Mình có một người em họ, con gái của cô ruột mình. Mình yêu quý và thương mến em không chỉ bởi quan hệ họ hàng gần gũi mà còn bởi cuộc sống của em. Ba mẹ li dị nhau từ hồi em còn nhỏ, em sống với mẹ và bà ngoại từ ngày đó. Trời không ban cho em sự thông minh nhưng được cái ngoan ngoãn, hiền lành. Mẹ và bà thì luôn lo cho tương lai của em bởi kết quả học tập của em, cô luôn tâm sự với mình về nỗi lo về một tương lai khốn khó.
Mình thấy, chúng ta sinh ra mỗi người mỗi khác, và sẽ thật là vụng về khi tiếp tục động viên nhau với câu nói: “thành công đến từ 99% cố gắng và chỉ 1% đến từ bẩm sinh”. Nếu hiểu không đúng nghĩa, câu nói trên sẽ chỉ là một câu self-help tầm thường. Cuộc đời này đơn giản là bất công, hầu hết những ai sống đủ lâu sẽ không phủ nhận điều đó. Con người cũng chỉ là một loài động vật, đều là những cá thể sinh học ít nhiều bị điều khiển bởi một bộ gien. Có người sinh ra đã có gien cao, người khác không may lại có gien thấp. Có người đơn giản là thông minh từ bé, có người cố gắng hết sức cũng chỉ có thể đạt đến một mức tầm tầm. Vậy nên sự “cố gắng” ở đây chỉ nên được hiểu là cố gắng tìm ra ở bản thân những điểm mạnh, điểm yếu. Một con cá có thể sẽ dành cả phần đời còn lại nghĩ rằng mình ngu dốt khi bị chỉ trích vì không biết leo cây.
103971d1a264cc99bd219191ae73a90c.jpg
Bình đẳng khác với công bằng
Một hệ thống giáo dục tốt sẽ giúp mỗi cá nhân khám phá ra bản chất của mình.
Tiếc thay, vẫn còn một luồng tư tưởng trong xã hội đánh giá tiềm năng của con người thông qua điểm số. Hẳn là những người ấy sẽ nghĩ, có tận mười mấy hai mươi môn học được bày ra cho các con em thử sức, kiểu gì thì kiểu các con chẳng phải giỏi lấy một vài môn. Trong phần lớn các trường hợp, các con phải trải qua những bài đánh giá hàng tháng, hàng năm để cuối cùng chọn ra đâu đó vài ba môn làm “canh bạc cuối cùng”. Các con gần như đặt cược hàng chục năm cuộc đời vào một ván cược, thứ được coi là sẽ quyết định xem liệu con sẽ có một tương lai tối tăm hay là tươi sáng.
Không phải là tự nhiên nền giáo dục ở các nước như Phần Lan được coi là nền giáo dục công bằng và toàn diện bậc nhất. Với những chính sách giáo dục đi ngược lại với số đông, học sinh ở nền giáo dục ấy được tạo điều kiện để khám phá thế giới và khai thác tiềm năng của mình. Không ai bị bỏ lại phía sau trong nền giáo dục ấy. Giáo viên có vai trò then chốt chứ không phải những thế lực kinh tế chính trị, họ được coi trọng trong xã hội sau khi trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt và đạt chất lượng cao. Hàng ngàn nhà giáo dục ở các nước phương Đông sau khi chứng kiến thành công của nền giáo dục độc đáo ấy đã nghiên cứu để áp dụng cải cách giáo dục ở quốc gia họ nhưng không thành. Theo mình, một trong những yếu tố then chốt (bên cạnh dân số), là nền văn hóa. Ví dụ như ở Việt Nam, có hẳn một thế hệ người lớn áp đặt ước mơ của mình vào những đứa con của họ, một ước mơ đầy tính vật chất bước ra từ sự thiếu thốn của một thời kì chiến tranh. Những định kiến trong xã hội luôn đặt nặng sự ưu tiên cho một vài cá thể, nghề nghiệp, địa vị, khiến nhiều đứa trẻ chưa kịp lớn đã được chuẩn bị tinh thần để chạy đua với đời. Không nói tới những gia đình có điều kiện, nơi đứa bé ít nhiều có được cuộc đua dễ chịu hơn với những hành trang đầy đủ, thì phần còn lại đều mất đi cơ hội để vui chơi và trải nghiệm cuộc sống xung quanh. Chúng ít có được sự chăm sóc cần thiết trong thời kì tốt nhất cho sự phát triển. Những đứa bé tội nghiệp chỉ biết dành thời gian để học thuộc những gì được dạy và rèn luyện cách tốt nhất để lặp lại điều ấy. Trong khi nền kinh tế bon chen của một quốc gia đang phát triển không cho phép nhiều bậc phụ huynh dành thời gian để tìm hiểu và đồng hành cùng con trong quá trình khôn lớn, có những tư tưởng bắt con đi học để phó mặc những trách nhiệm ấy cho nhà trường. Khi thấy con mình thua kém bạn cùng trang lứa, lập tức họ sẽ có ý muốn cho con đi học nếm học thêm. Chế độ phúc lợi không cao cũng dẫn tới ngành nghề giáo viên không đủ sức để dồn tâm huyết cho nghiệp giáo dục của mình. Giữa cái hiện trạng phức tạp và đầy rẫy những vấn đề như thế, rất nhiều đứa trẻ ngơ ngác chẳng hiểu mình học để mai sau làm gì cho cuộc sống, ba mẹ không biết, thầy cô cũng không biết, thôi thì chỉ cần con học giỏi là cả làng đều vui.
