truyện tranh cơ đốc nên như thế nào?
bài đăng chưa được sự cho phép của face anh chăn bầy!
+Nếu có một Cơ Đốc Nhân nào đó tạo ra một bộ truyện tranh tựa như Naruto, có hình ảnh các tà thần và yêu quái (tà ma) trong đó thì điều đó đúng hay sai, có nên làm hay không? Nếu điều đó là sai, hoặc không nên thì tại sao cũng có nhiều Cơ Đốc Nhân lại thích xem Naruto đến vậy? Phải chăng có những thứ mình xem thì được nhưng Cơ Đốc Nhân khác tạo ra thứ tương tự vậy thì không được? Em thấy điều này tiêu chuẩn kép vô cùng.
-Tạo ra một bộ truyện tranh tựa như Naruto đúng hay sai, có nên làm hay không? Vấn đề không phải là đúng sai mà là nên làm hay không. Nguyên tắc Thánh Kinh cho biết: mọi sự có phép làm nếu nó có ích cho cộng đồng Cơ Đốc, làm gương tốt (gây dựng), và làm vinh hiển danh Chúa (I Cô. 6:12; 10:23,31). Ích lợi của một bộ truyện tranh theo kiểu Naruto là gì? – Nếu bán chạy, tác giả có thể có lợi nhuận về kinh tế, tiếng tăm, và cũng có thể giúp giải trí, truyền tải một số tư tưởng giáo dục nào đó. Tuy nhiên, mặt trái của nó là những câu chuyện tà thần yêu quái xa lạ với thế giới quan Cơ Đốc, không đúng lẽ thật Thánh Kinh về thế giới tâm linh. Mục tiêu gây dựng và làm vinh hiển danh Chúa chắc là không đạt được. Vậy nên, sẽ có ích lợi hơn nếu một Cơ Đốc nhân tạo ra một bộ truyện tranh dựa trên hoặc truyền tải những câu chuyện và lẽ thật trong Kinh Thánh. Ví dụ, nhà văn C.S. Lewis đã viết “Thư Quỷ” (The Screwtape Letters, 1942) và “Biên Niên Sử Narnia” (The Chronicles of Narnia, 1950-56) để truyền tải thông điệp Cơ Đốc mà em nên tìm đọc (Biên Niên Sử Narnia đã được chuyển thể thành phim). Không chừng em có thể làm một bộ truyện tranh dựa trên “Thư Quỷ”!
Em hỏi tại sao nhiều Cơ Đốc nhân thích xem Naruto. Anh không rõ lắm bao nhiêu người thích xem và lý do vì sao. Tuy nhiên một trong những nguyên nhân rất rõ là sự thiếu vắng những sản phẩm Cơ Đốc chất lượng và đủ thu hút những độc giả trẻ tuổi, thích đọc truyện tranh. Cảm ơn em đã chia sẻ trăn trở về “tiêu chuẩn kép” mà em nhận thấy trong “các Cơ Đốc Nhân khác” và mong có một chuẩn mực nhất quán theo quan điểm Thánh Kinh. Anh cũng mong rằng em cầu nguyện và góp phần tạo nên những tác phẩm hấp dẫn và gây dựng độc giả Cơ Đốc.
+Khi em bảo thích xem Thần Thoại Hy Lạp, các Cơ Đốc Nhân khác thấy bình thường. Còn khi em bảo thích xem Tây Du Ký, Na Tra thì mọi người bảo đó là tà đạo, không nên xem. Tại sao cũng là tà đạo yêu quái mà phản ứng của các Cơ Đốc Nhân lại khác nhau đến vậy? Phải chăng yêu ma cũng phân biệt Tây và Ta?
-Anh nghĩ rằng có lẽ do các thần linh trong thần thoại Hy Lạp ít được biết đến và thường được xem là văn học, văn hóa Hy Lạp / phương Tây, trong khi tà linh yêu quái trong Tây Du Ký, Na Tra thì gần hơn với thế giới quan tâm linh và tín ngưỡng dân gian của người Á Đông và Việt Nam, lại được trình chiếu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nên dễ bị người Cơ Đốc nhận diện và phản ứng hơn. Thật ra em xem thần thoại Hy Lạp hay Trung Hoa hay của nước nào khác để tìm hiểu văn hóa và tư tưởng của họ thì chẳng có vấn đề gì. Điều quan trọng là đừng để cho sở thích đó trở thành “thần tượng” trong đời sống em. Hơn nữa, còn rất nhiều chủ đề khác mà em nên tìm hiểu, học hỏi để phát triển tâm hồn, tâm linh cách toàn diện.Cuối cùng, anh Chăn bầy mong rằng em gần gũi với Lời Chúa và các văn phẩm Cơ Đốc, dù chưa phong phú và thường là nhiều chữ, ít hình
nhưng có thể góp phần nuôi dưỡng tâm linh và thế giới quan Cơ Đốc của em, và cũng cho em có chất liệu để sáng tạo nếu Chúa dùng em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật!
