|ảnh minh họa: tác phẩm tại triển lãm Tỏa III|
|ảnh minh họa: tác phẩm tại triển lãm Tỏa III|

phong sát và nương pháo

Khoảng nửa cuối năm 2021, giới giải trí Trung Quốc chấn động bởi những scandal nổ ra về đời tư các nghệ sĩ. Một loạt những tên tuổi đình đám như Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, Trịnh Sảng,… xuất hiện như cơm bữa trên các tiêu đề báo, nhưng không đi cùng thành tích nghệ thuật mà là tội trạng: trốn thuế, xâm hại tình dục, nhờ mang thai hộ. Ngay sau đó, Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (hay còn gọi là Quảng Điện) ra lệnh “phong sát” (cấm sóng) đối với các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật. Đây là khởi đầu cho cuộc thanh trừng ngầm trong giới giải trí nhằm mạnh tay thanh tẩy, làm trong sạch giới nghệ sĩ nước nhà. Nhưng điều công chúng không ngờ đến là một trong những quy định mà Quảng Điện đưa ra trong văn bản ngày 2/9/2021 là: cấm hình tượng sao nam ẻo lả, nữ tính, “nương pháo”, bài trừ dòng phim đam mỹ lệch lạc. Điều khiến công chúng bất ngờ, không phải chỉ là việc Quảng Điện đưa ra quy định quá khắt khe, quân phiệt mà còn bởi, trước đây, vào năm 2017, tờ báo Nhân Dân online của Trung Quốc từng đưa từ “nương pháo” vào danh sách những từ ngữ mang tính phân biệt giới tính, khuyên khán giả không nên lạm dụng cách nói này. Và bây giờ, Quảng Điện lại trực tiếp cấm sao nam “nương pháo”. Nương pháo (娘炮) là cụm từ dùng để miêu tả những người đàn ông có cách cư xử, tính cách hay cách nói chuyện có xu hướng nữ tính, giống con gái, tuy nhiên nó không liên quan đến việc người đó có thuộc cộng đồng LGBT hay không. Trong văn bản đưa ra, Quảng Điện cho rằng: hình tượng nương pháo ảnh hưởng tiêu cực, khiến giới trẻ suy nghĩ lệch lạc, cần phải ngăn chặn những thị hiếu thẩm mỹ “dị dạng” này.
Quyết định đó khiến người hâm mộ không khỏi ngạc nhiên bởi nhiều năm nay, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản thì hình mẫu nam nghệ sĩ, thần tượng Trung Quốc đa phần gắn với hình ảnh phi giới tính (unisex), dáng người thư sinh, trang điểm khá đậm, tô son đỏ, đeo khuyên tai, trang sức, tính cách nhẹ nhàng. Điều này trở nên bình thường và thậm chí, thời trang phong cách unisex cũng được giới trẻ lăng xê trên tiktok, douyin. Nhưng quyết định của Quảng Điện cũng không có gì lạ bởi Trung Quốc vốn là một quốc gia Nho giáo với những khuôn mẫu khắt khe với nam giới. Trong văn chương, nam tử hán luôn được xây dựng với vẻ oai phong, lẫm liệt, chỉ có phường tiểu nhân, lừa lọc mới có dáng mặt hoa da phấn. Quảng Điện cho rằng, các nam nghệ sĩ thần tượng đang tiếp tay cho một thế hệ nam giới ẻo lả, yếu đuối, nữ tính và thể loại đam mỹ gây ra xu hướng tính dục “dị dạng” cho giới trẻ học đòi.

bức tranh ngành công nghiệp giải trí

Nhìn rộng ra toàn cảnh ngành công nghiệp giải trí nói chung, có thể thấy, hình tượng nam nghệ sĩ trong quá khứ khác khá nhiều so với hiện tại. Vào thời kì đầu, giai đoạn những năm 1996 – 2009, các nam thần tượng thường xuất hiện với phong cách gai góc, mạnh mẽ, hình thể cường tráng để phù hợp với phong cách trình diễn sân khấu. Nhưng từ những năm 2010 đến nay, khi nhắc đến cụm từ nghệ sĩ thần tượng, công chúng sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh nhóm những chàng trai với vẻ ngoài ưa nhìn, được trang điểm, đeo trang sức, nhuộm tóc và mặc những trang phục bắt mắt. 

tại sao lại có sự thay đổi này?