Mà “học giỏi” ở Việt Nam có phải là hay ho gì đâu cơ chứ. Với một nền giáo dục nặng về lý thuyết, để học giỏi đòi hỏi một người phải dành rất nhiều thời gian. Nhiều em học sinh do chịu quá nhiều áp lực phải đạt kết quả tốt, trong đầu chẳng nghĩ đến chuyện gì khác ngoài việc học hành. Trong khi, một người cần rèn luyện rất nhiều yếu tố để trở nên chín chắn. Học nhiều làm gì để khi bước vào ô khôn lớn, mới nhận ra mình đã quên béng mất việc phải rèn luyện thể thao, do mải mê cắp sách đi học thêm mà quên rèn luyện kĩ năng giao tiếp, một buổi chiều chợt thấy học thuộc mấy bộ sách giáo khoa cũng chẳng thu lượm được mấy kiến thức cần có ở ngoài đời. Rồi cứ cho là học khá, học siêu, bảng điểm đẹp, xin được một công việc tử tế, làm lâu mới té ngửa ra mình có học cả đời cũng chẳng bằng mấy đứa con ông nọ bà kia. Thế nên mình nghĩ, nếu đã xác định không theo con đường nghiên cứu, không có niềm đam mê với khoa học, không cần thiết phải cố để học giỏi làm gì.
– “Phải làm gì để cho cái Dung nó học bớt dốt hả Long?”, cô hỏi.
– “Cháu không biết, nhưng cháu nghĩ, một người không cần phải quá giỏi giang, quan trọng nhất là lớn lên biết cách sống thế nào sao cho tử tế.”, mình trả lời.
Nếu gạt bỏ cái suy nghĩ phải hơn người, phải chiến thắng cái cuộc đua phi lí trí của xã hội, bạn sẽ thấy sống tử tế mới thực sự là điều cần được giáo dục nhất ở mỗi chúng ta. Tử tế bao trùm mọi mặt trong cuộc sống. Tử tế với bản thân, tử tế với người ngoài, tử tế trong tiêu dùng, tử tế trong công việc. Tất cả những điều nhỏ nhặt hằng ngày, đều mang dáng dấp của sự tử tế, vấn đề là chúng ta có nhận ra và trân trọng điều đó hay không. Vì sự tử tế thường không được chú ý hay ghi chép lại, giá trị mang lại của chúng cũng chẳng thể đong đếm bằng từng cân hay từng đồng, chẳng có một ngôi trường nào thực sự dạy chúng ta về sự tử tế cả, chưa kể những vấn nạn về sự tử tế trong chính ngôi trường đó. Song, chính sự tử tế sẽ mang lại cho chúng ta sự hạnh phúc, đồng thời định nghĩa lại sự hạnh phúc của mỗi cá nhân. Bạn biết mình có được sự tử tế khi sự chân thành xuất phát trong mọi hành động tự nhiên như hơi thở, khi cảm thấy thanh tịnh, tự do và biết ơn với cuộc đời. Giá trị về quan hệ, hay bản chất sâu xa là niềm tin, vốn là thứ định hình lên mọi thứ: đồng tiền, khoa học, chiến tranh, tôn giáo. Vì thế, khác với sự hạnh phúc tới từ chủ nghĩa vật chất, sự hạnh phúc của cuộc sống tử tế gắn liền với sứ mệnh, ý nghĩa của đời người và vì thế sẽ tồn tại bền lâu.
Đừng hiểu nhầm rằng mình đang tách bạch giữa mưu cầu vật chất, con đường công danh sự nghiệp với việc sống tử tế, hai con đường này đơn giản là không có mối quan hệ thay thế nhau. Mình nêu ra những điểm tiêu cực của một bên và tích cực của bên còn lại, không có nghĩa là chúng ta có thể chọn ra và tôn vinh một trong hai khái niệm này. Nói vui thì, tử tế mà chết đói, thì làm sao còn còn sống được để mà tử tế. Mặt khác, giàu có mà không tử tế, sẽ chỉ reo rắc và dồn nén những thù ghét, ân hận cho đến mãi về sau. Điều mình muốn nói là chúng ta không nên đặt nặng thiên kiến vào những giá trị ảo bày ra trong xã hội. Một người chỉ trưởng thành hơn khi họ định vị được bản thân giữa hà sa những ràng buộc và rào cản vô hình. Nếu bạn vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đừng phí hoài gần hai mươi năm đầu đời chỉ để thỏa mãn ước muốn của người khác. Nếu bạn đã có con và thực sự lo lắng quan tâm cho tương lai của chúng, hãy bắt đầu cởi trói tâm lý và tìm cách chắp cánh cho những ước mơ. Tình cờ, quá trình thoát khỏi những vướng bận để tìm lại bản thân lại chính là khởi đầu cho một cuộc sống tử tế.
Trong cuốn sách "Tử tế đáng giá bao nhiêu?", tác giả Bernadette Russell dành hẳn 10 chương để nói về hành trình trở nên tử tế của mình. Bà bắt đầu hành trình 365 ngày mà trong đó mỗi ngày bà lại làm một việc tử tế với thế giới xung quanh. Bà cho rằng, người chúng ta cần đối xử tử tế đầu tiên chính là người chúng ta nhìn thấy trong gương mỗi sáng. Ta cần phải dành nhiều thời gian để lắng nghe, để hiểu những mong muốn, khao khát của chính mình. Ta cần phải biết khi nào nên tự vỗ về, an ủi khi mình vấp ngã, khi nào biết buông bỏ, khi nào cần quyết tâm. Không thể hi vọng người không biết đối xử tốt với bản thân biết cách sống tử tế với những người khác. Họ có thể đấy, nhưng tin mình đi, sự tử tế ấy một là không thật lòng, hai là sẽ dần vơi cạn theo thời gian. Tệ hơn, sự tử tế không lành mạnh sẽ phá hủy niềm tin của họ vào cuộc sống và rất có thể đến một ngày nào đó họ sẽ nhận ra mình chẳng thấy hạnh phúc với bất cứ điều gì.
Tử tế với bản thân đã khó, tử tế với những điều khác lại càng khó hơn. Nhưng chưa bao giờ vì thế mà sự tử tế mất đi giá trị hiện sinh của nó. Sự tử tế là mấu chốt để ngăn chặn những điều không hay trong cuộc sống, chính là những thứ chướng tai gai mắt xuất hiện trên những mặt báo ngày nay. Bố mẹ tử tế hơn với con cái, sẽ không còn những trường hợp vì áp lực thi cử dẫn tới hành vi tự sát. Thầy cô giáo tử tế hơn với học trò, không còn tình trạng học tủ học vẹt, chạy chọt bằng cấp hay gian dối thi đua. Sếp tử tế hơn với nhân viên, doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Người tiêu dùng tử tế hơn với hành vi mua sắm, sẽ cắt giảm một lượng lớn rác thải và khí nhà kính thải ra môi trường.
Học dốt không phải vấn đề, nhưng đừng để vì sự ngu dốt mà đánh mất đi sự tử tế. Trong tương lai không xa, rất có thể sẽ xảy ra viễn cảnh rất nhiều người lao động cấp thấp bị đẩy ra khỏi thị trường lao động, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học phát triển sẽ có thể gây ra những biến động lớn trong xã hội mà khi đó chúng ta sẽ cần quay sang người bên cạnh để hỏi: bây giờ chúng ta phải đối xử như thế nào với nhau. Khi đó, hi vọng sự tử tế đã kịp lan rộng cho tất cả mọi người.
Ngày mình nhận ra mình là một người bình thường, mình quyết tâm trở thành một người bình thường tử tế.
Xin phép chia sẻ một quảng cáo mà mình rất thích.