Cảm ơn Anh Chăn Bầy trả lời câu hỏi #13 của em. Tuy nhiên em vẫn vài thắc mắc này nữa. Sau khi nghe anh nói về phim Biên Niên Sử Narnia là một bộ phim nên xem, nên làm vì nó phản ánh thông điệp Cơ Đốc; em có tìm hiểu trên Youtube thì thấy có một vài con Nhân Mã xuất hiện trong phim, mà Nhân Mã lại là một tà thần đến từ Thần Thoại Hy Lạp. Vậy nên em có vài trăn trở như sau:
1. Anh và mọi người nghĩ sao nếu thay con Nhân Mã đó bằng một nhân vật thần thánh nào đó của Phương Đông: Rồng, Tề Thiên, Nữ Oa, Amaterasu, Tengu…? Em nghĩ đã là đem một nhân vật tà thần ngoài Kinh Thánh vào phim, thì dù tà thần đó đến từ Hy Lạp hay phương Đông cũng được.
2. Nếu mình nói rằng con Nhân Mã kia thuộc về thần thoại quá khứ, không quen thuộc nên đưa vào phim không vấn đề; còn các nhân vật tà thần phương Đông thì quen thuộc với tín ngưỡng Á Đông nên đưa vào sẽ gây vấp phạm cho mọi người. Vậy mình chỉ cần đưa những vị thần phương Đông trong quá khứ, trong truyện cổ tích, bây giờ không ai thờ nữa là ổn đúng không anh?
3. Huống chi Nhân Mã hiện nay có liên quan đến tà thuật Cung Hoàng Đạo, một điều cực kỳ phổ biến trong giới trẻ, nên nếu đưa Nhân Mã vào phim thì cũng có thể gây vấp phạm như thường. Vậy em cũng trăn trở: Dù biết các tà thần trong phim sẽ gây vấp phạm, nhưng Cơ Đốc Nhân sẽ thấy bình thường nếu như đó là một tà thần Tây, sẽ khó chịu và khắt khe nếu đó là một tà thần Á Đông, sao lại mâu thuẫn vậy nhỉ?
4. Nếu mình nói rằng phim Narnia đó dùng thần thoại Tây, dù người Việt mình có xem thì cũng không ảnh hưởng, điều này cũng không ổn lắm. Vì bản chất phim Narnia đó được viết cho người Tây, chẳng lẽ tác giả dùng thần thoại Tây thì không sợ người Tây bị ảnh hưởng hay sao?
5. Nếu mình nói tà thần dù gì cũng là một nhân vật, đừng quan tâm, quan trọng là thông điệp Cơ Đốc mà bộ phim truyền tải. Vậy chẳng lẽ mình có thể làm một bộ phim có nhiều tà thần, hoặc tất cả mọi nhân vật là tà thần, miễn truyền tải thông điệp Cơ Đốc?
6. Em muốn hỏi về các diễn viên Cơ Đốc. Họ có được chọn đóng vai ác hay không, hay phải chọn đóng vai thiện hết? Nếu nói vai diễn thôi mà, hiền hay ác chả được, thế thì họ có được chọn đóng vai tà thần, hay được đóng cảnh quỳ lạy thờ cúng tổ tiên, vai LGBT, vai giả gái hay không? Dù sao thì tất cả những thứ đó cũng đều trái với lời Kinh Thánh hết mà, đều tạo ấn tượng xấu cho người xem hết mà, nếu đóng được 1 thì cũng đóng được tất cả đúng không? Vậy các Cơ Đốc Nhân có tiêu chuẩn kép không khi thấy bình thường với một diễn viên Cơ Đốc đóng vai sát nhân, còn thấy kì cục với một diễn viên Cơ Đốc đóng tà thần, giả gái, LGBT hay thờ cúng tổ tiên?