Không phải ngẫu nhiên, người ta nâng lĩnh vực giải trí thành một ngành công nghiệp. Ở đó, các công ty quản lý là người sản xuất, thần tượng đóng vai trò sản phẩm và công chúng chính là người tiêu dùng. Thị hiếu của người xem thay đổi, họ hứng thú và có cảm tình với hình ảnh những chàng trai có vẻ ngoài nhẹ nhàng, tính cách hiền lành, nhu mì và tài năng, khác với mẫu hình nam giới thông thường. Công ty giải trí đáp ứng thị hiếu ấy bằng cách xây dựng hàng loạt những nhóm nhạc với vẻ ngoài, diện mạo được tạo hình na ná nhau. Đồng thời, vào thời điểm 2010, khi internet, truyền thông bắt đầu có  sức ảnh hưởng, các công ty chủ quản càng đẩy mạnh việc quảng bá, thúc đẩy độ nhận diện của thần tượng thông qua các sản phẩm truyền thông và khiến hình tượng nam nghệ sĩ mới trở nên phổ biến, được ưa chuộng. Bên cạnh đó, đặc thù biểu diễn sân khấu yêu cầu người nghệ sĩ luôn phải xuất hiện trước cánh báo chí với vẻ ngoài chỉn chu, chải chuốt ngoại hình. Việc trang điểm đậm, đeo trang sức, tạo kiểu tóc nổi bật cũng là điều cần thiết để không mờ nhạt trước sân khấu lớn.

bản chất vấn đề

Rất nhiều người, trong đó đa phần là người hâm mộ không đồng tình với lý do cấm hình tượng “nương pháo” này của Quảng Điện. Khi cho rằng nương pháo và thể loại đam mỹ khiến giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra suy nghĩ lệch lạc, xu hướng thẩm mĩ dị thường, có lẽ Quảng Điện đang ngụy biện, đổ lỗi cho giới giải trí tiếp tay cho giới trẻ trở nên nữ tính hóa, ẻo lả, yếu đuối. Liệu ngành giải trí thực sự có khả năng đó hay không?
Biểu hiện giới của một người có thể không trùng khớp với giới tính sinh học của người đó.
Bản dạng giới là cách một người nhìn nhận về bản thân – ý thức chủ quan và kinh nghiệm cá nhân về giới của họ. Chỉ duy người đó mới có thể quyết định bản dạng giới của mình. Rất nhiều người có bản dạng giới là nam hoặc nữ, nhưng một số khác lại không. Những ai không là nam hay nữ có thể nhìn nhận mình thuộc cả hai giới, không thuộc hai giới, nằm giữa hai giới, hoặc vô giới.
Nam và nữ là hai bản dạng giới phổ biến nhất, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Hệ nhị phân giới tính là giả thuyết chỉ tồn tại hai giới (nam – nữ) riêng biệt và không thay đổi. Hiện nay chúng ta đã biết đến nhiều hơn hai giới, rằng giới không luôn luôn trùng khớp với giới tính sinh học và có thể thay đổi theo thời gian.
Với nhiều người, bản dạng giới và giới tính sinh học của họ là giống nhau. Nhưng một số khác lại không như thế. Đôi khi những người có bản dạng giới không khớp và giới tính sinh học tìm cách thay đổi để vai trò xã hội và cơ thể của họ thích hợp với bản dạng giới hơn. Đó có thể gồm các thay đổi mang tính xã hội, như việc dùng tên, danh xưng, quần áo, kiểu tóc hoặc cách trang điểm khác xưa. Có trường hợp dùng đến các thay đổi y tế, như tiêm hoóc môn, phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Quá trình này gọi là sự chuyển đổi.
Bản dạng giới khác với xu hướng tính dục. Xu hướng tính dục là sự thu hút trên cơ sở giới. Những từ được dùng để miêu tả xu hướng tính dục bao gồm đồng tính nam (gay), song tính (bisexual), đồng tính nữ (lesbian), dị tính hoặc “thẳng” (heterosexual or straight)
Bản dạng giới lại phức tạp hơn nhiều so với việc là “nam” hay “nữ”. Đặc biệt là hiện nay, sự đa dạng trong cách thể hiện giới đang được nhìn nhận và ủng hộ nhiều hơn.
Thể hiện giới là cách một người thể hiện bản dạng giới ra ngoài. Nó bao gồm các biểu hiện về vật chất như trang phục, kiểu tóc, cách trang điểm, và những biểu hiện xã hội như tên và cách chọn danh xưng. Một số ví dụ cho thể hiện giới là nam tính (masculine), nữ tính (feminine), và trung tính (androgynous).
Một số người có duy nhất một thể hiện giới trong mọi trường hợp, trong khi số khác lại thay đổi qua thời gian hoặc tuỳ vào hoàn cảnh. Ví dụ, một người trung tính thường mặc quần jeans ống rộng và áo thun, nhưng lại diện váy và giày cao gót ở một số thời điểm nhất định khi họ muốn mình trông nữ tính hơn.
Thể hiện giới và bản dạng giới không phải lúc nào cũng giống nhau. Ví dụ, một người sinh ra là nam có thể nhìn nhận mình là nữ, nhưng lại không có môi trường đủ an toàn để bộc lộ sự nữ tính. Vì vậy họ có thể sống với vai trò xã hội là nam và thể hiện mình như nam giới. Hoặc, một người có thể “biểu diễn” một thể hiện giới nào đó vì mục đích sân khấu, như việc dù là nam nhưng trang điểm, đeo khuyên, nhuộm màu tóc sáng. Một ví dụ khác, một người sinh ra là nữ, nhận định mình là nữ nhưng cảm thấy vui vẻ và thoải mái với lối ăn mặc nam tính điển hình.
Chính vì vậy, việc một người có xu hướng tính dục nào, nhận thức mình thuộc giới tính nào và lựa chọn thể hiện bản thân thế nào không bị ảnh hưởng, thay đổi bởi người khác mà dựa vào chính nhận thức của họ. Không có chuyện công chúng đang có giới tính sinh học là nam sẽ đồng loạt thay đổi xu hướng tính dục khác chỉ vì phim ảnh, hay nghệ sĩ thể hiện như thế. Phim ảnh, nghệ sĩ có thể khích lệ ai đó thể hiện, sống thật với giới tính của mình chứ không thể thay đổi giới tình của một người. Việc Quảng Điện đưa ra lệnh cấm với lý do ảnh hưởng lệch lạc đến giới trẻ là không hợp lý. Hơn nữa, thế nào là lệch lạc, trái với nhị nguyên giới là lệch lạc?

người trong cuộc không có quyền lên tiếng

Những điều chúng ta đang nói ở trên về khái niệm nương pháo liên quan đến vấn đề thể hiện giới của mỗi người. Như đã nói, thể hiện giới và bản dạng giới không phải lúc nào cũng giống nhau. Một người vẫn có thể vừa xác định giới tính của mình là nam và vừa lựa chọn tô son, xỏ khuyên, đắp mặt nạ chỉ vì mình muốn vậy. Điều ấy không đồng nghĩa với việc người đó thuộc cộng đồng LGBT hay “thiếu nam tính”. Đó là vấn đề thuộc lựa chọn cá nhân. Vậy lựa chọn của các nam thần tượng là gì, có phải ai trong số họ cũng lựa chọn ngoại hình “boys over flower” hay không? Thông thường, các nam idol không được tự do lựa chọn trang phục, chỉnh trang ngoại hình như ý mình muốn mà bị phụ thuộc vào tạo hình mà công ty chủ quản đưa ra. Chúng ta không bao giờ biết, liệu dáng vẻ nương pháo đó có phải là điều mà thực sự các thần tượng lựa chọn hay không. Có những người không thích hình ảnh thư sinh, họ muốn thể hiện khía cạnh mạnh mẽ của bản thân nhưng buộc phải trở nên xinh trai, dịu dàng cho đúng khuôn mẫu mà công ty yêu cầu và công chúng ưa thích. Khi ấy, ngành công nghiệp giải trí đang làm mất đi sự tự do thể hiện bản thân của người nghệ sĩ.
Trường hợp ngược lại, thần tượng nói riêng và nam giới nói chung lại dễ bị người khác phán xét khi lựa chọn phong cách nhẹ nhàng, chải chuốt, thư sinh một chút, chăm sóc da, trang điểm. Họ bị đánh giá là thiếu nam tính. Vậy thế nào là nam tính, nữ tính? Wikipedia định nghĩa: Nam tính là một tập hợp những thuộc tính, cách ứng xử và vai trò thường được gán cho những chàng trai hay những người đàn ông: thân hình cường tráng, mạnh mẽ, đô con, giọng nói trầm,… Tính nữ là một tập hợp các thuộc tính, hành vi và vai trò thường liên quan đến con gái và phụ nữ: sự thanh nhã, dịu dàng, khiêm tốn, nhạy cảm,… Trong xã hội hiện đại, hình ảnh nữ giới trang điểm đậm, phẫu thuật thẩm mỹ, nhuộm tóc sáng màu, tự do váy áo là vô cùng bình thường. Và những cô gái cắt tóc tém, áo phông quần jeans, phong cách tomboy cá tính cũng là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu một chàng trai mặc váy ra đường cùng lớp trang điểm đậm, nuôi mái tóc dài thì chắc chắn sẽ bị phán là “bê đê”. Tuy không nhận ra nhưng bản thân lối đánh giá ấy cũng là một loại định kiến. “Nam giới tốt hơn, có vai trò lớn hơn nữ giới. Cho nên những gì thuộc về người nam, đặc tính nam thì nên học hỏi còn những thứ liên quan đến tính nữ thì nên hạn chế. Chính vì thế mà nữ giới có thể tự do học hỏi tính cách, đặc điểm, trang phục của người nam. Còn người nam nếu học theo sự nữ tính thì sẽ bị coi là một bước tụt lùi”. Lối suy nghĩ ấy trói buộc quyền tự do thể hiện bản thân bởi bất kì ai cũng có quyền chăm chút cho bản thân và thể hiện cá tính riêng của mình.

tạm kết

Nam tính: Những gì đã là “tính” thì không thể đo bằng “lượng”. Vẻ nam tính của một người không thể đong đếm qua ngoại hình hay dáng vẻ. Nó xuất phát từ phong thái, ứng xử, suy nghĩ,… 
Nguồn tham khảo: