng khỉnh bỏ thuốc đi nhậu. Anh bảo cái chúng tôi đang cố làm là xây dựng văn hóa trung thực, là xây dựng niềm tin giữa những người trong hệ thống giáo dục, niềm tin của từng nhà khoa học với nhau, của nhà khoa học với người làm chính sách. Các bạn làm báo ạ, các bạn đang phá hỏng nó đây này.
Việc thứ hai mình phải làm là đến một tạp chí thời trang nước ngoài mở tại Việt Nam. Ai đó đã lấy một bài trên blog của mình gửi cho tờ báo nọ để đăng trên Facebook. Không phải lần đầu người ta lấy bài của mình đem đăng báo mạng hoặc các diễn đàn rồi tự nhận là tác giả. Mình chỉ buồn cho thói háo danh làm mờ mắt họ, chẳng kiện cáo bao giờ. Nhưng lần này, nghĩ đi nghĩ lại, để người xấu cứ mãi làm việc xấu thì mình cũng chẳng ra gì, nên viết thư cho tòa soạn yêu cầu làm rõ sự việc. Thư đi hôm trước, hôm sau có ngay trả lời, nhận lỗi và xin lỗi rất rõ ràng. Bài viết được gỡ bỏ trên Facebook, nhưng tòa soạn từ chối cung cấp thông tin kẻ đã mạo danh. Mình đành mời luật sư cùng họp với tòa soạn để hỏi  cho tường sự việc. Anh bảo, “chị muốn tôi yêu cầu họ bồi thường thế nào?” Mình đáp, “tôi không cần bồi thường, họ đã nhận lỗi, tôi chỉ muốn biết ai đã làm việc đó vì tôi muốn người đó biết họ đã sai và phải sửa.”
Tiếp mình là một phụ nữ trẻ xinh đẹp chịu trách nhiệm về biên tập. Sau một hồi trao đổi, cô đồng ý với cả hai yêu cầu của mình. Cô bảo, “Em hiểu cảm giác của người viết ra bài rồi bị người ta lấy mất. Báo bọn em sai, bọn em sẽ đính chính.” Sau buổi họp, luật sư cằn nhằn việc mình hiền quá, chả chịu đòi bồi thường, cũng không yêu cầu bên kia ký biên bản họp như đã thống nhất từ trước, nhỡ họ hứa vậy mà không làm vậy thì sao. Mình chỉ cười, mình tin là người phụ nữ kia thiện chí và hiểu thiện chí của mình.
Sau nhiều lần thất bại thê thảm vì hiếu thắng, vì bới móc nguyên nhân hay tìm người đổ lỗi khi có chuyện thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, mình nhận ra rằng mình luôn có thể chọn. Chọn là kẻ khiến chuyện khó càng thêm khó giải, chọn đứng khoát tay bĩu môi dè bỉu phân tích này kia nhưng chẳng làm gì, hay chọn xắn áo lên cố sức tìm hiểu giải quyết vấn đề bằng thiện chí. Lựa chọn cuối cùng vừa khó vừa mệt lại chẳng oai phong, nhưng là lựa chọn khiến mình không bao giờ ân hận khi nhìn lại, bởi nó nói rằng mình đã dám tin và đã cố.