7. Cuối cùng, giả sử em muốn làm một bộ phim Cơ Đốc, về chuyện Chúa giải cứu một vị sư trong chùa. Và đương nhiên, em cần thiết kế các cảnh quay liên quan đến chùa và phật giáo. Em biết một người bạn chuyên thiết kế mấy bối cảnh này. Thế em có nên chia sẻ lời Chúa cho bạn em không? Nếu bạn tiếp nhận Chúa rồi, bạn biết việc thiết kế mấy cái đó là không đúng, không chịu làm cho em thế là bộ phim Cơ Đốc của em sẽ không hình thành. Phải chăng chúng ta nên cảm ơn Chúa vì đã để cho một số người không tin Ngài, để họ làm những công việc mà Cơ Đốc Nhân chúng ta không thể đường đường chính chính mà làm? Điển hình như trong vụ thiết kế chùa này, Cơ Đốc Nhân thì đâu ai chịu thiết kế vì ảnh hưởng thuộc linh, phải nhờ đến một người bạn không tin Chúa của em.
Em thân mến,
1-5: Anh Chăn bầy xin trả lời ngắn gọn các câu hỏi 1-5 của em như sau: Lý do nào em muốn đem một nhân vật tà thần dù là Hy Lạp hay phương Đông vào phim của em, và dựa vào đâu em nghĩ “một bộ phim có nhiều tà thần, hoặc tất cả mọi nhân vật là tà thần” mà lại có thể truyền tải được thông điệp Cơ Đốc? Nội dung thông điệp Cơ Đốc không được quyết định bởi các nhân vật tà thần nào và số lượng tà thần trong phim. Điều em thật sự cần quan tâm là một nội dung cho thật tốt theo quan điểm Cơ Đốc, và rồi mới đưa vào các nhân vật phù hợp, hợp lý. Anh đề cập đến Narnia trong câu trả lời lần trước như một minh họa chứ không phải một khuôn mẫu. Nhân Mã (Oreius) là nhân vật không có trong nguyên bản của C.S. Lewis, mà được dựng lên đưa vào phim (Đó là một trong những lý do anh thích đọc truyện hơn xem phim!). Nó có gây vấp phạm cho ai hay không thì anh không rõ, nhưng nó không ảnh hưởng đến thông điệp chính của câu chuyện.
6. Như em biết đó, công việc không chỉ là để kiếm sống, thỏa mãn đam mê, mà là để qua đó sống chứng nhân cho Chúa, làm sáng danh Chúa. Cơ Đốc nhân làm nghề diễn viên chắc hẳn đã nhận thức mình đối diện với thách thức và cám dỗ nào để giữ lập trường đức tin và sống theo đúng mục đích nói trên. Một diễn viên Cơ Đốc quyết định tham gia vào một bộ phim thì ngoài vấn đề thù lao và đam mê, tiêu chí quan trọng là thông điệp của bộ phim. Nó có phù hợp với đức tin Cơ Đốc hay không? Nếu nó đi ngược đức tin thì diễn viên đó đã từ chối tham gia ngay từ đầu rồi. Điều kế tiếp, quyết định tham gia vai diễn nào? Tại sao lại là các vai tà thần, LGBT, giả gái, đóng cảnh quỳ lạy thờ cúng? Anh cho rằng một diễn viên Cơ Đốc yêu mến Chúa không tham gia những vai đó vì các lý do: thông điệp của nó không phù hợp niềm tin, không muốn nhập tâm những vai đó (do phải tìm hiểu, nghiên cứu, tưởng tượng để nhập vai...), và không muốn gây vấp phạm cho các Cơ Đốc nhân non trẻ khác, chứ không đơn thuần vì sợ các Cơ Đốc nhân khác thấy kỳ cục.
7. Anh có vài suy nghĩ như sau: (1) Nếu đó là một phim tài liệu, dựa trên một lời chứng của người thật, việc thật thì hãy làm; đừng hư cấu. (2) Thiết kế bối cảnh cho một phim tài liệu như thế thì không có gì là sai trái, nếu động cơ và mục đích của những việc làm đó thật sự tôn cao Chúa, làm chứng về Chúa; (3) Chúng ta cảm ơn Chúa vì Chúa tể trị trên mọi sự và dùng ai tùy ý Ngài cho mục đích của Ngài (ví dụ Chúa đã từng dùng các vua chúa thế gian trong lịch sử tuyển dân để làm thành chương trình của Ngài), chứ không phải vì “họ làm những công việc mà Cơ Đốc Nhân chúng ta không thể đường đường chính chính mà làm.” Anh cho rằng Cơ Đốc nhân chân chính không làm việc thiết kế đó vì không có nhu cầu làm, hoặc không đủ chuyên môn, kiến thức trong lĩnh vực đó, chứ không phải vì nó không đường đường chính chính.
Tóm lại, dù viết truyện tranh, kịch bản hay đóng phim, làm phim, những lựa chọn của em cần đặt trên nguyên tắc là việc đó có phù hợp đức tin, có ích lợi, làm gương tốt và tôn cao Chúa hay không. Xin Chúa dẫn dắt em.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất